Kỹ thuật trồng cây ớt - Giáo sư Đường Hồng Dật

Đăng lúc: , Cập nhật

Kỹ thuật trồng cây ớt đã được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Kỹ thuật trồng cây ớt đã được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Đặc điểm sinh học

Cây ớt có nguồn gốc từ Nam Mỹ, được thuần hoá, rồi lan sang châu Âu, Ấn Độ cách đây hơn 500 năm.
Có 2 nhóm phổ biến là ớt cay và ớt ngọt.
Ớt ngọt còn gọi là ớt rau được trồng nhiều ở châu Âu, châu Mỹ và một vài nước ở châu Á, và được sử dụng như một loại rau xanh hoặc chế biến đồ hộp. Ớt ngọt mới được đưa vào trồng ở nước ta trong những năm gần đây.
Ớt cay được trồng phổ biến ở Ấn Độ, Châu Phi và các nước nhiệt đới khác. Ở nước ta ớt cay được trồng phổ biến từ Bắc chí Nam, một số nơi còn gặp ớt dại mọc trong rừng. Ớt cay được sử dụng làm gia vị. Ớt cay là cây trồng có giá trị kinh tế.
Ớt là cây 1 năm. Nhiệt độ cho sinh trưởng và phát triển thích hợp của ớt là 25-28°C vào ban ngày và 18-20°C vào ban đêm. Ở nhiệt độ 18°C hạt nảy mầm sau 10-12 ngày, nhưng cây phát triển rất chậm. Ở nhiệt độ trên 32°C cây cũng sinh trưởng kém, hoa bị rụng nhiều nếu tỷ lệ đậu quả thấp. Ớt cần nhiều ánh sáng cho sinh trưởng và phát triển. Thiếu ánh sáng nhất là vào thời điểm ra hoa, cây sẽ bị giảm tỷ lệ đậu quả. Ớt chịu được hạn. Tuy vậy, ở thời kỳ ra hoa và đậu quả, độ ẩm đất và không khí đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành khối lượng và chất lượng quả. Độ ẩm đất thấp (dưới 70%) quả hay bị cong và vỏ quả không mịn. Tuy vậy, ớt không chịu được úng. Độ ẩm đất quá cao (trên 80%) làm cho bộ rễ phát triển kém, cây còi cọc.

Kỹ thuật trồng trọt ớt cay (Capsicum annum L.)

Giống ớt cay.

Có rất nhiều giống ớt được trồng hoặc mọc tự nhiên ở nước ta. Các giống được trồng phổ biến nhất hiện nay là:
Ớt sừng bò là giống ớt được trồng nhiều ở đồng bằng và trung du Bắc bộ. Giống có thời gian sinh trưởng ngắn, 110-115 ngày tuỳ thuộc vào thời vụ trồng. Quả dài 10-12 cm, đường kính quả 1,0-1,5 cm, màu đỏ tươi. Thời gian thu hái quả 35-40 ngày. Năng suất thường đạt là 8-12 tấn quả/ha. Tỷ lệ chất kho 21- 22%. Nếu trồng từng cây trong vườn, cây có thể sống 2-3 năm.
Ớt chìa vôi là giống được trồng phổ biến ở các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế và duyên hải Nam Trung bộ. Giống này có thời gian sinh trưởng ngắn 115-120 ngày. Cây cao khoảng 40-45 cm. Trên cây có 4-5 cành. Mỗi cây có 40-45 quả. Năng suất trung bình là 9,7-12,5 tấn quả/ha. Tỷ lệ chất khô 18%.
Cả 2 giống ớt trên có số lượng quả nhiều, quả to (trên 10 g/quả), màu quả đẹp. Nhưng thường dễ bị bệnh thán thư, bệnh virút và nhện trắng gây hại.
- Giống 01 là giống được chọn lọc từ giống ớt Xiêm quả nhỏ, quả chỉ thiên. Năng suất trung bình 7-10 tấn/ha. Tỷ lệ chất khô cao, trên 25%. Bột khô giữ được màu đỏ vỏ quả.
Ngoài ra còn có rất nhiều loài, dạng ớt ở các địa phương khắp các miền đất nước và một số giống ớt nhập nội từ các nước Lào, Bungari, Hungari được thuần hoá và có thể trồng để xuất khẩu tươi hoặc nghiền bột.

