Lan rừng nam Việt Nam - Nguyễn Công Nghiệp

Đăng lúc: , Cập nhật

Theo Helmut Bechtel (1982), hiện nay trên thế giới có hơn 700 giống lan rừng gồm 25.000 loài được xác định, chưa kể một số lượng khổng lồ lan lai không thể thống kê chính xác số lượng.

Lan rừng nam Việt Nam

Lan rừng phân bố trên thế giới gồm 5 khu vực:

- Châu Á nhiệt đới gồm các giống Bulbophyllum, Calanthe, Coelogyne, Cymbidium, Dendrobium, Paphiopedilum, Phaius, Vanda, Phalaenopsis.

- Châu Mỹ nhiệt đới gồm các giống Brassavola, brassia, Catasetum. Cattleya, Pleurothaillis, Stanhopea, Zygopetalum. Cynoches,

- Châu Phi gồm các giống Lissochilus, Polystachiya, Ansellia, Disa.-

- Châu Úc gồm các giống Bulbophyllum, Calanthe, Cymbidium, Dendrobium, Eria, Phaius, Pholidota, Sarchochilus, Spathoglottis. Riêng Tân Ghi nê trên 2.500 loài trong đó phần nhiều là Dendrobium và Bulbophyllum.

- Vùng ôn đới của châu âu, Bắc Mỹ và Đông Bắc Á châu gồm các giống Cypripedium. Orchis. Spiranthes.

Việt Nam là một nước Đông Nam Á nằm trong khu vực châu Á nhiệt đới, là một trong hai khu vựa tập trung nhiều lan đẹp nhất trên thế giới : châu Á và châu Mỹ nhiệt đới

Theo Phạm Hoàng Hộ (1993) lan rừng Việt Nam được biết gồm hơn 750 loài khác nhau, phần giới thiệu sau đây chỉ tập trung vào một số loài lan có hoa đẹp, trữ lượng nhiều, có triển vọng kinh doanh trong lãnh vực thương mại trong tương lai.

Mỗi loài lan rừng đều yêu cầu một điều kiện sinh thái nhất định, ngoại trừ một vài loài lan có khả năng thích nghi biên độ khí hậu rộng. Thường mỗi loài đều cư ngụ tại nguyên quán thích hợp. Các nhà săn lan nhận thấy rằng các vùng ven suối vùng trùng, trong rừng sâu mật độ lan cao hơn và mất hẳn khi gần trảng trống, Tuy nhiên, ở mức độ giới hạn nào đó, càng vào sâu trong rừng mật độ lan sẽ giản dần, cũng phải kể một trường hợp cá biệt khác là loài Hạc đỉnh chỉ mọc trên các trang trống trong rừng, xen kẽ với các loài cỏ dại.

Rừng Việt Nam có nhiều loài lan quý nhưng chưa được quản lý và khai thác một cách hợp lý. Điển hình nhất là loài lan hài Paphiopedilum delenatii. Trước đây nhiều nước yêu cầu Việt Nam xuất khẩu sang cho họ loài lan này, nhưng chưa tìm ra. Đến năm 1993 khi phát hiện loài lan này thì thương nhân Đài Loan đà mang về nước họ gần 3 tấn (khoảng 100.000 cây) làm Việt Nam mất hàng triệu Đôla. Đây là loài lan quí, nhưng vì chưa có chính sách quản lý nên nhiều người xuất lậu dưới dạng bán kg. Một sự thất thoát tài nguyên vô lý ! Tháng 2.1995 nhiều chủng loại lan rừng Việt Nam được trưng bày tại TOKYO (Nhật Bản) và đã gây được sự chú ý của giới lan chuyên nghiệp trên thế giới, Đầu năm 1997 Canada cũng mời Việt Nam trưng bày, và giới thiệu một số mẫu lan rừng nhưng chúng ta không tham gia được.

Với số lượng 500 loài của riêng các tỉnh miền Nam, chưa kể một số loài do điều kiện chiến tranh chúng ta chưa tìm kiếm được. Việt Nam cũng thuộc là một trong những nước có lan nhiều trên thế giới.

