Những loại dao phổ biến nhất trong lịch sử quân sự thế giới (Phần 2)

Đăng lúc: , Cập nhật

Chiến tranh Thế giới Thứ hai là một thời kỳ tiến bộ vượt bậc cả về công nghệ quân sự và vũ khí chiến đấu. Một trong những vật dụng mang tính biểu tượng nhất của thời kỳ này phải kể tới con dao chiến đấu Fairbairn – Sykes, một con dao găm có hình dáng gần giống với dao thời Trung Cổ. Trong phần thứ 2 của chủ đề “Những loại dao phổ biến nhất trong lịch sử quân sự thế giới”, Công Cụ Tốt sẽ giới thiệu cho Quý Khách hàng về Fairbairn – Sykes, loại dao đã theo chân lực lượng biệt kích Anh, Mỹ trên các chiến trường và gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp các mặt trận của Thế chiến II.

Trench Knife hay dao quân sự, dao chiến đấu là vật dụng không thể thiếu của những người lính bộ binh.

NGUỒN GỐC TÊN GỌI CỦA DAO GĂM FAIRBAIRN – SYKES

Dao Fairbairn – Sykes” hay “Dao chiến đấu F-S” là con dao với hai lưỡi cắt dùng trong chiến đấu giống như một con dao găm. Cái tên “Fairbairn – Sykes” được ghép từ tên gọi của hai nhà sáng chế đã thiết kế ra loại vũ này là William Ewart Fairbairn và Eric Anthony Sykes.

SỰ RA ĐỜI VÀ CÁC THIẾT KẾ CỦA DAO CHIẾN ĐẤU FAIRBAIRN – SYKES

1. Giới thiệu về “cha đẻ” của Dao chiến đấu Fairbairn – Sykes

Nói tới sự xuất hiện của loại dao găm trở thành huyền thoại của lịch sử quân sự thế giới này không thể không kể tới hai người “cha đẻ” của nó là William Ewart Fairbairn và Eric Anthony Sykes.
William Ewart Fairbairn sinh ngày 8/2/1885 tại Hertfordshire, Anh. Khi mới 16 tuổi, chàng thiếu niên Fairbarn vô tình thấy một poster tuyển dụng lính Thủy quân Lục chiến Hoàng gia và đã quyết định đăng ký tham gia. Thật không may cho Fairbairn, vào thời điểm đó, Vương quốc Anh quy định chỉ những người đủ 18 tuổi mới được phép nhập ngũ. Dù vậy, nhân viên tuyển dụng đã giúp Fairbarn thỏa mãn ước mơ bằng cách giả mạo giấy tờ để được nhập ngũ. Fairbarn đã trải qua một trong những khóa huấn luyện căn bản khắc nghiệt hơn bất kỳ khóa huấn luyện quân sự nào trên thế giới vào năm 1901.

Chân dung William Ewart Fairbairn
Chân dung William Ewart Fairbairn (Ảnh sưu tầm)
 
