Hoa Hồng là cây chịu nắng, trồng vào nơi có nắng nhiều thì cây sống khỏe và sắc hoa càng tươi. Vì vậy, khi lập vườn trồng hoa Hồng, ta phải tránh nơi có bóng cây che rợp, mà phải chọn nơi thật sự quang đăng, có nắng nhiều cả ngày mới tốt.
Chỉ trong giai đoạn giâm cành hay ương hột hoặc cây còn non mới cần che nắng cho cây mà thôi. Khi cây đã trưởng thành, ánh nắng trong ngày rất cần thiết cho sự sinh trưởng của nó.
Nếu trồng vào vùng thiếu nắng, cây Hồng sẽ phát triển chậm, nhiều lá và ít ra hoa. Thân cây thường vươn cao lêu nghêu, dẫn đến tán lá không đồng đều, xấu, trông dị dạng.
Cây ưa nắng tất phải cần nước tưới. Mục đích tưới đủ nước cho hoa Hồng là giữ ẩm thường xuyên cho bộ rễ để rễ hút nước lên nuôi cây. Sáng và chiều những hôm trời mát, lượng nước nuôi cây không cần nhiều, nhưng vào giờ trưa, trời nắng gắt, nhu cầu nước tưới của Hồng đòi hỏi rất cao. Cây mà thiếu nước tưới, đất trồng không giữ được độ ẩm cần thiết thì cây sẽ mau xuống sức, mất sức, cả hoa và lá đều héo rũ và chết dần...
Hoa hồng là loài ưa nắng
Với cây con lượng nước tưới không cần nhiều, nhưng với cây Hồng trưởng thành, nhất là cây đang độ ra hoa, cây có tán lá rộng càng tiêu thụ nhiều nước tưới mới phỉ sức.
Nước tưới cho cây Hồng phải là nước ngọt như nước mưa, nước giếng (người uống được), nước máy (nếu hứng trước vài ngày mới sử dụng lại càng tốt). Tuyệt đối, không dùng nước nhiễm phèn, nhiễm mặn, chỉ làm suy yếu và chết dần mòn cây Hồng.
Nếu chỉ trồng một đôi cây hoặc năm mười cây hoa Hồng trong vườn nhà, vấn đề nước tưới không cần thiết phải đặt ra. Nhưng, nếu trồng đại trà trên những thửa vườn rộng năm bảy sào đất trở lên thì điều trước tiên là phải tìm được nguồn nước tưới, sao do đáp ứng a đủ nhu cầu mới được. Nước tưới càng tốt thì vườn Hồng càng tươi tốt...
Nhớ lại trước đây mấy mươi năm, khi thực hiện một Phóng sự về cây kiểng ở Gò Vấp (vị trí làng Hoa bây giờ) hễ đến đâu chưa kịp đặt câu hỏi thì chủ vườn nào cũng hớn hở tự khen là nước tưới ở vùng họ ở rất tốt. Chúng tôi có ra tận giếng (đào cạnh vườn trồng hoa) để quan sát thì thấy mực nước dâng khá cao và nước trong vắt, và mới hiểu ra được điều mà trước đây chúng tôi cho là không mấy quan trọng. Thì ra, nhờ vùng Gò Vấp nầy có nguồn nước tưới quá tốt như vậy nên nhiều nhà mới tận dụng hết đất đai để trồng hoa kiêng cùng các thứ hoa màu phụ.
Trồng hoa Hồng là phải chịu khó siêng năng tưới nước. Nên tưới mỗi ngày hai lần : sáng và chiều. Sáng tưới trước 9 giờ và chiều tưới sau 4 giờ. Khi tưới nên tưới bằng vòi sen có tia nước nhỏ, và tưới thật ẩm. Buổi trưa không nên tưới, trừ trường hợp trời nắng gắt (hoặc trong mùa khô hạn kéo dài). Cữ trưa tưới thì phải tưới nhiều cho đất trồng thật ẩm. Nếu trưa mà tưới nước ít chỉ làm đất trồng nóng thêm khiến cây bị khô héo mà chết. Buổi tối không nên tưới cho Hồng, vì không cần thiết, hơn nữa nước tưới đọng trên lá dễ khiến nấm bệnh xâm nhập làm hại cây.