Về màu sắc, lan Việt Nam có nhiều màu từ nhạt sang đậm, màu trắng tuyền như loài Thạch hộc (Dendrobium crumenatum), Tuyết Ngọc (Coelogyne mooreana) Màu vàng như các loài Kim Điệp (Dendrobium capillipes). Màu cam như Ascocentrum miniatum. Màu đỏ như Huyết nhung (Renanthera coccinea). Màu hồng như Hồng lan (Cymbidium insigne). Màu trắng xanh như Mỹ dung dạ hương (Vanda denisoniana). Màu cà phê sữa như Hạc đỉnh (Phaius Tankervilliae) Màu nâu như Đoản kiếm (Cymbidium aloifolium) màu tím hoa cà như Giả hạc (Dendrobium anosmum) Chỉ riêng màu đen không xuất hiện trên bất kỳ một loài lan nào, ở Việt Nam hay trên thế giới. Với một số lượng màu đa dạng như vậy, nếu được lai tạo lan Việt Nam sẽ có một tổ hợp về màu sắc rất phong phú. Chưa kể một số loài lan khẩm có sẵn trong thiên nhiên như loài Đuôi cáo (Aerides multiflora) Ngọc điểm (Rhynchostylis gigantea), Cẩm báo (Hygrochilus parishii), Bò cạp (Arachnis annamensis), Long nhãn kim điệp (Dendrobium fimbriatum) Thái bình (Dendrobium pulchellum).

Về độ bền của lan, Việt Nam có nhiều giống lan rừng nở trên 2 tháng như Mỹ dung dạ hương, Huyết nhung, Hoàng lan, Hồng lan... Có loại trung bình 1-2 tuần như Long tu (Dendrobium primulinum), Kim điệp, Đuôi cáo, Ngọc điểm... Thậm chí có loài chỉ nở một ngày như loài Thạch hộc.

Về kích thước, lan rừng Việt Nam có nhiều loài hoa bé như các loài của giống Eria. Các loài khác có kích thước trung bình. Một vài loài có kích thước lớn hơn 10cm như Hạc đỉnh, Huyết nhung, Mỹ dung dạ hương.

Về hương thơm, đây là ưu điểm chính của các loài lan Việt Nam. So với các loài lan lai, lan rừng Việt Nam có kích thước bé hơn nhưng nhờ đa số có mùi thơm nên vẫn hấp dẫn các người ái mộ như Mỹ dung dạ hương, Hạc đỉnh, Đuôi cáo, Ngọc điểm. Thạch hộc, Thanh ngọc, Nhất điểm hồng, Giả hạc...

Lan Việt Nam là lan của vùng nhiệt đới chịu ảnh hưởng bởi 2 mùa nắng mưa rõ rệt, vì thế đa số các loài lan mỗi năm chỉ cho một kỳ hoa, trừ loài Thạch hộc có thể nở bất kỳ trong năm. Mùa nở hoa tập trung vào 2 thời kỳ vào khoảng tháng 2 (tức tết âm lịch) và tháng 4 trong mùa nắng do sự thọ hàn và quang kỳ tính và tháng 7 tháng 8 do sự khô hạn.

Với các đặc điểm trên, lan Việt Nam là nguồn thuận lợi để lai giống lan, nếu chúng được khai thác đúng mức trên khía cạnh di truyền học.

Có thể tạm chia lan rừng của các tỉnh miền Nam làm 4 khu vực khác nhau 

1. VÙNG MIỀN ĐÔNG NAM BỘ

Đây là vùng rừng khô đã bị khai thác nhiều lần, tầng trên còn ít gỗ quí, tầng dưới là các loại gỗ tạp mới tái sinh, trải dài từ biên giới Cam-pu-chia đến biển Đông như các vùng : Xuyên Mộc, Bình Giả, Mã Đà, Lộc Ninh...

Ở đây lan mọc nhiều nhất trên các cây Vừng (Careya arborea) Cây Râm (Anogeissus acuminata). Rải rác lan cũng mọc trên vỏ cây các loài khác như Sến mủ (Shorea roxburghii). Sao (Hopea odorata), Thành ngạnh (Cratoxylon sp.) Bằng lăng (Lagerstroemia sp), Dầu con rái (Dipterocapus alatus).

