Kỹ thuật trồng hoa hồng - Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương

Đăng lúc: , Cập nhật

Cây hoa Hồng cho Hoa với màu sắc vừa đẹp vừa sang, lại tỏa hương thơm dễ chịu nên ai cũng thích ngắm, thích trồng chúng. Vậy nên hay tham khảo kỹ thuật trồng hoa hồng của Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương để có thể trồng cây hoa Hồng ngay tại nhà nhé.

Trồng hoa Hồng để hoa nở đẹp, cây lúc nào cũng nở hoa là điều không hề dễ dàng hãy tham khảo kỹ thuật trồng hoa hồng để trang bị kiến thức và phương pháp trồng.

Cây hoa Hồng cho Hoa với màu sắc vừa đẹp vừa sang, lại tỏa hương thơm dễ chịu nên ai cũng thích ngắm, thích trồng.

Từ Đông sang Tây, thường thì chỉ có phái nữ là giới thích hoa, nhưng với hoa Hồng thì đặc biệt không những có ma lực lôi cuốn cả nam giới, mà còn đón nhận được sự ưa chuộng của mọi người, mọi giới, mọi lứa tuổi, và, đáng hãnh diện hơn là... mọi dân tộc trên trái đất này !

Đừng nói chi đến Nữ hoàng Cléopâtre, đến Hoàng đế Charlemagne, hay bà vợ tuyệt thế giai nhân của Vị Thiên tài quân sự Pháp napoléon là bà Joséphine Bonaparte... mà tất cả chúng ta, nếu có khoảnh đất đại dư thừa quanh nhà, chắc chắn ta cũng trồng Hồng để ngắm như họ.

Bằng chứng hiển nhiên đã cho thấy đó, từ thành thị đến thôn quê, từ đồng bằng lên cao nguyên, từ Nam ra Bắc, hoa Hồng được coi là giống hoa được mọi nhà trồng làm cảnh nhiều nhất, so với nhiều giống hoa khác. Mặc dầu ai cũng biết, hoa Hồng khó trồng, nếu lơ là trong việc chăm sóc là cây hoa quý sẽ dễ xuống sức ngay... Và nếu trồng không đúng kĩ thuật, cây hoa sẽ chết. Ai đã từng trồng hoa Hồng chắc đã có lần “thấm thía” đến chuyện nầy...

Địa điểm trồng Hồng thích hợp

Như quý vị đã biết, cây hoa Hồng có xuất xứ từ vùng Địa Trung Hải, thích hợp với khí hậu ôn đới, đồng thời cũng thích nghi được thời tiết lạnh giá đến cóng xương. Tại nước ta, loại khí hậu này chỉ có ở một số tỉnh ngoài Bắc, và vùng cao nguyên Đà Lạt, nơi được mệnh danh là thành phố của sương mù. Có thể nói, Đà Lạt là vùng đất lí tưởng nhất để cây hoa Hồng sinh trưởng tốt.

Nếu có một dịp nào đó quí vị đặt bước lãng du lên thăm xứ “hoa Anh Đào” này, ngoài những vườn Hồng thắm tươi khoe sắc được trồng ở trong vườn, trong rẫy, ta còn được thích thú với những cây Hồng mọc đơn lẻ bên vệ đường, hoặc cạnh hàng rào... Những cây Hồng dại nhưng không dại đó vẫn sởn sơ khoe sắc mà có cần đến bàn tay người đến chăm sóc đâu !

Thế nhưng, nếu được bứng về trồng ở đồng bằng thì nó lại trở chứng “nắng không ưa mưa không chịu”.

Nói thì nói vậy, chứ khắp nước ta nơi nào lại không trồng được Hồng ? Với những cây hoa Hồng mới nhập về thì còn ... lạ phong thổ, còn những giống Hồng đã góp mặt từ lâu thì lại tỏ ra không quá... khó tánh khó nết. Có điều trồng nơi nào có khí hậu thích hợp hơn, nguồn nước tưới ngon ngọt hơn thì cây dã sống hơn, ít tật bệnh hơn..

Cây Hồng thích nắng nhiều

Đa số giống hoa Hồng thích trồng nơi có nắng nhiều, chứ không thích trồng vào chỗ rợp, nơi có tàn cây lớn che phủ. Thời gian trong ngày mà được ánh nắng chiếu vào khoảng tám chín giờ là tốt nhất. Nắng sáng, trưa, chiều đều tốt; nắng trực xạ vẫn chịu được, nhưng, nếu nắng gắt quá môi trường sống thiếu ẩm thì Hồng cũng héo lá, héo hoa.

Nếu trồng vào nơi có thời gian rọi nắng ít trong ngày, cây hoa Hồng vẫn sống được, nhưng phát triển chậm, cây có nhiều lá, ít hoa, và sắc hoa cũng lợt lạt. Có một số giống, trồng vào vùng thiếu nắng lại có khuynh hướng vươn thân lên cao trông khẳng khiu quá xấu. Đa số giống Hồng trồng nơi thiếu ánh nắng cần thiết lại dễ bị sâu bệnh tấn công.

