Lại một năm nữa sắp qua đi

Đăng lúc: . Đã xem 1128. Người đăng bài viết: Nguyễn Thái Hà. Chuyên mục : Chúng tôi viết
Lại một năm nữa sắp qua đi, chợt nhìn lại bản thân xem những năm nay mình đã được trải nghiệm, làm những gì ý nghĩa. Có những kỉ niệm, kí ức từ quá khứ ùa về trong bộ não bé nhỏ. Và một kí ức gắn với thời học sinh không bao giờ quên của tôi rằng mình đã từng trượt cấp 3. Đến nay dù đã trở thành một sinh viên đại học nhưng có lẽ những nuối tiếc về ngôi trường cấp 3 mình từng ao ước, đã từng nỗ lực bước chân vào lại không trở thành sự thật. Hồi đó mình đã nghĩ trượt cấp 3, phải chăng một tương lai tăm tối đang chờ mình ở phía trước?
Những ngày khủng hoảng
Những ngày khủng hoảng

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Hà Nội ngàn năm văn hiến, là một trong 2  thành phố có nền kinh tế lớn nhất của cả nước. Điều đó đồng nghĩa với tỉ lệ chọn thi vào các trường tốt, hàng đầu của thành phố đều rất cao. Những ngôi trường đều đề ra chỉ tiêu số lượng học sinh đạt chuẩn quy định đủ điều kiện để được học. Người ta thường nói “ Kì thi tuyển sinh vào 10 còn quan trọng hơn kỳ thi đại học ”, kiến thức 4 năm thời trung học chỉ để dành cho thời khắc quan trọng là kì thi ấy. Kỳ thi tuyển sinh này còn là cơ hội để khẳng định năng lực của học sinh, chứng minh sự nỗ lực kết quả sau bao cố gắng của nhiều năm học. Những kỳ vọng của bố mẹ, thầy cô và nhà trường mong chúng ta có thể đạt được kết quả tốt nhất. Và rồi kỳ thi vào 10 của năm đó cũng tới, tôi đã tin rằng mình làm bài khá tốt, đã tự tin vào khả năng của mình và mơ ước được vào ngôi trường cấp 3 được đặt ở nguyện vọng 1.

Ngày công bố kết quả thi đã đến, một ngày đặc biệt nhất mà biết bao học sinh thi chuyển cấp lúc ấy đều hồi hộp và mong chờ. Những trang web công bố kết quả khi ấy có lượt truy cập nhiều đến nỗi bị sập. Thời khắc tôi hồi hộp gọi điện thoại cho tổng đài công bố kết quả thi như ngưng đọng. Khoảnh khắc công bố kết quả thi mà bố mẹ đã ngồi bên cạnh tôi tất cả gia đình đều đang chờ đợi. Trong lòng tôi khi ấy chỉ thầm nghĩ và cầu nguyện mình được đủ 50 điểm để vào được ngôi trường từng mơ, chỉ cần 50 điểm thôi. Nhưng không gian giường như dừng lại khi tổng đài công bố kết quả điểm thi chuyển cấp năm ấy, tôi được 49,5 điểm. Tổng các môn thi tôi chỉ làm được tới 49,5 điểm. Và những giọt nước mắt đã rơi, chỉ thiếu có 0,5 nữa thôi là mình đã làm được, chỉ thiếu 0,5 nữa thôi là đã đạt được nguyện vọng. Bố sau khi biết được điểm cũng chỉ đáp lại tôi bằng sự im lặng và rời khỏi căn phòng. Còn mẹ thì ôm con gái vào trong lòng an ủi “ Con đã cố gắng làm rất tốt rồi! ”, nhưng lúc ấy tôi biết mình đã thất bại rồi. Bản thân một cô bé luôn là niềm tự hào của bố mẹ nay lại thi trượt cấp 3. Những năm tháng mang danh hiệu học sinh giỏi, những đêm thức học bài đến 1,2 giờ sáng khi ấy giờ đây đều biến thành vô nghĩa. Tôi biết bản thân mình đã cố gắng nhưng có lẽ giờ đây sẽ chẳng còn ai bên mình. Những đứa bạn cùng lớp khi ấy cũng ân cần hỏi thăm và khoe thành tích, điều đó càng làm tôi thêm tự ti, buồn tủi. Tuổi 15, trượt cấp 3, ước mơ vụt tắt, tương lai đen tối nào sẽ đến với tôi. Một tâm trạng ngổn ngang, lo sợ về tương lai như ngọn lửa le lói dần lớn lên trong lòng.

