Các gia đình ở nông thôn cũng như ở các thành thị có thể tổ chức rau quanh nơi ở để có rau tươi ăn, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hợp khẩu vị thị hiếu và chủ động mỗi khi cần đến. Nếu kết hợp tốt việc chế biến gia đình thì có thể đáp ứng phần lớn nhu cầu rau của gia đình quanh năm với rau ngon rẻ, thuận tiện.
Chọn loại rau
Do diện tích đất ít, thường bị cớm, thiếu ánh nắng, nên cần chọn ra các loại rau phù hợp với điều kiện cụ thể của mỗi gia đình. Một số tiêu chí để lựa chọn loại rau cho vườn rau gia đình như sau:Chọn chủ yếu các loại rau ngắn ngày kết hợp với một số loại rau lưu niên để có thể thu hái liên tục, mùa nào thức ấy, đảm bảo rau tươi, rau ăn sống quanh năm.
- Chọn các loại rau thị trường ít bán hoặc với khối lượng rất ít và thường là phẩm chất không thật tốt.
- Chọn các loại rau chịu rợp, cớm bóng, phát triển tốt trong điều kiện ánh sáng yếu để tận dụng các khoảng trống quanh nhà, trên các hàng hiên. Đặc biệt đối với các gia đình sống trong các khu chung cư nhà cao tầng cần chú ý đến tiêu chí này.
Chọn các loại rau có năng suất cao, nhiều chất dinh dưỡng, thu hoạch kéo dài, ít diện tích, dễ chăm bón, không có đòi hỏi nghiêm khắc trong chế độ luân canh, dễ trồng xen, trồng gối, có thể kết hợp làm hàng rào vườn, mái che sân v.v...
- Chọn các loại rau ít bị sâu bệnh gây hại. Chọn các loại giống rau có đặc tính chống chịu sâu bệnh cao.
Từ những tiêu chí trên đây, xin nêu gợi ý về các loại rau
trồng trong vườn gia đình như sau: - Rau gia vị: Ớt, tỏi, hành, mùi, kinh giới, húng, tía tô v.v...
- Rau ăn lá: Mồng tơi, cải canh, rau đay, rau ngót, rau muống, su hào, cải bắp v.v...
- Rau ăn quả: Đậu cô ve, đậu đũa, đậu bạch biến, đu đủ, cà tím dài, cà pháo, mướp.
Trong những loại rau ăn quả, cần trồng một số cây lưu niên như đu đủ, ớt (3-5 năm), rau ngót, cà tím, cà tím dài, cà pháo (2 năm), đậu bạch biến, đậu kiếm, đậu khế v.v... (nhiều năm).
Rau ăn quả
Tận dụng không gian và chăm sóc
Trong vườn gia đình, nhất là ở các gia đình thành phố, diện tích đất thường không có nhiều, cho nên cần sử dụng hết sức hợp lý và tiết kiệm diện tích có được.- Hàng rào vườn: Trồng rau ngót, mồng tơi leo vừa tạo hàng rào xanh, vừa có rau ăn.
- Đất trồng, sân nhà, hồ ao: Trồng cây leo lên giàn như mướp, bí xanh, đậu bạch biến, đậu khế, mướp đắng, bầu, bí xanh v.v...
- Chỗ râm mát, dưới bóng cây: Trồng lá lốt, một số gia vị... Vườn rau gia đình thường ở cạnh nhà, rất có điều thuận lợi cho việc chăm sóc rau trong vườn, đồng thời cũng có những hạn chế mà người làm vườn cần chú ý tránh hoặc có ý thức khắc phục mới đảm bảo cho vườn thu được kết quả như mong muốn:
• Ở một khu dân cư, nhiều gia đình trồng rau, mỗi gia đình trồng một cơ cấu các loài rau khác nhau, thời vụ khác nhau, trên đất luôn có rau tồn tại và phát triển. Vì vậy, sâu bệnh, chuột luôn có thức ăn để phát triển và gây hại. Trong khi đó những người trồng rau, người phòng trừ trước, kẻ làm sau cho nên khó ngăn chặn được sự lan truyền và gây hại của sâu bệnh.
Vì vậy, giữa các gia đình trong một khu dân cư cần có quy ước thống nhất với nhau về công tác phòng trừ sâu bệnh, chuột để phối hợp các hoạt động phòng trừ có hiệu quả. Ngoài ra, cần thường xuyên kiểm tra vườn rau, phát hiện sự xuất hiện của sâu bệnh cũng như tình hình diễn biến của chúng và thông báo kịp thời cho các gia đình ở gần nhau.
• Bón cho rau trong vườn gia đình tốt nhất là dồn phân chuồng, phân bắc bón lót sâu trước khi trồng. Sau đó bón thúc bằng nước giải và một ít phân đạm hoá học hoà vào nước tưới hoặc bón vào gốc. Thường xuyên tận dụng lá xanh, lá rau, cỏ tươi băm nhỏ, ủ ngâm vào bể xây gạch hay thùng phi chôn ngầm ở góc vườn để làm phân hoà với nước tưới cho rau.