Được sống trong điều kiện có ánh nắng chiếu đầy đủ cây hoa Hồng sinh trưởng tốt, ít sâu bệnh, cho hoa nhiều, màu hoa sáng đẹp... Nhưng điều này không có nghĩa là cây Hồng phát triển tốt trong mùa nắng. Những tháng nắng gay gắt, không khí oi bức ngột ngạt, cây Hồng đòi hỏi phải được tưới nhiều nước, và tưới nhiều lần trong ngày, nếu không hoa sẽ mau tàn, lá có khi phải rũ xuống vì mất nước.
Cây hồng thích nắng nhiều
Cây hồng thích nắng nhiều

Cây Hồng không thích mưa nhiều

Mùa mưa khí trời mát mẻ, dù thiếu tưới cây cối cũng xanh tươi. Cây hoa Hồng trong mùa mưa phát triển nhanh, cành lá tươi tốt, nhưng ra ít hoa. Hoa gặp mưa lại mau tàn. Mùa mưa là mùa sâu bệnh có cơ hội tốt để tấn công liên tục lên tất cả các bộ phận của cây hoa Hồng. Vì vậy, đến mưa là nên xịt thuốc trừ sâu rầy theo định kì hàng tháng để ngăn ngừa sâu bệnh. Đó là việc cần làm đối với những ai trồng Hồng dù ít hay nhiều. Mưa dễ gây úng thủy, và cây Hồng thì “khắc” với chuyện này.

- Tránh úng thủy :

Mùa mưa ở nước ta phải nói là ... dồi dào. Tại miền Nam có 2 mùa mưa, nắng rõ rệt, mùa mưa kéo dài từ cuối tháng tư đến hết tháng 11. Đầu mưa và cuối mưa thì còn “nhập nhằng” mưa nắng lai rai, nhưng vào khoảng tháng sáu đến tháng tám Âm lịch thì gần như ngày nào cũng mưa. Còn tại miền Bắc, mùa mưa mùa nắng trong năm không phân chia rõ rệt; vào những tháng đáng lẽ trời nắng lại sinh ra mưa phùn... Nước mình mưa nhiều vì là vùng nhiệt đới.

Cây hoa Hồng thích được tưới nước phủ phê trong mùa nắng, nhưng lại không chịu sống với nước ngập. Nơi trồng Hồng, chỉ cần ngập gốc một buổi cây đã héo lá, xu cành. Nếu ngập suốt ngày thì chắc chắn cây sẽ chết vì thối rễ.

Để tránh trường hợp này, trồng Hồng ta phải trồng nơi cao ráo. Hễ gặp đất thấp thì phải lên liếp, lên luống trồng. Phải khai mương rãnh để phòng ngừa lúc mưa to nước được thoát đi hết. Ngay việc trồng Hồng trong chậu kiểng, cũng phải cẩn thận kê chậu kiểng lên cao khỏi mặt đất, và thường xuyên theo dõi việc thoát nước của chậu qua những lỗ thoát ở dưới đáy chậu ra sao.

Hoa Hồng phát triển bộ rễ khá nhanh, những cây trồng lâu năm trong chậu, rễ cây có thể xum xuê mọc bít kín các lỗ thoát nước ở đáy chậu. Thỉnh thoảng ta nên dùng cái que nhỏ làm thông các lỗ thoát nước đó, và nhất là cứ một hai năm một lần ta chịu khó thay đất mới vào chậu vừa cung cấp thêm chất dinh dưỡng cho cây, vừa nhân dịp đó tỉa tót bớt các rễ già nua để trẻ trung hóa cho cây...

Cây Hồng thích gió nhẹ

Hoa Hồng thích nghi với nơi thông thoáng, có gió nhẹ. Trồng vào nơi này cây Hồng trông sởn sơ khỏe mạnh. Nhìn cây Hồng với những đóa hoa rung rinh trong gió thoảng, ta có cảm tưởng như cây đang reo vui, đang đùa giỡn. Nếu trồng vào nơi không thông thoáng, cây phát triển chậm. Nhưng, nếu nơi gió to quá thì trồng Hồng lại không thích hợp. Gió to sẽ càn lướt cây Hồng, khiến gốc thường xuyên bị lung lay dẫn đến kiệt sức dần, và hoa cũng chóng tàn.

Với những tháng có mưa to gió lớn, ta nên cẩn thận cắm nhiều que tre để chống đỡ thân và nhánh Hồng khỏi bị gió làm nghiêng ngả. Que nên cắm sâu xuống đất để tạo thế vững chắc, và cột cành Hồng vào những que tre đó bằng dây để giữ cho cây có thế đứng vững.

Cây hồng thích gió nhẹ
Cây hồng thích gió nhẹ

Trồng Hồng phải tưới nước

Cây hoa Hồng thích sống ngoài nắng, nắng trong ngày càng chiếu nhiều càng tốt. Trời nắng sẽ làm cho môi trường trồng Hồng bị thiếu nước, và nước trong thân cây Hồng cũng bốc hơi... Vì vậy cung cấp nước tưới cho cây Hồng là việc phải làm hàng ngày. Trong mùa nắng nên tưới mỗi ngày hai lần, sáng và chiều. Tưới cho mát cây, tưới cho thật ẩm đất (nhưng đừng để trương nước). Buổi trưa nắng gắt có thể tưới thêm một cữ nữa, nhưng phải tưới nhiều, vì nếu tưới quá ít nước sẽ làm cho đất nóng thêm lên làm tổn thương đến bộ rễ. Đôi khi vì đó mà dẫn đến việc cây Hồng phải chết héo một cách đáng tiếc ! Buổi tối không nên tưới Hồng, vì sẽ tạo môi trường tốt cho các loại nấm xâm nhập.

Vào mùa mưa, trong những ngày nắng gắt, ta mới tưới cho Hồng. Sau cơn mưa to, nên ra tận nơi quan sát kĩ xem nơi trồng Hồng có bị ngập úng hay không. Nếu có phải tìm biện pháp tháo nước cho bằng hết. Với Hồng trồng chậu kiểng cũng không để gặp cảnh úng thủy.

