Giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng khoai tây - Khang Việt

Đăng lúc: , Cập nhật

Giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng khoai tây đã được nhà sách Khang Việt biên soạn và xuất bản.

Giải pháp kỹ thuật nâng cao năng suất và chất lượng khoai tây đã được nhà sách Khang Việt biên soạn và xuất bản.

Bón phân cân đối và hợp lý cho khoai tây

Phương pháp bón lót cho khoai tây

Cây khoai tây vừa được coi là cây lương thực lại vừa được coi là cây thực phẩm. Nhờ có giá trị dinh dưỡng cao, lại dễ trồng, thời gian sinh trưởng ngắn, có năng suất khá cao nên cần nhiều dinh dưỡng. Trung bình, 1 tấn củ khoai tây (kể cả lượng thân lá tương ứng) lấy đi 5,86kg N; 1,11kg P2O5; 8,92kg K2O và với năng suất 15 tấn/ha cây khoai tây đã lấy đi 88kg N, 17kg P2O5; 134kg K2O. Ngoài ra, khoai tây còn lấy 19kg CaO và 16kg MgO. Như vậy, để đảm bảo năng suất 15 tấn/ha với hệ số sử dụng phân bón trung bình (cho khoai tây) là 50% thì cần bón 382kg urê, 204kg supe lân và 448kg kali clorua.

Cũng như các cây có củ khác, khoai tây có nhu cầu kali rất lớn, trong đó tỷ lệ đạm thích hợp: kali cần được đảm bảo. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bón cân đối đạm kali cho khoai tây có thể làm tăng năng suất củ 47 - 102% với hiệu suất 1kg kali clorua là 64 – 88kg khoai.

Do hiệu lực của kali lớn như vậy cho nên những vùng còn thiếu phân kali nên tăng cường sử dụng các nguồn phân bón giàu kali để bổ sung như phân chuồng, rơm rạ và nhất là tro bếp.

Do khoai tây có thời gian sinh trưởng không dài, lại trồng vào vụ đông có nhiệt độ thấp, nên khả năng huy động dinh dưỡng từ đất và phân hữu cơ rất hạn chế, bởi vậy bón phân khoáng cho khoai tây là giải pháp bắt buộc. Tuy nhiên, phân chuồng cần được ủ hoai để vừa cung cấp cho khoai tây các chất dinh dưỡng cần thiết vừa có tác dụng cải thiện tính chất vật lý, chế độ không khí của đất.
Thời kỳ bón phân cho khoai tây rất quan trọng, nếu bón không đúng (bón muộn, không cân đối) có thể dẫn đến cây tốt lá mà ít củ, củ lại nhỏ. Thông thường phân chuồng, phân lân được bón lót toàn bộ. Phân đạm cần thiết bón sớm, tập trung và có thể bón lót 20% còn lại thúc 2 lần sau khi mọc 15 ngày và 30 ngày kết hợp vun gốc. Khi tính lượng phân bón cho khoai tây cần dựa vào độ phì nhiêu của đất và đảm bảo tỷ lệ N : P2O5: K2O là 1 : 0,5 : 1 – 1,25 với lượng bón 120kg N; 60kg P2O5; 120 150kg K2O/ha, tương đương 260kg urê, 360kg supe lân và 200 - 250kg kali clorua.
Bón phân cân đối và hợp lý cho khoai tây
Bón phân cân đối và hợp lý cho khoai tây

Phân vi sinh dùng cho khoai tây

Viện Cơ điện nông nghiệp và Công nghệ sau thu hoạch (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) sản xuất loại phân vi sinh Azotobacterin dùng cho cây khoai tây.

Phân bón vi sinh Azotobacterin chứa 109CFU/g vi khuẩn azotobacterin và chất mang, giúp tăng khả năng cố định N2 trong đất, tăng độ xốp của đất, tăng năng suất và kích thích sinh trưởng của cây trồng. Phân bón vi sinh Azotobacterin dùng thích hợp cho các cây ra màu, các cây có củ, tạo ra sản phẩm rau quả sạch.

