Những loại dao phổ biến nhất trong lịch sử quân sự thế giới (Phần 3)

Đăng lúc: , Cập nhật

Trong phần 1 và phần 2 của chủ đề này, Công Cụ Tốt đã giới thiệu tới quý khách hàng về những loại dao cầm tay được sử dụng phổ biến trong quân đội các nước. Ở phần thứ 3 này, Chúng Tôi sẽ nói về một loại vũ khí đặc biệt được sử dụng kết hợp với súng cầm tay gọi là “Lưỡi lê” (The Bayonet).

Lưỡi lê được sử dụng như một đầu thương lắp ở đầu nòng súng, là vũ khí phụ trợ cho súng để tấn công trực diện.

LƯỠI LÊ LÀ GÌ?

Có thể coi lưỡi lê đây một loại dao, kiếm hoặc vũ khí hình mũi nhọn được thiết kế để lắp vào phần cuối của mõm súng trường, súng hỏa mai hoặc các loại súng khác tương tự. Lưỡi lê được sử dụng với tư cách là một vũ khí giống như mũi giáo. Từ thế kỷ XVII đến Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, lưỡi lê được coi là vũ khí chính trong các cuộc tấn công của bộ binh. Ngày nay, lưỡi lê đóng vai trò là vũ khí phụ trợ hoặc vũ khí cuối cùng mà binh sĩ có thể sử dụng khi chiến đấu trực diện ở khoảng cách gần.

BỐI CẢNH RA ĐỜI CỦA LƯỠI LÊ

Một trong những vấn đề lớn mà người sử dụng súng cầm tay thời kỳ đầu phải đối mặt đó là mất rất nhiều thời gian để nạp đạn một khẩu súng và chuẩn bị bắn. Trước khi hộp đạn được phát minh, người dùng phải đo lượng bột thuốc súng, nhai một mảnh vải cho đến khi nó tạo thành bông, đổ bột vào, rút ​​một quả bóng chì ra. Sau đó, họ phải chuẩn bị chảo bắn, đảm bảo khớp thì mới có thể bắt đầu nhắm bắn mục tiêu. Sau khi bắn, người dùng phải lặp lại quy trình tương tự như trên một lần nữa để có thể bắn phát tiếp theo. Các loại súng cầm tay ban đầu cũng không có nhiều mức ngắm bắn và độ chính xác như bây giờ, vì vậy kẻ địch có thể tấn công trong phạm vi 100 – 150 thước Anh trước khi một người có thể nạp đạn cho súng.
Một cách để giải quyết vấn đề này là tổ chức quân đội thành ba nhóm và mỗi nhóm sẽ tiến lên phía trước, khai hỏa, sau đó rút về phía sau hàng để nạp đạn. Điều này có nghĩa là một nhóm sẽ luôn sẵn sàng khai hỏa. Cách chia đội hình như vậy làm giảm sức mạnh hỏa lực của lực lượng chiến đấu xuống một phần ba.

Mũi lê được kết hợp với súng cầm tay rất phù hợp để sử dụng trong chiến đấu tầm gần
Mũi lê được kết hợp với súng cầm tay rất phù hợp để sử dụng trong chiến đấu tầm gần (Ảnh sưu tầm)
 
Một giải pháp khác là mang theo loại vũ khí thứ hai để tự bảo vệ mình trong các cuộc giao tranh tầm gần. Thông thường, vũ khí thứ hai này sẽ là một số loại kiếm ngắn hoặc dao. Vào thế kỷ 17 ở Pháp, người ta bắt đầu chế tạo những con dao có thể gắn vào súng hỏa mai, từ đó chuyển đổi súng hỏa mai thành một loại giáo.

