Trong số các loài đậu đỗ có 2 loài thuộc dạng cây leo:
Đậu bở: Quả xánh, vỏ quả lồi lõm, hạt màu cà phê sữa. Cây leo, cao trên 2,5m. Quả ăn xanh, có vị bùi và bở nên gọi là đậu bở.
Đậu chạch: Cây leo. Quả xanh trơn giống như con chạch nên gọi là đậu chạch. Hạt trắng. Cây cao trên 2,5m. Quả dùng để ăn xanh.
Các loài đậu leo có 3 đặc điểm đáng chú ý:
• Chùm hoa thường mọc dài có 4-6 đôi trông giống như đôi đòn gánh. Có nghĩa là 1 chùm có 8-12 quả. Quả to dài, nhưng hạt nhỏ hơn hạt đậu lùn. Mỗi đốt cây có 1 chùm hoa. Chăm sóc tốt có thể đạt năng suất cao, nhưng hoa rất dễ rụng.
• Thân leo. Cây thường cao quá 2,5m. Cây leo cao càng ra nhiều hoa quả.
• Ăn ngon hơn các giống đậu khác cho nên có nhu cầu lớn trên thị trường.
Kỹ thuật gieo trồng
• Thời vụ. Có 2 vụ trồng chính.Vụ xuân gieo trong các tháng 1-3. Thu hoạch ở các tháng 4-5. Vụ thu gieo vào các tháng 9-10. Thu hoạch ở các tháng 11-12.
• Gieo trồng, chăm sóc.
Làm đất và bón lót như với đậu đũa, nhưng trồng với mật độ dày hơn. Đậu được gieo thành hàng trên luống. Các hàng cách nhau 60 cm. Trên hàng cây cách cây 12-15cm.
Gieo xong, phủ một lớp đất mỏng lên trên hạt, dày khoảng 1cm. Không nên tưới ngay sau khi gieo, vì vỏ hạt các loại đậu này rất mỏng, dễ bị nứt khi hút nước quá mạnh và nhanh nên làm hạt bị trẫm. Nếu đất khô để 2-3 ngày sau khi gieo tưới nhẹ. Lượng hạt giống gieo là 80-100 kg/ha.
Bộ lá đậu bở, đậu chạch rất lớn, phiến lá to và dày nên đòi hỏi độ ẩm đất cao, nhất là vào lúc cây ra hoa rộ. Lúc này có thể cho nước vào đầy rãnh rồi té nước lên mặt luống, sau đó rút nước ngay và để khô rãnh.
Khi cây đậu sắp có vòi tiến hành rạch 2 bên hàng đậu, 2 rãnh sâu 10-15cm. Bón phân thúc vào rãnh và lấp đất kín. Dùng phân lợn pha loãng theo tỷ lệ 1/3 (1 lượng phân 3 lượng nước) hay phân sunphát đạm pha loãng ở nồng độ 1-3% để bón thúc cho đậu. Bón thúc cần tiến hành nhiều lần, cứ sau 1-2 lần hái quả bón thúc 1 lần
Cây bắt đầu có vòi thì cắm dóc cho đậu leo như đối với đậu đũa. Cứ cách 2 gốc cắm 1 dóc cho đậu leo như đối với đậu đũa.
Kỹ thuật gieo trồng đậu cove leo
Phòng trừ sâu bệnh
Sâu bệnh hại đậu leo cũng tương tự như đậu vàng, đũa. Cần chú ý theo dõi và phòng trừ giòi đục gốc ở vụ xuân, đợt gieo vào tháng 3. Thực hiện tốt chế độ luân canh với các loại cây trồng khác để ngăn ngừa tác hại của giòi đục gốc.Thu hoạch và để giống
Ở vụ xuân, sau khi đậu mọc 45-60 ngày là bắt đầu thu hoạch. Ở vụ thu, cần đến 60-70 ngày trở lên mới có thể thu hoạch. Thu hoạch khi quả vừa đẫy, nổi rõ các khối u hạt và vò quả chuyển từ màu xanh đen sang xanh nhạt. Ngày hái 1 lần vàobuổi sáng. Năng suất có thể đạt 11-17 tấn/ha. Đậu để giống cần chọn những quả ra ở đoạn cách mặt đất từ 10 cm đến 20 cm. Chọn quả to, đầy sức, vỏ màu vàng, róc hạt khi thu hoạch. Phơi quả khô, bóc lấy hạt. Phơi hạt thật khô rồi cất giữ.