Fairbairn chuyển tới doanh trại Thủy quân Lục chiến Hoàng gia Anh tại Triều Tiên từ năm 1903 đến 1907. Giai đoạn tiếp theo, Fairbairn đến Trung Quốc và gia nhập vào lực lượng Cảnh sát thành phố Thượng Hải. 4 tháng sau khi gia nhập lực lượng Cảnh sát Thượng Hải, trong một lần đi tuần tra, Fairbairn bị một băng đảng xã hội đen Hội Tam hoàng đâm hàng chục nhát dao, rồi vứt ông trong một ngõ tối với máu chảy đầm đìa. Thật may mắn, ông đã thoát khỏi lưỡi hái của tử thần. Trải qua sự kiện này, Fairbairn hiểu được rằng đi dạo ở Thượng Hải với trang phục cảnh sát tuần tra hay thám tử giống như đi dạo trên chiến trường, cái chết luôn rình rập mọi nơi.
Năm 1910, Fairbairn được giao nhiệm vụ đào tạo kỹ năng chiến đấu bằng tay, dao và súng cho Cảnh sát thành phố Thượng Hải. Đồng thời, để chống lại sự vô luật pháp tại Thượng Hải, Fairbairn đã thành lập và là người đứng đầu của SMP Thượng Hải giai đoạn những năm 1927 – 1940. Đây được xem là một trong những lực lượng SWAT (Special Weapons And Tactics – Đội chiến thuật và vũ khí đặc biệt) đầu tiên của thế giới. Nhờ bề dày kinh ngiệm chiến đấu đường phố với nhiều bang đảng tội phạm và xã hội đen, Fairbairn chính là người phát minh ra áo vest chống đạn cho cảnh sát, gậy baton chống bạo động và sáng tạo kỹ thuật chiến đấu bằng dao được sử dụng trong lực lượng đặc nhiệm SAS (Special Air Service – một trong những lực lượng đặc nhiệm tinh nhuệ nhất thế giới của Quân đội Hoàng gia Anh), Biệt kích Mỹ Ranger và Thủy quân Lục chiến Mỹ trong Thế chiến II. William Ewart Fairbairn được xem là bậc thầy võ thuật cận chiến của thế giới, thậm chí ông được xếp trên Lý Tiểu Long hay huyền thoại MMA Chuck Liddell. Ông được miêu tả như một người “có kỹ năng võ thuật tinh tế và vượt trội trong cả tay không đối kháng lẫn sử dụng dao găm”.
Người thứ hai là Eric Anthony Sykes. Ông sinh ngày 5/2/1883 ở Manchester, Anh. Năm 1907, Sykes chuyển tới Thượng Hải làm việc. Mãi đến năm 1926, Sykes mới chính thức gia nhập SMP với tư cách là sĩ quan tình nguyện bán thời gian không được trả lương trong khu bảo tồn. Tại đây, ông đã có cơ hội quen biết và làm bạn với Fairbairn.
Hai người đàn ông tin rằng dao là vũ khí thực sự hiệu quả hơn là súng cầm tay  trong cận chiến. Họ thường xuyên thảo luận ý tưởng về kỹ thuật chiến đấu bằng dao cũng như các yếu tố thiết kế cần có để làm nên một con dao chiến đấu tốt. Hai người bạn đã cùng phác thảo những bản vẽ đầu tiên cho con dao mới từ trước Chiến tranh Thế giới, khi còn đang làm việc tại Cảnh sát thành phố Thượng Hải. Họ đã làm việc với kho vũ khí của SMP để tạo ta một số ít nguyên mẫu.

Chân dung Eric Anthony Sykes
 

2. Quá trình thiết kế và sản xuất dao quân sự Fairbairn-Sykes

2.1. Mẫu Fairbairn – Sykes đầu tiên (Tháng 11 năm 1940 – Tháng 8 năm 1941)

Năm 1940, Fairbairn từ chức trở về Anh, Sykes cũng trở về sau đó. Họ rõ ràng đã lên kế hoạch cho việc này, vì cả hai người đều vận chuyển những thùng đầy vũ khí bất hợp pháp từ Thượng Hải vào Anh trên thuyền của mình. Trở về quê hương, Fairbairn và Sykes đồng thời được bổ nhiệm làm thiếu úy trong Quân đội Anh vào ngày 15 tháng 7 năm 1940.
Vào tháng 11 năm 1940, Fairbairn và Sykes đã liên hệ với Bộ Chiến tranh Anh và trình bày về ý tưởng của họ về con dao chiến đấu mới. Đề xuất này đã được chuyển cho Công ty Wilkinson Sword để giúp lên ý tưởng thiết kế, phát triển và sản xuất. Với lịch sử lâu đời về sản xuất vũ khí quân sự và chế tạo dao đặt riêng, công ty này là lựa chọn lý tưởng tham gia vào hành trình sáng tạo ra loại dao quân sự mới.
Mẫu Fairbairn – Sykes đầu tiên được hình thành vào thứ hai, ngày 4 tháng 11 năm 1940 tại một cuộc họp được tổ chức tại văn phòng của giám đốc điều hành của Wilkinson Sword Co. Ltd – ông John Wilkinson-Latham. Tham dự cuộc họp hôm đó ngoài ông John còn có 3 quý ông khác là William Ewart Fairbairn, Eric Anthony Sykes và Charlie Rose (một trong những kỹ sư tài năng và giàu kinh nghiệm nhất của Wilkinson và với tư cách là người đứng đầu Phân xưởng Thử nghiệm).