NGUỒN GỐC CỦA TÊN GỌI

“Lưỡi lê” có tên tiếng Anh là "Bayonet", tiếng Pháp là "Baïonnette". Có một truyền thuyết cũ rằng trong một cuộc xung đột, cư dân của Bayonne – một thị trấn nổi tiếng với nghề sản xuất dao kéo của Pháp – đã dùng hết thuốc súng và đạn, để chiến đấu tiếp họ đã gắn những con dao săn dài của mình vào các khẩu súng hỏa mai. Từ "Bayonet" bắt nguồn từ tên thị trấn "Bayonne". Một câu chuyện khác là những người thợ săn từ vùng Bayonne đó đã mang theo những vũ khí như vậy để bảo vệ mình khỏi những con thú, trong trường hợp bắn trượt mục tiêu.
Bản thân thuật ngữ "Bayonet" xuất hiện từ nửa sau thế kỷ XVI, nhưng không rõ liệu lưỡi lê vào thời điểm đó có phải là loại dao có thể lắp vào đầu súng không hay chỉ đơn giản là một loại dao. Cụ thể, trong cuốn sách “Dictionarie” năm 1611 của Cotgrave mô tả lưỡi lê là "một loại dao găm nhỏ bỏ túi bằng phẳng". Tương tự như vậy, tác giả Pierre Borel viết: “Vào năm 1655, một loại dao dài được gọi là lưỡi lê đã được sản xuất ở Bayonne” nhưng không đưa ra thêm bất kỳ mô tả nào.

QUÁ TRÌNH RA ĐỜI VÀ CẢI TIẾN CỦA MŨI LÊ

1. Lưỡi lê dạng lắp (Plug Bayonet)

Không xác định được chính xác ai là người đã phát minh ra loại vũ khí này, chỉ biết rằng những chiếc lưỡi lê đầu tiên được làm tại Bayonne, Pháp. Công dụng ban đầu của lưỡi lê chỉ đơn giản là một con dao gắn trực tiếp vào đầu nòng súng hỏa mai được những người thợ săn sử dụng để đánh bắt lợn rừng. Thiết kế này sau đó đã được áp dụng trong chiến tranh và được gọi là “lưỡi lê lắp” (Plug Bayonet).

Hình ảnh lưỡi lê dạng lắp thời kỳ đầu
Hình ảnh lưỡi lê dạng lắp thời kỳ đầu (Ảnh sưu tầm)
 
Việc sử dụng lưỡi lê tại Chiến tranh châu Âu lần đầu tiên được ghi nhận trong cuốn hồi ký của Jacques de Chastene – một sĩ quan Pháp. Ông mô tả: Người Pháp sử dụng lưỡi lê cắm thô dài 1 foot (0,30 m) trong chiến tranh giai đoạn 1618 – 1648; Khi cần thiết, những con dao có thể được đặt trong mõm súng để biến chúng thành giáo. Tuy nhiên, phải đến năm 1671, Tướng Jean Martinet mới chuẩn hóa thiết kế và ban hành lưỡi lê dạng lắp cho trung đoàn Không quân của Pháp.

Lưỡi lê dạng lắp được nối trực tiếp với nòng súng
Lưỡi lê dạng lắp được nối trực tiếp với nòng súng (Ảnh sưu tầm)
 
Mặc dù là một vũ khí hiệu quả, nhưng nhược điểm của lưỡi lê lắp thời kỳ đầu là những người lính sẽ không thể tiếp tục bắn súng sau khi gắn nó trên đầu nòng súng. Lý do là bởi thiết kế lưỡi lê lúc này có một tay cầm tròn để thẳng vào nòng súng, nếu ai đó cắm một lưỡi lê vào họng của một khẩu súng hỏa mai đã nạp đạn và sau đó bắn nó, khẩu súng có thể nổ tung. Đây không chỉ đơn giản là lý thuyết, thực tế những người dân thường khi sử dụng súng thường xuyên gặp phải tai nạn này. Nó phổ biến đến mức vào năm 1660, vua Louis XIV đã phải ban hành một tuyên bố cấm đặt dao găm vào họng súng săn.