Kỹ thuật trồng ớt cay

- Thời vụ. Ớt được gieo vài 2 thời vụ chính:
Vụ Đông Xuân: gieo hạt tháng 10-12. Trồng tháng 1-2. Thu hoạch từ tháng 4-5 đến các tháng 6-7.
Vụ hè thu: Gieo hạt vào các tháng 6-7. Trồng trong tháng 8-9. Thu hoạch vào các tháng 1-2.
Ngoài ra, ở các vùng đất bãi ven sông hoặc ở các chân đất trống không gieo trồng các loại cây khác, có thể gieo ớt xuân hè. Gieo hạt vào các tháng 2-3. Trồng trong các tháng 3-4. Thu hoạch vào các tháng 7-8.
- Cây ớt con trong vườn ươm. Đất vườn ươm cây ớt con làm kỹ như đất trồng cà chua. Mật độ hạt giống gieo là 0,5-0,6 g/m². Tính ra cần 100-120 m² vườn ươm để đủ cây trồng cho I ha (khoảng 42.000 cây/ha). Lượng hạt giống cần cho 1 ha cây là 600g.
Trong vụ Đông Xuân và vụ Xuân - Hè, vào lúc gieo hạt nhiệt độ không khí và nhiệt độ đất còn tương đối thấp (dưới 20°C) cho nên hạt ớt cần được ủ cho nứt nanh mới gieo.
Trong vườn ươm ớt, không bón phân hoá học cho cây con. Sau khi cây mọc 3-5 ngày, tưới cho cây con bằng nước phân chuồng pha loãng. Cứ 2 ngày tưới 1 lần. Khi có gió rét hoặc đường muối cần che đậy cho ớt con trong vườn ươm.
- Làm đất trồng ớt, bón phân. Đất thích hợp để trồng ớt là đất thịt nhẹ hoặc cát pha, dễ thoát nước. Đất cần được cày bừa kỹ. Sau đó lên luống rộng 1 m, cao 30 cm, rãnh rộng 20 cm.
Mỗi luống trồng 2 hàng ớt. Khoảng cách giữa các hàng là 60 cm. Khoảng cách giữa các cây là 40-50 cm.
TKỹ thuật trồng ớt cay
Kỹ thuật trồng ớt cay
Lượng phân bón cho ớt tính cho 1 ha như sau:
• Phân chuồng, tốt nhất là phân gia cầm: 18-20 tấn/ha
• Phân lân: 400 kg/ha supe phosphat
• Phân đạm: 280 kg urê.
• Phân kali: 280-420 kg/ha kali sunphát.
Nếu đất có pH dưới 5,5 có thể bón thêm 800-1.000 kg vôi bột/ha. Toàn bộ phân chuồng, vôi bột, phân lân và 1/2 lượng phân đạm và phân kali dùng để bón lót, bón trực tiếp vào hốc. Phân được đảo kỹ với đất, lấp nhẹ với 1 lớp đất mỏng, sau đó đặt cây nhỏ từ vườn ươm lên. Cây ớt con đem trồng phải có 4-5 lá thật, cao 15-20 cm. Thường là sau khi mọc khoảng 40-50 ngày.
Số phân đạm và phân kali còn lại dùng để bón thúc kết hợp với xới xáo đất và vun gốc cho cây.
Sau khi trồng tưới nước đủ ẩm cho cây và giữ độ ẩm trong suốt thời gian sinh trưởng của cây.
Bón thúc 3 lần: lần đầu vào lúc cây hồi xanh, lần thứ 2 trước lúc cây ra hoa, lần thứ 3 vào lúc thu hoạch quả lứa đầu. Dùng phân đạm pha loãng để tưới cho cây. Một phần lượng phân đạm và lượng phân kali còn lại sau khi bón lót dùng để bón thúc kết hợp với xới xáo đất vun gốc 2 lần: lần đầu sau khi trồng 20-25 ngày và lần thứ 2 sau lần thứ nhất 20 ngày.
Thường xuyên tiến hành loại bỏ lá già, lá bị bệnh dưới gốc và tỉa cành trước lúc ra hoa. Mỗi cây chỉ để 3-4 cành.
- Phòng trừ sâu bệnh: Ớt thường hay bị các loại sâu bệnh sau đây gây hại:
• Bệnh thán thư (do nấm Colletotrichum nigrum El. et St. và nấm Colletotrichum capsici, But.et Bis). Các loài nấm này thường gây thối quả hàng loạt. Ở tất cả các vùng trồng ớt tập trung đều bị bệnh này gây hại nặng.
Bệnh thường xuất hiện vào lúc quả chín rộ vào thời gian có nhiệt độ không khí cao (30°C), mưa nhiều. Năm bệnh thường tồn tại từ vụ này sang vụ khác trên tàn dư cây trồng.