Cách dùng:

Liều lượng: Bón kết hợp cho 1 sào Bắc bộ với: (500 1 - 800kg) phân chuồng + (20 - 25kg) phân lân + 5kg phân đạm + (10 – 12kg) kali + (1 - 1,5kg) phân vi sinh.

Cách bón: Bón lót toàn bộ phân chuồng, phân lân và 3kg phân kali. Bón thúc lần 1 sau khi cây cao từ 15 – 20cm: 2kg đạm + 3kg lân + 1/2 lượng phân vi sinh, hoà với 60 lít nước sạch tưới vào gốc cây; lần 2 bón sau lần 1 khoảng 15 – 20 ngày: 1/2 lượng phân vi sinh + 4kg kali + 3kg đạm, hoà với 60 lít nước sạch tưới gốc cây.

Trồng khoai tây trong mùa mưa trên luống phủ màng nhựa

Do đặc điểm của giống và yêu cầu ngoại cảnh khắt khe, khoai tây thường sinh trưởng tốt và cho năng suất cao trong điều kiện mùa khô. Mùa mưa trồng khoai tây theo phương pháp canh tác cổ truyền, công tác bảo vệ thực vật gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, trong những năm gần đây đã áp dụng kỹ thuật trồng khoai tây mùa mưa trên luống phủ màng nhựa plastic đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là một tiến bộ kỹ thuật mới đã và đang được áp dụng vào sản xuất đại trà.
Trồng khoai tây trên luống có phủ màng nhựa plastic được sử dụng trên thế giới rất lâu. Ở Việt Nam, công nghệ này được sử dụng rộng rãi từ năm 1998 trở lại đây, theo nhiều nghiên cứu trong và ngoài nước, trồng khoai tây bằng phương pháp trên đem lại thuận lợi sau:
  • Hạn chế bệnh hại
  • Hạn chế côn trùng gây hại
  • Hạn chế cỏ dại
  • Giữ độ ẩm cho đất và cấu trúc đất
  • Giữ phân bón
  • Tăng nhiệt độ đất và tăng khả năng quang hợp
  • Tăng giá trị thương phẩm của củ.
Bên cạnh những thuận lợi, trồng khoai tây trên luống phủ màng nhựa plastic gặp một số khó khăn nhất định như:
  • Đầu tư kinh phí cao
Màng phủ sau khi sử dụng, nếu không có biện pháp xử lý tốt như: đốt, chôn vùi... mà đem vứt bừa bãi lâu ngày sẽ gây ô nhiễm môi trường đất.

Vì vậy để việc áp dụng trồng khoai tây mùa mưa trên luống phủ màng nhựa plastic được tiến hành tốt cần tiến hành các bước sau:

Đất của vụ trước trồng rau sau khi thu hoạch, dọn dẹp vệ sinh đồng ruộng, cày sâu và lên luống vì canh tác trong mùa mưa luống phải cao 25 - 30cm, rãnh rộng 1,3m. Đất sau khi lên luống trộn đều với phân, cao bằng mặt, đập hai bên thành luống nén chặt. Lượng phân sử dụng bón lót cho 1000m² gồm toàn bộ lân (50 - 70kg), phân hữu cơ vi sinh (120-150kg) hoặc phân chuồng (1,5 - 2m³), K2SO (30kg), DAP (20kg), NPK (20:20:15) 15kg.
Trước khi dùng màng phủ, phun thuốc gốc đồng (Cu) trừ nấm bệnh lên mặt luống, liều lượng sử dụng như khuyến cáo.