Hình ảnh lưỡi lê lắp được gắn vào đầu của một khẩu súng hỏa mai
Hình ảnh lưỡi lê lắp được gắn vào đầu của một khẩu súng hỏa mai (Ảnh sưu tầm)
 
Trong lĩnh vực quân sự, điều này đồng nghĩa với việc binh lính phải đợi đến giây phút cuối cùng trước khi cận chiến diễn ra mới được lắp lưỡi lê. Nhược điểm này càng trở thành vấn đề nghiêm trọng hơn sau sự thất bại của lực lượng trung thành với Quốc vương của Vương quốc Anh, Scotland và Ireland là William trong trận Killiecrankie diễn ra vào năm 1689. Kẻ địch khi ấy đã đến gần 50 mét, bắn một loạt đạn, rồi vứt bỏ súng hỏa mai để sử dụng rìu hoặc kiếm để chiến đấu. Lực lượng này nhanh chóng áp đảo binh sĩ trước khi họ có thời gian tháo lưỡi lê ra để bắn trả. Ngoài nhược điểm trên thì việc lắp lưỡi lê quá mạnh cũng có thể làm nòng súng bị hỏng hoặc lưỡi lê bị gãy khi cắm quá chặt vào bên trong súng.

2. Lưỡi lê ổ cắm (Socket Bayonet)

Để khắc phục nhược điểm này, theo thời gian, người ta đã tìm ra nhiều cách để gắn lưỡi lê vào bên ngoài súng, có thể chạy dọc, trên hay dưới thân súng. Cấu tạo của ổ cắm lưỡi lê sau đấy đã được phát minh bởi Sébastien Le Prestre de Vauban – một kỹ sư quân sự người Pháp dưới thời vua Louis XIV. Chuyển động zig-zag xung quanh vấu lưỡi lê cho phép người lính dễ dàng gắn hoặc tháo lưỡi lê trong khi vẫn cố định nó ở đúng vị trí. Ưu điểm lớn nhất của lưỡi lê có ổ cắm (Socket Bayonet) là súng hỏa mai vẫn có thể bắn trong khi gắn lưỡi lê vì lưỡi lê được lắp gần đầu súng chứ không cho trực tiếp vào nòng súng như thiết kế ban đầu.

Hình vẽ minh họa một đội quân sử dụng súng với lưỡi lê ô cắm
Hình vẽ minh họa một đội quân sử dụng súng với lưỡi lê ô cắm (Ảnh sưu tầm)
 
Mặt khác, nhằm giải quyết vấn đề là không phải tất cả binh sĩ đều sử dụng cùng một loại vũ khí hoặc các loại vũ khí đều có cùng kích cỡ nòng súng, ổ cắm lưỡi lê đã được sửa đổi để có phần tách xuống một bên. Một đường rạch cố ý chạy dọc theo toàn bộ chiều dài của ổ cắm cho phép ổ cắm có thể điều chỉnh phù hợp với kích thước của súng. Không giống như lưỡi lê lắp cố định ở thời kỳ đầu, lưỡi lê dạng ổ cắm và ổ cắm có ba cạnh, người ta gọi chúng là "lưỡi lê hình tam giác" (Triangular Bayonet). Với quy trình và kỹ thuật rèn tại thời điểm đó, một lưỡi lê tam giác dễ chế tạo ra hơn và mang lại độ ổn định cao hơn so với lưỡi lê hai mặt hoặc lưỡi dao mà không làm tăng trọng lượng, giúp tiết kiệm nguyên vật liệu.

