Kỹ thuật chọn giống, trồng và chăm sóc cây dưa chuột - Dương Phong

Đăng lúc: , Cập nhật

Tên khoa học: Cucumis sativus L. Họ bầu bí: Cucurbitaceae

Kỹ thuật chọn giống, trồng và chăm sóc cây dưa chuột - Dương Phong

CÂY DƯA LEO (DƯA CHUỘT) VÀ KỸ THUẬT THÂM CANH

1. GIỚI THIỆU

Dưa leo (dưa chuột) được biết ở Ấn Độ cách nay hơn 3.000 năm, sau đó được lan truyền dọc theo hướng Tây Châu Á, Châu Phi và miền Nam Châu Âu. Dưa leo được trồng ở Trung Quốc từ thế kỷ thứ VI và hiện nay được trồng rộng rãi khắp nơi trên thế giới.

Dưa leo cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất. Trái dưa leo chứa 96% nước và 100g trái tươi cho 14 calo; 0,7mg protein; 24mg calcium; vitamin A 201U; vitamin C 12mg; vitamin B1 0,024mg; vitamin B2 0,075mg và niacin 0,3mg.

2. ĐẶC TÍNH SINH HỌC

Rễ: Bộ rễ dưa phát triển rất yếu, rễ chỉ phân bố ở tầng đất mặt 30 - 40cm.

Thân: Thân thảo hằng niên, thân dài, có nhiều tua cuốn để bám khi bò. Chiều dài thân tùy điều kiện canh tác và giống, các giống canh tác ngoài đồng thường chỉ dài từ 0,5 - 2,5m. Thân trên lá mầm và lóng thân trong điều kiện ẩm độ cao có thể thành lập nhiều rễ bất định. Thân tròn hay có góc cạnh, có lông ít nhiều tùy giống. Thân chính thường phân nhánh; cũng có nhiều dạng dưa leo hoàn toàn không thành lập nhánh ngang. Sự phân nhánh của dưa còn chịu ảnh hưởng của nhiệt độ ban đêm.

Lá: Lá đơn, to mọc cách trên thân, dạng lá hơi tam giác với cuống lá rất dài 5 - 15cm; rìa lá nguyên hay có răng cưa. Lá trên cùng cây cũng có kích thước và hình dáng thay đổi.

Hoa: Đơn tính cùng cây hay khác cây. Hoa cái mọc ở nách lá thành đôi hay riêng biệt; hoa đực mọc thành cụm từ 5 - 7 hoa; dưa leo cũng có hoa lưỡng tính. Có giống trên cây có cả 3 loại hoa và có giống chỉ có 1 loại hoa trên cây. Hoa có màu vàng, thụ phấn nhờ côn trùng, bầu noãn của hoa cái phát triển rất nhanh ngay trước khi hoa nở. Các giống dưa leo trồng ở vùng ĐBSCL thường ra hoa sớm, bắt đầu ở nách lá thứ 4 - 5 trên thân chính, sau đó hoa nở liên tục trên thân chính và nhánh.

Sự biến dị về tính trạng giới tính ở dưa leo rất rộng, đó là đặc tính thích nghi mạnh của cây trong điều kiện môi trường. Nói chung, điều kiện ngày điểu nhiệt độ cao và các điều kiện bất lợi khác l cho cây cho nhiều hoa đực. Ngoài ra, tỉa nhánh, st dụng kích thích sinh trưởng và chế độ phân bón có thể ảnh hưởng đến sự biến đổi giới tính của cây. Các dạng cây có giới tính khác nhau ở dưa leo được nghiên cứu và tạo lập để sử dụng trong chọn tạo giống lai.

Trái, hạt: Lúc còn non có gai xù xì, khi trái lớn gai từ từ mất đi. Trái từ khi hình thành đến khi thu hoạch có màu xanh đậm, xanh nhạt, có hay không có hoa văn (sọc, vệt, chấm), khi chín trái chuyển sang màu vàng sậm, nâu hay trắng xanh. Trái tăng trưởng rất nhanh tùy theo giống, có thể thu trái từ 8 10 ngày sau khi hoa nở. Phẩm chất trái không chỉ tùy thuộc vào thành phần các chất dinh dưỡng trong trái mà còn tùy thuộc vào độ chặt của thịt trái, độ lớn của ruột trái và hương vị trái. Trái chứa hạt màu trắng ngà, trung bình có từ 200 - 500 hạt/trái.

Dưa leo thuộc nhóm ưa nhiệt, nhiệt độ ngày thích hợp cho dưa tăng trưởng là 30°C, và nhiệt độ ban đêm 18 - 21°C. Dưa có phản ứng với độ dài ngày khác nhau tùy theo giống, thông thường ngày ngắn kích thích cây ra lá và trái, vì vậy điều kiện thời tiết vùng đồng bằng cho phép dưa leo ra hoa trái quanh năm.

Yêu cầu về độ ẩm đất của dưa leo rất lớn. Dưa chịu hạn rất yếu, thiếu nước cây sinh trưởng kém và tích lũy chất cucurbitaxin làm trái trở nên đắng. Tuy nhiên ẩm độ không khí cao lại giúp cho bệnh đốm phấn phát triển mạnh.

3. GIỐNG

Có 2 nhóm giống dưa leo:

3.1. Nhóm dưa trồng giàn: Canh tác phổ biến ở những nơi có điều kiện làm giàn. Các giống dưa trong nhóm này có:

3.1.1. Các giống lai F1:

- Mummy 331: Nhập nội từ Thái Lan, sinh trưởng khá, ra nhánh mạnh, bắt đầu cho thu hoạch 35 - 37 ngày sau khi gieo, trái suôn đẹp, to trung bình (dài 16 - 20cm, nặng 160 - 200g), vỏ màu xanh trung bình, gai trắng, thịt chắc, phẩm chất ngon, giòn, không bị đắng, năng suất trung bình 30 - 50 tấn/ha.

- Giống 759: Nhập nội từ Thái Lan, sinh trường mạnh, cho thu hoạch 35 - 37 ngày sau khi gieo, trai thẳng, to trung bình, gai trắng, màu trái hơi nhạt hơn nhưng năng suất và tính chống chịu tương đương Mummy 331.

- Mỹ Trắng: Nhập nội từ Thái Lan, cây phát triển và phân nhánh tốt, cho thu hoạch 35 - 37 ngày sau khi gieo, tỷ lệ đậu trái cao, trái to trung bình, màu trắng xanh, gai trắng, ít bị trái đèo ngay cả ở giai đoạn cuối thu hoạch.

- Mỹ Xanh: Nhập nội từ Thái Lan, cây sinh trưởng tốt, chống chịu tốt hơn giống Mỹ Trắng, trái to tương đương Mỹ Trắng nhưng cho nhiều trái và năng suất cao hơn.

- Happy 2 và Happy 14: Nhập nội từ Hà Lan, cây phát triển rất mạnh nên cần gian cao, cây cho 100% hoa cái, có 10% cây đực cho phấn. Do đó trong kỳ thuật trồng chú ý đảm bảo tỷ lệ cây đực trong quần thể. Trái to (dài > 20cm, nặng > 200g), màu xanh trung bình, ruột nhỏ, gai trắng nên trái giữ được rất lâu sau thu hoạch. Dưa Happy chống chịu tốt bệnh đốm phấn và cho năng suất cao tương đương các giống F1 khác.

3.1.2. Các giống dưa leo địa phương

- Dưa leo Xanh: Tăng trưởng khá, ít đâm nhánh nên phải trồng dầy, cho trái rất sớm ( 32 - 35 ngày sau khi gieo), trái to trung bình, vỏ xanh trung bình, gai đen, dưa cho năng suất từ 20 - 40 tấn/ha. Khuyết điểm của giống là cho trái loại 2 nhiều vào cuối vụ và dễ nhiễm bệnh đốm phấn. Hiện nay giống này được Công ty Giống cây trồng Miền Nam chọn lọc thành giống cao sản.

