Chợ đã có từ bao thời nay, danh từ ấy là nơi tụ tập trao đổi mua bán ấy được hình thành từ rất lâu cùng với sự phát triển của con người . Ngay từ những thời nhà Trần, nhà Lê, nhà Lý cùng với kinh đô Thăng Long của đất nước Việt đã có 4 chợ chính chia làm 4 cánh cửa thành khi ấy. Những ý nghĩa của Chợ không chỉ dừng lại ở nơi mua bán mà nó còn thể hiện bản sắc, phong tục văn hóa, đời sống của 1 một đất nước. Những địa điểm Chợ quê đã là đề tài mang lại nhiều cảm hứng cho nhiều tác giả, nhiều tác phẩm văn thơ trữ tình, độc đáo ra đời. Một không gian chợ quê mộc mạc , giản dị là niềm kí ức nỗi nhớ của những người con xa nhà, xa quê hương nơi “chôn rau cắt rốn”, bởi mỗi khu chợ đều tượng trưng cho những đặc điểm văn hóa vùng miền, tín ngưỡng, lịch sử, kinh tế của từng địa phương. Và rồi cùng với sự phát triển của xã hội các khu chợ trong nước được mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài. Từ thời xa xưa dân ta chỉ họp chợ trong nội thành đến khi xuất hiện những thương nhân nước ngoài du nhập vào nước ta theo con đường biển và xuất hiện cảng thị. Và các chợ sẽ được nằm ven những bến cảng để thuận lợi cho việc mua bán hàng hóa. Theo lịch sử Việt Nam chợ được hình thành từ những địa điểm lớn nhỏ lớn khác nhau từ chợ làng dần đến chợ tổng, chợ huyện,… Vào khoảng những năm 75,76 khi muốn được mua bán hàng hóa ở chợ đều phải do nhà nước ta quyết định ( Thời bao cấp ). Nhà nước ta quyết định những giá trị tài sản, hàng hóa, và mỗi người dân đều được cấp tem phiếu để đi mua những nhu cầu thiết thực chủ yếu đã được phân chia theo từng nghĩa vụ công việc. Theo sự phát triển của xã hội, giờ đây đất nước ta đã hình thành những khu chợ lớn chợ nhỏ trên mọi miền. Các khu chợ phát triển thành những trung tâm thương mại lớn hay còn gọi là thị trường như Siêu thị, Big C, Bách hóa,…
Chợ Bưởi ngày xưa ( Tonkin - Nguồn ảnh sưu tầm )
Chợ bưởi ngày nay ( Nguồn ảnh sưu tầm )
Những trung tâm thương mại hiện nay ( Nguồn ảnh sưu tầm )
Tại sao bài viết này tôi lại nhắc đến danh từ chợ ấy? Có lẽ đối với tôi đây là nơi gia đình tôi kiếm sống. Mọi người đã từng vất vả ngược xuôi bôn ba bán hàng trong nhiều khu chợ từ nam ra bắc. Cũng bởi trong chợ tôi có thể thấy rất nhiều những số phận khác nhau, những tâm lý cảm xúc của những người mua người bán thăng trầm theo từng ngày. Ở đây, mọi người xôn xao vui vẻ bàn tán trò chuyện , rất ít khi phải “giao tiếp với điện thoại” một thiết bị điện tử dường như không thể tách rời trong cuộc sống hiện đại công nghiệp hóa hiện nay. Hay ta còn bắt gặp hình ảnh những người lao dộng lớn tuổi hay thậm chí có em bé nhỏ xíu đi bán vé số cùng xấp tờ vé số trên tay, với làn da đen nhẻm cùng những lời mời mọi người mua để có tiền trang trải cuộc sống. Hoặc có những bé theo phụ giúp gia đình buôn bán, những khoảnh khắc các bạn tranh thủ học bài trong khi vắng khách,… Cùng với đó là những tiếng đèn xe lấp lóe, những mặt hàng trên thị trường cùng những lời mời chào mua hàng của những người bán. Tất cả những điều đó đối với tôi đều như 1 xã hội thu nhỏ của cuộc sống ngày nay.
Mưu sinh ở chợ
Bán vé số mưu sinh
Kéo xe chở đồ, hoạt động phổ biến ở chợ
Những ngày bán hàng ở chợ ảnh hưởng trực tiếp tới tâm trạng, hay những bữa ăn hôm đó có đầy đặn, vui vẻ hay chăng đều phụ thuộc vào những món hàng mà gia đình lao động bày bán . Những ngày đắt hàng thì chắc có lẽ tâm trạng ai cũng vui tươi phấn khởi, còn ngày ế đó lại dẫn tới những suy nghĩ lo toan, những suy nghĩ tiêu cực về kinh tế eo hẹp của gia đình sẽ bị ảnh hưởng khi không đáp ứng những điều kiện cần thiết cho đời sống đặc biệt là con cái. Luôn có những ngày thức đêm dậy sớm từ 2,3 giờ sáng để có thể lấy được những món hàng đẹp và chuẩn bị hàng cho kịp trước khi trời sáng hẳn để mang ra chợ bán. Những mảnh đời bôn ba vất vả ngoài chợ lúc trời chưa sáng, cùng với những âm thanh xôn xao tiếng còi xe, ánh đèn lấp lóe khi ở ngoài chợ vào khung giờ mà hầu hết chúng ta còn đang say giấc ngủ. Và rồi khi màn đêm dần dần nhường chỗ cho ánh sáng mặt trời, 1 ngày mới bộn bề tấp nập lại bắt đầu, những con người ấy vẫn tiếp tục ở chợ trở lại với trạng thái tươi tắn chào mời gọi khách hàng những món hàng mình bày bán. Người đi xe máy, người đèo chở các loại hàng hoá, tiếng rầm rầm kẽo kẹt của những chiếc xe lôi kéo với một tá hàng hoá là quần áo ở đằng sao lưng, rồi hàng thịt hàng rau mọi thứ đều được sẵn sàng.
Khu bán quần áo. ( Nguồn ảnh sưu tầm )
Chính vì vậy mình biết vẫn có những bạn xấu hổ về nghề nghiệp bán hàng ngoài chợ của cha mẹ, xấu hổ vì những làn da đen nhẻm coi đó là nghề nghiệp thấp kém không cao sang. Hay vì sao gia đình mình không làm những nghành nghề khác mà lại là một “ bà bán hàng ”, “ ông bán hàng ” bươn trải ngoài chợ, ... thì hãy suy nghĩ lại. Hiện nay, nghề nào cũng là nghề cao quý chỉ cần không vi phạm pháp luật, không mang lại ảnh hưởng xấu đến xã hội thì ai cũng đáng được trân trọng. Gia đình của bạn cũng kiếm được những đồng tiền đáng quý, đang chăm lo, chăm sóc những miếng ăn hàng ngày của những thành viên trong gia đình. Hãy yêu thương vì mọi người đã làm việc vất vả ở chợ để kiếm sống và cố gắng vì tương lai của gia đình để có thể chăm lo lại được cho gia đình thân thương của mình.