Lưỡi lê ổ cắm hình tam giác
Lưỡi lê ổ cắm hình tam giác (Ảnh sưu tầm)
 
Đến thế kỷ XVIII, lưỡi lê ổ cắm đã được sử dụng phổ biến tại hầu hết các lực lượng quân đội của châu Âu. Các loại lưỡi lê có ổ cắm đầu tiên gặp vấn đề trong việc cố định vào súng hỏa mai một cách chắc chắn. Chúng thường có xu hướng rơi ra khỏi phần cuối của nòng súng sau một khoảng thời gian chiến đấu. Vấn đề này sau đó đã được bộ binh Pháp giải quyết vào năm 1703 bằng cách chế tạo các lưỡi lê có hệ thống khóa lò xo gắn vào những điểm ngắm phía trước của súng để khóa chặt lưỡi lê vào đúng vị trí và không bị xê dịch trong quá trình chiến đấu. Giai đoạn chiến tranh năm 1812, lưỡi lê ổ cắm được trang bị cho súng hỏa mai Brown Bess của Anh, Charleville của Pháp và Hoa Kỳ có chiều dài từ 12 đến 15 inch, và tiếp tục có hình tam giác.

Hình ảnh lưỡi lê ổ cắm được gắn vào bên trên đầu của một khẩu súng
Hình ảnh lưỡi lê ổ cắm được gắn vào bên trên đầu của một khẩu súng (Ảnh sưu tầm)
 
Lưỡi lê ổ cắm đã được sử dụng cho đến giữa thế kỷ XX, tuy nhiên thiết kế hình tam giác đã trở nên lỗi thời từ cuối những năm 1800. Mặc dù nhiều người cho rằng nguyên nhân chính là bởi lưỡi lê hình tam giác đã bị cấm sử dụng trong Công ước Geneva năm 1949, nhưng thực tế không phải như vậy. Công ước Geneva đặt ra nhiều quy tắc chiến tranh, và khi nhắc tới lưỡi lê, nó chỉ nghiêm cấm "lưỡi lê có cạnh răng cưa" (Căn cứ vào ý kiến của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế). Chính xác thì lưỡi lê hình tam giác không được đề cập rõ ràng trong Công ước Geneva.
Trong chiến tranh thế kỷ XIX, lưỡi lê chủ yếu được sử dụng để xua đuổi kẻ thù khỏi chiến trường. Mặc dù vết thương do bị đâm bằng lưỡi lê rất nặng, nhưng phe đối lập khi bị buộc tội tàn bạo thường thanh minh rằng ít hơn 3% thương vong trong chiến tranh thực sự là do lưỡi lê gây nên.
Dù vậy không thể phủ nhận sự thật rằng vết thương do lưỡi lê hình tam giác gây ra rất khó chữa trị và làm chảy máu nhiều hơn vết thương do lưỡi lê hai cạnh tạo ra. Bởi vậy không khó để có thể hiểu vì sao một số nơi lại xếp lưỡi lê hình tam giác vào danh sách những loại vũ khí bị cấm do gây ra đau khổ quá mức cho con người ngay cả khi xung đột chiến tranh đã kết thúc. Thật vậy, những vết thương do lưỡi lê hình tam giác gây ra được ghi nhận là có thể kéo dài nhiều năm sau một trận chiến, hoặc thâm chí là không bao giờ lành lại.

3. Lưỡi lê dạng kiếm (Sword Bayonet)

Vào cuối thế kỷ XVIII và đầu thế kỷ XIX xuất hiện khái niệm về lưỡi lê dạng kiếm (Sword Bayonet). Lưỡi lê kiếm đầu tiên được chế tạo bởi người Đức từ trước Chiến tranh Thế giới Thứ nhất. Đây là một loại vũ khí có lưỡi dài với một lưỡi cắt hoặc hai lưỡi cắt. Gọi là "lưỡi lê dạng kiếm" vì nó có thể sử dụng như một thanh kiếm ngắn. Mục đích ban đầu của lưỡi kê kiếm là để đảm bảo các tay súng trường có thể tạo thành một khu vực bộ binh đủ mạnh để chống lại các cuộc tấn công của kỵ binh. Dạng lưỡi lê này cũng được gắn dưới nòng súng giống như lưỡi lê ổ cắm, nhưng nó có một tay cầm thích hợp để sử dụng như một thanh kiếm riêng, tương tự như lưỡi lê dạng lắp thời kỳ đầu.