Trang gốc từ sổ cái của công ty Wilkinson hiển thị rõ ràng địa điểm cuộc họp là số 53 Pall Mall, ngày 4 tháng 11 năm 1940 và những người có mặt là JWLatham, Mr S (Sykes), Mr WEF (Fairbairn) và Mr R (Charlie Rose).
Một số yếu tố mà cuộc họp này đã thống nhất về sản phẩm mới bao gồm: Lưỡi kiếm phải dài ít nhất 6 inch để xuyên qua quần áo nặng mà vẫn đảm bảo khả năng sát thương các bộ phận quan trọng; Lưỡi cần thon và có hai mặt cắt; Dao cần phải được cân bằng, tốt nhất là chuôi kiếm nặng; Phải có thanh ngang chắn giữa chuôi dao và lưỡi dao; Cuối cùng, chuôi cần phải được khắc rãnh để tránh trơn trượt.

Dao FS
Bản thiết kế mẫu đầu tiên của dao Fairbairn – Sykes (Ảnh sưu tầm)
 
Những con dao đầu tiên được sản xuất là loại vũ khí tuyệt vời. Các lưỡi dao dài 6 7/8 inch được rèn và mài bằng tay. Con dao có một Ricasso – một phần thuộc mũi dao nhưng không có cạnh cắt ngay phía trên thanh ngang bảo vệ. Ricasso được khắc với biểu tượng Thanh kiếm Wilkinson ở một mặt, và dòng chữ “The F-S Fighting Knife” (Dao chiến đấu F-S) ở mặt kia.

Hai mặt khắc của dao Fairbairn – Sykes phiên bản đầu tiên
Hai mặt khắc của dao Fairbairn – Sykes phiên bản đầu tiên (Ảnh sưu tầm)
 
Chuôi dao được làm bằng đồng thau nguyên khối và quay trên máy tiện. Chuôi có hình dạng phồng khi cầm nắm trong lòng bàn tay và có các ô caro để tạo ma sát. Thanh chắn ngang tạo hình một đường cong chữ S nhẹ nhàng và cũng được gia công bằng tay. Ngoài ra, Fairbairn thích những con dao có lớp bóng phản chiếu. Ông cho rằng, trong một cuộc đối đầu trực diện, chỉ cần ánh sáng vụt tắt khỏi lưỡi kiếm sẽ khiến đối thủ nản lòng và từ bỏ cuộc chiến. Vì vậy, những con dao Fairbairn – Sykes đời đầu có phần lưỡi được đánh bóng cao, trong khi chuôi và thanh chắn chéo thì mạ niken.

Mẫu đầu tiên Fairbairn Sykes Commando Knife
Mẫu Fairbairn – Sykes đầu tiên (Ảnh sưu tầm)
 
Vào tháng 1 năm 1941, lô hàng đầu tiên gồm 50 con dao chiến đấu Fairbairn – Sykes đã được Đại úy Leslie JC Wood – người chịu trách nhiệm sản xuất và phát triển vũ khí cho lực lượng mật vụ, lực lượng biệt kích và các lực lượng đặc biệt khác vào thời điểm đó – đặt hàng để giao cho trạm Đặc nhiệm Điều hành SOE tại Knebworth. Lô hàng đầu tiên hầu như hoàn toàn được làm bằng tay và chỉ được giao cho những người thợ thủ công giàu kinh nghiệm nhất của Wilkinson. Mẫu dao đầu tiên này được đặt tên là “First Pattern” (First Pattern FS Knives)

2.2. Mẫu Fairbairn – Sykes thứ hai (Tháng 8 năm 1941 – Tháng 10 năm 1943)

Tháng 8 năm 1941, mẫu dao Fairbairn – Sykes thứ hai bắt đầu được sản xuất với một số thay đổi so với mẫu ban đầu. Lý do là bởi những con dao đầu tiên sản xuất bằng tay rất tốn kém và tốn thời gian. Khi có nhiều đơn đặt hàng dao chiến đấu hơn, Wilkinson đã phải sửa đổi thiết kế để tăng sản lượng. Phần Ricasso đã bị loại bỏ, và thanh chắn ngang mất đi đường cong chữ S đặc biệt của nó. Bất chấp những sửa đổi này, Wilkinson vẫn không thể đáp ứng kịp nhu cầu sử dụng, và một số nhà sản xuất dao khác trong đó có Sheffield bắt đầu nhận đơn đặt hàng sản xuất dao Fairbairn – Sykes.