- Dưa Tây Ninh: Tăng trưởng mạnh, đâm nhánh mạnh, hoa cái xuất hiện trên dây nhánh nên cho thu hoạch trễ ( 40 - 42 ngày sau khi gieo), trái to dài hơn dưa leo xanh, vỏ xanh trung bình, có sọc, 2 đầu hơi nhỏ hơn phần giữa trái. Dưa Tây Ninh chịu nóng tốt, thích hợp canh tác trong thời điểm giao mùa hơn dưa Xanh và cho năng suất cao hơn. Giống này cũng được Công ty Giống cây trồng Miền Nam chọn lọc thành giống cao sản.

3.2. Nhóm dưa trồng trên đất: Trồng phổ biến ở những nơi không có điều kiện làm giàn hay diện tích trồng lớn và canh tác trong mùa khô, phần lớn là giống địa phương:

- Dưa chuột: Cây bò dài 1m - 1,5m, cho thu hoạch rất sớm ( 30 - 32 ngày sau khi gieo), nhiều trái và mau tàn. Trái nhỏ, ngắn (dài 10-12cm, nặng < 100g), màu xanh nhạt, vỏ nhanh chuyển màu vàng sau thu hoạch, thịt trái mỏng, ruột to, ăn ngon giòn, được ưa chuộng để ăn tươi hoặc trộn giấm nhưng không có giá trị kinh tế cao.

- Dưa leo Phụng Tường: Tăng trưởng khá và ra nhánh mạnh, cho trái sớm ( 32 - 35 ngày sau khi gieo), trái dài trung bình, màu xanh trắng, gai đen, ruột đặc. Dưa Phụng Tường cho năng suất cao hơn và vỏ trái không chuyển sang vàng nhanh như dưa chuột nên được trồng phổ biến hơn.

4. KỸ THUẬT CANH TÁC

4.1. Thời vụ

Có thể trồng quanh năm, tuy nhiên dưa leo tăng trưởng tốt trong mùa mưa hơn mùa khô. Các vụ trồng khác nhau có thuận lợi và khó khăn khác nhau:

- Vụ Hè Thu: gieo tháng 5 - 6 thu hoạch tháng 7- 8 dl, đây là thời vụ chính trồng dưa leo giàn. Mua này dưa cho năng suất cao, ít sâu bệnh và đỡ công tưới nước.

- Vụ Thu Đông: gieo tháng 7 - 8 thu hoạch 9. 10 dl, do mưa nhiều, cây có cành lá xum xuê, cho ít hoa trái. Trong thời kỳ trổ bông nếu gặp mưa liên tục vào buổi sáng thì cây đậu trái kém hoặc trái non dễ bị thối, vụ này dưa dễ bị bệnh đốm phấn nên thời gian thu hoạch ngắn.

- Vụ Đông Xuân: Gieo tháng 10 - 11, thu hoạch tháng 12 - 1dl, dưa leo bò và dưa giàn đều trồng được.Vụ này thời tiết lạnh, thường có dịch bọ trĩ và bệnh đốm phấn phát triển mạnh nên phải đầu tư cao.

- Vụ Xuân Hè: Gieo tháng 1 - 2, thu hoạch 3 - 4dl, mùa này nhiệt độ cao thích hợp cho dưa leo trồng đất. Cuối mùa nắng, thời tiết khắc nghiệt nhất trong năm, lượng nước bốc thoát qua mặt đất và lá dứa nhiều, nếu không tưới đủ nước cây sinh trưởng kém thân ngắn, lá nhỏ, hoa trái ít và cho năng suất thấp.

4.2. Làm đất và gieo hạt

Dưa leo có yêu cầu đất nghiêm khắc do bộ rễ yếu và sức hấp thụ của rễ kém, nếu gặp hạn hay úng hoặc nồng độ phân cao bộ rễ dưa dễ bị vàng khô, vì thể nên trồng dưa trên đất có thành phần cơ giới nhẹ như cát pha, đất thịt nhẹ thoát thủy tốt ch nhiều chất hữu cơ, pH từ 6,5 - 7,5.

Nên làm đất kỹ. Đất mặt phải cày cuốc sâu, lên líp cao 20 - 25cm để trồng trong mùa mưa hoặc trồng có làm giàn, mùa nắng trồng dưa thả bò trên đất ruộng hay đất thoát nước tốt chỉ cần đào hộc trồng, không cần lên líp. Líp trồng có thể phủ bạt plastic hay rơm rạ để giữ ẩm.

Hạt dưa leo nẩy mầm rất nhanh và tỷ lệ nấy mầm cao nên có thể tỉa thẳng 2 - 3 hạt/lỗ, gieo sâu 2 3cm và lấp tro trấu. Trồng giống F1 để tiết kiệm giống và chăm sóc cây con được đều, nên gieo cây con trong bầu đất và đem trồng khi có lá thật. Trồng mỗi lỗ một cây, các giống ít đâm nhánh trồng 2 - 3 cây/lỗ. Khoảng cách trồng 0, 8 - 1 ,5m*0,3-0,4m mật độ 30.000 - 50.000 cây/ha. Dưa giàn trồng hàng đơn hay hàng đôi đều được, mùa thuận nên trồng dầy để có năng suất cao, mùa nghịch nên trồng thưa để dễ chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh.

Lượng giống trồng cho 1 ha tùy phương pháp trồng. Dưa thả bò, đưa địa phương tỉa thẳng cần 1 - 3 kg giống/ha; dưa F1 - cần 0.5-0.8 kg hạt/ha.

4.3. Chăm sóc

4.3.1. Bón phân: Nhu cầu dinh dưỡng của dưa leo khá cao, dưa leo hấp thụ mạnh nhất là kali, kế đến là đạm. Dưa leo mẫn cảm với chất dinh dưỡng trong đất và không chịu được nồng độ phân cao; vì vậy phân được bón thúc nhiều lần thay vì bón tập trung. Ở giai đoạn đầu của sự sinh trưởng dưa hấp thụ nhiều đạm hơn các chất khác; đến khi dưa phân nhánh và kết trái dưa mới hấp thụ mạnh kali. Tuy nhiên bón đạm dư thừa dẫn tới tình trạng cây tăng trưởng mạnh và ra nhiều hoa đực.

Lượng phân bón tùy theo điều kiện dinh dưỡng có sẵn trong đất và nhu cầu của cây dưa leo qua từng giai đoạn sinh trưởng. Đối với giống lai nhập nội cho năng suất cao, cần bón phân nhiều hơn giống địa phương.

Công thức phân thường dùng cho dưa leo trồng ở đồng bằng là:

N: 140-220kg/ha

P2O5: 150-180kg/ha

K2O: 120-150kg/ha

Dựa vào công thức trên có thể bón cho lha dua leo: 1 tấn phân 16-16-8, 100kg Urê, 50kg DAP và 100kg KCl hoặc 200 - 300kg Urê, 500 - 700kg super lân, 150-200kg KCl, 20 - 25 tấn phân chuồng và 1 - 2 tấn tro trấu.

Sau đây là một ví dụ về thời điểm, loại phân và liều lượng bón cho 1 ha: 

Loại phân Tổng số Bón lót Tưới thúc (5 - 10 NSKG) Bón thúc (15-20 NKSG) Bón nuôi trái (35 - 55 NSKG)
Vôi (tấn) 1 1      
Phân chuồng (tấn) 20 20      
16-16-8 (kg) 1.000 400   300 300
Urê (kg) 100   50   50
DAP (kg) 50   50    
KCI (kg) 100       100

NSKG: Ngày sau khi gieo

Ở những vùng có tập quán bồi bùn, phân thúc được chia làm 2 lần bón 2 bên líp vào 12 và 20 NSKG, sau đó bồi bùn lên mặt líp để lấp phân. Phân bón nuôi trái cũng được chia làm nhiều lần sau các đợt thu trái. Ngoài ra có thể phun bổ sung phân qua lá SUPERMES để tăng tỷ lệ trái loại 1.