Với những tháng có mưa to gió lớn, ta nên cẩn thận cắm nhiều que tre để chống đỡ thân và nhánh Hồng khỏi bị gió làm nghiêng ngả. Que nên cắm sâu xuống đất để tạo thế vững chắc, và cột cành Hồng vào những que tre đó bằng dây để giữ cho cây có thế đứng vững.

Trên đây là những điều khái quát nói về đặc tính của cây hoa Hồng. Nếu chúng ta ứng dụng đúng những điều đó thì sẽ có nhiều cơ may gặt hái được thành công trong việc trồng hoa Hồng.
Trồng hồng phải tưới nước
Trồng hồng phải tưới nước

Trồng Hồng tại thành phố

Ở thành phố đất hẹp người đông, nhà cửa san sát nhau, nhà nào may mắn có được một khoảnh sân nhỏ cũng phải dành cho nhiều công việc, trong đó có việc để xe ...

Thế nhưng, “khéo ăn thì no, khéo co thì ấm” sống tuy chật chội, nhưng ta vẫn có thể tìm ra những nơi thích hợp để có một “góc” trồng cây cảnh để ngắm đỡ buồn...

Ai cũng biết, cuộc sống mà không có cơ hội được gần gũi với thiên nhiên thì rất chán ngán. Sống như vậy dù giàu sang cách mấy vẫn vô vị, không vui. Vì vậy, nếu nuôi được con thú, trồng được cây hoa để lúc rỗi rãnh được vuốt ve, được nhìn ngắm thì không còn gì sung sướng cho bằng ! Đời sống của người thành phố vốn là vậy.

Trồng tại sân

Nếu nhà có một khoảnh sân thì tuyệt. Ta có thể “thu xếp” để chừa ra một góc nào đó, bên phải hay bên trái cũng được để trồng một vài bụi Hồng. Nếu sân lót gạch hoặc tráng xi măng thì ta có thể kê vài ba chậu kiểng. Miễn sao nơi trồng Hồng thông thoáng là được. Trồng Hồng không đòi hỏi chậu kiểng phải to, đường kính mặt chậu khoảng 25 cm - 30 cm là đủ. Nếu chậu hẹp thì năng thúc phân, tưới nhiều lần ..

Trồng ở hàng ba 

Hàng ba là một ... “khoảnh sân” nhỏ ở trước nhà. hàng ba thường chật hẹp, lại là nơi vốn được tận dụng tối đa để chất chứa nhiều thứ đồ đạc lỉnh kỉnh, mặc dầu nó nằm trước mặt tiền nhà. Tuy chật, nhưng nếu khéo thu xếp, ta vẫn có thể tìm ra được một khoảng trống nào đó để đặt vài ba chậu kiểng trồng hoa Hồng.

Trồng Hồng tại hàng ba thì ít có nắng, mà nếu có thì cũng chỉ nhận được chút ít nắng sáng hay chiều. Trồng như vậy thì Hồng không sung, tán lá lại lệch. Những cành hướng ra ngoài nắng thì tươi tốt, mọc cao thêm, hoa nở nhiều. Còn những cành nằm phía khuất ánh sáng thì rất chậm phát triển, đã thế năm thì mười họa mới trổ được vài hoa. Vậy, muốn cho cây phát triển tán lá đồng đều, độ nửa tháng một lần ta xoay chậu Hồng từ chỗ tối ra chỗ sáng, rồi lần sau làm ngược lại...

Tuy trồng theo cách đó không mấy ai vừa ý, nhưng thưa quí vị.. có còn hơn không. Biết sao hơn và đòi hỏi gì hơn !

Trồng tại bồn hoa ở ban công

Bồn hoa ban công ở thành phố nên hiểu là cái bồn nhỏ xây bằng xi măng ở mỗi tầng lầu. Thường thì bồn hoa chỉ có chiều sâu khoảng 4 cm, và chiều dài cũng chỉ giới hạn từ năm sáu cm đến hai mét là cùng. Bồn được đúc nối tấm ban công gie ra ngoài trời... mà mỗi khi tưới nước cho cây, nếu không khéo lại rơi lên đầu “ông đi qua bà đi lại” bên dưới lại khổ !

Trồng Hồng ở bồn hoa ban công tuy lộ thiên thật, nhưng ánh nắng trong ngày không sao chiếu đủ được. Có thể cây chỉ nhận được ánh nắng hay chỉ nắng chiều, và chút đỉnh nắng vào buổi trưa đứng bóng.

Trồng nơi thiếu nắng như vậy, Hồng sinh trưởng kém lại thường bị sâu bệnh tấn công. Cây trồng ngoài bồn không tiện chăm sóc, chồm người ra để tỉa lá bắt sâu quả lá bất tiện, có khi sơ sẩy nguy hiểm. Vì vậy, nên xịt thuốc trừ sâu theo đúng định kỳ, và khi xịt thuốc nên cẩn thận kẻo gây phiền hà cho những ai đang đi phía dưới.
Trồng hồng ở ban công
Trồng hồng ở ban công

Trồng Hồng tại sân thượng

Sân thượng là mái bằng của nhà lầu đúc. Sân thượng là nơi quang đãng, thoáng gió, thời gian rọi nắng trong ngày rất dài nắng sáng, trưa, chiều đầy đủ. Sân thượng là nơi lí tưởng để trồng hoa Hồng. Hồng trồng trên sân thượng ít có mầm nấm bệnh, cũng ít bị sâu rầy cùng các loại côn trùng đến phá hại.

