Một đứa trẻ "không hoàn hảo"
Có phải là bạn luôn tò mò về việc người khác nghĩ gì về mình, tốt hay xấu, đẹp đẽ hay kém cỏi? Nhưng có bao giơ bạn tự suy nghĩ lại về bản thân mình hay chưa. Vì chỉ có bản thân mình thì mới có thể biết mình sống ra sao, quan điểm đẹp xấu thì qua ánh nhìn của mỗi người cũng sẽ khác nhau. Vậy nên việc để ý suy nghĩ của người khác nghĩ ra sao về mình chỉ khiến cho bạn thêm mối bận tâm mà thôi.
Tớ có mặt ở đây không phải để giúp các bạn suy nghĩ về bản thân hay suy nghĩ về ai. Cũng không phải khẳng định việc không quan tâm người khác suy nghĩ gì. Tớ ở đây chỉ muốn trải lòng vì những câu chuyện, sự kiện thậm chí là những thứ mà tớ vẫn không biết nó là “may mắn”, “trùng hợp” hay là “sự cố gắng” của tớ mà có. Tớ không phô trương, không khoe khoang, cũng không phải là một người thích kể lể. Nhưng nếu đọc xong bài viết này, các cậu sẽ có lối suy nghĩ đấy, như tên bài viết, tớ chỉ đang muốn tìm cho mình câu trả lời về chuyện của quá khứ.
Bà nội của tớ
Bắt đầu nhá, tớ sinh ra và lớn lên trong một gia đình có thể được nói là không được khá giả như bao gia đình khác, cũng không được hoàn hảo như bao gia đình khác. Khái niệm một gia đình “hoàn hảo” với tớ là mình được sinh ra và lớn lên với sự nuôi dạy, chiều chuộng của cả bố và mẹ. Tại vì tớ không có được nên tớ mới cho là tớ không có một gia đình “hoàn hảo”. Tớ buồn không? Có chứ. Tớ có tủi thân không? Có chứ. Tớ có khóc khi sự mất mát này xảy ra không? Tớ không, tớ thật sự không thể nhớ nổi lúc đấy mình ra sao, tớ còn chưa nhận thức được sự việc gì đang xảy ra và thậm chí tớ còn không có ký ức, kỷ niệm gì với mẹ ruột của tớ cả. Có lẽ đây mới là điều đáng buồn nhất của tớ thay vì là sự mất mát. Nhưng chuyện cũng qua rất lâu rồi, giờ nhắc lại tớ không còn tiêu cực nữa, tớ nhận thức được rằng cuộc sống này đang luân chuyển, đang hoạt động, sẽ có người đến và đi, suy cho cùng tạo hoá ban cho chúng ta một cuộc đời và gắn thêm cái thời hạn để đến khi sự kết thúc cũng là lúc mọi thứ cần được đổi mới. Tớ đã không còn quá đau buồn, tủi thân hay khóc lóc vì chuyện đó nữa. Tiếp đến câu chuyện, mẹ tớ mất, bố tớ thì đi làm xa và người duy nhất chăm sóc tớ lúc này là bà nội tớ - người có nhiều kỷ niệm nhất với tớ, người luôn chiều chuộng, bao che cho sự ngang bướng, bồng bột của tuổi trẻ cho tớ. Đến đây, tớ lại nhận thức được một điều rằng, người mà chúng ta coi là thân thiết suy cho cùng chính là những người cùng gắn bó với ta một thời gian đủ dài, quan tâm chăm sóc vô điều kiện, yêu thương không hề có toan tính, khi trái tim cảm nhận đủ sâu tự khắc người ấy là người quan trọng với mình. Tớ không định nghĩa hay đưa ra một khẳng định nào cả, những điều tớ nói và sắp trải lòng dưới đây cũng chỉ là tâm sự và rút ra từ cuộc sống mà mình cảm nhận được thôi. Vậy, tớ là một đứa trẻ “không may mắn” hay là “may mắn” khi có hoàn cảnh gia đình như vậy. Theo quan điểm của riêng tớ, tớ “không may mắn” như nhiều gia đình mà tớ thấy, nhưng nhìn sâu hơn một chút tớ lại cảm thấy mình “may mắn” hơn rất nhiều đứa trẻ ở ngoài kia. Nên việc trả lời câu hỏi kia với tớ không còn quan trọng nữa. Tớ rất biết ơn vì tớ được sinh ra, tuy không đầy đủ như bao gia đình khác, nhưng tớ cảm thấy tớ vẫn đang sống rất tốt. Và việc mình có ở vạch xuất phát hay không với tớ không còn quá quan trọng nữa.