Mẫu Fairbairn – Sykes thứ hai
Mẫu Fairbairn – Sykes thứ hai (Ảnh sưu tầm)

Mặc dù Fairbairn trình bày lợi thế tâm lý mà một con dao sáng bóng mang lại nhưng lý thuyết của ông thực sự chỉ phù hợp trong một cuộc chiến trực tiếp. Các cuộc đột kích của biệt kích hầu như được tiến hành vào ban đêm, và yếu tố bất ngờ mới là điều cần thiết. Trong khi lực lượng biệt kích được huấn luyện cách chiến đấu bằng dao Fairbairn – Sykes để tăng tính thực chiến, thì trong các hoạt động thực tế, cách sử dụng chính của con dao quân sự là âm thầm loại bỏ lính canh của đối phương. Tương tự, SOE chỉ sử dụng dao găm của họ cho các hoạt động bí mật. Do vậy mà những mẫu dao thứ hai đã loại bỏ lớp mạ Niken; thay vào đó các chuôi và thanh chắn chéo đều bôi đen, thậm chí một số lưỡi kiếm cũng bị bôi đen để ngụy trang tốt hơn.

Những vị trí đâm cắt chủ yếu của dao găm Fairbairn – Sykes
Những vị trí đâm cắt chủ yếu của dao găm Fairbairn – Sykes (Ảnh sưu tầm)
 
Hình A & B minh họa việc chém vào cánh tay hoặc cổ tay của kẻ thù, vị trí tấn công này dễ dàng hơn các bộ phận khác trên cơ thể. Một nhát chém sâu sẽ gây ra lượng máu vừa đủ để làm kẻ địch mất phương hướng. Hình C & D minh họa hai phương pháp tốt nhất để loại bỏ một lính gác: lực đẩy sâu vào động mạch cảnh (Hình C) và động mạch dưới đòn (Hình D)

2.3. Mẫu Fairbairn – Sykes thứ ba (Tháng 10 năm 1943 - ngày nay)

Vẫn với lý do để tăng sản lượng, thiết kế dao Fairbairn – Sykes đã được sửa đổi lần thứ ba kể từ tháng 10 năm 1943. Ở phiên bản lần này, các lưỡi dao được mài hoàn toàn bằng máy, không còn làm thủ công. Toàn bộ con dao được sơn màu đen. Sự khác biệt lớn nhất nằm ở phần tay cầm. Chúng không còn được làm từ đồng thau, một vật liệu quan trọng trong chiến tranh được sử dụng để làm vỏ đạn, thay vào đó, chuôi dao đúc bằng hợp kim kẽm. Tay cầm mới được làm với thiết kế gân guốc, loại bỏ các ô rô caro ban đầu.

Mẫu dao Fairbairn – Sykes thứ ba
Mẫu Fairbairn – Sykes thứ ba (Ảnh sưu tầm)
 
Ước tính cuối Chiến tranh Thế giới Thứ hai, đã có gần 2 triệu con dao Fairbairn – Sykes với nhiều kiểu dáng và chất lượng khác nhau được sản xuất và phân phối

SỰ PHỔ BIẾN CỦA DAO FAIRBAIRN – SYKES


Dao Fairbairn – Sykes được cấp phát cho các lực lượng biệt kích
Dao Fairbairn – Sykes được cấp phát cho các lực lượng biệt kích (Ảnh sưu tầm)
 
Theo thời gian, con dao Fairbairn – Sykes được cấp cho các đơn vị tinh nhuệ khác, bao gồm Lực lượng Dù và Lực lượng Phòng không Đặc biệt. Một số đơn vị Commando (biệt kích, biệt động, đặc công) đã kết hợp hình dạng đặc biệt của con dao găm vào phù hiệu của họ. Có thể kể tới: Thủy quân lục chiến Hoàng gia Anh, Lực lượng Kiểm lâm Quân đội Hoa Kỳ, Quân đoàn Biệt kích Hà Lan và Trung đoàn Biệt kích số 2 của Úc. Đó là lý do vì sao con dao Fairbairn – Sykes còn được gọi là “dao găm Commando”.

Lực lượng Biệt kích Anh đeo con dao Fairbairn – Sykes trên cẳng tay để tiện thao tác
Lực lượng Biệt kích Anh đeo con dao Fairbairn – Sykes trên cẳng tay để tiện thao tác (Ảnh sưu tầm)
 
Sự xuất hiện của loại vũ khí mới trên chiến trường đã tạo nên một thời kỳ kinh hoàng với những lực lượng thù địch của quân đội Anh, đặc biệt kể từ sau cuộc đổ bộ Normandy vào tháng 6/1944. Lúc bấy giờ, với hình dáng thon, lưỡi cắt sắc nhọn, dao Fairbairn – Sykes được mô tả như: “Một con dao sinh ra để giết người. Nó có hình dáng thuôn dài, tối ưu hóa cho động tác đâm và lấy mạng đối thủ".