Có điều sân thượng là nơi ... ai cũng biếng ít đặt chân đến, nhất là những vị cao tuổi nên trồng Hồng mà không có dịp để ngắm thường xuyên thì... cũng nản. Nếu trồng mà mỗi ngày cắt cành đem xuống cắm vào bình trang trí cho sang nhà cửa thì cũng thú vị.

Trồng Hồng “lưu động”

Có nhiều người cuộc sống cả đời gần như gắn liền với sông nước, thậm chí dùng ghe thuyền làm nhà ở. Dù không có tấc đất trong tay, nhưng họ vẫn trồng được hoa Hồng. Thỉnh thoảng ta vẫn bắt gặp hình ảnh vừa lạ lẫm vừa nên thơ, đó là những chậu Hồng với những đóa hoa tươi thắm đặt đằng mũi tàu thuyền qua lại trên sông... Một vài đóa hoa Hồng dù ở trong môi trường sống nào cũng tăng thêm thi vị cho đời sống vốn nhiều lo toan này...
Trồng hồng lưu động trên mái tôn
Trồng hồng lưu động trên mái tôn

Trồng Hồng trong chậu

Cây Hồng trồng trong chậu cũng tạo được cái vẽ đẹp riêng của nó. Cây Hồng không kén chậu trồng, trồng trong chậu đắt tiền (tráng men) hay thứ chậu chợ (bằng đất nung) thì giá trị của nó vẫn không khác gì nhau. Vì đứng gần chậu Hồng người thưởng ngoạn thường bị hớp hồn bởi những đóa hoa xinh, chứ đâu ai còn hơn sức đâu ngắm nhìn đến chậu ! Vậy thì chúng ta cứ bàn đến cái chậu làm bằng đất nung. Loại chậu này rẻ tiền, mà hình dáng bên ngoài cũng đẹp.

1/ Chậu trồng Hồng : Cây Hồng không to cao nên chậu trồng không cần lớn. Chọn loại chậu có đường kính mặt chậu từ 25 cm đến 40 cm, và chiều cao khoảng 25 cm là vừa. Chậu như vậy vừa gọn nhẹ, tiện việc di chuyển khi cần.

Với chậu nhỏ hơn kích thước vừa kể, trồng vào đó một gốc Hồng vẫn đẹp, nhưng trở ngại là chất dinh dưỡng chứa bên trong không được bao nhiêu, nên ta lại phải bận tâm đến việc vô phân cho cây tươi tốt. Còn dùng chậu lớn hơn thì có thể trồng nhiều cây và phải đặt vào nơi cố định. Trong trường hợp này ta nên chọn chậu men, có hoa văn đẹp, góp phần vào việc trang trí cho sân vườn.

Chọn mua một cái chậu, ta phải quan sát các lỗ thoát nước trổ dưới đáy chậu. Nên chọn loại chậu có hai lỗ thoát nước, nếu chỉ có một, thì cái lổ đó phải đủ rộng (đường kính khoảng 2 cm) mới đủ sức thoát nước... Vì như quí vị đã biết, cây hoa Hồng không chịu úng thủy. Nước mưa hay nước tưới vào chậu, lượng nước dư thừa không có lối thoát ra thì bộ rễ cây Hồng sẽ hư thối, làm chết cây.

Nên tìm mua loại chậu có chân, để đáy chậu không áp sát xuống mặt đất, gây trở ngại cho việc thoát nước. Nếu không, phải kê chậu lên, cách mặt đất khoảng 5 cm mới tốt.

2/ Phân tro vô chậu : Trồng Hồng vào chậu, ai cũng mong muốn cây trồng lúc nào cũng được tươi tốt sai hoa. Muốn được vậy thì phải cung cấp đủ phân tro cho cây, giúp cây có đủ chất dinh dưỡng để sống. Chính vì vậy khi trồng cây vào chậu, dù người chơi hoa tài tử cũng phải nghĩ đến việc trộn phân như thế nào cho đủ “chất lượng” mới an tâm.

Nếu trồng số ít, ta có thể đến các vựa bán cây kiểng để mua phân về trồng. Ở đấy, họ có trộn sẵn và vô bao, khách hàng mua về cứ trút vào chậu kiểng mà trồng. Chất lượng phân cũng khá tốt, giá cả lại rẽ. Còn trồng với số lượng nhiều thì ta phải chịu khó tìm mỗi nơi một thứ : như phân chuồng phải tìm đến khu chăn nuôi trâu bò tilde 0 vùng ngoại ô ; phân tro trấu thì mua ở các điểm bán cây cảnh, nếu mình không thể tự tay chế biến được.

Thông thường thì có những “công thức” trộn phân cho vào chậu như sau :

- Đất thịt (hay cát pha) tơi nhuyễn + với phân chuồng hoai, mỗi thứ một nửa trộn lại cho đều trước khi đổ vô chậu.

- Một phần đất thịt (hay cát pha) tơi nhuyễn. Một phần tro trấu. Một phần phân chuồng hoai. Ba thứ số lượng bằng nhau, và trộn cho đều...

Một phần đất mùn. Một phần phân chuồng hoai. Một phần tro trấu. Ba thứ đó có số lượng bằng nhau. Thêm một muỗng cà phê phân hóa học NPK (hay DAP) cho mỗi chậu, rồi trộn tất cả các thứ đó cho đều...

Trồng Hồng bằng tro trấu rất tốt, nhưng nếu cho vào chậu với số lượng nhiều quá (hơn phân nửa) lại bất lợi cho việc trồng Hồng. Vì tro trấu vốn xốp, không giữ nước được độ ẩm lâu dài được. Trong khi đó thì cây Hồng lại trồng giữa nắng chang chang cả ngày, đất trồng không giữ ẩm thì cây sẽ mất sức. Ngược lại, trong thời gian đang ương cây, đang giâm cành lúc nào cũng được che nắng thì việc trồng bằng tro trấu lại có kết quả tốt.