Hồi tớ còn học mẫu giáo, tớ là một đứa trẻ rất còi, nhút nhát, trầm tính,… mà người lớn lúc này nhận định đây là một đứa trẻ “ngoan”. Tớ không còn nhớ nhiều về hồi đấy, điều duy nhất tớ nhớ là vào một hôm trời mưa, khi tan học nhưng tớ chưa được ai đón, bà tớ đang bận rộn nội trợ nên cũng quên luôn là phải đón tớ, lúc này cô giáo của tớ, tớ nhớ cô tên là Nga, cô đã không ngại trời mưa còn ngược đường về nhà cô mà đưa tớ về tận nhà. Tớ không trách bà vì đã quên đón tớ, tớ lại cảm thấy biết ơn và tớ cũng chỉ là một đứa trẻ thoi khi nhận được sự yêu thương từ cô giáo khiến tớ rất vui. Đây có lẽ là sự kiện tớ nhớ nhất hồi mẫu giáo, tớ không còn nhớ nhiều lắm nữa.
Cấp 1 - những hoài nghi với bản thân
Những hoài nghi với bản thân
Vẫn ở đây đọc tiếp hả, biết gì không, tớ suýt bị từ chối không được học lớp 1 đấy. Lúc đấy, tớ đã nhận thức được đâu là đùa, đâu là thật đâu, bà đưa tớ đến trường nhận lớp, cô giáo tớ nhớ hồi đấy tên là Ninh, cô nói với bà tớ rằng: “Bà ơi, cháu bé như vậy liệu có học được không ạ?”. Câu nói đấy đã bất chợt đọng lại thành một miền ký ức ngày đầu nhận lớp của tớ, giờ nghe lại thì cũng đã đủ nhận thức đây chỉ là câu nói đùa và với ý nghĩa là tớ rất còi cô sợ tớ không theo được với các bạn trong lớp, không thể tin nổi là mình đã lớp 1 rồi đó. Thời gian trôi qua thật nhanh, chẳng mấy chốc mà đã hết 5 năm cấp 1. Tớ vẫn nhớ như in những ngày tháng ấy, khi tớ còn là một cô bé học lớp 1. Lúc đó, tớ cũng chỉ là một học sinh khá giỏi bình thường, chưa đủ điểm để vào lớp chọn. Nhưng tớ rất chăm chỉ học tập, tớ có thể nhớ được hết cả cuốn sách lịch sử, địa lý dài như vậy. Tớ cũng có thể nhớ được rất nhiều bài văn mẫu cô giáo giao cho học thuộc. Tớ thật sự khâm phục khả năng ghi nhớ của bản thân hồi đó. Những năm tháng cấp 1 là những năm tháng đáng nhớ nhất của tớ. Tớ đã được học hỏi rất nhiều điều bổ ích, được gặp gỡ những người bạn mới, được trải qua những kỷ niệm đẹp. Tớ sẽ mãi mãi trân trọng những năm tháng ấy. Có phải là khi con người ta gắn bó với nhau đủ lâu thì việc rời xa là điều rất khó khăn và khó mà có thể chấp nhận được. Lần đầu tiên, tớ cảm thấy buồn khi chuyển cấp, đây không phải buồn vì mất mát, cũng không phải buồn vì không được gặp lại nữa mà là buồn vì chúng ta không thể tiếp tục học cùng nhau. Ai rồi cũng phải lớn và trưởng thành, tớ nghĩ rằng đây là bước ngoặt đầu tiên mà tất cả mọi người ai cũng sẽ phải trải qua. Hoặc cũng có thể bản thân tớ sinh ra đã là một người đa sầu, đa cảm nên việc buồn là chuyện rất bình thường nhỉ?
