Kỹ thuật trồng và chăm sóc bạch đàn

Đăng lúc: , Cập nhật

Cây bạch đàn không phải là loại cây mọc tự nhiên trong các lâm phận Việt Nam. Loài này xuất xứ từ nước Úc được dẫn giống bằng hạt đem về trồng ở đất nước ta vào khoảng thập niên 1950 và cho thấy một số loài rất thích hợp với thổ nghi và khí hậu của Việt Nam, nhất là có thể trồng tập trung thành rừng thuần hay trồng phân tán trong đất thổ cư của nhân dân từ vùng đồng bằng cho đến các vùng bình nguyên và cao nguyên.

Kỹ thuật trồng và chăm sóc bạch đàn

KỸ THUẬT TRỒNG RỪNG BẠCH ĐÀN

a) Thời vụ trồng rừng

- Vụ xuân: Trồng từ 15/2 đến 30/3

- Vụ thu: Trồng từ 15/9 đến 30/10

b) Kỹ thuật trồng cây

Để trồng rừng bạch đàn phục vụ cho nguyên liệu bột giấy, mật độ trồng 1.660cây/ha, hàng cách hàng 3m, cây cách cây 2m. Nếu nơi trồng được cày máy, kích thước hố đào 30 * 30 * 30cm . Nếu trồng rừng bằng phương pháp làm đất cục bộ, cuốc đất bằng tay, kích thước hố đào 40x 40 x 40cm. Mỗi hố cần bón lót 2kg phân hữu cơ vi sinh và 0,2kg NPK 8-4-4. Dùng đất tầng mặt đập nhỏ, trộn đều với phân sau đó bón vào hố. Sau 15 - 20 ngày, gặp thời tiết thuận lợi: Mưa vừa, râm, mát, đất đủ ẩm, cần tiến hành trồng bạch đàn ngay. Sau khi trồng 25 - 30 ngày, phải kiểm tra rừng đã trồng, nếu phát hiện cây con bị chết hoặc đổ gãy phải vứt bỏ và kịp thời trồng dặm lại để bảo đảm tỉ lệ thành rừng 100%.

Để rừng bạch đàn sinh trưởng nhanh, cần bón thúc trong lần chăm sóc thứ 2 với lượng 0,2kg NPK/cây.

Trong 3 năm đầu, rừng non bạch đàn phải được chăm sóc bảo vệ chu đáo, phòng ngừa tránh mọi tác động gây hại. Nếu rừng được trồng vào vụ xuân, năm thứ nhất chăm sóc 3 lần, năm thứ 2 chăm sóc 2 lần, năm thứ 3 chăm sóc 1 lần. Nếu rừng trồng vào vụ thu năm thứ nhất chăm sóc 1 lần năm thứ 2 chăm sóc 3 lần, năm thứ 3 chăm sóc 2 lần. Khi chăm sóc phải cuốc xới xung quanh và vun đất tơi vào gốc cây trồng, phát bỏ dây leo cỏ dại cạnh tranh chèn ép, tỉa bỏ cành gốc.

Tổ hợp bạch đàn cao sản, bạch đàn lai là giống mới, có ưu thế trội và ưu thế lai rõ rệt. Tốc độ tăng trường, tỉ lệ thành rừng, hiệu suất bột giấy, độ bền cơ học và độ trắng của giấy sản suất từ gỗ bạch đàn cao sản, bạch đàn lai vượt trội hơn những cây trong quần thể chọn lọc và cây bố mẹ lai.

Dùng phương pháp nhân giống sinh dưỡng hom - mô, cây hom giống hoàn toàn di truyền được các tính chất vốn có của cây mẹ lấy hom.

QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG VÀ SÂU BỆNH HẠI

Rừng trồng bạch đàn cần phải bảo vệ chu đáo cho đến khi thu hoạch, thường xuyên tuyên truyền giáo dục, nâng cao ý thức bảo vệ rừng trong cộng đồng dân cư, vận động các chủ trồng rừng sử dụng loại giống bạch đàn tốt, năng suất cao, có xuất xứ rõ ràng; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để không ngừng nâng cao sản lượng rừng. Thường xuyên tuần tra phát hiện nguy cơ cháy rừng để có biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Rừng trồng bạch đàn thường bị mối đất phá hoại. Trước khi trồng phải tiến hành dọn sạch cành nhánh, phá bỏ những tổ mối hỗn hợp, nuôi cây trong bầu PE phải được thanh trùng chu đáo. Không bón phân NPK chứa mùn cưa, không xén rễ cây hom giống bạch đàn trước khi trồng.

Khi phát hiện rừng bạch đàn bị sâu bệnh phải thông tin kịp thời đến cơ quan kỹ thuật chuyên ngành để có biện pháp xử lí kịp thời.

THU HOẠCH

Rừng trồng bạch đàn thâm canh đúng kỹ thuật về chọn giống, kỹ thuật tạo cây giống, kỹ thuật trồng rừng thâm canh đồng bộ, chăm sóc bảo vệ rừng chu đáo, sau 7 - 8 năm có thể cho thu hoạch gỗ để làm nguyên liệu chế biến bột giấy. Năng suất tăng trưởng rừng trồng bạch đàn (hiện tại) có thể đạt từ 12 - 13m³/ ha /năm tức là 88 - 104 m³/ ha sau 7-8 năm tuổi. Sau 15 năm có thể khai thác làm gỗ gia dụng, gỗ xây dựng.

Rừng trồng bạch đàn đến tuổi nên khai thác trắng, sau đó tiếp tục chăm sóc gốc chồi để tiếp tục kinh doanh các chu kỳ sản xuất tiếp theo.


KS. Đức Dũng
Nguồn: TT KN Quốc gia


 
gọi Miễn Phí