3/ Cách trồng : Nên trồng Hồng vào chậu lúc sáng sớm hoặc xế chiều, vì vào giờ đó không khí mát mẻ. Trồng vào mùa mưa hay mùa nắng vẫn được, trồng vào mùa nắng trong vài tuần đầu ta phải che nắng cho cây; hoặc ban ngày đem chậu vào chỗ râm mát, chờ tối lại bưng ra phơi sương. Có chịu khó dưỡng cây như vậy trong thời gian đầu thì cây Hồng mới sống được.

Trồng Hồng vào chậu ta nên tiến hành những bước sau đây:

- Lấy những miếng ngói nhỏ hay gạch bể bằng hai ngón tay kê trên những lỗ thoát nước ở đáy chậu sao cho hở ra một khoảng trống, đất không bít lại mà nước tưới lại có lối thông thoát ra ngoài.

- Đất và phân trộn xong, đổ vào một phần ba chậu. Sau đó, tưới nhẹ cho đất ướt, và kiểm soát xem nước tưới có thoát ra được ở các lỗ thoát nước trổ dưới đáy chậu không. Nếu lỗ bị bít thì phải điều chỉnh lại cách đặt các miếng ngói... Trong trường hợp “khó khăn” quá thì không bỏ ngói vào chậu.

- Bứng cây Hồng vào chậu. Nếu cây nằm trong bầu ni lông thì đặt cây nằm nghiêng trong chậu, dùng dao bén rạch đứt bao ni lông từ trên xuống dưới để lột bao ra khỏi bầu. Sau đó, nhẹ nhàng đặt cây đứng thẳng lên giữa chậu, rồi lấy đất trộn phân chèn chung quanh. Nên dùng tay ấn đất cho dẽ xuống để giữ cho gốc khỏi lung lay. Không nên ấn quá chặt vì có thể làm đứt các rễ non. Sau đó tưới nhẹ cho đất dẽ xuống...

Nếu cây mua về nằm trong chậu xi măng hoặc chậu đất nung mà kích thước quá nhỏ không thể trồng tiếp được; hoặc mình muốn sang qua chậu nhà lớn hơn, đẹp hơn thì, một là nhẹ tay đập bể chậu đó để bưng nguyên bầu cây sang chậu mới (đã có sẵn một phần ba phân và đất), hai là tưới nước vào chậu cho đất mềm ra không bám cứng vào thành chậu. Sau đó, một tay luồn dưới đít chậu nhấc chậu bổng lên, bàn tay kia xòe rộng ra dùng ngón trỏ và ngón giữa kẹp lấy gốc Hồng, những ngón còn lại giữ vững cái bầu đất, lật ngược chậu lên thì khối nặng của đất sẽ sút ra khỏi chậu. Nên cho cả bầu đất này vào chậu, sau đó chèn đất mới (đã trộn phân) chung quanh cho dẽ chặt...

Nếu cây mua về nằm trong giỏ tre thì có cách xử lý như sau : Dùng kéo sắt cắt dọc giỏ tre từ trên xuống dưới để loại giỏ ra ngoài. Việc kế tiếp là rạch bao ni lông cũng từ trên xuống dưới để lột bỏ ra khỏi bầu đất. Sau đó, ta đặt đầu đứng thẳng trong chậu rồi chèn đất chung quanh...

Việc trồng cây Hồng mới mua về vào chậu kiểng dễ đối với những ai đã thao tác quen tay, còn đối với người mới thực hành lần đầu thì có khi vì lúng túng mà hỏng việc. Chỉ cần sơ sẩy làm bể bầu đất khiến bộ rễ bị thương tổn là cây đã mất sức khó sống.

Điều quan trọng của việc trồng cây Hồng vào chậu là lớp mặt đất trong chậu phải nằm ngang cổ rễ, và phải thấp hơn thành chậu khoảng vài ba cm. Mắt ghép trên cây phải cao hơn mặt đất chậu khoảng 5 em mới tốt.
Trồng hồng trong chậu
Trồng hồng trong chậu
Nhiều người khi trồng cứ lấp đất tràn chậu, thậm chí còn đắp vun lên, tưởng làm như vậy cây sẽ có thêm chất dinh dưỡng để sống tốt. Thật ra, đất lấp tràn chậu (nhất là đắp vun lên) không có lợi cho cây, vì nước tưới bị tràn ra ngoài gần hết, lại mang theo chất màu trong đất trôi đi. Đó là chưa nói đến việc gây ra dơ bẩn cho khu vực trồng cây cảnh. Cách tốt nhất như chúng tôi vừa nói là mặt đất trong chậu phải thấp hơn thành chậu khoảng vài ba cm mới tốt, có như vậy nước tưới mới có cơ hội thấm dần khắp mọi ngõ ngách trong chậu, chỉ có phần dư ra mới thoát ra ngoài.

Khi trồng xong, ta nên tưới nhẹ lên toàn thân cây và gốc cây một lần nữa, như là cách “hà hơi tiếp sức” cho cây được sống mạnh hơn.

Việc kế tiếp là dùng vài ba que tre nhỏ bằng ngón tay út, hay bằng chiếc đũa ăn cơm, với chiều dài khoảng bốn năm mươi cm, một đầu cắm sâu xuống đất, còn đầu que kia hướng về phía thân hay các cành Hồng, cột chặt chỗ nhánh Hồng tiếp giáp với que tre để giúp cây có thể đứng thẳng, đứng vững khi bộ rễ của nó chưa đủ để tiếp xúc với môi trường sống mới.