Cấp 2 - trầm tính và hướng nội
Trầm tính và hướng nội
Cấp 2 là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời học sinh. Tớ cứ nghĩ rằng với lực học của tớ thì tớ sẽ được chọn vào một lớp tốt, không phải quá giỏi nhưng ở mức vừa vừa. Nhưng thực tế thì lại không như vậy. Trước khi vào đầu lớp 6, tớ đã tham gia một bài kiểm tra để chọn lớp. Hồi đó, lớp A1 là lớp chọn, và các lớp được xếp theo thứ tự từ A1 đến A6. Do bản thân chủ quan, luôn nghĩ mình làm đúng rồi không cần sửa lại nữa, kết quả xét chọn lớp không được như tớ mong muốn, tớ đã bị xếp vào lớp A4. Tuy nhiên, tớ không vì thế mà nghĩ bản thân mình không làm được, tớ vẫn luôn chăm chỉ học tập, không ngừng cố gắng và cũng nhận được sự tin tưởng và yêu thương từ thầy cô của tớ. Và khi kỳ thi chọn lớp lại đến, tớ đã thi đỗ vào lớp A1. Tớ là người duy nhất ở lớp A4 được lên A1. Tớ rất vui mừng và bất ngờ khi được vào lớp này, nhưng tớ cũng cảm thấy hơi lo lắng và quan ngại. Bởi lẽ, tớ là người mới, và các thành viên cũ của lớp A1 không mấy thân thiện với tớ, họ cho rằng tớ được nâng đỡ mà có mặt ở đây. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là cái nhìn phiến diện của một người đa sầu, đa cảm của tớ. Còn cảm nhận của tớ lúc đấy không thực sự thoải mái là thật. Có lẽ vì vậy mà tớ đã trở nên khép kín hơn trong suốt quãng thời gian học cấp 2. Sở dĩ cấp 2 sẽ là quãng thời gian cởi mở, giao lưu và tiếp xúc với những người bạn mới. Đúng là tớ có gặp những người bạn mới, tớ coi họ là bạn, tớ luôn sẵn sàng giúp đỡ nếu như họ cần. Thực tế thì sao, họ chỉ lợi dụng lòng tốt của tớ rồi có thể sẵn sàng nói xấu tớ bất kỳ lúc nào. Tớ cũng chỉ là con người thôi, khi mình bị đối xử như vậy, điều đầu tiên tớ nghĩ là bản thân mình đã làm gì sai. Tớ đã chủ động khép mình lại và ngại giao tiếp với mọi người từ khi bước vào môi trường này. Nhưng may mắn thay, khi đang học ở A1 tớ đã được chọn vào đội tuyển văn. Thầy giáo dạy văn của tớ ở lớp A4 cũng là người dạy văn của tớ ở lớp A1. Thầy rất tin tưởng và kỳ vọng vào tớ. Tớ nghĩ rằng, việc tớ được lên A1 và được chọn vào đội tuyển văn là một sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm cả sự cố gắng của bản thân, sự may mắn và sự tin tưởng của thầy cô. Tớ rất biết ơn thầy cô đã giúp tớ có được những cơ hội quý giá đó. Điều này đã giúp tớ tự tin hơn về bản thân. Và cũng là bước ngoặt của tớ đến với thế giới của những người viết lack. Tớ không nhận mình giỏi diễn đạt, nhưng tớ nghĩ tớ là người thích viết hơn là nói, có lẽ cũng hình thành từ việc tớ sống khép mình, hướng nội và ít tiếp xúc với mọi người. Là một người hướng nội suốt quãng thời gian cấp 2, tớ cũng có cho mình những người bạn hiểu được tớ, họ đồng cảm với tớ, họ luôn thành thật với tớ,… họ đã giúp tớ có một quãng thời gian cấp 2 trở nên tuyệt vời hơn rất nhiều. Tớ cứ nghĩ rằng, việc chia tay bạn bè từ cấp 1 đã giúp tớ quen dần với việc chia tay mọi người rồi, nhưng không chuyện gì đến rồi cũng sẽ đến, sau 4 năm gắn bó ở đây cũng đủ để tớ lưu luyến một ai đó, có tình cảm với một người, bị thu hút bởi vẻ đẹp của ngôi trường và cảm động với sự quan tâm của thầy cô, bạn bè. Những con người này, họ khác với hồi cấp 1, không còn là những đứa trẻ vô tri nữa, giờ đây đã phải lựa chọn cho nơi mình học, lựa chọn nơi mình gắn bó tiếp theo. Tớ sẽ rất nhớ nơi này, nhớ mọi người rất nhiều.