Màng phủ dùng phủ luống khoai tây có chiều rộng 1,2m; phủ kín hai bên thành luống, mặt xám lên trên, màu đen xuống dưới. Trước khi tiến hành phủ, đất phải được tưới đẫm nước để phân hòa tan vào trong đất sau đó dùng màng phủ, phủ lên luống. Thao tác đẩy màng phủ là dùng cây tròn đường kính 4 – 5cm xỏ xuyên qua lõi cuộn màng phủ, dùng ghim cố định một đầu và hai người kéo màng phủ theo chiều dài luống. Để tránh màng phủ bị gió tốc, sử dụng ghim găm, ghim dùng sợi thép 2, cắt từng đoạn dài 20 – 25cm, sau đó bẻ cong hình chữ U. Trên mép luống khoảng 2m găm một chữ U có định màng phủ lại. Sau khi phủ khoảng 3 - 5 ngày, tiến hành đục lỗ trồng khoai tây. Đục lỗ màng phủ bằng 2 cách:

+ Cách 1: Sử dụng lon có đường kính 15cm, cắt hình răng cưa, đặt lon lên vị trí trồng đánh dấu sẵn, ấn lon xuống và xoay tròn.

+ Cách 2: Dùng lon có đường kính 15cm, đục các lỗ thông gió xung quanh lon, đốt than nóng đổ vào lon, sau đó tiến hành đục lỗ.

Sau khi lỗ đã đục xong, lấy tay moi lỗ đặt củ khoai tây xuống, lấp đất và tiến hành chăm sóc, tưới nước cho khoai tây. Trời nắng dùng vòi hoa sen tưới 1 ngày/lần, nếu gặp trời mưa thì không tưới. Khi cây khoai tây lên khỏi mặt đất 7 – 8cm, tiến hành bón thúc lần 1, dùng 5kg urê/1000m², rải quanh gốc. Bón thúc lần 2 được tiến hành khi cây ở giai đoạn (30 – 40NST), dùng lon có đường kính 6 – 7cm, cắt răng cưa miệng lon, giữa hai cây/hàng và giữa hai hàng/luống đục 1 lỗ, bón phân vào hố trên. Liều lượng: 10 – 15kg NPK (7:7:14)/1000m²

Ở giai đoạn 85 – 90 ngày sau khi trồng, khoai tây đã thuần thục, tiến hành thu hoạch, lấy dao hoặc liêm cắt ngang thân khoai tây, phần gốc chừa lại 7 – 10cm. Tiến hành xếp màng phủ trên luống lại để tiếp tục sử dụng phủ ở vụ tới. Xới đào củ lên thu hoạch.

Sản xuất giống khoai tây Đức 3810

Giống 3810 được Dự án khoai tây Việt Đức nhập khẩu tháng 12 năm 2002, tiến hành nhân giống vụ xuân 2003. Giống 3810 có đặc điểm cao cây, mắt củ sâu, ruột vàng trung bình, củ to và nhiều tiềm năng năng suất cao, chống chịu sâu bệnh tốt, năng suất có thể đạt 25 27 tấn/ha.

Chọn ruộng

Khu sản xuất tốt nhất nên liên vùng, liền thửa, mục đích giúp cho việc chăm sóc được tập trung, tránh lây bệnh. Tốt nhất là ruộng có luân canh với lúa nước. Chọn đất phù hợp cho sinh trưởng phát triển khoai tây, đất thịt nhẹ, pha cát, thành phần cơ giới trung bình, tầng canh tác dày, thuận tiện tưới tiêu.

Thời vụ

Vụ đông chính vụ: Từ 20/10 đến 25/11 (Dương lịch).

Vụ xuân: Từ 25/12 đến 5/1 (Dương lịch).

Làm đất, chuẩn bị giống

Đất phải được cày sâu bừa nhỏ, vơ sạch cỏ dại. Trong luống đơn hoặc luống kép, luống đơn rộng 60 - 70cm, cao 25cm; luống kép rộng 1,2m; cao 25cm.