Vùng này tập trung các loài có hoa đẹp như :

- Đuôi cáo (Aerides miltiflora)

- Ngọc điểm (Rhynchostylis gigantea)

- Giáng Hương (Aerides falcata).

- Đuôi chồn (Rhynchostylis retusa).

- Hỏa hoàng (Ascocentrum miniatum)

Vùng này còn có một loài lan đất là lan Bầu rượu (Calanthe cardioglossa) có nhiều ở trên các sườn núi đá ở Vũng Tàu, Bà Rịa, Long Khánh.

Ngoài ra ở đây còn có một số loài khác, không có giá trị về phương diện thẩm mỹ như

- Tổ Yến (Acriopsis indica): Xuân Lộc.

- Chân rết (Appendicula cornuta): gần suối.

- Sậy lan (Arundina graminifolia): gần suối.

- Thanh hoàng (Calanthe graminifolia): Vũng Tàu.

- Long lan (Bulbophyllum eberhardtii) : gần suối.

- Hoàng yến (Coelogyne massengeana) : Định Quán.

- Thanh đạm xanh (Coelogyne brachyptera): gần suối.

- Đoản kiếm (Cymbidium aloifolium) : khắp nơi.

- Thanh ngọc (Cymbidium ensifolum) : suối.

- Bạch câu (Dendrobium crumenatum): khắp nơi.

- Nhất điểm hồng (Dendrobium draconis) : khắp nơi.

- Tép dẹp (Dendrobium flabellum) : gần suối.

- Ý thảo (Dendrobium gratiosissimum) : khắp nơi.

- Vảy rùa (Dendrobium nathanielis) :Long Khánh

- Báo hỉ (Dendrobium secundum) : khắp nơi.

- Ni lan (Eria globilifera) : khắp nơi.

- Cành giao (Luisia psyche): Đồng Nai.

- Da beo (Staurochilus fasciatus) : Gần suối

- Mộc lan (Acampe rigida): khắp nơi.

2. VÙNG TRUNG NGUYÊN

Đây là vùng có cao độ trung bình 700 - 1.000 m Nhờ nhiệt độ thấp, khí hậu ẩm mát, địa hình nhiều đồi núi. Rừng bị lạm thác nhiều lần, nếu rừng nguyên thủy bị xâm chiếm bởi các rừng tre, lồ ô, thông 2 lá, ở đây còn có rừng hỗn giao giữa rừng thông 2 lá và dầu trà beng. Điều lưu ý là lan không bao giờ mọc ở rừng tre và hiếm khi mọc ở rừng thông. Nhiều nhất ở rừng diệp loại và rải rác ở rừng hỗn giao, nhưng cây chủ vẩn là cây diệp loại.

Ở vùng này, đa số các loài lan mọc trên các loại cây chủ yếu sau đây : như Cà chắc (Shorea obtusa), Cẩm liên (Shorea siamensis) Cà gần (Terminalia tomentosa) Chò xót (Schima crenata) Các loại Dẽ xồi (Quercus, lithocarpus...), Sao (Hopea odorata), Sến (Shorea roxburghii) Vừng (Careya aborea) các loài trâm, các loài Bằng lăng, Thành ngạnh vì có vỏ láng và thay vỏ hàng năm nên các loài lan chỉ mọc được trong các bọng cây. Một số loài phong lan và địa lan lại mọc trên đá, ven suối. Vùng này có các loài địa lan mọc trên các vùng đầm lầy, trong các thung lũng giữa các dãy núi.