4.3.2. Tưới nước: mùa nắng tưới 1 ngày 2 lần vào buổi sáng và buổi chiều. Tăng cường lượng nước tưới và diện tích tưới xung quanh gốc khi cây lớn, nhất là thời kỳ ra hoa trái rộ; cần thoát nước tốt trong mùa mưa. Trong trường hợp tưới rành, không nên để nước quá cao trong mương tưới khi cây lớn vì có thể làm hạn chế hoặc hư rễ dưa mọc dài ra mương, tốt nhất là rút cạn nước trong mương sau khi tưới.

4.3.3. Phủ rơm, làm giàn: sau các lần bón thúc, cây bỏ vòi ngả ngọn bò. Trồng dưa bò đất phải đậy rơm xung quanh gốc để giữ ẩm hoặc rải rơm rạ khắp mặt ruộng cho dưa bò, đồng thời bảo vệ trái khỏi hư thối do tiếp xúc trực tiếp với đất ẩm và rơm cũng hạn chế sự phát triển của cỏ dại.

Đối với dưa trồng giàn, khi cây bắt đầu có tua cuốn (20 NSKG) thì làm giàn kiểu chữ nhân, cao khoảng 2m. Giàn bằng chà gai tốt hơn tre sậy vì chà gai có nhiều nhánh ngang, dưa dễ bám khi bò và sử dụng được 2 - 3 vụ, c hat an * (40 - 50) cây chà/ha. Giàn cũng có thể làm cố định bằng cọc tràm và dây kẽm để sử dụng được 3 - 5 năm. Hiện nay, việc sử dụng lưới nilon để làm giàn cho dưa leo cũng được phổ biến trong sản xuất vì giảm bớt được số lượng cây giàn, giảm chi phí, thao tác nhanh gọn và dùng được nhiều mùa.

4.3.4. Phòng trừ sâu bệnh

Sâu hại quan trọng gồm có:

- Bọ trĩ hay bù lạch (Thrips palmi): Thành trùng và ấu trùng rất nhỏ có màu trắng hơi vàng, sống tập trung trong đọt non hay mặt dưới lá non, chích hút nhựa cây làm cho đọt non bị xoăn lại. Thiệt hại này kết hợp với triệu chứng do rệp dưa làm cho đọt non bị sượng, đọt bị chùn lại, nông dân thường gọi là ngù đọt. Khi nắng lên bù lạch ẩn nấp trong rơm rạ hoặc lá cuốn lại. Thiệt hại do bọ trĩ có liên quan đến bệnh khảm.

Bù lạch phát triển mạnh vào mùa khô hạn. Thiệt hại do bù lạch trong những vùng chuyên canh rất trầm trọng. Nên trồng đồng loạt và tránh gối vụ, kiểm tra ruộng dưa thật kỹ để phát hiện sớm ấu trùng.

Bù lạch có tính kháng thuốc rất cao, nên thay đổi thuốc thường xuyên phun Vertimec, Confidor, Admire, Danitol.

- Bọ rầy dưa (Aulacophora similis): Bọ rầy có kích thước khá to, bằng đầu đũa ăn, màu cam, bay chậm, có thể bắt bằng tay vào sáng sớm khi đang ăn phá cây con. Ấu trùng màu trắng ngà, ăn phần rễ hoặc thân gần mặt đất.

Thu gom tiêu hủy cây dưa sau mùa thu hoạch, chất thành đống tạo bẫy để rầy dưa tập trung, sau đó phun thuốc. Rải thuốc hột như Bam, Basudin, Regent 20kg/ha hay phun các loại thuốc phổ biến như Sumi-alpha, Sumicidin, Baythroit, Admire.

- Rệp dưa, rầy nhớt (Aphis spp.): Ấu trùng lẫn thành trùng đều rất nhỏ, dài độ 1 - 2mm, có màu vàng, sống thành đám đông ở mặt dưới lá non từ khi cây có hai lá mầm đến khi thu hoạch, chích hút nhựa làm cho ngọn dây dưa chùn đọt và lá bị vàng, rầy truyền bệnh khảm. Rầy có rất nhiều thiên địch như bọ rùa, dòi, kiến, nhện, nấm... nên chỉ phun thuốc khi nào mật số quá cao gây ảnh hưởng đến năng suất. Thuốc phòng trị như ở bọ rầy dưa,

- Dòi đục lòn là hay sâu vẽ bùa (Liriomyza spp.): Thành trùng là một loại ruồi rất nhỏ, dài 1,4mm, màu đen bóng, có vệt vàng trên ngực, khi đậu cặp cánh màng xếp lại trên lưng bụng. Trứng dạng tròn, màu trắng hồng, được để trong mô mặt trên lá. Ấu trùng là dòi, dài 2mm, màu vàng nhạt, đục thành đường hầm ngoằn ngoèo dưới lớp biểu bì lá của nhiều loại cây trồng như bầu bí dưa, cà, ớt, đậu... Dưới ảnh hưởng của ánh nắng mặt trời, những đường này làm cho lá bị cháy khô, cây rất mau tàn lụi. Ruồi tấn công rất sớm khi cây bắt đầu có lá thật, thiệt hại trong mùa nắng cao hơn trong mùa mưa.

Ruồi rất nhanh quen thuốc, nên cần thay đổi chủng loại thuốc thường xuyên. Phun khi cây có 2- 3 lá; khi cần thiết có thể phun lặp lại sau 7 - 10 ngày. Qua nhiều thí nghiệm cho thấy phun các loại thuốc gốc cúc hoặc phối hợp với thuốc gốc lân hay dầu khoáng D-C Tron Plus 5%%. Trải màng phủ plastic trên mặt líp sẽ giảm được mật số ruồi đáng kể và cho hiệu quả kinh tế cao.

Bệnh hại quan trọng gồm có:

- Bệnh héo rũ, chạy dây (nấm Fusarium sp.): Cây bị mất nước, chết khô từ đọt, thân đôi khi bị nứt, trên cây con bệnh làm chết rạp từng đám. Trên cây trường thành, nấm gây hại từ thời kỳ ra hoa đến tượng trái, cây dưa bị héo từng nhánh, sau đó héo đột ngột như bị thiếu nước rồi chết cả cây. Vi sinh vật lưu tổn trong đất nhiều năm, bệnh này có liên quan ít nhiều đến tuyến trùng và ẩm độ đất. Nấm Phytophthora sp. cũng được ghi nhận gây nên bệnh này.

Nên lên líp cao, làm đất thông thoáng, bón thêm phân chuồng, tro trấu, nhổ cây bệnh tiêu hủy. Phun hay tưới vào gốc Copper-B, Derosal, Rovral, Topsin- M 2-3% hoặc Appencarb supper, Aliette, Ridomil, Curzate 1-2%. Rải thuốc hạt Bam, Basudin 10- 20kg/ha trừ tuyến trùng. Tránh trồng dưa leo và các cây cùng nhóm như bí đỏ, bí đao, dưa hấu liên tục nhiều năm trên cùng một thửa ruộng.

- Bệnh chết héo cây con, héo tóp thân (nấm Rhizoctonia solani): Cổ rễ thường bị thối nhũn, cây dễ ngã, lá non vẫn xanh. Nấm chỉ gây hại ở giai đoạn cây con, bệnh còn làm thối đít trái. Bệnh phát triển mạnh khi ẩm độ cao; nấm lưu tồn trên thân lúa, rơm rạ, cỏ dại, lục bình, hạch nấm tồn tại trong đất sau mùa lúa.

