Lồng nuôi yến và vị trí đặt lồng - Việt Chương

Đăng lúc: , Cập nhật

Bài viết sau sẽ cho bạn thông tin về những chiếc lồng nuôi chim yến cũng như các vị trí đặt nó sao cho phù hợp.

Lồng nuôi yến và vị trí đặt lồng

Ta thường nuôi Yến hót bằng lồng. Kích thước lồng to nhỏ, rộng hẹp là tùy theo nuôi riêng lẻ một con (thường là nuôi riêng chim trống để nghe hát), hay nuôi một cặp đẻ, hoặc nuôi tập thể năm mười con, hay vài mươi con (chim lửa hoặc chim đang trong thời kỳ thay lông...)

Ở nước ngoài từ lâu người ta đã nuôi chim Yến bằng loại lồng kim loại, có từng phần rời tháo ráp được. Mà ngay nước ta ngày nay cũng vậy, đã có vài cơ sở tư nhân chế tạo loại lồng kẽm này, vừa hợp vệ sinh trong chăn nuôi, vừa thanh nhã, vừa tiện dụng trong giới chăn nuôi.

Trước đây, người ta thường đóng lồng bằng gỗ và lưới kẽm. Loại lồng này ai khéo tay tự đóng cũng được, lại rẻ tiền, nhưng có cái hại là bọ chét và rận rệp thường ẩn núp trong các thớ gỗ và sinh sôi nẩy nở ở trong đó. Chim nuôi mà bị rận mạt tấn công hoài thì ốm yếu dần và ảnh hưởng rất lớn đến sự sinh sản.

Lồng bằng kim loại, tất cả được hàn bằng kẽm, thanh bai nhẹ nhàng, không có một kẽ hở nào để rận mạt ẩn núp, do đó chim nuôi có môi trường sống tốt nên lúc nào cũng mạnh khỏe sởn sơ.

Thông thường lồng đơn (nuôi một con) có kích thước 30 phân mỗi cạnh là vừa đủ. Nhưng với lồng nuôi chim để thì kích thước lý tưởng cho mỗi cạnh khoảng 50 phân. Thường thì chiều ngang mỗi ngăn lồng là 50 đến 60 phân, chiều sâu 45 phân và chiều cao chừng 40 phân.

Chiều ngang ngăn lồng cần phải có một khoảng cách đủ rộng như vậy để chim bay được một quãng ngắn, có cơ hội vận động khỏi tù túng...

Lồng có thể làm nhiều ngăn liên tiếp nhau, và có thể chồng lên nhau thành nhiều tầng, như vậy đỡ chiếm diện tích của phòng nuôi. Điều cần là mỗi ngăn lồng phải có máng phân riêng để tiện việc vệ sinh. Ngay mặt đây cũng làm rời, có thể lấy ra để cọ rửa mà không gây sự bất an cho đời sống của chim nuôi.

Có những kiểu lồng (thường của nước ngoài) máng ăn, máng uống đều đặt ở phía ngoài. Khi cần ăn uống, chim chỉ rúc đầu ra ngoài mà ăn uống. Kiểu lồng tiện lợi ở chỗ thức ăn không rơi vãi làm bẩn lồng, và việc cho chim Yến ăn uống cũng tiện lợi. Thế nhưng, cũng có một trở ngại là không thể ngăn ngừa được chuột bọ, thằn lằn, gián... kéo đến phá hại thức ăn của chim. Đó là chưa nói đến những mầm bệnh do chuột bọ mang lại.

Trong mỗi lồng nuôi Yến hót phải có những dụng cụ cần thiết trang bị đầy đủ cho chim:

- Cần đậu: Cần đậu có nơi gọi là “Cầu”. Mỗi lồng có từ một đến hai chiếc cần đậu, có thể đặt ngang hàng hoặc cái cao cái thấp, miễn sao giúp chim chuyền qua lại được dễ dàng. Cần đậu của Yến hót có thể bằng tre, bằng gỗ, nên bào tròn, và đường kính độ 1 phân, giúp chim khi đậu các ngón chân ôm vừa vặn vào cần. Cần đậu thường dính phân chim, vì vậy, mỗi khi vệ sinh lồng ta phải lấy cần ra cọ rửa sạch sẽ.

- Máng ăn: Yến hót ăn thức ăn hột, thức ăn bột và thức ăn tươi. Thức ăn hột (hột kê, hột cải, mè đen) có thể đựng trong một cái hộp thiết nhỏ, hoặc một cái chến bằng nhựa... miễn sao có kích thước gọn gàng và xinh đẹp là được. Thức ăn bột là Biscotte, một ngày một đôi chim chỉ ăn 1 đến 2 muỗng cà phê là cùng nên máng đựng Biscotte cũng chỉ cần một cái công nhỏ nhích hơn cóng dành cho chim vành khuyên cũng được. Thức ăn tươi như là cà rốt (bào nhuyễn), hoặc trứng luộc (mỗi ngày độ 1/4 cái) thì nên chứa trong một cái đĩa nhỏ là vừa.

Ngoài ra, Yến hót còn ăn cải xà lách. Một vài lá cải này có thể đựng trong một cái giỏ nhỏ hoặc móc vào một chiếc móc kẽm nhỏ ở vách lồng cũng được.

Còn phải kể thêm một cái cóng nhỏ đựng khoáng nữa mới gọi là đủ bộ sậu để nuôi chim.