Cấp 3 - Tìm lại chính mình
Hành trình tìm lại bản thân
Vẫn còn theo dõi tớ đến tận đây cơ à. Việc chọn trường cũng khiến tớ phải suy nghĩ xem, lựa chọn nào là phù hợp, và khi không lựa chọn trường kia thì sao. Cấp 3 là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời học sinh. Tớ đã có một quyết định táo bạo là không chọn một ngôi trường tốt, mà chọn một trường có lực học trung bình. Một phần vì tớ chưa đủ tự tin để học trường tốt đấy, một phần vì tớ muốn gần nhà nên chọn trường trung bình. Tớ đã có suy nghĩ rằng: “Thà học tốt ở một trường trung bình, còn hơn là học bình thường ở một trường tốt”. Lối suy nghĩ đấy lại khiến tớ cố gắng hơn để trở thành người học tốt ở trường đấy. Và kết quả đã trả lại cho tớ một điều tuyệt vời: tớ đã đỗ thủ khoa đầu vào của trường. Đây có lẽ là kết quả của sự cố gắng của tớ cộng thêm sự may mắn đến thần kỳ. Có là đây là lần đầu tiên tớ cảm nhận được rằng mình cũng không đến nỗi tệ, tớ tự tin khi học ở đây rất nhiều. Khi được đặt vào một môi trường xa lạ, tớ đã thực sự là chính mình. Tớ không còn hướng nội như cấp 2 nữa, mà trở nên nhiệt tình, cởi mở, thân thiện hơn. Tớ luôn chào đón những mối quan hệ mới, học tập và chia sẻ mọi thứ với mọi người nhiều hơn. Đây mới thực sự là tớ. Lúc này, tớ nghĩ rằng sự lựa chọn của mình là đúng đắn. Tớ đã có một quãng thời gian cấp 3 thật đẹp và tuyệt vời. Tớ được thầy cô tin tưởng, trao cho nhiều cơ hội, nhận được nhiều nhiệm vụ, được bạn bè quý mến. Những suất học bổng, những giải thưởng cao, những sự kỳ vọng,... đôi khi lại khiến tớ mệt mỏi và áp lực. Nhưng chính những điều đó đã giúp tớ trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn. Người truyền lửa và tiếp sức cho tớ nhiều nhất có lẽ chính là cô giáo của tớ. Cô luôn nâng đỡ tớ mọi chuyện, trao cho tớ những cơ hội hiếm có, khuyên răn an ủi tớ. Chính cô là người khiến tớ muốn học đại học đến thế. Tớ sẽ không biết được rằng mình sẽ ra sao nếu như không gặp cô. Thậm chí, tớ cũng cảm nhận được tình yêu thương đặc biệt của cô dành cho tớ, cô coi tớ như đứa con gái của cô vậy. Cấp 3 chính là một cuốn sách tuyệt vời mà tớ từng trải qua. Nó đã giúp tớ trưởng thành hơn, hiểu rõ bản thân hơn và học được nhiều điều quý giá. Tớ sẽ mãi trân trọng những kỷ niệm đẹp đẽ ấy.