Hình ảnh lưỡi lê kiếm được gắn vào cạnh của một khẩu súng trường
Hình ảnh lưỡi lê kiếm được gắn vào cạnh của một khẩu súng trường (Ảnh sưu tầm)
 
Một ví dụ điển hình về lần đầu tiên súng trường được gắn lưỡi lê kiếm là khẩu súng trường của Bộ binh Anh dùng trong những năm 1800 – 1840, sau này được gọi là "Baker Rifle". Cán kiếm được thiết kế để phù hợp với nòng súng và một cơ cấu chuôi kiếm cho phép gắn vào vấu lưỡi lê.

Hình ảnh khẩu Baker Rifle gắn lưỡi lê dạng kiếm
Hình ảnh khẩu Baker Rifle gắn lưỡi lê dạng kiếm (Ảnh sưu tầm)
 
Những chiếc lưỡi lê này được sử dụng khi súng trường bắt đầu thay thế súng hỏa mai trong các đơn vị quân đội khác nhau. Một lưỡi lê kiếm có thể được sử dụng trong chiến đấu như một cánh tay phụ. Vì súng trường thường ngắn hơn súng hỏa mai, nên chúng cần lưỡi lê kiếm dài hơn để khi gắn vào, chúng sẽ có chiều dài tương đương với súng hỏa mai có gắn lưỡi lê ổ cắm. Một trong những ưu điểm nổi bật của lưỡi lê kiếm so với lưỡi lê ổ cắm là trong khi lưỡi lê ổ cắm chỉ sắc ở phần đầu và biến súng trường thành giáo chỉ có thể được sử dụng để đâm thì lưỡi lê kiếm lại có các cạnh lưỡi sắc bén dùng để chém.
Lưỡi lê kiếm có ưu điểm của cả lưỡi lê dạng lắp và lưỡi lê ổ cắm mà không có nhược điểm của hai loại này, tuy nhiên, trong Chiến tranh Thế giới Thứ nhất, người ta phát hiện ra rằng lưỡi lê kiếm khó để sử dụng bên trong các chiến hào hoặc ở những nơi không gian bị hạn chế. Đó chính là lý do vì sao sau Thế chiến Thứ nhất, xu hướng giảm chiều dài của lưỡi kiếm được ưa chuộng. Lưỡi lê hiện đại có chiều dài bằng một con dao thay vì một thanh kiếm ngắn, vì vậy một số người gọi nó là “lưỡi lê dạng dao” (Knife Bayonet)

Hình ảnh lưỡi lê kiếm ngày càng được rút ngắn chiều dài giống như một con dao cầm tay
Hình ảnh lưỡi lê kiếm ngày càng được rút ngắn chiều dài giống như một con dao cầm tay (Ảnh sưu tầm)

4. Lưỡi lê đa năng (Multipurpose Bayonet)

Trong suốt thời kỳ giữa và sau Thế chiến Thứ nhất, nhiều quốc gia đã bắt đầu chế tạo lưỡi lê đa năng (Multipurpose Bayonet). Gọi là "đa năng" bởi thay vì nói vũ khí này được sử dụng như một con dao thì nó càng tương đồng với một công cụ đa tiện ích hơn. Người Đức đã sáng tạo lưỡi lê kiếm với răng cưa ở xương sống của lưỡi kiếm . Nhờ vậy mà người ta có thể sử dụng chúng để xẻ thịt hoặc cưa gỗ để xây dựng cột thép gai phòng thủ, cắt cọc dựng lều, ....