Cần xử lý rơm bằng thuốc hóa học sau khi gieo hạt. Phun Validacin, Anvil, Rovral, Hinosan; Copper-B, Tilt super, Bonanza (các loại thuốc trị bệnh đốm vằn trên luá đều trị được bệnh này)

- Bệnh thối trái non (nấm Choanephora cucurbi tarum): Thường tấn công lá, hoa và trái non 5 - 7 ngày sau khi thụ phấn, bệnh gây thiệt hại nặng trong mùa mưa. Không nên trồng quá dầy, giảm nước tưới, không nên tưới nước vào buổi chiều tối khi bệnh đã xuất hiện. Cần vệ sinh đồng ruộng, thu gom các lá trái bệnh đem tiêu hủy. Nên phun ngừa các loại thuốc như phòng trị bệnh héo rũ.

- Bệnh thán thư (nấm Colletotrichum lagenarium): Vết bệnh trên lá có màu nâu tạo thành những vòng tròn đồng tâm. Khi thời tiết thuận hợp như nắng mưa xen kẽ, vết bệnh sẽ nặng hơn, các ổ nấm màu đen nằm trên vòng tròn rất rõ. Vết bệnh trên thân có dạng dài, tạo thành vệt. Vết bệnh trên trái có màu nâu tròn lõm vào da còn gọi là ghẻ dưa, bệnh nặng các vết này liên kết thành mảng to gây thối trái, nhũn nước.

Phun Manzate, Mancozeb, Antracol, Curzate, Copper-B, Topsin-M, Toptan, Benlat-C.

- Bệnh đốm phấn, sương mai (nấm Pseudoperonos- pora cubensis): Vết bệnh hình đa giác có góc cạnh rất rõ, lúc đầu có màu vàng nhạt sau chuyển thành nâu; sáng sớm quan sát kỹ mặt dưới lá có tơ nấm màu trắng hoặc vàng nhạt, vết bệnh lúc già rất giòn, dễ vỡ. Bệnh thường xuất hiện từ lá già ở gốc lan lên lá non, phát triển mạnh vào thời điểm ẩm độ cao, mưa nhiều.

Phun Curzate, Mancozeb, Copper-B, Benlate-C hoặc Ridomil.

- Bệnh khảm do siêu vi khuẩn: Bệnh này được truyền từ cây bệnh sang cây khỏe bởi nhóm côn trùng chích hút như bù lạch và rệp dưa. Triệu chứng bệnh là đọt non bị xoăn lại, lá bị mất màu, lốm đốm vàng, thiệt hại nặng sẽ làm cho đọt bị sượng, cây bị chùn lại, phát triển rất chậm, khả năng cho trái rất ít, trái thường dị dạng và có vị đắng. Chỉ nên phun ngừa bù lạch và rệp dưa khi cây còn nhỏ bằng các loại thuốc thông thường. Cần nhổ bỏ và Nêu hủy các cây bệnh để tránh lây lan.

- Bệnh lở cổ rễ, cháy khô lá (nấm Phytophthora sp.) Bệnh gây hại trên lá, trái và gốc thân. Bệnh gây hại ở bất kỳ vị trí nào trên lá, nhưng thường từ rìa lá vào, vùng bệnh như bị úng nước, chuyển sang màu đen và thối nhũn. Trên trái, bệnh chỉ gây hại trên trái non làm trái bị thối đen và nhũn ra. Ở thân, bệnh thường gây hại ở phần cổ rễ làm nơi đây bị úng nước mất màu, sau đó chuyển sang màu nâu đen nhũn ra và gây thối cả rễ, làm cây chết.

Thoát nước tốt cho ruộng dưa. Tránh trồng quả dây, không tưới nước đẫm vào chiều mát. Phun thuốc Manzate; Curzate, Ridomil; Aliette 7-10 ngày một lần.

5. THU HOẠCH

Dưa ăn trái tươi thu hoạch lúc trái trông ngon nhất, vỏ trái có màu xanh mượt, còn lớp phần trắng, trái suôn đẹp và đầu trái còn cánh hoa chưa rụng. Thời gian thu trái kéo dài 20 - 30 ngày, thu cách ngày một lần, lúc rộ có thể thu mỗi ngày để trái vừa lứa, đồng đều, dễ bán. Năng suất dưa chuột 15 - 17 tấn/ha, dưa leo địa phương 20 - 30 tấn/ha và các giống lai 30 - 50 tấn/ha.

ThS. Trần Thị Ba
Trường ĐH Cần Thơ
http://andienseeds.com.vn/pages/ky-thuat-trong-dua-leo.php

KỸ THUẬT TRỒNG DƯA CHUỘT THEO TIÊU CHUẨN VietGap

1. Chuẩn bị giống vườn ươm

Thời vụ

dưa chuột có thể trồng quanh năm nhưng có hai vụ chính:

- Vụ xuân: gieo từ cuối tháng 1 đến cuối tháng 2 dương lịch.

- Vụ đông: gieo từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 10.

Ngoài ra dưa chuột cũng thích hợp với vụ hè tháng 4, 5, 6. Nếu bà con trồng dưa chuột xen giữa 2 vụ lúa thì nên làm bầu để tranh thủ được thời vụ.

Chuẩn bị giống

Sản xuất dưa chuột theo hướng VietGap thì yếu tố đầu vào là giống cần được kiểm soát chặt chẽ. Giống dưa phải do các công ty, đơn vị sản xuất có uy tín cung cấp và đảm bảo hạt giống đó phải có tỉ lệ này mầm cao.

Trước khi gieo trồng, cần tiến hành ngâm ủ hạt giống: ngâm hạt trong nước 3 sôi, 2 lạnh, ngâm trong vòng 2 – 3 h, rồi đổ vào khăn ẩm ủ. Sau 1-2 ngày, hạt nảy nầm.

Làm bầu và gieo cây con

- Sau khi chuẩn bị xong hạt giống, tùy thuộc vào điều kiện bà con có thể gieo trực tiếp hoặc gieo qua bầu. Tuy nhiên gieo qua khay bầu sẽ có nhiều lợi thế như dễ chăm sóc, kiểm soát được sâu bệnh, chuột bọ.

- Đất bầu: 40% đất bột+40% xơ dừa +20% là mùn mục.

- Khi hạt nứt nanh thì đem gieo vào các hốc bầu, mỗi hốc 1 hạt và tuới đủ ẩm để mầm cây phát triển tốt. Đặt hạt xong dùng một lớp đất bầu dải mỏng lên mặt khay, che kín hạt rồi tiến hành tưới ẩm ngay sau đó.

- Chăm sóc bầu cây: mỗi ngày cần tưới nhẹ 1 lần và thường xuyên kiểm tra xem hạt đã nảy mầm chưa. Sau 5 – 7 ngày, là có thể tiến hành mang bầu cây ra trồng.

Để chuẩn bị đủ hạt giống cho diện tích đồng ruộng bà con có thể ước lượng hạt gieo cho mỗi hecta như sau:

+ Dưa chuột quả nhỏ, quả to cần từ 700 - 1000gam/ha.

+ Dưa chuột bao tử cần từ 500 - 600 gam/ha.

2. Trồng cây

Đất trồng, lên luống:

- Vị trí đất trồng: Khu vực trồng dưa phải cách ly với khu vực bị ô nhiễm, không bị ảnh hưởng trực tiếp từ các nguồn chất thải công nghiệp, chất thải sinh hoạt từ các khu ân cư, bệnh viện, các lò giết mổ, nghĩa trang, đường giao thông lớn.

- Đất trồng dưa chuột nên chọn khu vực đất cao, dễ thoát nước nhưng chủ động nguồn nước tưới, có tầng canh tác dày 20-30cm. Đất thịt nhẹ hoặc cát pha có độ pH từ 6- 6,5. Nếu pH thấp hơn thì dùng vôi bột để tăng pH.