Trước khi trồng, giống được kiểm tra lại, loại bỏ tất cả những củ thối và củ bị bệnh. Để tiết kiệm có thể bổ đôi củ giống khi trồng. Tùy theo từng củ giống để có thể bổ dọc hoặc ngang, nhưng phải đảm bảo mỗi phần củ giống có ít nhất một mầm (một mắt củ). Phải khử trùng dao sau mỗi lần cắt bằng nước xà phòng đặc để đảm bảo không lây lan virus từ củ bệnh sang củ khoẻ. Sau khi bổ củ mặt cắt được xoa ngay vào bột xi măng để tạo lớp bảo vệ cho hom giống, sau khoảng 24 giờ xi măng cứng là đem trồng được.

Cách trồng

Rạch hàng sâu trên mặt luống, trải hoàn toàn phân chuồng hoai mục và lân vào rãnh (hoặc có thể bỏ phân 2 bên phần củ giống) lấp lần lượt đất nhỏ.

Đặt củ giống vào hàng rạch, chú ý không để giống tiếp xúc với phân bón. Khoảng cách 20 – 22cm/củ, đảm bảo mật độ 5 – 6 khóm/m² (1.500 – 1.800 khóm/sào Bắc bộ).

Chú ý củ giống phải được lấp một lớp dày 5 – 7cm luôn đảm bảo đủ độ ẩm cho cây mọc nhanh.

Bón phân (cho một sào Bắc bộ)

Phân chuồng (hoai mục): 6 - 8 tạ; urê: 8 – 10kg; lân: 15-20kg; kali: 6 - 8kg.

Đối với củ giống không bổ, bón lót toàn bộ phân chuồng, lân và 1/2 lượng đạm, 1/2 lượng kali, sau đó bón thúc một lần khi cây mọc cao 14 – 20cm, với ½ lượng đạm và 1/2 lượng kali còn lại kết hợp với vun xới nhẹ.

Đối với củ giống bổ chỉ bón lót toàn bộ phân chuồng và lân.

* Bón thúc đợt 1: Cây mọc cao 14 - 20cm, với 1/2 lượng đạm và 1/2 lượng kali kết hợp vun nhẹ.

* Bón thúc đợt 2: Sau đợt 1 khoảng 10 - 15 ngày với 1/2 lượng đạm và 1/2 lượng kali còn lại, kết hợp vun cao luống để tia củ phát triển.

Chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh

Sau khi trồng 10 – 15 ngày, nếu đất đủ ẩm khoai sẽ mọc đều, nếu đất khô nên tưới rãnh nhẹ cho khoai mọc nhanh.

Vun xới 2 lần kết hợp với 2 lần bón thúc.

Tưới nước: Luôn đảm bảo độ ẩm 80% bằng cách tưới rãnh.

Phòng bệnh mốc sương: Khi có sương mù hoặc trời ẩm ướt nên phun Zineb 0,3%, hoặc Boocdo.

Loại bỏ tất cả cây bị bệnh, virus, héo xanh nếu có.

Thu hoạch

Khi thân lá đã ngả màu vàng, nên cắt thân lá.

Chọn ngày tạnh ráo tiến hành thu hoạch.
Sản xuất giống khoai tây Đức 3810
Sản xuất giống khoai tây Đức 3810

Kỹ thuật canh tác khoai tây POЗ

PO3 là giống khoai tây có thời gian sinh trưởng 90- 100 ngày với tiềm năng năng suất cao, kháng bệnh mốc sương tốt. Củ hình oval, da vàng, ruột vàng, chất lượng tốt, hàm lượng chất khô và tính bột cao, phù hợp với chế biến công nghiệp. Xin giới thiệu kỹ thuật trồng giống khoai tây này.

Làm đất

Chọn đất có cấu tạo nhẹ, dọn sạch cỏ, phay tơi xốp, sâu tối thiểu 25cm. Làm luống cao 10cm, rộng 1,3m (cả rãnh). Vào mùa khô nên làm luống thấp hơn rãnh để giữ nước tốt hơn. Xẻ rãnh trồng cách nhau 50cm và cách đều hai mép luống, rải phân vào rãnh, đảo đều với đất.