Đây là vùng tập trung nhiều giống Dendrobium có hoa đẹp nhất Việt Nam. Một tập đoàn Dendrobium gồm các loài: Lua vàng (D.heterocarpum), Hoàng phi hạc (D. signatum) Thủy tiên các loại (D.densiflorum, D.haveynum, D. farmeri, D. thyrsiflorum), Long tu (D.primulinum), Kim điệp (D.capillipes) moc xen kẽ nhau trên các cây dẻ, sồi trâm trong các quần thọ rừng diệp loại, dọc theo triền núi, khe suối. Loài Nhất điểm hồng (D.draconis) trên các cây Dầu trà beng hoặc Dầu đồng, Dẻ trong các rừng hỗn giao. Loài Giả hạc (Danosmum) nhiều nhất trên cây cà chí, đôi khi trên các cây giẻ sồi, một số ít mọc trên đá, nhiều nhất ở vùng Tam Bố (Lâm Đồng) trải dài theo hướng Tây qua biên giới tỉnh Đắclắc rải rác loài này cũng mọc dọc đèo Ngoạn Mục, Đơn Dương, nhưng loại ở đây trổ hoa chậm sau tết 15 ngày. Loài Long nhãn kim điệp (Dendrobium fimbriatum) hầu như chỉ mọc trên đá dọc suối ở Di Linh, loài Ý thảo (D.gratiosissimum) mọc trên các cây Dẻ về phía Đông hướng về Phan Rang, Phan Thiết. Loài Đại ý thảo (D.aphyllum) chua bao giờ được tìm thấy trên độ cao khỏi đèo Bảo Lộc. Loài Vảy cá (D.lindleyi) có ở Liên Khàng và Phi vàng. Loại Thạch hoa (D.linguella) hiếm gặp, loài Huyết nhung (Renanthera imschootiana) mọc trên các cây Dẻ sồi, gần bờ suối, hoặc trên vách đá lưng chừng xuống chân núi. Loài Bò cạp (Arachnis annamensis) mọc trên các dông núi vùng rừng rậm có nhiều ở núi vôi, loài Mỹ ung dạ hương (Vanda denisoniana) chi mọc từ Di Linh đến Đơn Dương, Ca-dô có nhiều, loài này mọc nhiều trên cây Keo dầu, ở các đồn điền như Phi Vàng. Loài Đuôi cáo mọc nhiều trên các cây rừng thưa từ đèo Phú Hiệp đến thác Pông-go. Loài Hạc đỉnh (Phaius tankervilliae) mọc ở trang trống trong rừng vùng dầm lấy hay vùng trũng thường mọc chung với loại lan khác là Ngãi Bưởi (Dipodium paludosum) rất thơm và loài Cau diệp ngà (Spathoglottis eburhea), có nhiều từ Di Linh đến Lang Hanh, vùng Tà In, có một đồng bằng dài 10 - 50 km trước đây có rất nhiều hạc đình.

Hiện nay khu rừng này đã bị phá và làm lúa. Loài Vân hài (Paphiopedilum callosum) mọc trên đất dựa suối hoặc ven các đầm lầy với các loài Hạc đỉnh và Ngãi bưởi. Loại kim hài (Paphiopedilum villosum) mọc nhiều thành từng đám trên thân cây De, Loại Xích thử mọc trên cây lỉ hi, từ đèo Ông Cố đến Lang Hanh. Loài Bầu rượu có nhiều ở Phương Lâm và núi Chứa Chan. Một loài đặc biệt chỉ mọc trên cây thông là loài Bạch Hỏa hoàng (Dendrobium bellatulum)

3. VÙNG CAO NGUYÊN

Đâylà vùng có cao độ trên 1.000m, nhờ khí hậu lạnh ẩm, điều hòa, địa hình đồi núi, đây là nơi ưu thế của rừng thông 3 lá. Tuy nhiên các loài lan chỉ xuất hiện ở các thung lũng hoặc trên sườn núi có nhiều cây diệp loại như Sồi, Dẻ.

Vùng này có các loài lan được biết đến là :

Hồng lan (Cymbidium insigne) mọc trên đất thường chung với cỏ tranh trên các dòng núi. Loài Hoàng lan (Cymbidium iridioides) mọc trên các bọng cây hoặc các cây bạch tùng (Podocarpus imbricatus) có nhiều rêu vùng rừng rậm. Loại Hồng hoàng (Cinsigne X.C.iridioides) một cây lan lai tự nhiên giữa Hoàng lan và Hồng lan thường mọc trên các cây bạch tùng Loài Bạc lan (Cymbidium erythrostylum) loài Tử cán (Cymbidium dayanum) loài Thanh lan (Cymbidium cyperifolium) hiển hơn được trồng có hoa rất thơm ở Đà Lạt. Loài Tuyết ngọc (Coelogyne mooreana) và nhiều loài Coelogyne khác có nhiều ở núi Bà Lanbiang và các thác, thung lũng ẩm. Loại Nhất điểm hoàng (Dendrobium flavum) có trên các cây Sồi Dẻ ở đèo Pren và Đà Lạt.

