Những hiểu biết cần thiết nhất về trồng rau ở vườn gia đình - TS. Nguyễn Văn Hoan

Đăng lúc: , Cập nhật

Đối với những người mới bắt đầu trồng rau ở vườn gia đình chắc hẳn sẽ gặp nhiều khó khăn và bối rối khi chưa nắm rõ hết những điều cần thiết trong cách trồng rau. Tại bài viết này, TS. Nguyễn Văn Hoan sẽ đưa ra những hiểu biết quan trọng nhất, cần thiết nhất mà tất cả mọi người đều cần lưu ý để có thể trồng được một vườn rau dinh dưỡng cho gia đình

TS. Nguyễn Văn Hoan sẽ cung cấp cho chúng ta tất cả những hiểu biết cần thiết nhất trong quá trình trồng rau ở vườn rau gia đình

1. Ươm cây con

Rất nhiều loài rau được trồng từ hạt và phải qua giai đoạn ươm cây con như: rau dền, rau đay, rau cải, rau diếp, cà pháo, cà tím lâu niên, cà chua, bắp cải, su hào...

Chọn một mảnh đất trong vườn để ươm cây con, tốt nhất là đất pha cát hoặc thịt nhẹ. Nếu đất có thành phần cơ giới nặng thì cần lấy cát sống trộn thêm vào đất. Cũng có thể đóng các khay để làm nơi ươm cây con. Do vườn rau gia đình không lớn nên khoảnh đất chọn để ươm cây con chỉ khoảng
1 - 1,5m, còn khay ươm cũng chỉ cần kích thước: dài 1m; rộng 0,8m; sâu 5cm là vừa. Đất ươm cây con cần đập thật nhỏ, bón phân chuồng ủ mục hoặc phân bắc hoai, trộn đều trên bề mặt ở độ sâu 3cm, luống ươm cây con nên làm theo hình mai rùa để không bị đọng nước.
Ươm cây con
Ươm cây con

Gieo hạt thật đều. Các loại hạt nhỏ như rau cải, rau dền, rau đay cần trộn với cát khô theo tỷ lệ 1 hạt 10 cát sau đó mới gieo. Gieo thưa để cây con to mập, chất lượng cây con tốt hơn. Sau khi gieo hạt dùng rơm hoặc ra ủ thật kín, tưới nước đủ ẩm. Khi thấy hạt mọc đều thì bỏ phần ủ ra chăm sóc tiếp. Khi cây con có 1 lá thật pha phân đạm vào nước theo tỷ lệ: 50 gam đạm (1/2 lạng) vào 10 lít nước để tưới cho cây con, giúp cây lên nhanh hơn. Nếu có nước giải bón thúc cho cây con là tốt nhất, cần pha loãng nước giải với tỷ lệ 1 gáo nước giải 5 gáo nước thường để tưới. Khi nhổ cây đi trồng phải tưới nước thật đẫm, dùng đĩa đào từng phần để bảo toàn bộ rễ, sau đó đem đi trồng ngay.

2. Làm đất trồng

Đất trồng rau được cuốc sâu 15 - 20cm, đập nhỏ, vun luống, luống có thể rộng 1 - 1,2m, bón lót bằng phân chuồng mục hoặc phân bắc hoai, đất làm xong nên trồng ngay để đảm bảo đủ ẩm.
Làm đất trồng
Làm đất trồng

3. Trồng

Luống trồng rau chuẩn bị xong thì đưa cây con vào trồng. Tùy theo độ lớn của từng loài rau mà bố trí mật độ và khoảng cách khác nhau. Các loài rau như rau diếp, rau cải... bố trí trồng ở khoảng cách 20cm x 20cm. Các cây khác như rau dền dài ngày (thu hái nhiều lần), rau đay, cà pháo, bắp cải... trồng theo khoảng cách 40 - 45 cm x 20 25 cm. Dùng đĩa tạo ra một hố nhỏ, đưa cây vào, lấp kín qua rễ, ấn chặt. Sau khi trồng xong dùng ô doa hoặc gáo tưới nước thật đẫm vào gốc. Nên trồng vào chiều tối để đêm trời mát cây dễ hồi phục.
Trồng cây
Trồng cây

4. Chăm sóc 

Tất cả các loài rau ở gia đình đều cần được tưới thường xuyên nhất là các loài rau về mùa thu, mùa đông và mùa xuân. Nếu gia đình có ao thì tốt nhất là dùng nước ao để tưới cho rau, nếu không có ao thì dùng nước giếng. Xen kẽ giữa các đợt tưới nước thường là tưới nước có dinh dưỡng tốt như: nước giải, nước phân lợn. Khi tưới các loại nước này phải hòa loãng với 3 phần nước (1 gáo nước giải, 3 gáo nước thường) và tưới vào khoảng cách giữa hai cây rau, không tưới trực tiếp vào gốc mà tưới xung quanh (nhất là khi cây còn nhỏ) tránh tưới vào lá. Khi cây rau đã khép tán chỉ cần tưới nước. Với các loài rau thu hái nhiều lần thì cứ sau một đợt thu hái cần tưới nước có dinh dưỡng 1 lần. 
Chăm sóc cây trồng
Chăm sóc cây trồng