Phân bón (tính cho 1000m²)

Phân chuồng 4m³, lân vi sinh 25 – 30kg, vôi 100kg.

Phân hoá học: 33kg urê, 94kg supe lân và 42kg kali.

Cách bón:

+ Bón lót: Toàn bộ phân chuồng, vôi, lân vi sinh, lân super, 8kg urê và 10kg kali.
+ Bón thúc:

Lần 1: 7 10 ngày sau khi cây mọc, bón 10kg urê, 10kg kali, kết hợp xới gốc, làm cỏ.

• Lần 2: 15 – 20 ngày sau mọc, bón hết số phân còn lại, kết hợp làm cỏ, vun luống.

Trồng, chăm sóc

Chọn củ giống sạch bệnh (cỡ 30 – 50g/củ), mầm đều khoẻ, dài 1 – 1,5cm. Trồng hai hàng so le với khoảng cách cây 40cm (3.700 – 3.800 củ/1000m²). Trồng sâu 5 - 6cm, lấp kín củ bằng đất tơi xốp. Sau khi trồng tưới đẫm nước, sau đó cách 2-3 ngày tưới một lần để cây mọc nhanh, sinh trưởng tốt. Đảm bảo tưới đủ nước trong thời kỳ cây tạo củ.

Phòng trừ sâu bệnh

Phòng trừ sâu và ruồi đục lá:

+ Áp dụng các biện pháp phòng trừ tổng hợp (IPM) như vệ sinh đồng ruộng, hạn chế ký chủ xung quanh ruộng, dùng bẫy vàng, cắt bỏ lá bị nhiễm ruồi nặng, phun thuốc phòng trừ.

+ Thuốc hóa học (tính cho bình 8 lít): Polythrin (15ml), Supracide (30ml), Netoxin (15g), Trigard (10ml), Lannate (20g). Ruồi đen có khả năng quen thuốc nên cần luân phiên thay đổi thuốc. Không dùng một loại thuốc quá 3 lần trong một tháng.

- Phòng trừ bệnh nấm: Dùng Mancozeb (25g) phun phòng định kỳ 10 ngày/lần. Khi phát hiện bệnh cần luân phiên thay đổi với Curzate M8 (20g), Kocide (20g), Funguran (25g)...

- Phòng trừ héo rũ và bệnh vi khuẩn khác: Hiện chưa có thuốc đặc hiệu để trừ bệnh này nên tốt nhất là phòng bệnh với các biện pháp sau:

+ Luân canh: Chỉ nên trồng khoai tây 3 năm một lần trên cùng một ruộng và luân canh với cây trồng khác họ cà.

+ Xử lý đất: Dùng calcium hypochlorite 3kg/1000m² vãi đều, phay sâu 20cm, xúc luống và tưới đẫm để 2 – 3 ngày sau mới trồng. Có thể phun thêm Mocap (20ml/bình), Sicosin (30ml/bình) trên mặt luống, tưới thấm trước khi trồng.

+ Dùng củ giống sạch bệnh.

+ Khi thấy xuất hiện bệnh thì nên nhổ bỏ cây bệnh và rắc vôi vào gốc để tránh lây lan.

Thu hoạch

Cắt dọn thân lá 7 – 10 ngày trước khi thu hoạch. Hạn chế làm sây sát củ trong lúc thu hoạch, vận chuyển. Loại bỏ củ thối, sứt mẻ. Đóng gói bao bì theo yêu cầu khách hàng.

Nếu cần mẫu mã đẹp, ngay sau khi thu hoạch chọn củ đẹp, rửa sạch bằng nước máy (tránh gây vết trầy xước). Xử lý 2 phút trong dung dịch calcium hypochlorite 1% hoặc nước vôi 2% đã lọc trong. Rửa lại bằng nước sạch, hong thật khô vỏ trước khi đóng gói.
 
gọi Miễn Phí