- Ngoài ra, đất phải được xác định hàm lượng một số kim loại nặng trước khi sản xuất và trong quá trình sản xuất đảm bảo không vượt quá ngưỡng cho phép  như: hàm lượng asen không vượt quá 12mg/kg đất khô, kẽm 200, đồng 50…

- Trong trồng dưa chuột, bà con đặc biệt chú ý phải chọn đất luân canh với cây lúa nước hoặc đậu, bắp, ngô…Trước đó 2 vụ không trồng các cây cùng họ như dưa leo, khổ qua bầu bí…để tránh sâu bệnh tồn dư…

- Đất trồng cần được cày bừa kỹ, làm nhỏ, tơi xốp, nhặt sạch cỏ dại. Nếu cần phải xử lý sâu bệnh thì dùng vôi bột để xử lý đất.

- Sau khi làm đất tiến hành lên luống:  Luống dưa rộng 1,2 m – 1,5 m, cao 25 – 30 cm. Rãnh nên để rộng từ 30 – 35 cm..

- Sau khi lên luống, rạch 1 hàng nhỏ ở giữa luống và tiến hành bót lót. Bà con chú ý phân bón lót phải là phân hữu cơ đã ủ hoai mục…Bón 1 lượt phân hữu cơ rồi bón lân lên trên, sau đó phủ một lớp đất mỏng lên mặt luống.

- Sau khi bón lót, tiến hành trải màng phủ nilon để hạn chế sâu bệnh hại và cỏ dại trong quá trình cây dưa sinh trưởng. Màng phủ đã khoét sẵn các lỗ đường kính từ 10 – 12 cm tương đương với khoảng cách trồng dưa.

Cách trồng

- Sau khi loại bỏ những cây khác dạng, cây bị bệnh, chuyển khay ra đồng, nhấc nhẹ bầu cây ra khỏi khay và rải đều cây theo khoảng cách quy định. Bà con chú ý, khi nhấc cây ra khỏi khay bầu nhẹ nhàng, dùng 1 tay đẩy phía dưới đáy bầu lên và tay kia nhấc nhẹ nhàng ra khỏi khay. Vùi kín bầu cây dưới đất và tưới thấm gốc để cho chặt gốc.

- Nếu bà con dùng rơm rạ hay tàn dư thực vật để phủ luống thì sẽ phủ sau khi trồng cây xong.

- Khoảng cách trồng:

+ Giống dưa chuột quả nhỏ và dưa chuột ăn tươi: Cây cách cây 40 - 45 cm trong vụ xuân và 30 – 35cm trong vụ đông.Mật độ: 30.000 - 33.000 cây/ha;

+ Giống dưa chuột bao tử: Cây cách cây: 60cm trong vụ đông và 70cm trong vụ xuân. Mật độ: 25.000 - 28.000 cây/ha.

3. Chăm sóc

Tưới nước

- Nguồn nước tưới phải là nước sạch, có thể là nước giếng khoan đã qua xử lý, không lấy nước trực tiếp từ các khu vực ô nhiễm, nước từ các khu công nghiệp, khu dân cư tập trung, trang trại chăn nuôi, lò giết môt gia súc…

- Hàm lượng một số hóa chất và kim loại nặng trong nước tưới không vượt quá ngưỡng cho phép như: thủy ngân 0,001mg/lit, a sen và chì: 0,1…

- Trong quá trình chăm sóc dưa chuột, cần chú ý để điều tiết lượng nước thích hợp, đặc biệt trong vụ thu - đông, có thể tưới rãnh để cung cấp nước cho cây. Cần thường xuyên giữ ẩm đất từ giai đoạn cây ra hoa, đặc biệt từ khi thu quả để tăng chất lượng thương phẩm quả.

Bón phân

- Tăng cường sử dụng phân hữu cơ ủ hoai mục bón để bón lót.  đối không bón các loại phân chuồng chưa ủ hoai, không dùng phân tươi pha nước để tưới.

- Kết hợp giữa tưới nước với bón thúc ở 3 thời kỳ:

+ Lần 1: Sau khi cây bén rễ hồi xanh.

+ Lần 2. Khi cây bắt đầu ra hoa cái

+ Lần 3: Sau khi thu quả đợt đầu

Lượng phân bón:

- Phân chuồng hoai mục: Số lượng 20.000 - 30.000kg/ha; bón lót 100%

- Đạm: Số lượng 120kg/ha; bón thúc: lần 1 20%, lần 2 40%, lần 3 40%

- Lân: Số lượng 90kg/ha; bón lót: 50%; bón thúc: lần 1 25%, lần 2 25%

- Kali: Số lượng: 120kg/ha; bón lót: 30%; bón thúc: lần 1 10%, lần 2 30%, lần 3 30%

- Bón kết hợp với vun xới nhẹ, nhặt cỏ dại…Nếu không có phân chuồng hoai mục, có thể sử dụng phân hữu cơ sinh học với lượng 3.000 - 3.500 kg/ha.

- Nếu vào thời điểm bón thúc gặp trời mưa liền nhiều ngày thì chuyển sang sử dụng phân bón lá theo hướng dẫn trênbao bì.

Cắm giàn

Khi cây bắt đầu ra tua cuốn, cần cắm giàn cho dưa chuột, nên cắm hình chữ A. Cắm cọc cách mỗi gốc cây khoảng 5-6 cm, cao 2.2- 2.5m.

Trước khi cắm giàn cần tưới rãnh, để nước ngấm vào luống rồi tháo hết nước.

- Ngoài ra, bà con chú ý, cần tiến hành buộc ngọn dưa để tránh dây dưa bị dập gãy. Công việc này làm thường xuyên cho đến khi cây ngừng sinh trưởng đảm bảo năng suất và chất lượng quả dưa….

- Thường xuyên nhặt sạch cỏ ở gốc cây, cắt bỏ những lá già ở phía dưới để tạo sự thông thoáng cho ruộng dưa.

4.  Phòng trừ sâu bệnh

- Áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM để phòng trừ dịch bệnh như: luân canh cây trồng hợp lý, sử dụng giống tốt, sạch bệnh, thường xuyên vệ sinh đồng ruộng, sử dụng nhân lực bắt giết sâu.

- Chỉ  sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi thật cần thiết và đảm bảo: thuốc nằm trong danh mục cho phép, Chọn các thuốc ít độc hại với thiên địch, các động vật khác và con người. Ưu tiên sử dụng các thuốc sinh học (thuốc vi sinh và thảo mộc), thuốc ít độc, thuốc có thời gian phân hủy nhanh và thời gian cách ly ngắn.

- Một số loại thuốc được khuyến cáo có thể sử dụng để phòng trị một số bệnh phổ biến như Vitaco( trị sâu vẽ bùa, bọ trĩ), Ridomin( bệnh giả sương mai, bệnh vàng lá, bệnh phấn trắng). Liều lượng và cách sử dụng xem hướng dẫn trên bao bì thuốc.

5. Thu hoạch

- Vụ xuân sau gieo khoảng 40- 45 ngày,  vụ đông sau gieo 30 – 35 ngày là bắt đầu thu hoạch. Khi quả đạt tiêu chuẩn khoảng 4- 5 ngày tuổi là có thể thu hoạch. Nếu để quá già sẽ ảnh hưởng tới sự ra hoa và đậu quả của các lứa sau. Thu hái nhẹ nhàng để tránh đứt dây.

- Dưa chuột có thể thu liên tục hàng ngày, bà con thường xuyên quan sát để chọn lựa quả dưa đạt tiêu chuẩn, đảm bảo năng suất và chất lượng quả.

- Trên 1 ha diện tích, tùy thuộc vào giống và từng thời vụ nếu chăm sóc tốt theo đúng quy trình thì thông thường dưa chuột ăn tươi năng suất trung bình 35 tấn/ha. Có những giống 45 – 50 tấn

6.  Sơ chế và bảo quản

- Sản xuất dưa chuột theo tiêu chuẩn VietGAP, ngoài việc quan tâm đến quy trình sản xuất thì  khâu sơ chế, chế biến sản phẩm cũng được ưu tiên hàng đầu. Mỗi vùng sản xuất cần phải có 1 nhà sơ chế phù hợp với quy mô sản xuất và chủng loại sản phẩm. 