- Ổ chim: Ở nước ngoài, ổ chim Yến hót thường được làm bằng đất nung chín (theo kiểu nồi đất của ta), có màu đỏ và màu trắng. Loại ổ này có lợi điểm là hút được những thuốc nước sát trùng như Veni Vici để trừ rận rệp ký sinh trong ổ để hút máu chim mẹ, chim con. Có nơi còn làm ổ bằng thạch cao, nhưng không tiện lợi bằng.

Từ trước đến nay, nghệ nhân của ta không dùng loại ổ đất nung này mà dùng ở đan bằng tre, như cách đan rổ rá. Có điều là xưa nay ít có người chịu quan tâm đến kích thước của chiếc ổ lớn nhỏ ra sao mới gọi là lý tưởng.

Nếu dùng chiếc ổ không thích hợp thì ta có thể gặp những trở ngại sau đây:

- Chim mẹ xoay trở khó do ổ chật chội khiến trứng vỡ.

- Chim con bị mẹ đè hoặc dầm chết.

- Chim con chập chững đứng lên đồi mồi bị rớt ra ngoài ổ, sau đó chết lạnh...

Vì vậy, kích thước cái ổ rất cần được người nuôi chim quan tâm nghĩ đến.

Đường kính của ổ khoảng 9 phân, chiều sâu khoảng 6 phân, trong đó phần vật liệu lót ổ cũng phải dày độ ba bốn phân mới đủ giữ được sức ấm. Vật liệu lót ổ có thể là xơ vỏ dừa xé nhuyễn, dây bao bố cắt đoạn ngắn rồi xé ra từng sợi, bông nhồi đệm... Ta nén chặt xuống, rồi mặc cho chim mẹ vào xoáy chỗ nằm cho vừa ý, hoặc dùng một cái chén chung nhỏ xoáy vào giữa ổ thành một chỗ lõm để chim đẻ trứng vào.

Thực ra, trong đời sống hoang dã Yến hót đến thời sinh sản biết tự làm tổ lấy mà đẻ. Chim nuôi lồng, có nhiều con mái cũng khôn khéo biết gom rác rến để làm tổ cho mình. Ở phương Tây, người ta để cây phiến lộ (Mouroon) vào lồng là chim bố mẹ biết nhặt lên để lót ổ đẻ.

VỊ TRÍ ĐẶT LỒNG YẾN HÓT: Cũng như chìm Yến Phụng, Yến hót không thích nghi với nơi ở tối tăm, có khói xông vào. Chim thích ở nơi thông thoáng, đầy đủ ánh sáng, có ánh nắng mặt trời ban mai rọi vào. Nhưng, chim không thích ứng với nơi có gió lùa vào. Và ta cũng đừng bao giờ để chim ngay cửa sổ nhiều giờ liền vì nó không chịu được sự trái gió trở trời. Ngược lại, nếu được nuôi ở hàng ba, tiếp giáp với khoảng sân rộng lớn thì sự thay đổi thời tiết ở mức bình thường, chim vẫn chịu được vì có không gian rộng rãi.

Nói một cách chính xác hơn, với thời tiết nóng ấm nuôi Yến hót thích hợp hơn. Sự thành công đến với ta rất khả quan. Yến hót không chịu được khí hậu lạnh. Thời tiết quá lạnh sẽ gây chuyện nhiều chim tai biến, chim con cũng như chim mẹ có nguy cơ bị chết.

Ở những vùng mà nhiệt độ giữa đêm và ngày quá cách biệt, chẳng hạn ngày quá nóng và đêm lại quá lạnh thì phải sử dụng máy điều hòa nhiệt độ để khỏi ảnh hưởng xấu đến việc đẻ và ấp trứng của mình.

Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy rằng, nơi đặt lồng không thích hợp, sự sinh sản của Yến hót rất yếu, mỗi ổ được chừng một vài con, có khi trứng thiếu tình cồ, có khi chim sơ sinh vừa nở ra đã bị chết yểu. Ta đừng vội đánh giá đôi chim đó cho là xấu, sinh sản kém, nuôi con dở rồi loại đi một cách oan uổng. Hãy coi lại hướng lồng xem thích hợp với chim hay không. Hãy điều nghiên lại điều kiện ánh sáng cũng như thời tiết có thích ứng với chim hay không.

Cũng nên xét đến việc có nhiều cặp chim có cá tính đặc biệt, nôm na gọi là trái tính trái nết, chúng không chịu những nơi có tiếng động ồn ào, có đông người qua lại, có thú vật đi ngang, từ đó sinh sản kém.

Hầu hết Yến hót thích sống trong môi trường hoàn toàn yên tĩnh. Quấy rầy sự sống của chim dù bất cứ lý do nào cũng làm mất cơ may thành công, nhất là chim đang đẻ, đang ấp và đang nuôi con.

Trong việc chăm sóc và vệ sinh lồng nuôi, mọi việc làm của chủ nuôi đòi hỏi phải nhẹ tay, và phải kết thúc càng nhanh càng tốt.

Chẳng hạn như muốn gắp trứng ra cất để thay vào trứng giả ta phải dùng cái muỗng nhỏ mà múc để trứng khỏi vỡ. Muốn thay một cái ổ bị hư hoặc quá bẩn, ta phải làm thật nhanh, và vật liệu lót trong ổ mới phải giống với vật liệu ổ cũ, hay là dùng lại một phần vật liệu của ổ cũ, và lót ở mặt trên.

 
gọi Miễn Phí