Đại học - Thế giới quan được mở rộng
Tầm nhìn được mở rộng
Bình thường việc học đại học là sự định hướng của bố mẹ mong muốn con cái mình vào đấy, nhưng mà người định hướng cho tớ chính là những người thầy cô tớ quý - họ thật sự là những người truyền lửa mạnh mẽ với tớ. Tớ đã mạnh mẽ hơn và tớ sẽ thử nốt lựa chọn mà hồi phổ thông tớ bỏ qua đó là “Là một người học bình thường so với những người giỏi”. Tớ chọn Học viện tài chính và tớ chọn kế toán - có lẽ đây là một sự lựa chọn táo bạo với một người yêu thích văn học như tớ. Nhưng mà có sao đâu, lúc này tớ không lựa chọn an toàn nữa, năm 17 tuổi và những khát vọng bước ra khỏi vòng an toàn cao. Mình không thử thì mình sẽ không biết được thế giới ngoài kia rộng lớn như nào. Vẫn mang tinh thần hướng ngoại và sự nhiệt tình từ năm cấp 3 của tớ, tớ bước vào đại học với sự hân hoan, phấn khởi, hồi hộp,… tớ gặp nhiều người bạn, tớ gặp nhiều đàn anh đàn chị, gặp nhiều thầy cô,… tớ mới thực sự biết rằng thế giới ngoài kia rất lớn, nó thực sự choáng ngợp so với một cô bé ngây thơ, hồn nhiên như tớ. Đúng là thế giới ngoài kia rộng lớn biết bao, trải qua quá nhiều khiến tớ có được những người bạn thân, những thành tích nhất định, những người không ưa tớ nữa chứ. Câu chuyện 4 năm đại học của tớ vẫn đang diễn ra, điều mà tớ muốn nói ở đây là gì, tớ “may mắn” khi là một sinh viên của trường, may mắn khi gặp những người bạn giỏi, giúp đỡ nhau không toan tính, may mắn khi có sự yêu quý của nhiều người, may mắn khi có được những suất học bổng hiếm có, tớ may mắn khi tìm được cho mình 1 công việc và có chút thu nhập riêng cho bản thân, tớ may mắn khi có một người sếp rất tốt bụng, chú đã dạy tớ rất nhiều và cho tớ cũng rất nhiều bài học ở nơi đây. Nhiều thứ tớ nghĩ rằng là “may mắn” hay nó là “sự trùng hợp”, hay lại là “sự cố gắng”. Đến đây đi tìm câu trả lời nó không còn quá quan trọng nữa, tất cả đều là những trải lòng mà tớ muốn chia sẻ cho mọi người. Qua đó cũng khuyên răn cho những người đang ở giữa phải lựa chọn, thì cũng đừng quá lo lắng, mỗi một lựa chọn đều sẽ ra kết quả khác nhau, dù bạn có là ai, bạn đang ở đâu, ở môi trường ra sao thì chỉ cần bạn cố gắng bạn vẫn sẽ là người nổi trội thôi.
Tự tin vào chính bản thân
Tự tin vào bản thân hơn
Tất cả những gì diễn ra đều không phải là ngẫu nhiên. Điều mà tớ rút ra trong cuốn sách cuộc đời của tớ là: “Hãy cố gắng khi bản thân còn có thể”. Tớ luôn đề cao sự tự tin, nhưng nó lại là thứ khiến tớ mệt mỏi đến tự ti, ai cũng có những mặt đối lập nhưng mong rằng những người bạn trẻ đọc được đến đây trong câu chuyện của tớ đều luôn mạnh mẽ với cuộc đời của mình. Tuổi 20 và ngập tràn những tâm sự có phải là cuộc sống mà ai cũng mong muốn? Thời gian sẽ trả lời cho việc bạn sẽ ở đâu, ở bên cạnh ai, làm gì và sống ra sao? Thế nên bạn không việc gì phải sốt sắng đi tìm câu trả lời cho sự việc nó chưa xảy ra, thật vô ích,..