 Nhà sơ chế gồm: khu vực tiếp nhận; khu vực sơ chế; khu vực bảo quản; khu cung cấp nước; khu vệ sinh và khu chứa phế thải. Các dụng cụ sơ chế và các bước tiến hành cũng đảm bảo đúng quy trình. Cán bộ làm việc tại nhà sơ chế cũng phải nắm được kỹ thuật sơ chế.

- Sau khi sơ chế tiến hành đóng gói sản phẩm vào các bao bì có ghi nguồn gốc nơi sản xuất địa chỉ của sản phẩm...

7. Để giống

Để làm giống, ruộng dưa chuột giữa các giống khác nhau, phải có khoảng cách cách ly ít nhất 2km. Mỗi cây lấy 3 - 4 quả giống. Sau khi thu lứa đầu quả thương phẩm, để những quả giữa thân làm giống. Các hoa cái khác vặt hết để tập trung dinh dưỡng nuôi quả giống.

Quả giống 25 - 30 ngày tuổi, thu về để chín sinh lý 4 - 5 ngày. Bổ dọc quả, lấy thìa con cạo hạt ngâm vào chậu nhựa một ngày đêm, sau đó đãi kỹ, phơi 3 - 4 nắng nhẹ.

Hạt cất vào lọ, chum vại, dưới có một lớp vôi bột, đậy nắp kỹ, có thể sử dụng sau 3 - 4 năm cất giữ.

Các giống lai F1 không để giống cho vụ sau được.

Theo webkythuatchannuoitrongtrotnongnghiep
 

CÁCH TRỒNG DƯA LEO TRONG CHẬU AN TOÀN, SAI QUẢ

Dưa leo (dưa chuột) là loại thực vật họ Bầu Bí, cùng họ với dưa hấu, bí đao, bầu, bí ngô, mướp, mướp đắng. Nhưng dưa chuột lại không phải là giống cây khỏe, khó chịu được biến động của môi trường nên cần kỹ thuật trồng dưa leo trong chậu đúng cách và chú ý chăm sóc để có thể ra quả thành công.

Chuẩn bị đất trồng trong chậu

Trộn 50 dm khối đất và phân bò theo tỷ lệ 7/3. Tiếp theo bổ sung 20 gr phân lân, 20gr NPK, 50 gr vôi, 20 gr hữu cơ vi sinh vào mỗi chậu

Chuẩn bị cây con

Hạt giống gieo trực tiếp không cần ngâm ủ. Hạt gieo dưới lớp đất 0,5 - 1cm, gieo xong phủ hạt bằng lớp đất xung quanh. Nếu trồng trong chậu, có thể gieo trực tiếp vào chậu. Cần chuẩn bị chậu kích thước tối thiểu có đường kính 30 cm. Mỗi chậu gieo 5 - 7 hạt. Sau gieo 7 - 10 ngày, cây con có khoảng 4 lá, có thể cấy (nên cấy vào lúc chiều mát) hay tỉa bỏ những cây thừa. Mỗi chậu nên trồng từ 1 - 3 cây.

Chăm Sóc

Cây dưa leo có thể để mọc bò lan trên mặt đất hay mọc leo quanh thân cọc thẳng đứng. Ưu điểm của việc mọc leo quanh thân cọc sẽ giúp cho quả dưa leo phát triển vươn cao khỏi mặt đất (theo thân cọc), điều đó sẽ giảm khả năng dưa chuột bị hư hại hoặc thối/nát.

Nếu để dưa leo bò lan trên mặt đất, nên lưu ý việc bỏ rơm khô hoặc bìa các-tông bên dưới để giữ cho quả dưa được sạch sẽ. Trong một số điều kiện, có thể hứng chịu thời tiết lạnh, ẩm ướt.

Tưới nước

Khi cây dưa leo trong thời kỳ trổ hoa, cần lưu ý không để cho cây bị khô hạn hay thiếu nước tưới. Trong giai đoạn này cây đã khá cứng cáp (không bị chết khi tưới nước quá nhiều). Nên sử dụng loại chậu/bình hay khu vực đất trồng có hệ thống thoát nước hợp lý, khoa học.

Thu hoạch

Càng thu hoạch nhiều dưa leo thì cây càng phát triển nhanh hơn. Thời điểm phù hợp nhất để thu hoạch dưa leo là khi quả dưa có kích thước vừa phải (đầu quả con cánh hoa chưa rụng, vỏ xanh mượt, vẫn còn lớp phấn trắng) hoặc có chiều dài vừa phải (khoảng 15cm), như thế sẽ tạo điều kiện cho cây phát triển hơn nữa.

Để hiểu rõ hơn về kỹ thuật trồng dưa leo trong chậu, mời quý độc giả tham khảo thêm tại cachtrongrau.wordpress.com và trongrausachtainha.vn.
Bích Phượng (T/h)
https://vietq.vn/ky-thuat-trong-dua-leo-trong-chau-an-toan-sai-qua-d66499.html
 

QUY TRÌNH SẢN XUẤT DƯA BAO TỬ MUỐI

Quy trình công nghệ:

1. Chuẩn bị nguyên liệu

Chọn dưa tươi tốt, nguyên vẹn phát triển bình thường không bị cong queo đèo thắt. Nên chọn quả vừa lớn, cứng chắc, màu sắc xanh tự nhiên đồng đều không có màu lạ. Quả có chiều dài tối đa 70 mm, đường kính tối đa 17 mm.

Loại bỏ những quả không đủ quy cách theo kích thước, sâu bệnh, dập nát. Thao tác phải nhẹ nhàng tránh gây tổn thương cho quả, bảo quản nơi thoáng mát, thời gian lưu trong kho không quá 24 giờ.

2. Ngâm sát trùng

Nhằm mục đích tiêu diệt vi sinh vật bám trên bề mặt, dưa được ngâm trong nước muối có nồng độ 3 – 5% trong thời gian 20 – 30 phút. Cần chú ý thời gian ngâm quá lâu sẽ làm cho muối ngấm vào nhiều khiến sản phẩm có vị mặn chát khó chịu.

3. Rửa

Loại bỏ tạp chất và vi sinh vật bám trên quả. Dưới tác dụng của lực cơ học các tạp chất nhiễm bẩn trên bề mặt vỏ quả bao gồm tạp chất vô cơ (đất, cát,…), các tạp hữu cơ (lá cây dập nát, phân hữu cơ còn sót lại,…), các chất tăng trưởng, kháng sinh và thuốc bảo vệ thực vật, và một quần thể vi sinh vật sẽ được loại bỏ.

4. Chà gai

Dùng thiết bị để loại bỏ một phần gai của quả dưa để nhằm hạn chế việc rụng gai trong thành phẩm. Thiết bị chà dưa có cấu tạo gồm có thùng chà và bể rửa. Thùng chà dưa bên trong có cánh khuấy gắn đệm bông để tranh dập nát dưa được gắn với động cơ để chà gai dưa. Đặt phía dưới là thùng rửa chứa nước.

5. Rửa sạch

Dùng nước sạch rửa nhiều lần quả dưa nhằm mục đích loại bỏ hoàn toàn lượng tạp chất bám trên quả dưa.

6. Chuẩn bị nguyên liệu phụ

Ớt: dùng loại ớt chín đỏ, không sâu, thối, dập nát. Tiến hành bỏ cuống, thái lát dày 1,5 – 2mm, rồi rửa sạch hạt cho bớt cay.

Tỏi củ: dùng loại tỏi củ tốt, không bị sâu thối. Loại bỏ rễ, vỏ ngoài, tách thành nhánh, rửa sạch và cắt lát.