Sau cùng, ta che nắng cho chậu Hồng, hoặc bưng chậu vào nơi có bóng râm, giúp cây khỏi héo úa.

Trồng Hồng vào bồn

Hầu hết các nhà lầu đúc trong thành phố đều làm bồn hoa kiểng ở mỗi tầng lầu, gie ra mặt sân, mặt đường. Tùy vào bề ngang căn nhà hẹp hay rộng mà mỗi tầng người ta thiết kế một hay hai cái bồn trồng hoa kiểng. Ví dụ mặt tiền nhà chỉ rộng có ba hay bốn m thì chỉ thiết lập một bồn kiểng là vừa. Và tùy theo ý thích của chủ nhà mà bồn kiểng này đặt vào vị trí bên mặt, bên trái căn nhà.

Mục đích lập bồn kiểng là ... để nới thêm một ít diện tích mặt bằng để trồng hoa mà ngắm, đồng thời cũng để trang trí cho căn nhà thêm đẹp, thêm sang Những bồn kiểng này thường xây theo hình khối chữ nhật hoặt bán nguyệt. Chiều rộng của bồn khoảng bốn mươi cm lọt lòng, và chiều dài từ một đến hai m là nhiều. Chiều sâu cũng bằng chiều sâu của chậu kiểng, khoảng 30 cm.

Với diện tích đó có thể trồng được nhiều cây Hồng (trồng theo hàng ngang, cách khoảng giữa hai cây chừng 30 cm là vừa), đủ làm tươi tắn, sang trọng cho căn nhà.

Bồn kiểng thường được xây rất đẹp, vì nó nằm ngay trước mặt tiền nhà. Nếu không ốp gạch men thì cũng được chạy “chỉ” hoa văn rất đẹp. Thế nhưng, cây được trồng vào bồn thừng sinh trưởng kém hơn là cây được trồng trong chậu đặt dưới đất, có khi bị chết nữa...

Nguyên nhân vì đâu ? Trong khi đất trồng vào bồn cũng theo đúng “công thức” như đất trồng trong chậu. Nghĩa là cũng cung cấp những chất dinh dưỡng cần thiết cho cây ! Đến cách chuyển cây từ giỏ tre vào bồn cũng thực hiện đúng “bài bản” như cách trồng cây vào chậu... Vậy mà cây trồng thường chết, nhiều nhà phải thay đổi cây kiểng liên tục, vì chẳng lẽ có sẵn bồn lại để không ?
Trồng hồng vào bồn
Trồng hồng vào bồn

Đây là những lí do chính khiến cây kiểng nói chung và cây hoa Hồng nói riêng trồng vào bồn ở các tầng lầu :

- Bồn kiểng tất nhiên là lớn gấp nhiều lần dung tích của chậu, nhưng thường chỉ được khoét từ một đến hai lỗ thoát nước, do đó không tránh được úng thủy trong mùa mưa. Lỗ thoát nước của bồn được trổ bên hông hoặc phía trước, là những nơi xa ngoài tầm tay với nên khó khăn trong việc khai thông cho nước thoát ra ngoài. Bồn ở tầng 1 thì có thể sử dụng thang, nhưng đâu phải nhà nào cũng săn thang ? Còn trèo qua lan can lầu để ra tận bồn lại là việc... nguy hiểm.

Do lẽ đó, khi lập bồn kiểng ở ban công, chúng ta nên cố tìm biện pháp giúp việc thoát nước trong bồn được hữu hiệu hơn.

Khi đặt cây vào trồng trong bồn ít ai nghĩ đến việc che nắng trong suốt một hai tuần đầu cho cây vì vậy cây mới kiệt sức dần mà chết. Theo tâm lí chung dù biết che mát cho cây là việc cần làm, nhưng chẳng lẽ trước tiền nhà, nhất là nhà mới xây đẹp để lại dùng những tấm liếp, hoặc bao bố nhếch nhác luộm thuộm che mát cho cây ?!

- Tưới nước cho cây trồng trong bồn ít ai tưới nhiều nước, vì sợ lượng nước dư thừa sẽ theo lỗ thoát nước mà tuôn chảy xuống phía dưới, vừa dơ bẩn lại vừa gặp sự phản đối của người đi đường, nếu thứ nước bẩn đó làm lấm lem quần áo của họ. Trong khi đó thì cây hoa Hồng, như quí vị đã biết, cần lượng nước tưới đến mức phủ phê, và ngày phải tưới hai lần mới đủ!

- Do bồn kiểng nằm muốn chăm sóc cây cối cũng gặp ít nhiều trở ngại, vì chơi vơi bên ngoài nên lẽ đó mới thiếu chăm sóc. Thay vì mỗi ngày đều tìm dịp gần gũi với cây trồng để tỉa lá bắt sâu, để vun phân tưới nước, thì nhiều người lại để chờ dịp thuận tiện mới lo.

Đó là những lí do chính khiến cây hoa Hồng trồng trong bồn kiểng không sung lên được, chỉ cần gặp một trong những trở ngại vừa kể, cây Hồng trong bồn kiểng đã đủ chết rồi.

Trồng đại trà

Trồng đại trà là trồng số nhiều hàng trăm cây, hàng ngàn cây trở lên, trên một diện tích lớn. Trồng như vậy gọi là lập vườn, có thể rộng một vài hạ...