Sơ lược về lịch sử của con dao biệt kích Fairbairn-Sykes
Một số binh lính cất dao Fairbairn – Sykes trong giày (Ảnh sưu tầm)
 
Tại thời điểm bấy giờ, dao Fairbairn – Sykes được xem như một trong những quân trang không thể thiếu của bộ binh. Những người lính Anh sử dụng nó để giải quyết nhiều nhiệm vụ khác nhau, trong đó có cả việc gỡ phá bom mìn.

Bức tranh vẽ cảnh một người lính dùng Fairbairn – Sykes để gỡ bom mìn
Bức tranh vẽ cảnh một người lính dùng Fairbairn – Sykes để gỡ bom mìn (Ảnh sưu tầm)
 
Với thiết kế độc đáo, con dao này thường được sử dụng trong các tác vụ ám sát hay tấn công bất ngờ. Lưỡi dao được thiết kế hài hòa giữa sự cân bằng và sắc nhọn giúp dễ dàng xuyên thủng lớp giáp mỏng, lồng ngực và làm tổn thương nội tạng. Đó là lý do vì sao dao Fairbairn – Sykes tuy được phổ biến rộng rãi nhưng chỉ thực sự là “tử thần” trong tay lực lượng biệt kích – những người lính với lối tấn công lén lút và bất ngờ đặc trưng.
Mặc dù có vẻ đẹp lộng lẫy của vũ khí chiến đấu, nhưng vẫn có một số vấn đề tồn tại khi sử dụng dao Fairbairn – Sykes. Không giống như dao Ka-Bar của Mỹ, Fairbairn – Sykes chỉ dùng để chiến đấu và không được sử dụng như một công cụ đa năng. Lưỡi kiếm mảnh mai, duyên dáng khá mỏng manh, một số binh sĩ đã bị gãy phần lưỡi kiếm của họ khi mở khẩu phần đóng hộp hoặc lạm dụng dao vào những mục đích ngoài chiến đấu.

Fairbairn trong tay còn dao Fairbairn-Sykes huấn luyện binh lính
Fairbairn trong tay còn dao Fairbairn-Sykes huấn luyện binh lính chỉ với một cái bắt tay đơn giản cũng hạ gục được đối thủ (Ảnh sưu tầm)
 
Dù thế nhưng con dao này vẫn được tôn vinh là biểu tượng của sự bất chấp, của tinh thần chiến đấu, sẵn sàng chiến đấu với kẻ thù bằng mọi cách cần thiết của quân đội Anh.

KẾT LUẬN

Có thể nói trong số những loại “vũ khí lạnh” thời Chiến tranh Thế giới Thứ hai, dao Fairbairn – Sykes xứng đáng được nhắc đến như một huyền thoại. Đây chắc chắn là một “tác phẩm kinh điển” trong số những loại dao chiến đấu quân sự và có ảnh hưởng lâu dài đến việc sản xuất dao hiện đại. Fairbairn – Sykes được xem là thiết kế dao có ảnh hưởng nhất của thế kỷ XX.

Dao Fairbairn – Sykes có nhiều biến thể khác nhau
Dao Fairbairn – Sykes có nhiều biến thể khác nhau (Ảnh sưu tầm)
 
Dao Fairbairn – Sykes cùng các biến thể của nó đã tạo ra cả một thời đại mới của dao quân dụng. Hình dáng con dao huyền thoại này trở thành ý tưởng chủ đạo cho nhiều mẫu dao sau này được phát triển bởi Mỹ, Hà Lan, Úc, Đức, Bỉ, Pháp, Singapore và cả Liên Xô cũ trước đây. Fairbairn – Sykes đã được sao chép và tái sản xuất bởi vô số nhà sản xuất dao trên thế giới. Ảnh hưởng của nó đối với các thiết kế dao hiện đại có thể được tìm thấy trong nhiều loại dao chiến đấu tốt cho đến tận ngày hôm nay.  
→ Đọc thêm Những loại dao phổ biến nhất trong lịch sử quân sự thế giới (Phần 1): https://congcutot.vn/dao-c176/dao-quan-su-98.html
--------------------------------------------------------------------------------------------------
Công Cụ Tốt là nhà phân phối nhiều công cụ, dụng cụ sử dụng trong nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác nhau. Quý khách hàng có thể truy cập vào website của chúng tôi để tham khảo thêm nhiều sản phẩm với mức giá ưu đãi.
 
gọi Miễn Phí