Các nguyên liệu phụ này được chần trong nước ở nhiệt độ 60 – 80oC, trong khoảng 10 – 15 giây, để tiêu diệt một phần vi sinh vật, ổn định màu sắc và giúp dung dịch dầm dễ ngấm vào trong.

7. Chuẩn bị dung dịch giấm

Đường và muối được hòa tan trong nước nóng rồi đun sôi. Vì acid acetic dễ bay hơi nên chỉ pha vào nước giấm ngay trước khi rót vào hộp. Nước dầm giấm cần đun nóng và lọc kỹ qua lớp vải dày. Thành phần của dung dịch giấm (so với khối lượng sản phẩm):

+ Đường saccarose: 2 – 5%

+ Muối: 1,5 – 2%

+ Acid acetic: 0,4 – 0,6%

8. Xếp hộp

Các loại nguyên liệu phụ như ớt, tỏi được xử lý chuẩn bị sẵn và được xếp vào đáy lọ thủy tinh (khối lượng nguyên liệu phụ chiếm khoảng 2 – 3% khối lượng tịnh).

Dưa bao tử sau khi xử lý được xếp vào lọ thủy tinh chuẩn bị sẵn, khối lượng dưa khi xếp hộp chiếm 50 – 55% khối lượng tịnh của sản phẩm.

Công đoạn cho thực phẩm vào hộp được thực hiện thủ công và phải thực hiện trong môi trường vệ sinh, tuân thủ các quy định về vệ sinh một cách nghiêm túc.

9. Rót nước giấm

Tiến hành chiết rót nóng ở nhiệt độ ≥80oC để tạo độ chân không. Rót dịch vào lọ thủy tinh với mực nước cách miệng lọ 5 – 7 mm. Chú ý rót nhanh và nhẹ không tạo bọt khí.

Cần kiểm tra khối lượng cái trong hộp để xác định lượng đường, muối và lượng giấm bổ sung để đạt được độ khô và acid cần thiết. Khối lượng cái + khối lượng dịch giấm = khối lượng tịnh.

10. Bài khí, ghép nắp

Bài khí bằng chân không 0,8 – 0,86 atm

Tiến hành ghép mí chân không để ghép kín hộp đã được nâng nhiệt trước.

11. Thanh trùng

Cách thiết lập chế độ thanh trùng: Chọn nhiệt độ bất kì trong khoảng 80 – 1000C. Thanh trùng trong nước có sử dụng áp suất đối kháng. Thiết bị thanh trùng bao gồm các bộ phận: nồi thanh trùng với hệ thống các ống cung cấp hơi, nước và các dụng cụ đo lường; máy nén không khí có bình chứa không khí nén; bơm nước có bình chứa nước có áp suất.

12. Làm nguội, bảo ôn

Công đoạn làm nguội được tiến hành bằng cách cho nước lạnh vào phía trên thiết bị thanh trùng, đồng thời tháo nước nóng ở phía dưới ra. Sản phẩm sau khi làm nguội cần được đem vào kho thành phẩm để bảo ôn. Trong thời gian bảo ôn, các thành phần trong đồ hộp tiếp tục được ổn định về phẩm chất, và có thể phát hiện ra đồ hộp hư hỏng. Thời gian ổn định tối thiểu là 15 ngày.

13. Hoàn thiện sản phẩm

Sản phẩm sau khi tiến hành bảo ôn được kiểm tra chất lượng loại bỏ những sản phẩm hư hỏng. Những sản phẩm đạt chất lượng được đưa ra thị trường tiêu thụ

Nguồn: https://iasvn.org/chuyen-muc/Quy-trinh-san-xuat-dua-bao-tu-muoi-5332.html
 

Tác dụng và tác hại của dưa chuột

Không thể phủ nhận lợi ích của dưa chuột bởi trong loại quả này có tính mát, giàu vitamin có lợi cho cơ thể. Tuy nhiên, chính những lợi thế này của dưa chuột lại gây nên những tác dụng phụ mà bạn không ngờ đến.

4 Những nguyên tắc cần nhớ khi ăn dưa chuột

- Không kết hợp cùng đậu phộng: Dưa chuột ăn cùng đậu phộng rất dễ gây tiêu chảy, nhất là dưa chuột trộn đậu phộng luộc hay rang vàng. Đây là món ăn lạnh, nhiều gia đình thường làm để ăn cho đỡ ngán, nhưng kỳ thực có thể khiến bạn bị đau bụng, tiêu chảy.

- Không ăn lúc đói: Những ai có bệnh đau dạ dày, lúc đói không nên ăn dưa chuột, cơn đau sẽ nghiêm trọng hơn.

- Không kết hợp dưa chuột + cần tây hay dưa chuột + ớt: Các enzyme trong dưa chuột sẽ phá hủy hàm lượng vitamin C có trong những loại rau này. Tuy không gây nguy hại nhiều cho cơ thể, nhưng sẽ làm giảm sự hấp thụ vitamin C của cơ thể . Tương tự, rau cải, mướp đắng, tiêu sọ xanh… không nên ăn cùng với dưa chuột.

- Không ăn dưa chuột cùng các loại nấm: Có tác dụng giải độc, giảm cân, loại bỏ chất béo tốt, nhưng lượng ăn mỗi lần không nên quá nhiều, nếu không sẽ có tác dụng ngược.

Tác dụng của dưa chuột

Chứa nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe

Nước chiếm đến 90% trong loại thực phẩm này, đồng thời chứa hầu hết các loại vitamin, khoáng chất tự nhiên bạn cần nạp vào cơ thể hàng ngày như vitamin C, chất xơ, vitamin B1, vitamin B2, vitamin V3, vitamin B5, vitamin B6, folic acid, vitamin C, canxi, sắt, magie, phốt pho, kali, kẽm,… mà không phải loại thực phẩm nào cũng có được. Chính vì vậy ăn dưa chuột mỗi ngày sẽ là phương pháp tốt, hiệu quả và đơn giản nhất để bạn cung cấp dưỡng chất cho cơ thể, đặc biệt là nguồn cung cấp vitamin, khoáng chất tự nhiên phong phú, cần thiết. Ngoài ra dưa chuột còn được sử dụng rộng rãi trong việc đắp mặt làm đẹp da cho chị em phụ nữ.

Giúp phòng ngừa bệnh ung thư rất hiệu quả

Ngày nay do nhiều yếu tố và nguyên nhân tác động khác nhau mà số người mắc bệnh ung thư ngày càng cao và một trong những biện pháp giúp bạn phòng ngừa bệnh ung thư hiệu quả, dễ làm, dễ thực hiện là ăn và uống nước ép dưa chuột tươi mỗi ngày. Vì trong dưa chuột có chứa lariciresinol, pinoresinol và secoisolariciresinol – 3 lignan có tác dụng ngừa ung thư rất tốt, đặc biệt là ung thư vú, buồng trứng, tử cung và tuyến tiền liệt.

Huyết áp ổn định

Trong dưa chuột chứa nhiều magie, kali và chất xơ, chính vì vậy nó rất tốt cho những người có huyết áp không ổn định, bất kể là huyết áp cao hay huyết áp thấp. Do đó, khi bạn có vấn đề về huyết áp, hãy sử dụng mỗi ngày một ly nước ép dưa chuột tươi, có thể cho thêm đường, muối đối với người huyết áp thấp và uống nguyên chất đối với người bị huyết áp cao để giúp huyết áp dần ổn định hơn.

Tốt cho sức khỏe răng miệng

Để không ngừng bảo vệ và nâng cao sức khỏe răng miệng, việc làm đầu tiên và đơn giản nhất là hãy ăn dưa chuột tươi mỗi ngày. Vì dưa chuột có hàm lượng nước, chất xơ rất dồi dào giúp răng nướu khỏe mạnh, răng trắng sáng, đồng thời chất phytochemcial có trong dưa chuột còn giúp bạn giết chết các vi khuẩn gây hôi miệng hiệu quả.