1/ Chọn đất : Muốn lập vườn trồng hoa Hồng để ươm ghép cây con ra bán, hoặc trồng để cắt cành thì cũng phải chọn đất phù hợp. Đất trồng Hồng phải có khí hậu thích hợp với cây Hồng: mưa ít, và có sẵn nguồn nước tưới tốt và đầy đủ...

Ở một số tỉnh ngoài Bắc, và vùng Cao nguyên Đà Lạt, trồng hoa Hồng rất tốt. Tại miền Nam tuy khí hậu nóng ẩm, nhưng ánh sáng dồi dào nên cũng trồng được hoa Hồng. Hiện nay, ta cũng đã có nhiều giống Hồng thích nghi được khí hậu nóng ẩm, như giống Hồng Nhung. Tại miền Nam cũng có nhiều nơi trồng hoa Hồng rất tốt như Thủ Đức, Gò Vấp, Hốc Môn, Sa Déc...

Ngoài khí hậu ra, đất trồng Hồng phải là đất không nhiễm phèn, không nhiễm mặn, không nhiều sét quá. Nếu là đất cát pha, đất phù sa hợp với cây Hồng hơn.

2/ Dọn đất : Khi chọn được cuộc đất tốt, ta phải bắt tay vào việc “cày sâu cuốc bẫm” cho đất được tươi xốp. Nên cày ải nhiều lần, nghĩa là cày xong đất phải để một thời gian phơi nắng gió cho hả hết khí độc ẩn tàng trong đất lâu năm được dịp thoát ra ngoài, đồng thời cũng tiêu diệt bớt những mầm mống dịch bệnh có sẵn trong đất như nấm, vi khuẩn và các loại côn trùng phá hại cây trồng sau này.

Cày bừa xong phải dọn sạch hết cỏ dại cùng những tạp chất khác như đá sỏi, gạch, miểng chai những đoạn cành khô mục, rễ cây tạp còn lẫn lộn trong đất... Công việc này dù có tốn kém nhiều thì giờ và công của ta cũng không nên tiếc, vì đất đai có tốt vườn Hồng sau này mới tốt.

3/ Lên tiếp : Đất đai đã cày bừa tơi xốp xong ta phải lên liếp mới trồng tỉa được.

Với cây Hồng thì có hai loại liếp: Tiếp nổi và tiếp chìm. Có nơi gọi liếp là luống.

Ở những vùng đất thấp, sau cơn mưa to có thể bị ngập nước, ta phải làm tiếp nối. Ngoài ra còn phải đào mương rãnh thoát nước để vườn không bị ngập úng.

Còn ở những nơi đất cao ráo, như đất đồi chẳng hạn, nơi nước mưa bị trôi tuột hết vào chỗ trũng thì cứ trồng Hồng ngay trên mặt đất, sau khi cày cuốc kì, và cũng không cần phải đào mương rãnh thoát nước.

Liếp trồng Hồng thường có chiều ngang khoảng 1 m, chiều dài tùy vào từng cuốc đất, nhưng nên hạn chế trong khoảng từ 12 m đến 15 m cho tiện việc chăm sóc. Nếu đây là liếp nổi thì chiều cao của liếp khoảng 25 cm là vừa.

Giữa hai kíp nên chừa một lối đi có bề ngang khoảng nửa m. Dọc theo hai bên lối đi này nên vét rãnh có chiều sâu khoảng 10 cm, chiều rộng cũng khoảng 10 cm để làm đường thoát nước, tránh cho vườn cây khỏi bị ngập nước khi mưa to.

Trước khi trồng cây, ta phải rải lên một lớp phân chuồng hoai với phân rác mục, thêm một phần tro trấu nữa càng tốt, lên khắp bề mặt liếp. Có bón lót đầy đủ như vậy đất mới giàu chất màu để nuôi cây. Rải phân xong, cần phải xới xáo lên cho lớp đất mặt của liếp trộn lẫn với phân...

Khi làm liếp nhà vườn đã có sự tính toán dứt khoát, trước khi ươm cây :

- Mục đích lên liếp là để ương cây làm gốc ghép, chờ khi cây ra rễ đầy đủ bứng ra trồng vào giỏ tre, vào bao ni lông, vào chậu để chờ ghép cành ?

- Ương cây làm gốc ghép và ghép cành trực tiếp ngay tại chỗ ?

- Ghép cành tại chỗ xong, bứng tỉa ra đem trồng vào chậu, vào giỏ tre ? Những cây còn lại do cây giữa đã được bứng đi nên cây cách cây đã có một khoảng cách rộng được để yên tại liếp chờ sau này ra hoa hàng ngày cắt cành bán chợ ?

Nhưng, dù trồng với mục đích gì thì việc đầu tiên cũng phải ương cây làm gốc ghép trước.

- Cây làm gốc ghép : Cây làm gốc ghép không có gì tốt hơn là dùng cây Hồng dại, vốn có sức sống khỏe và trồng được lâu năm mới tàn. Đặc biệt cành của cây Hồng dại có khả năng giảm mau ra rễ và tỉ lệ sống cao.

Nên chọn những khúc cành của cây Hồng dại không già quá mà cũng không non quá để làm hom giống. Hom giống chỉ cần độ dài 15 cm là vừa.

Hom giống chặt xong là có thể đem ương trực tiếp lên liếp, với khoảng cách 10 cm giữa hai cây (nếu chỉ chờ cây ra đủ rễ sẽ bứng lên trồng vô giỏ, vô chậu để chờ ghép cành). Khoảng cách giữa hai hom giống là 20 cm, nếu ghép cành trực tiếp tại chỗ, sau đó bứng ra trồng vào giỏ, vào chậu. Còn nếu để trồng luôn tại chỗ sau này cắt cành bán thì khoảng cách giữa hai cây có thể rộng từ 40 đến 50 cm...

