Kỹ thuật trồng cây mây nếp

Đăng lúc: , Cập nhật

Mây nếp là loài cây thân leo, mọc cụm. Cây mây nếp (tên khác: Mây tắt, Mây trắng, Mây ruột già, Mây nhà) có tên khoa học: Calamus tetradactylus Hance, thuộc họ thực vật: họ Cau (Arecaceae). Mây nếp là một trong loài Mây có khu phân bố rộng nhất ở Việt Nam, tập trung nhiều ở Lào Cai, Yên Bái, Hòa Bình và Nghệ An. Cây mây có lóng dài, màu trắng đẹp, dẻo bền, dễ chẻ nên rất được ưa chuộng làm đồ đan lát, làm hàng mỹ nghệ. Gần đây, mây được sử dụng nhiều để đan mặt ghế và các đồ thủ công mỹ nghệ để xuất khẩu.

Kỹ thuật trồng cây mây nếp

ĐẶC TÍNH VÀ ĐIỀU KIỆN GÂY TRỒNG

Đặc tính

Mây thích nghi với nhiều điều kiện sinh thái. Trong thâm canh sản xuất mây, để có được những sản phẩm cho năng suất cao, chất lượng tốt người ta sử dụng giống mây nếp. Mây nếp cho năng suất cao, dễ thu hoạch, chịu được mọi điều kiện thời tiết, cây có khả năng kháng chịu sâu bệnh cao.

Điều kiện gây trồng

* Địa hình

- Có thể trồng mây trong rừng thứ sinh đã qua khai thác.

- Rừng non đang phục hồi, đất sau nương rẫy.

- Trồng ven hàng rào, ven suối, dọc đường đi nhưng phải có cây che bóng để cây mây phát triển và làm giá thể để mây leo bám.

- Độ cao dưới 500m thích hợp cho cây mây nếp.

* Khí hậu

Nhiệt độ bình quân năm: 20 - 30°C, không có mùa đông kéo dài, không có rét đậm và sương muối.

* Lượng mưa

1.500 - 2.000mm

* Đất đai

- Sâu dày, tốt, ẩm mát, thoát nước.

- Mùn khá, không chua, pH: 4,5 - 6,0

* Thực bì

- Có cây thân gỗ cho mây leo và có độ tàn che tốt nhất từ 0,4 - 0,5.

- Không trồng ở rừng rụng lá và vùng có lượng mưa thấp dưới 700-800mm.

KỸ THUẬT TRỒNG VÀ CHĂM SÓC

Tiêu chuẩn cây non đem trồng

- Tuổi: 18 tháng (Hãm cây 1 tháng trước khi trồng).

- Chiều cao cây: trên 20cm.

- Số lá: 3-4 lá/cây.

- Cây sinh trường tốt, không bị sâu bệnh.

Kỹ thuật trồng

a) Thời vụ

Đầu mùa mưa (tháng 8 - 9 ) hoặc sau mùa mưa (tháng 12 - tháng 1) dương lịch.

b) Phương thức trồng

- Trồng dưới tán rừng tự nhiên hoặc rừng trồng có độ tàn che bóng 0,4-0,5.

- Trồng theo đám trong rừng khoanh nuôi.

- Trồng trong vườn nhà hoặc dưới bóng cây khác.

c) Mật độ

- 3.300 cây/ha (1x3m) hay

- 2.500 cây/ha (1 * 4m) hoặc

- 1.650 cây/ha (2x 3m).

d) Xử lý thực bì

Phát dọn theo rãnh quanh hố trồng, đảm bảo giữ được cây che bóng và có trụ leo cho cây trồng. Nơi không có phải trồng hoặc cắm cọc cho cây leo.

e) Làm đất:

- Cục bộ theo hố đào: 15 * 15 * 15cm hoặc 20 * 20 x 20cm.

* Bón lót: Có điều kiện nên bón lót: 200 - 300g phân hữu cơ vi sinh hoặc 1 - 2kg phân chuồng hoai hoặc 100 gam NPK (16-16-8)/1 hố.

f) Cách trồng

Moi đất đặt cây vào hố, xé bỏ vỏ bầu nếu có, lấp đất ấn chặt, không lấp đầy quá cổ rễ của cây.

g) Chăm sóc

Chăm sóc năm thứ 2 và năm thứ 3 sau trồng:

- Lần 1: Bón thúc 100g NPK (16-16-8)/1 gốc kết hợp làm cỏ xới đất quanh gốc vào tháng 2 đến tháng 3.

- Lần 2: Bón thúc 100g NPK (16 - 16 - 8) / 1 gốc kết hợp làm cỏ xới đất xung quanh gốc vào tháng 8 - 10.

Chú ý:

- Hàng năm phát có dây leo bụi rậm chèn ép, đảm bảo đủ ánh sáng cho cây.

Không để gốc bị vùi quá sâu để cây đẻ nhánh tốt.

h) Tưới nước

(những nơi có điều kiện)

- Cây mây dễ sống nhưng khó trồng, tùy theo nhiệt độ, thời tiết tính từ ngày trồng đến tháng thứ 3 phải liên tục tưới và tạo ẩm cho cây. Khi trồng nếu gặp trời mưa, vẫn phải tưới thật đẫm vào những hố đã trồng. Nếu gặp trời nắng nên tưới vào lúc trời mát.

Thu hoạch

- Sau khi trồng 3 - 5 năm nơi đất tốt có thể bắt đầu khai thác.

- Chặt cách gốc 10cm, lôi dây mây ra khỏi khóm cây, róc bỏ bẹ lá.

- Phơi khô để bán hoặc đưa vào chế biến theo quy trình công nghệ riêng.

Nguồn: http://sonongnghiepbinhdinh.gov.vn

 
gọi Miễn Phí