• Vườn gia đình thường ít khi bằng phẳng. Trong khi đó các loại rau rất sợ ủng cũng như sợ hạn. Vì vậy, trong quá trình tưới cần chú ý tránh tạo ra tình trạng nơi bị ngập úng, nơi lại khô hạn. Sau mỗi trận mưa cần làm sao thoát nước nhanh ra khỏi vườn. Chú ý khi thoát nước không làm úng ngập của vườn rau gia đình bên cạnh.
Tận dụng không gian và chăm sóc
Thu hoạch và sử dụng rau từ vườn gia đình
Đặc điểm trồng rau ở vườn gia đình là thu hoạch nhiều lần, đều đặn và thu hoạch ở đâu có thể trồng tiếp ngay rau vào nơi đã thu hoạch. Vì vậy, các gia đình cần có dự trữ nguồn hạt giống vàcây con để gieo và trồng bổ sung. Sản xuất sau ở vườn gia đình chủ yếu là để lấy rau ăn cho gia đình. Nhưng ở mỗi vườn gia đình không thể có đủ các chủng loại rau cần thiết có thể đủ đáp ứng cho nhu cầu của gia đình. Do đó có thể có loại thừa và có loại thiếu. Vì vậy, thường các gia đình có trao đổi rau cho nhau và một phần rau không dùng hết được chế biến, dự trữ ăn dần. Mỗi gia đình cần có các giàn nhiều tầng chắc chắn để cất trữ khoai tây, bí, khoai sọ v.v... Cần có một số vại lọ để muối dưa, cà, hành, kiệu, làm tương ớt, cà chua. Một số rau trồng trong vườn gia đình còn được sử dụng làm thức ăn cho gia súc trong chăn nuôi.
Trồng rau trong các gia đình đô thị
Nhiều gia đình ở các đô thị đã phát triển trồng rau trên ban công trong hành lang, dưới mái hiên và trên sân thượng. Trồng rau trong các gia đình nhà nhiều tầng có nhiều lợi ích vừa có rau ăn, vừa làm dịu mất môi trường sống, vừa tạo thêm điều kiện cho con người tiếp xúc với thiên nhiên.Ở nhiều nước trên thế giới, để tạo điều kiện thuận tiện cho các gia đình đô thị trồng rau, người ta đã bán các loại đất bột, phân bón tổng hợp, hạt giống, thuốc phòng trừ sâu bệnh, trừ cỏ dại, các loại chậu, cọc cho cây leo, dây buộc bằng chất dẻo v.v...
Ở các gia đình đô thị rau thường được trồng trong các chậu, các khay, các thùng, bằng gỗ hoặc bằng chất dẻo tổng hợp. Gần đây, một số nơi đã tiến hành trồng rau trong dung dịch và được gọi là phương pháp thủy canh. Để tạo điều kiện phát triển phương thức thuỷ canh trong các gia đình, người ta đã bán các khay, thùng, các giá đỡ cây và các chai dung dịch chất dinh dưỡng pha sẵn cho các gia đình.
Trồng rau ở các gia đình đô thị có những nét riêng, có khác ít nhiều so với trồng rau trong các vườn gia đình. Có một số điểm cần chú ý như sau:
- Về đất trồng có thể lấy bùn cống, bùn ao, đất quét sàn, phù sa sông v.v... cho vào các thùng gỗ, thùng phuy, chậu vại... hoặc cho vào các rổ, giành có lót nilon rồi đem đặt ở ban công. hành lang, trên tầng thượng, trên bậu cửa sổ nơi có ánh nắng mặt trời chiếu đến. Có thể làm lồng sắt đưa ra ngoài khoảng trống để lấy ánh nắng hoặc cho cây leo.
Về các loại rau: Nếu có thùng, vại đổ được lớp đất dày 0,60 m đến 1,0 m thì nên trồng cây dài ngày. Mỗi thúng trồng 1-2 gốc. Các loại rau này có thể cho thu hoạch thường xuyên như cà chua, ớt, mướp, cà tím dài.
Đối với các chậu rộng, chỉ đổ được lớp đất mỏng 20-40 cm, nên trồng các loại rau rễ ăn nông, ngắn ngày như rau cải, rau gia vị, đậu cô ve, cà rốt, xà lách.
- Để chăm bón rau có thể tận dụng nước rửa mặt, nước vo gạo. Rắc đất đèn, dầu hoả quanh chậu, thùng để phòng kiến. Dùng vải màn làm thành vợt để bắt ong, bướm, côn trùng gây hai.
Dùng các nguyên tố vi lượng để điều tiết quá trình ra hoa, kết quả của cây rau như hàn the (có nguyên tố Bo) thuốc tím (có nguyên tố mangan) phèn xanh (có nguyên tố đồng)... hoặc dùng các chất kích thích sinh trưởng thực vật để chóng có quả, rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây rau.
Trồng rau trong các gia đình đô thị