4 VÙNG NAM VÀ TRUNG TRUNG BỘ

Đây là vùng tập trung nhiều loài lan quí và đặc hữu của Việt Nam. Nếu đi từ Ninh Thuận, Khánh Hòa về phía cao nguyên Buôn Mê Thuột thì sự xuất hiện của các loài lan gần giống vùng Bảo Lộc - Di Linh với các loài Thủy Tiên, Nhất điểm hồng; Loài Ngọc Bích (Rhynchostylis coelestis) chỉ mọc trong các kiểu rừng bán thay lá từ Bình Thuận đến Khánh Hòa - Loài Ngọc điểm từ Bình Tuy kéo dài đến Nha Trang ra tận những đảo xa, ngược lên sông Krông Bách ăn giáp qua Tô hợp, Ngọc Điểm ở đây có trữ lượng rất lớn khoảng vài chục vạn cây và có cả loài Ngọc điểm trắng. Vùng này bị ảnh hưởng của gió biển nhiều nên lan mọc rất thấp dưới 5m dề lấy và thường mọc trên gộp đá có rêu. Vùng đèo Đại Lãnh, từ cầu sắt đến Đồ Sơn cạnh hồ sen có một loài Hài màu trắng chưa định danh khá đẹp.

Ở Dục Mỹ, vùng Hòn trẻ, Hòn ngang có loài Giả Hạc. Nếu qua khỏi đèo Phượng Hoàng, vùng Khánh Dương có các loài Thủy tiên tím (Dendrobium amabile), Hoàng Thảo Xoắn (Dendrobium tortile) Tim Huế (Dendrobium hercoglossum). Tại vùng giáp ranh giữa Ninh Thuận - Khánh Hòa và Đaklak còn có các loài lan đặc hữu và quý hiếm như:

Hài Hồng (Paphiopedilum delenatii).

Huyết Nhung giún (Renanthera coccinea)

Huyết Nhung trơn (Renanthera imshootiana)

Thái Bình (Dendrobium pulchellum)

Đơn Cam (Dendrobium unicum)

Trong vùng này còn có hai loài lan mới vừa được công bố trên thế giới năm 1993 bởi Tiến sĩ Haager (Viện Hàm Lâm Khoa Học Tiệp Khắc)

Loài thứ nhất là Ascocentrum christensonianum (Tử Hoàng) mọc trong rừng bán thay lá gió mùa, Phan Rang ở độ cao 100 - 150m, ở đây chúng mọc chung với loại Ngọc điểm (Rhynchostylis gigantea), Điểu lan (Dendrobium delacourii),... loài này còn gặp ở Buôn Ya Vầm (Daklak).

Loài thứ hai là Christensonia vietnamica (Uyên Ương) mọc trong rừng ẩm cao độ 100m, dọc theo suối Ea Dong gần làng Ninh Tây (Khánh Hòa). Loài này còn gặp ở các khe suối dọc theo đèo Mang Yang (Gia Lai). Đây là một giống lan mới cho thế giới được đặt tên cho Tiến sĩ Eric A. Christenson, một chuyên gia lan nổi tiếng của thế giới về tông Aeridinae. Hiện loài này đã được lai tạo thành công ở Việt Nam.

Thực ra, từ năm 1984 loài này đã được chúng tôi mang về trồng tại thành phố Hồ Chí Minh từ nhà một người bạn ở Phan Rang. Và vì lần đầu tiên ra hoa tại thành phố Hồ Chí Minh chỉ có hai hoa nên chúng tôi đặt tên là “Uyên Ương" và tặng cho nghệ nhân Nguyễn Văn Dể một trong nhiều cây đem về. Năm 1990, một trong những cây đó đã đoạt giải nhất hội thi lan rừng nhân kỷ niệm 19/5 - 100 năm ngày sinh Hồ Chủ Tịch vì vậy nó có tên là "Cù lao Minh" quê hương của nghệ nhân Nguyễn Văn Dể, hiện là phó chủ tịch Hội hoa lan cây cảnh thành phố Hồ Chí Minh.


 
gọi Miễn Phí