Có điều xin được lưu ý là cần phải biết rõ cấu trúc của đất trồng Hồng ra sao để tưới với lượng nước hợp lý.
Nên tưới cho hoa Hồng một lượng nước hợp lí
Thường thì Hồng trồng trong chậu, người ta dùng than trấu trộn với đất. Tro trấu là vỏ lúa (trấu) đổ đống un lên rồi dập tắt lửa để nguội thành loại than màu đen. Nếu đống un này để ngún cháy âm ỉ thật lâu sau thành tro màu xám, cũng được dùng làm phân trồng cây rất tốt.
Tro trấu do xốp nên nhẹ dùng làm giá thể để bộ rễ của Hồng bám vào mà phát triển tốt. Tro trấu giữ ẩm nhưng không giữ nước được lâu. Thường thì đất cho vào chậu trồng Hồng gồm có đất thịt (được đập vỡ vụn), tro trấu với phân chuồng hoai trộn lẫn nhau. Tro trấu tuy trồng Hồng tốt, nhưng không nên sử dụng quá nhiều vì nó không giữ được nước lâu để nuôi cây. Vì vậy nên trộn đất trồng Hồng theo tỉ lệ :
- 70 phần trăm đất.
- 30 phần trăm tro trấu trộn phân chuồng hoai mục.
Thực tế cho thấy, khi nhìn trên bề mặt chậu có pha trộn tro trấu nhiều, với chậu trộn tron trấu ít ta thấy chậu trộn than trấu nhiều, do giữ nước tưới không nhiều nên đất mau khô hơn. Khi tro trấu còn ẩm sẽ có màu đen, còn khô nước thì màu đen biến mất mà thay vào đó là màu xám.
Cũng cần xin được trình bày thêm về chất giá thể này : ngoài tro trấu mà chúng tôi vừa đề cập, còn có mạt cưa, dăm bào vụn, san hô vụn, gạch ngói đập nhỏ có độ xốp... là những chất nhẹ, xốp, giữ ẩm nhưng không ướt nhờ đó mà môi trường được thông thoáng... Đó là mặt lợi. Còn mặt bất lợi là không lưu giữ được lượng nước tưới nhiều, và thành phần dinh dưỡng cũng không đầy đủ nên thỉnh thoảng cần phải thay đất trồng, hoặc phải bón phân bổ sung thêm thì cây mới tưới tốt lâu dài được.
Việc tưới nước cho cây Hồng rất cần thiết trong mùa nắng hạn. Nhìn vào lá non ở đầu cành, tức đỉnh sinh trưởng, hệ thấy các lá nhỏ tươi tắn là cây đủ ẩm, còn nếu đỉnh lá non xàu xuống là cây đó đang “khát” nước, cần phải tưới ngay. Trong mùa mưa, chỉ những ngày nắng ráo tưới cho Hồng với lượng nước vừa phải cũng đủ.
Cây hoa Hồng chịu nắng, chịu nước tưới, nhưng lại không chịu vùng ngập lụt. Nếu trồng trong chậu thì chậu phải có lỗ thoát nước tốt. Nước tưới hoặc nước mưa đọng trong chậu lâu ngày (chừng vài ba ngày) cây sẽ héo rũ do bộ rễ bị hư thối. Vì vậy, mỗi ngày tưới nước vào chậu ta nên để ý xem hệ thống thoát nước của chậu có tốt không. Trường hợp nước không thoát được ta phải khai thông ngay.
Nếu trồng Hồng ngoài vườn thì phải chọn nơi đất cao ráo, nếu đất thấp phải lên liếp và có rãnh thoát nước để phòng ngừa lúc mưa to nước không thoát kịp vườn bị ngập lụt...
Nên chọn chỗ trồng hoa hồng phù hợp