Phòng trừ:
+ Thực hiện luân canh nghiêm ngặt: không trồng ớt liên tục vụ này qua vụ khác trên cùng một đám đất hoặc trồng ớt sau khi trồng các loại cây họ Cà (cà chua, cà, khoai tây v.v...).
+ Thường xuyên làm vệ sinh đồng ruộng. Thu dọn sạch tàn dư cây ớt sau mỗi vụ thu hoạch.
+ Không trồng ớt quá dày. Tạo điều kiện thông thoáng trong ruộng ớt.
+ Thường xuyên kiểm tra bệnh trên ruộng. Kịp thời hái bỏ các quả bị bệnh và đưa ra xa khỏi ruộng.
+ Xử lý hạt ớt trước khi gieo để trừ nấm tồn tại trên hạt.
+ Khi bệnh xuất hiện nặng và có nguy cơ lây lan phát triển mạnh, cần phun thuốc trừ bệnh. Dùng các loại thuốc chứa đồng và kẽm. Liều lượng sử dụng theo hướng dẫn trên bao bì.
• Bệnh mốc sương (do nấm Phytophthora infestans Mont. Nấm có thể gây bệnh ở tất cả các bộ phận trên cây. Ban đầu bệnh thường xuất hiện trên lá, sau đó lan nhanh khắp toàn cây, gây thối nhũn. Gặp thời tiết năng cây bệnh chuyển thành khô giòn và gẫy. Hoa bị bệnh chuyển thành màu nâu và rụng.
Bệnh thường xuất hiện khi ban đêm có nhiều sương.
- Phòng trừ: Tương tự như đối với bệnh thán thư.
• Bệnh héo rũ (do nấm Fusarium oxysporum f. lycopersici). Bệnh xuất hiện chủ yếu ở giai đoạn cây con rồi phát triển cho đến khi cây ra hoa.
Nấm gây bệnh phát triển trong các bó mạch dẫn làm tắc các ống dẫn, cây bị thiếu nước, héo rũ rồi chết.
Phòng trừ:
+ Chỉ trong đảm bảo đất tơi xốp.
+ Cung cấp đủ nước cho cây.
+ Khi chăm sóc vun xới tránh không làm ảnh hưởng đến bộ rễ, tránh gây thương tích cho rễ và gốc cây.
+ Kiểm tra ruộng thường xuyên, khi phát hiện thấy cây bị bệnh nhổ bỏ cả cây, đưa cây bệnh ra xa khỏi ruộng ớt và rắc vôi bột vào hốc cây bị nhổ.
+ Vệ sinh ruộng. Thu nhật kết tàn dư cây ớt.
+ Bệnh xuất hiện và có nguy cơ lây lan mạnh có thể dùng thuốc Kasuran hoặc Fudazol. Liều lượng và cách dùng theo hướng dẫu trên bao bì.
• Nhện trắng (nhện Poliphago tarsonemus Latus.). Triệu chứng gây hại của nhện là xoăn ngọn, xoăn lá.
Phòng trừ bằng cách phun thuốc khi nhện xuất hiện trên ruộng ớt. Có thể dùng các loại thuốc: Padan 95 SP hoặc Applaud, phun theo nồng độ và liều lượng hướng dẫn trên bao bì.
• Rệp muội (Aphis sp.) Thường xuất hiện và gây hại vào cuối tháng 5 đầu tháng 4. Rệp thường ẩn nấp ở mặt sau của lá.
Phòng trừ:
+ Cần phát hiện sớm và tiến hành diệt bằng tay.
+ Khi rệp xuất hiện nhiều, dùng thuốc Bi - 58 để trừ.
Thu hoạch: Sau khi trồng khoảng 2 tháng thì cây ớt ra hoa. Đến tháng thứ 3 thì thu hoạch đợt quả đầu tiên. Ớt cay có thời gian ra hoa và tạo quả dài nên thời gian thu hoạch cũng khá dài.
Trên cây ớt có nhiều lứa hoa, nhiều lứa quả. Có quả đang chín, có quả già, có quả còn non. Những quả chín nên thu hái ngay. Hái cả cuống, nhưng tránh làm ảnh hưởng đến các chùm hoa và quả non. Cứ cách 3 ngày hái 1 lần. Nếu không bị sâu bệnh phá hại, được chăm sóc tốt, cây khoẻ có thể thu hái liên tiếp trên chục đợt và kéo dài đến 2 tháng.
Nếu quả ớt đem nghiền bột thì sau khi hái phải đem phơi ngay. Khi gặp mưa kéo dài, cần phải sấy ớt để không bị mốc làm giảm phẩm chất quả và bột ớt.
Năng suất ớt đạt bình quân 8-12 tấn quả tươi/ha.
Xay thành bột khô đạt 1,2-1,5 tấn khô. Tỷ lệ tươi/khô là 6/1.

