Sâu bệnh và cách phòng trừ cho cây hoa Hồng - Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương

Đăng lúc: , Cập nhật

Hoa Hồng cũng là loài cây yếu ớt, hơn nữa là hoa Hồng thường được trồng làm cây kiểng nên phải bảo vệ cho lúc nào cành lá cũng xanh tươi, hoa nở phải thắm sắc thì mới có giá trị.

Hãy cùng tham khảo cách phòng trừ sâu bện cho cây hoa Hồng của Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương nhé.

Người mình có câu “Phòng bệnh hơn chữa bệnh”. Câu Tục ngữ này vừa dùng cho người, vừa dùng cho các loài động và thực vật khác.

Ở đời có bệnh mới chữa bệnh là việc tất nhiên nhưng đó không phải là một điều hay, vì vừa đau đớn, lại vừa tốn tiền thang thuốc. Có khi gặp bệnh nặng còn phải vong thân.

Những điều phiền lụy trên sẽ không đến nếu ta biết phòng bệnh cho mình. Đó là cách biết lo xa.

Bây giờ trở lại cây phòng bệnh cho cây hoa Hồng: trước khi trồng ta phải lo cải tạo đất cho chu tất : cày bừa cuốc xới, xịt thuốc sát trùng để trừ tuyệt các thứ bệnh hại sống trong đất. Cây giống thì chọn giống có tính kháng bệnh cao. Khi trồng phải lo phân tro đầy đủ, tưới nước đều để giúp cây sinh trưởng tốt. Khi cây sống khỏe thì sức đề kháng sẽ cao, lấn lướt được nhiều bệnh. Dù trồng nhiều hay ít cũng nên xịt thuốc trừ sâu rầy theo đúng định kì...

Làm như vậy là ta đã lo rào trước đón sau thì dù tật bệnh có kéo đến cũng khó lòng quật ngã vườn Hồng ta được.

Hoa Hồng là cây yếu ớt, mặt khác, đây là cây kiểng nên phải bảo vệ cho lúc nào cành lá cũng xanh tươi, hoa nở phải thắm sắc thì mới có giá trị. Nếu cây vàng lá, hoặc có đốm lá; cành thì phấn trắng bám đầy; hoa thì sâu dục lỗ chỗ thì còn gì giá trị thẩm mĩ nữa.

Vì vậy, với cây Hồng cũng như các loại hoa kiểng khác, phòng bệnh bao giờ cũng hơn chữa bệnh. Với cây hoa Hồng, phòng bệnh còn có ý nghĩa ngày nào ta cũng phải để ý quan sát từng cây xem nó có bị bệnh gì không để còn kịp thời tìm cách cứu chữa. Cây nào bị bệnh chữa ngay cây ấy. Liếp nào bị bệnh chữa ngay cả liếp ấy... Việc trừ sâu là việc làm cấp bách và rốt ráo, càng chần chừ càng bị thua lỗ nặng.

Xin đơn cử một số sâu rầy thường tác hại trên cây hoa Hồng, và cách chữa trị :

- RỆP SÁP : Loại rệp mình phủ chất sáp trắng như vôi, sống cộng sinh với kiến. Kiến tha rệp lên đọt hoa Hồng để rệp hút nhựa cây mà sống, đồng thời tiết ra một chất như sữa có vị ngọt để nuôi lại kiến. Người ta thấy rằng hễ cây Hồng nào có đông đảo kiến lui tới thì trước sau gì trên cây cũng xuất hiện loại rệp sáp này. Vì vậy, cách phòng ngừa rệp sáp thì phải lo diệt kiến trước. Chỉ cần dùng chút thuốc Basudin rãi quanh gốc cây là kiến tự động đi hết.

Rệp sáp hút nhựa cây mà sống nên không kịp thời chữa trị thì cây sẽ xuống sức, hoa cũng nhỏ lại.

Cành nào bị rệp tấn công nhiều thì nên cắt bỏ rồi đốt đi, đừng tiếc.

Giống rệp này thân không thấm nước, xịt thuốc một lần chưa chắc đã hại được chúng. Ta nên dùng các loại thuốc Trebon, hay Bassa xịt lên chúng nhiều lần may ra mới trừ tuyệt được.

Rệp sáp trên cây hoa Hồng
Rệp sáp trên cây hoa Hồng

- RẦY MỀM : Loại rầy này có màu đen nên còn có tên là rầy mềm đen. Tuy thân nhỏ nhưng nó gây tác hại lớn làm thiệt hại cho nhà vườn. Chúng thường tấn công vào hoa hơn là vào lá. Hoa đã bị rầy này bám vào thì từ đài hoa đến cánh hoa đều hư hại. Có thể dùng các loại thuốc vừa kể ở trên để trị chúng.
Rầy mền trên cây hoa Hồng
Rầy mền trên cây hoa Hồng

- BỆNH ĐỐM LÁ : Bệnh nầy do nấm gây ra trên lá hoa Hồng. Lúc đầu chúng chỉ xuất hiện một đốm nhỏ màu vàng sậm trên mặt lá, sau đó lan rộng dần ra, khiến lá bị hút hết nhựa khô héo dần rồi rụng. Dùng thuốc Kasuran để trị bệnh này.
Bệnh đốm lá trên cây hoa Hồng
Bệnh đốm lá trên cây hoa Hồng

- SÂU ĐỤC THÂN : Giống sâu này rất nhỏnhưng lại có ngàm cứng, khỏe, chuyên đục một lỗ nhỏ rồi chui vào thân cây, có thể ở phần gốc, đoạn thân, hay cành cây rồi đục rỗng thân cây mà sống. Nếu đục ở cành thì cành đó bị héo rồi chết khô. Nếu sâu đục ở đoạn thân thì phần thân trên đó sẽ chết. Muốn cứu cây thì dùng thuốc sát trùng cực mạnh bơm thẳng vào lỗ cây mà sâu chui vào đục khoét. Những đoạn thân cành nào bị chết, nên dứt khoát cắt bỏ.
Sâu đục thân trên cây hoa Hồng
Sâu đục thân trên cây hoa Hồng

Ngoài những bệnh trên, cây hoa Hồng còn bị nhiều thứ bệnh hại khác, do vi khuẩn, do tuyến trùng làm hại bộ rễ của cây. Tất cả những bệnh này khó trị, chỉ có cách phòng ngừa như chúng tôi vừa trình bày ở đoạn trên là trước khi lập vườn nên cải tạo đất thật kĩ. Việc làm này tuy có tốn tiền và tốn nhiều thời gian, nhưng cái lợi của nó đem lại không nhỏ.

Tất cả những lá, những cành và những cây bị sâu rầy phá hại, nếu đã cắt bỏ, hay nhổ bỏ đều phải đưa ra khỏi khu vực trồng trọt rồi đốt bỏ để trừ tuyệt mầm bệnh, không để chúng lây lan...
 
gọi Miễn Phí