Đối với rau ăn cần tránh đến mức tối đa việc sử dụng thuốc trừ sâu bệnh. Phương pháp phòng chống sâu bệnh tốt nhất là dùng phân hữu cơ hoai mục để bón lót, tưới nước dinh dưỡng hữu cơ (nước giải, nước phân lợn), thường xuyên theo dõi có sâu là bắt ngay. Trường hợp đặc biệt phải sử dụng thuốc trừ sâu thì sử dụng các loại thuốc phận hủy nhanh ít độc với người, gia súc, gia cầm và ít nhất là 10 ngày sau khi phun thuốc mới thu hoạch rau để ǎn.

5. Tạo tán

Khác với rau trồng đại trà, rau trồng ở VRDDGĐ phần nhiều là các cây rau thu hái nhiều lần phù hợp với yêu cầu tự túc rau xanh. Những cây rau này rất cần được tạo tán để cho năng suất cao và kéo dài thời gian thu hoạch.

Ví dụ:
* Cây rau dền lá hến, cây húng chanh, tía tô, kinh giới, cây rau đay... Khi cây cao 12 - 15cm cần bấm ngọn để chúng ra cành. Mỗi cây cần có 4 - 6 cành cơ bản, các cành này được bấm ngọn tiếp để ra cành cấp 2. Chỉ bắt đầu thu hoạch khi số số cành cơ bản đạt khoảng 20 - 24 cành. Khi thu hoạch cũng cần để cành phát triển dài, thu phần non, nên để lại 2 - 3 lá (có 2 - 3 đốt) để chúng tiếp tục ra cành cho lần thu hái sau.

* Cây cà pháo, cà tím lưu niên: cây được 5 - 6 lá bấm ngọn cho ra cành cơ bản, cần có 4 - 6 cành cơ bản. Bấm ngọn tiếp lần 2 để tạo ra 12 - 18 cành cấp 2 sao cho cây có tán xuê, cành càng nhiều càng tốt.

* Cây rau muống, cây rau húng lủi, húng láng, ở đây cần tạo ra thật nhiều thân phát triển sát mặt đất, từ các thân này sẽ thu hoạch được nhiều thân nhỏ làm rau, các thân trên đóng vai trò như các cành ở các cây khác.

Cách làm: Trồng tương đối dày, lần hái đầu tiên cần để lại 3 - 4 lá để tạo ra các thân cơ bản phát triển từ các đốt sát mặt đất. Lần thu hái thứ 2 để lại 2 - 3 lá ở mỗi thân để tạo ra ngay số lượng mắt sinh trưởng lớn. Các lần thu hái sau có thể bấm sát mặt đất để số thân tăng lên từ từ và đạt đến tối đa sau lần thu thứ tư.

6. Để giống

Nhìn chung các loài rau trồng trong VRDDGĐ đều là những giống địa phương nên bà con ta cần chú ý để giống cho vụ trồng sau. Có thể kết hợp giữa trồng rau ăn và để giống bằng cách chọn cây tốt nhất lấy hạt hoặc lấy thân cành để trồng sang vụ sau. Khi để giống rau cho vụ sau cần chú ý một số vấn đề then chốt là:

a) Các cây rau để giống bằng thân ngầm

(rau húng lủi, rau húng láng...), bằng củ (dọc mùng, khoai lang...), bằng thân (rau muống, rau ngót, rau rút, mùng tơi thân gỗ, sắn...) thì ít bị thoái hóa, chỉ cần chọn các cây tốt trong vườn, không bị sâu bệnh để làm giống cho năm sau.

b) Các cây lấy hạt làm giống thuộc nhóm cây tự thụ phấn ít bị thoái hóa hơn so với nhóm cây thụ phấn chéo.

* Các cây tự thụ phấn: Đậu đũa, đậu rồng, đậu ván, cây kinh giới, cây tía tô, cây mùi tầu, cà pháo, cà tím lâu niên, cà chua... ở các cây này có thể để lại một vài cây lấy hạt hoặc chọn lấy quả tốt nhất để lại làm giống.
cây lấy hạt làm giống
Cây lấy hạt làm giống

c) Các cây thụ phấn chéo

Bầu, mướp, bí xanh; bí ngô, đu đủ, củ cải, lú bú, rau cải các loại, cải cúc, rau dền... Ở các cây này nếu để lại 1 cây thì thu được rất ít hạt, giống rất dễ bị thoái hóa. Khi để giống ở nhóm cây này cần để lại ít nhất là 4 cây tốt nhất cùng giống trồng sát nhau hoặc chọn hoa đực của hai cây tốt nhất của cùng một giống để thụ phấn cho nhau. Hạt thu được từ các cây trên được dùng làm giống mới giữ được chất lượng rau của vụ sau.

 
gọi Miễn Phí