Kỹ thuật trồng ớt ngọt (Capsicum longum (grossum) L.)

Ớt ngọt quả to hơn hẳn ớt cay. Quả ớt ngọt có nhiều dạng: tròn dẹt như quả cà chua, tròn dài như quả cà tím, tròn bầu như quả lê, dài thon như dạng sừng bò...
Vỏ quả dày 1-5 mm tuỳ thuộc vào giống. Ruột rỗng. Có những giống ớt ngọt quả dài 20-22 cm, đường kính 8-9 cm, vỏ dày 5 mm.
- Thời vụ: Ớt ngọt trồng vụ Đông Xuân dễ hơn trồng vụ Xuân - Hè, bởi vì nhiệt độ thích hợp đối với loại ớt này là trên dưới 20°C. Ở vụ trồng mùa hè, quả rất dễ bị bệnh thối nhũn, bệnh rám quả.
Ớt ngọt rất nhạy cảm với hạn. Thiếu nước, rất dễ bị rụng hoa, rụng quả. Loại ớt này ưa đất ẩm nhưng không khí khô.
Vụ Đông - Xuân, gieo hạt vào tháng 9. Trồng cây con trong các tháng 10-11. Thu hoạch quả vào các tháng 1-2. Thời gian sinh trưởng của cây là 120-140 ngày. Vụ Hè Thu gieo hạt vào tháng 6-7, trồng cây con vào các tháng 8-9.
- Đất trồng: Ớt ngọt ưa đất cát pha, đất thịt nhẹ. Có thể trồng trong vụ Đông trên đất 2 vụ lúa. Ớt trồng thuần trên các luống cách nhau 60 cm. Cây cách cây 20 cm. Ớt ngọt không nên trồng liên tục nhiều vụ trên một ruộng mà cần được luân canh. Tránh không trồng sau các vụ khoai tây, cà chua. Nếu trồng thuần, đất được để ải khoảng 10-15 ngày thì tốt. Đất sau khi cày bừa kỹ cần được lên luống để trồng.
Cần bón đủ phân lót. Phân gà rất hợp với cây ớt. Lượng phân bón lót tương tự như bón cho ớt cay.
Đào hốc trên luống để trồng, các hốc cách nhau 20 cm. Nếu trồng xen vào các loại cây trồng khác thì các hốc cách nhau 50 cm và để cây con cao 10-15 cm, bón phân ngay vào hốc rồi trồng cây con vào.
- Chăm sóc: Tưới nước đủ ẩm cho cây sau khi trồng và tưới giữ độ ẩm cho cây trong suốt thời gian sinh trưởng.
Bón thúc 3 lần bằng phân chuồng ủ mục pha loãng với nước. Bón lần 1 vào bén chân, lần 2 vào lúc ra hoa, lần 3 vào lúc thu hoạch quả lần đầu.
Tiến hành tỉa cành, chỉ để lại trên mỗi cây ớt 3-4 cành.
- Phòng trừ sâu bệnh: Sâu bệnh hại ớt ngọt cũng tương tự như ớt cay.
Cần thường xuyên thăm đồng, kiểm tra tình hình phát sinh và gây hại của các loài sâu bệnh. Đặc biệt chú ý sâu khoang gây hại lúc cây đang ra quả.
Các biện pháp phòng trừ sâu bệnh tiến hành như đối với ớt cay.
Kỹ thuật trồng ớt ngọt
Kỹ thuật trồng ớt ngọt
- Thu hoạch để giống, gieo ươm cây giống. Ớt ngọt cũng có nhiều lứa hoa như ớt cay. Trên cây vừa có quả chín, quả xanh vừa có hoa. Thu hái quả đã chín cùng với cuống, không hái quả xanh. Hái đến đâu, thì tãi quả ra nơi thoáng gió một đêm cho quả chín đều. Cần tiêu thụ ngay, không nên bảo quản quả tươi trong thời gian dài. Muốn bảo quản lâu thì quả cần được phơi khô.
Cách để giống và lấy hạt như đối với ớt cay.
Khi gieo giống, hạt được ngâm nước 2 ngày đêm. Vớt ra trộn với mùn, bọc vào vải ủ 3-4 ngày cho hạt mọc mầm.
Sau khi gieo hạt, phủ một lớp đất bột mỏng và một lớp trấu lên trên. Tưới nước giữ ẩm. Sau khi cây mọc (khoảng 8-10 ngày sau khi gieo) pha loãng nước giải 30% tưới 2 ngày 1 lần. Khi có
giá rét, sương muối cần che cho ớt con.
 
gọi Miễn Phí