Trước khi giâm hom giống lên liếp ta phải tưới nước lên khắp mặt liếp cho đất thật ẩm. Việc giảm cành phải thực hiện từ lúc sáng sớm hoặc xế chiều khi tiết trời mát mẻ. Trước đây, Ông bà mình chỉ giâm cành vào mùa mưa, vưa đỡ công tưới vừa đem lại kết quả tốt. Điều này đúng. Nhưng, theo kinh nghiệm của nhiều nhà vườn trồng Hồng lâu năm thì vào mùa nắng vẫn giâm hom giống Hồng được, miễn là bên trên làm giàn che chắn ánh nắng trực xạ, và tưới nước đầy đủ cho đất trồng được ẩm thường xuyên. Thật ra trong mùa mưa mà để úng thủy thì lại còn tai hại hơn, vì Hồng rất sợ nước ngập, nhất là khi bộ rễ nó chưa phát triển đúng mức.

- Cây làm mắt ghép : Cây làm mắt ghép hay cành ghép là những cây Hồng giống tốt siêng hoa, có hoa vừa to vừa đẹp lại tỏa hương thơm. Ngoài ra cây còn phải hội đủ những đặc tính tốt như cây sống lâu năm, sinh trưởng tốt, đề kháng được nhiều loại sâu bệnh, hoa lâu tàn... Nói tóm lại, giống càng đẹp, càng lạ, càng nổi tiếng khắp bốn biển năm châu mới là giống quí.

Những cây Hồng giống này đã được nhà vườn chọn lọc mua về trồng trước đó cả năm rồi. Đó có thể là những giống Hồng mới nhập, hay đã được lai tạo tại nước ta và đang... ăn khách.

Những cây Hồng giống này phải được trồng vào một khu riêng biệt, có thể trồng trực tiếp xuống đất, trồng vào chậu hay vào giỏ tre, để khi cần là dùng cành hay mắt ghép để ghép vào gốc ghép...

Việc chọn cây Hồng giống làm mắt ghép đối với người trồng năm bảy chậu để chơi thì không nói làm gì, nhưng với người trồng có mục đích kinh doanh thì đây phải có sự dãn đo, tính toán và chọn lựa thật kĩ. Vì trên thị trường hoa Hồng cũng có sự cạnh tranh khốc liệt: giống nào đã thoái hóa bán rẻ cũng không mua; giống nào đẹp, mới, lạ thì không bán cũng chán vạn người nài nỉ...

- Ghép mắt hay ghép cành : Cách ghép mắt hay ghép cành cũng thực hiện những thao tác đúng như những bước mà chúng tôi vừa trình bày hầu quí vị ở đoạn trên. Có điều xin lưu ý là nên ghi chép rõ ràng: liếp nào ghép với giống nào, vào ngày tháng nào, và ghi tiếp những diễn tiến sau đó... Công việc này càng làm chu đáo bao nhiêu, ta càng đỡ vất vả trong việc tra cứu về sau bấy nhiêu.
Trồng đại trà
Trồng đại trà

4/ Chăm sóc : Trồng bất cứ cây gì cũng phải lo chăm sóc chu đáo thì mới mong gặt hái kết quả như ý được.

Việc chăm sóc vườn ương hoa Hồng nặng nhất là công tưới. Nên tưới ngày hai lần vào lúc sáng sớm và xế chiều, lúc trời mát mẽ. Tưới bằng vòi sen có tia nước nhỏ mới tốt. Công nặng phải bỏ ra kế tiếp là nhổ cỏ dại. Do môi trường sống quá tốt vừa ẩm ướt vừa đầy đủ chất màu nền cỏ dại thi nhau mọc đầy. Trong khi cây gốc ghép phát triển chậm thì cỏ dại lại mọc nhanh. Việc bài trừ cỏ dại trên liếp ương chỉ có cách duy nhất là nhổ bằng tay. Nếu vườn rộng thì phải huy động nhiều người cùng nhổ thì may ra mới trừ được. Nếu để cho cỏ dại mặc sức tung hoành thì chúng sẽ tranh ăn chất dinh dưỡng với cây trồng, và còn lấn lướt, án hết ánh sáng của cây trồng nữa. Việc thứ ba là thường xuyên theo dõi sự xuất hiện của côn trùng phá hại và các bệnh hại khác đối với cây. Những cành giâm làm gốc ghép bị chết, dù bất cứ lí do gì cũng nên nhổ bỏ, để nếu cần thì dặm vào hom mới. Sau khi ghép mắt hoặc ghép cành xong, ba tuần sau nên theo dõi mắt ghép, nếu sống thì tốt, còn nếu bị hỏng thì ghép lại... Sau những cơn mưa lớn, nên theo dõi xem vườn ương có bị ngập lụt hay không, để còn tìm phương cách giải quyết kịp thời...

Tóm lại, nếu trồng hoa Hồng theo qui mô lớn, trồng đại trà thì phải có đất rộng, để trên đó phân chia ra nhiều khu vực : nơi lập vườn trồng cây Hồng giống để lấy mắt ghép, nơi lập vườn giâm cành để tạo gốc ghép, nơi lập vườn trồng cây tại chỗ đại trà để hàng ngày cắt cành...

Công việc thì nhiều và khâu nào cũng đòi hỏi kĩ thuật cao, nếu không chuyên môn không sao thực hiện tốt công việc...


 
gọi Miễn Phí