Trồng cây sứ xa mạc - Nguyễn Huy Trí

Đăng lúc: , Cập nhật

Sứ sa mạc hay sứ Thái Lan (danh pháp hai phần: Adenium obesum) là loài thực vật thuộc chi Adenium của họ La bố ma (Apocynaceae). Chúng có nguồn gốc ở vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới của miền đông và miền nam châu Phi cũng như bán đảo Ả Rập.

Trồng cây sứ a mạc

1. Đặc điểm hình thái, cấu tạo

Sú sa mạc thuộc loại cây thân mọng nước kiểu sa mạc, có đốt rất ngắn, mập và các lá phân bố trên thân, cành theo đường xoắn ốc. Lớp biểu bì ngoài của vỏ được bao bởi một lớp sáp trắng giảm khả năng thoát nước, tăng tính chịu hạn đồng thời tạo cho thân, cành có dạng vỏ cổ thụ.

Lá nhỏ, dày có tuổi thọ khá cao, bền màu. Hoa màu đỏ hoặc hồng đỏ, có cánh dày nở vào mùa hè, lâu tàn vì vậy cây không chỉ trồng để tạo dáng, thế mà còn để chơi hoa rất đẹp.

Rễ sinh trưởng mạnh và khả năng ra rễ rất cao. Từ các rễ phụ của cây có thể sinh trưởng thành các rễ to, mập cuộn khúc trong thời gian ngắn vì vậy Sứ sa mạc rất được người trồng và chơi cây cảnh chú ý.

2. Nguồn gốc và yêu cầu ngoại cảnh

Sứ sa mạc có nguồn gốc từ châu Phi, từ các vùng sa mạc khô hạn vì vậy cây rất chịu khô hạn thích hợp trồng trong chậu. Cây không chỉ yêu cầu nước trong đất rất ít mà còn yêu cầu độ ẩm không khí thấp. Trong điều kiện độ ẩm đất và độ ẩm không khí cao thân, cành bị lục hóa, kích thước lá mất cân đối và cây dễ bị bệnh do nấm và vi khuẩn xâm nhập gây thối thân cành hoặc hoa bị thối nhũn.

Lá cây cũng rất ưa sáng, chịu đựng tốt trong điều kiện chiếu sáng gay gắt, cường độ chiếu sáng cao song cũng chịu râm khá nên có thể đặt để cây trong điều kiện ánh sáng tán xạ một thời gian dài.

3. Kỹ thuật nhân giống

Sứ sa mạc ra hoa và có khả năng hình thành hạt để nhân giống, song trong thực tế việc nhân giống cây chủ yếu bằng phương pháp dâm cành hoặc chiết cành. Chiết cành thường chọn các cành to để chiết nên hệ số nhân giống thấp. Phổ biến nhất là nhân giống bằng dâm cành vì hệ số nhân giống cao. Dù chiết cành hay dâm cành thì sau khi tạo vết thương ở cành bằng cách khoanh vỏ hay cắt cành ra khỏi cây mẹ phải để cho vết thương khô hoặc tạo mô sẹo mới bó bầu chiết hoặc dâm để tránh cho cành chiết, cành dâm không bị thối do vi sinh vật xâm nhập.

Khi dâm cành chọn các cành già đã rụng hết lá, cắt rời khỏi cây mẹ. Nếu cành dài thì cắt ra các đoạn cành từ 10 - 20cm để dâm. Sau khi cắt, để khô nhựa vết cắt và đem dâm trong nền dâm. Sau khi dâm không tưới nước từ 5 - 7 ngày sau đó mới tưới giữ ẩm vừa phải để cho cành dâm ra rễ. Nếu có điều kiện có thể xử lý vết cắt bằng các thuốc trừ nấm bệnh hoặc bôi vào vết cắt tro bếp để vết cắt không bị thối khi dâm. Khi cành dâm ra rễ mới tưới đủ ẩm cho cành ra chồi, lá mới.

4. Kỹ thuật trồng

Đất để trồng Sứ sa mạc yêu cầu phải là đất thoát nước tốt vì vậy nên chọn các đất pha cát có thành phần cơ giới trung bình. Có thể trồng trên đất cát sỏi, song cần chú ý bón phân cho cây.

Đối với trồng ở chậu, bồn cảnh cần bỏ dưới đáy chậu một lớp xỉ than, sỏi đá để tăng tính thoát nước cho đất trồng.

Đặt cây vào đất trồng lấp đất đến cổ rễ của cây. Nén đất xung quanh gốc và tưới ẩm vừa đủ cho đất.

5. Chăm sóc cho cây

Sứ sa mạc không yêu cầu nước nhiều, vì vậy cần hạn chế tưới cho cây. Chỉ khi đất khô hạn quá thì cần tưới và khi tưới cũng chỉ tưới đủ ẩm, không quá nhiều nước.

Chú ý thoát nước cho đất trồng, đặc biệt khi trồng trong chậu, bồn cảnh hẹp. Khi cây ra hoa không nên tưới thúc phân cho cây mà chỉ tưới hoặc bón thúc cho cây trước hoặc sau mùa mưa từ 1 - 2 lần trong một năm.

Cần chú ý chăm sóc và tạo điều kiện cho các rễ của cây phát triển để tạo dáng, thế cho bộ rễ tăng giá trị thẩm mỹ của cây bằng các thủ thuật đôn rễ khi thay chậu, bới lớp đất mặt, cắt tỉa phần cành trên tán của cây v.V...
 
gọi Miễn Phí