Tốt cho hệ tiêu hóa

Với hàm lượng nước, chất xơ dồi dào kết hợp với vị ngọt, tính mát vượt trội, do đó việc ăn dưa chuột tươi hàng ngày sẽ giúp bạn đầy lùi và cải thiện chứng táo bón, ợ chua, đầy hơi, khó tiêu, ợ nóng, đau dạ dày rất hiệu quả. Với tác dụng này bạn sẽ cảm nhận được rất rõ rệt sau khi ăn dưa chuột đều đặn
2-3 ngày.

Tác dụng của dưa chuột trong việc chữa bệnh thông thường

- Chữa mụn nhọt, rôm sẩy, mẩn ngứa, phát sốt cho trẻ em bằng cách sử dụng 500 g dưa chuột rửa sạch, thái miếng, ép lấy nước, hòa với 20 ml mật ong, uống liên tục trong vòng 5-7 ngày.

- Chữa cổ họng sưng đau: chọn 1 quả dưa chuột già, loại bỏ hết hạt trong quả dưa, cho 20 g mang tiêu (một loại muối dùng nhiều trong đông y) vào, phết cho đều, phơi trong râm cho đến khô, không phơi ngoài nắng. Khi dùng, cắt từng miếng để ngậm sẽ thấy ngay tác dụng rõ rệt;

- Chữa chứng lỵ ở trẻ em: dùng 10 quả dưa chuột nhỏ non trộn ướp với mật ong cho bé ăn

- Chữa vàng da phù nề: dưa chuột 250 g, mã đề tươi bỏ rễ 30 g, nhặt và rửa sạch, thái vừa ăn, nấu dạng canh.

Tác dụng của việc ăn dưa chuột đã gọt vỏ

Trong vỏ dưa chuột có chứa nhiều khoáng chất và vitamin có lợi cho sức khoẻ nên chúng ta vẫn có thói quen giữ lại khi ăn. Tuy nhiên, dưa chuột đã gọt vỏ cũng có những tác dụng rất tốt như chứa hàm lượng calo thấp, không chứa chất béo bão hòa...

Tác hại của dưa chuột

Khiến cơ thể mất nước

Một tác hại lớn của việc ăn quá nhiều dưa chuột là bạn sẽ có nguy cơ mất nước và mất cân bằng trong cơ thể. Theo Đông y, dưa chuột có tính lạnh, nếu ăn nhiều sẽ đi tiểu nhiều, thậm chí người thận yếu có thể hay bị vãi tiểu và nguy cơ liệt dương. Đặc biệt, hạt dưa chuột chứa cucurbitin và dầu béo có đặc tính lợi tiểu nhẹ. Việc ăn quá nhiều dưa chuột sẽ gây ra tình trạng lợi tiểu quá liều, và có thể dẫn đến mất nước và chất điện từ cơ thể, gây ra sự mất cân bằng, và thậm chí mất nước trong trường hợp nặng.

Cảnh giác với vị đắng của dưa chuột

Các nghiên cứu đã chứng minh các độc tố như cucurbitacins và triterpenoids tetracyclic có trong dưa chuột là những yếu tố kích hoạt vị đắng trong dưa chuột. Một nghiên cứu khác thậm chí còn nêu rõ tiêu thụ quá nhiều những chất này còn có khả năng đe dọa tính mạng của bạn.

Gây tổn hại đến cơ thể

Phần lõi dưa chuột rất giàu vitamin C hay acid caffeic. Khi tiêu thu quá nhiều dưa chuột sẽ gây thừa vitamin C, nó sẽ chuyển hóa thành một chất pro-oxy hóa thúc đẩy sự phát triển của các gốc tự do và các tế bào gây tổn hại cơ thể trong điều kiện nhất định.

Gây dị ứng

Một số người có thể bị dị ứng khi ăn nhiều dưa chuột. Dị ứng dưa chuột thường xuất hiện ở khoang miệng, với các triệu chứng như ngứa và sưng trong miệng. Nếu bị dị ứng dưa chuột, bạn có thể khắc phục bằng cách nấu chín thay vì ăn sống. Trong dưa chuột còn có một hợp chất được gọi là cucurbitacin. Hợp chất này nếu được hấp thụ nhiều vào cơ thể có thể dẫn đến chứng khó tiêu và đầy bụng.

Tăng nguy cơ lão hóa sớm

Vitamin C là yếu tố thúc đẩy hệ thống miễn dịch hiệu quả, nó cũng đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các biểu hiện của bệnh cảm cúm và còi xương đồng thời là chất chống oxy hóa mạnh mẽ. Tuy nhiên, tiêu thụ quá mức giới hạn vitamin lại gây tác dụng ngược, chống lại bản chất chống oxy hóa, gây sự phát triển và lây lan của các gốc tự do. Vitamin C có rất nhiều trong dưa chuột, vì vậy khi nạp lượng vitamin C quá lớn từ dưa chuột, bạn đang tạo điều kiện cho các gốc tự do "đi lang thang", gây nguy cơ ung thư, mụn trứng cá, lão hóa sớm...

Nhức đầu và khó thở

Dưa chuột cũng là nguồn cung cấp kali dồi dào. Tăng kali máu là một dạng triệu chứng bệnh lý phát sinh do sự hiện diện của hàm lượng kali cao trong cơ thể, dẫn tới đầy hơi, đau bụng. Theo thời gian, các chức năng của thận cũng bị suy giảm một cách đáng kể. Thành phần dưa chuột có tới hơn 90% là nước. Nếu lượng nước trong cơ thể cao hơn khối lượng ròng ủa máu, nó sẽ gây sức ép lên các mạch máu và tim.

Hậu quả là tim và các mạch máy của bạn sẽ phải chịu thiệt thòi ngoài mong muốn. Sự hiện diện quá mức của nước trong cơ thể cũng dễ tạo sự mất cân bằng chất điện giải trong máu, gây hiện tượng thẩm thấu trong tế bào. Điều này sẽ dẫn tới hiện tượng nhức đầu và khó thở.

Tăng các triệu chứng các bệnh về hô hấp

Nếu bạn bị viêm xoang hay bất cứ loại bệnh hô hấp nào, nên bỏ qua dưa chuột trong thực đơn. Các hiệu ứng làm mát của loại rau củ này có thể khiến các biểu hiện bệnh của bạn thêm trầm trọng.

Dư thừa kali

Vỏ dưa rất giàu chất xơ và khoáng chất như silica, kali và magiê. Khi lượng kali quá nhiều sẽ gây tăng kali trong máu - một điều kiện dẫn đến giảm chức năng thận. Đồng thời, nó có thể gây ra các bệnh đường ruột, đầy hơi, và đau bụng.

Đầy hơi và phù

Chất cucurbitacin trong dưa leo rất khó tiêu, đặc biệt là đối với những người có hệ tiêu hóa nhạy cảm. Tình trạng khó tiêu làm bạn bị đầy hơi và phù nề do cơ thể đang cố loại thải các độc tố bằng cách tống đẩy lượng khí gas tích tụ bên trong ra ngoài.

Gây khó chịu cho phụ nữ đang mang thai

Mặc dù việc tiêu thụ dưa leo trong thời kỳ bầu bí vẫn được xem là an toàn, nhưng nếu ăn quá nhiều có thể gây ra một số tình trạng khó chịu cho thai phụ như đi vệ sinh nhiều hơn, đầy hơi, khó tiêu, thậm chí đau bụng do dư thừa chất xơ.
Mimi tổng hợp
Nguồn: 
https://ngoisao.vnexpress.net/tac-dung-va-tac-hai-cua-dua-chuot-3176698.html và 
https://nhathuocviet.vn/tin-tuc/4-cach-an-dua-chuot-sai-gay-hai-suc-khoe.html
 
gọi Miễn Phí