Hình ảnh lưỡi lê đa năng có răng cưa
Hình ảnh lưỡi lê đa năng có răng cưa (Ảnh sưu tầm)
 
Loại lưỡi lê mới này được các bang của Đức áp dụng từ năm 1865. Cho đến giữa Thế chiến Thứ nhất, khoảng 5% mọi kiểu dáng lưỡi lê đều được bổ sung thêm lưỡi cưa, có thể kể tới mẫu lưỡi lê ở Bỉ vào năm 1868, ở Anh năm 1869 và ở Thụy Sĩ năm 1878. Dù vậy, lưỡi lê lưng cưa đã nhanh chóng bị lỗi thời do những cải tiến trong lĩnh vực hậu cần và vận tải quân sự; hầu hết các quốc gia đã bỏ tính năng cưa lưng vào năm 1900, Quân đội Đức đã ngừng sử dụng lưỡi lê cưa vào năm 1917 sau khi nhận được khá nhiều phản hồi rằng rằng lưỡi cưa gây ra những vết thương nghiêm trọng không cần thiết cho binh sĩ trong quá trình sử dụng.

Mẫu lưỡi lê 1873 Trowel Bayonet của Hoa Kỳ
Mẫu lưỡi lê 1873 Trowel Bayonet của Hoa Kỳ (Ảnh sưu tầm)
 
Một số loại lưỡi lê đa năng khác được thiết kế giống với một dụng cụ thuổng cho phép người dùng có thể đào rãnh, đào chiến hào.

Mẫu Bayonet M7 của Hoa Kỳ
Mẫu Bayonet M7 của Hoa Kỳ (Ảnh sưu tầm)
 
Mẫu Bayonet M9 của Hoa Kỳ
Mẫu Bayonet M9 của Hoa Kỳ (Ảnh sưu tầm)
 
Các loại lưỡi lê mới nhất trong kho quân sự của Hoa Kỳ là Bayonet M7 và Bayonet M9 được sử dụng bởi Quân đội và Hải quân Hoa Kỳ hoặc OKC3C được cấp cho Thủy quân Lục chiến Hoa Kỳ đều có thể được dùng như một con dao đa năng.

Mẫu Bayonet OKC3C của Hoa Kỳ
Mẫu Bayonet OKC3C của Hoa Kỳ (Ảnh sưu tầm)

KẾT LUẬN

Lưỡi lê đã biến khẩu súng cầm tay từ một vũ khí tầm trung đến tầm xa thành một loại vũ khí hiệu quả ở cự ly gần. Không còn cần thiết phải có đội ngũ bảo vệ lính ngự lâm trong trận chiến vì một người lính có thể tự vệ trước kẻ thù cách xa chưa đầy 100 thước. Lưỡi lê chủ yếu được sử dụng trong các cuộc tấn công của kỵ binh và trong chiến đấu tầm gần. Trọng lượng, hình dạng và hình thức gắn lưỡi lê đã thay đổi trong suốt lịch sử quân sự thế giới nhằm tăng hiệu quả của súng cầm tay và bản thân lưỡi lê.
Ngày nay lưỡi lê không còn được sử dụng phổ biến trong Quân đội Hoa Kỳ nữa. Thủy quân lục chiến là đơn vị duy nhất của Quân đội Hoa Kỳ còn duy trì việc đào tạo tấn công bằng lưỡi lê trong khóa đào tạo binh sĩ cơ bản của mình, tuy vậy không thể phủ nhận những đóng góp của loại vũ khí này cho lịch sử quân sự thế thế. Ở khắp mọi nơi, lưỡi lê được sử dụng như một vũ khí tầm gần và một công cụ tiện ích.
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Công Cụ Tốt là nhà phân phối nhiều công cụ, dụng cụ sử dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Quý Khách hàng có thể truy cập vào website của chúng tôi để tham khảo thêm nhiều sản phẩm với mức giá ưu đãi.
Bạn có thể tham khảo chi tiết thêm về những loại dao phổ biến nhất trong lịch sử quân sự thế giới (Phần 1) tại đây và Những loại dao phổ biến nhất trong lịch sử quân sự thế giới (Phần 2) tại đây.

 
gọi Miễn Phí