Tôi ôm lấy mẹ và nói “ Mẹ ơi, con xin lỗi vì đã không làm mẹ tự hào, con làm mẹ xấu hổ với mọi người, con đã không hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình ”. Tôi đã lo sợ về những lời bàn tán của mọi người xung quanh, những lời nói về tôi ngu dốt không đỗ nổi cấp ba của mọi người, lo sợ về một tương lai tăm tối khi ấy. Tối hôm ấy, trong phòng bố mẹ tôi nghe được những tiếng cãi vã, lời qua tiếng lại giữa bố mẹ về câu chuyện trượt cấp 3. Có lẽ bố, người đàn ông của gia đình đang dần mất niềm tin về con gái, bố đã cho rằng con gái của mình chẳng làm nên việc gì tốt nên khi ấy bố đã nói với mẹ cho nó nghỉ học đi học nghề một công việc ổn định. Nhưng thật may mắn, mẹ vẫn yêu thương và tin tưởng, mẹ khuyên bố cho tôi vào học trường dân lập có tiếng giáo dục tốt nào đó hoặc cho nó theo học nguyện vọng 2.

Nó theo học nguyện vọng 2

Từ sau ngày tôi biết mình thi trượt, tôi đã “ đóng cửa tâm hồn ” của bản thân và luôn mang theo suy nghĩ tiêu cực. Những ngày đến ngôi trường cấp 3 mới tôi “ cuộn mình ” lại với cái vỏ bọc thờ ơ, vô cảm bên ngoài. Tôi không kết giao thêm bạn mới khi ấy tôi cho rằng mình là kẻ vô dụng trượt cấp 3 sau nhiều năm đạt thành tích tốt. Những ngày tháng đầu tiên được học tập ở ngôi trường cấp 3 không phải niềm mong muốn của mình chắc chắn sẽ có những lúc tủi thân, mệt mỏi. Có lẽ khi ấy đến trường chỉ mang hình thức đối phó với mẹ.

Nhưng một ngày đặc biệt năm ấy đã làm thay đổi những suy nghĩ tiêu cực của cô bé 15 tuổi. Cô giáo chủ nhiệm của tôi khi ấy đã động viên tôi và cả lớp khi đã hoàn thành tốt một cột mốc thời gian của mỗi đời người. Có lẽ nhờ vào thành tích học tập trước đây cô đã đề xuất tôi làm lớp trưởng và được sự đồng ý nhiệt tình của cả lớp. Vào khoảnh khắc  ấy tôi cảm thấy mình có ý nghĩa hơn đối với mọi người trong tập thể lớp. Dần dần bản thân tôi cũng cởi mở hơn với lớp, cố gắng chịu khó học hỏi thêm các kiến thức mới để có thể cố gắng hơn trong những kỳ thi sắp tới của cuộc đời. Và nhờ có niềm tin và sự nỗ lực trong kỳ thi trung học phổ thông trên toàn quốc, giờ đây tôi đã có thể tự tin đỗ vào trường đại học mà mình mong muốn.
 
Tự tin

Những năm tháng vỗi vã vẫn qua đi, thời gian không bao giờ dừng lại chờ đợi ai, vì vậy hãy cố gắng làm những gì có ý nghĩa ngay từ bây giờ. Bản thân tôi cũng đã muốn thời gian có thể quay ngược trở lại những khoảnh khắc lỗi lầm, quay ngược thời gian làm thật tốt hơn kỳ thi vào 10 khi ấy nhưng đó là điều không thể. Chính vì vậy mình mong các bạn hãy sống thật tốt và không ngừng cố gắng. Nhất là các bạn trẻ mầm non tương lai của đất nước, khi ấy trượt cấp 3 không phải là kết thúc mà cánh cửa này đóng lại sẽ có có cánh cửa khác mở ra. Chỉ cần chúng  taà có những quyết định đúng đắn và đúng đắn “ trái ngọt ” sẽ luôn đợi bạn.

Nguồn tin: Công Cụ Tốt