Chăm sóc Yến hót - Việt Chương

Đăng lúc: , Cập nhật

Như quí vị từng biết, mỗi giống chim có một cá tính riêng, có một cách sống riêng. Mà muốn nuôi chim đạt được kết quả như ý thì ta chỉ còn cách “chiều chuộng” đúng với cá tính đặc biệt của chúng. Đây được xem là yếu tố quyết định của việc thành công. Bỏ qua một bên điều kiện khách quan vẫn có thể xảy ra, việc thành công hay chuốc lấy thất bại trong việc nuôi Yến hót (cho sinh sản) là do tay nghề của người nuôi cao hay thấp, kinh nghiệm trong nghề nhiều hay ít, chứ không phải nói... “có tay nuôi” hoặc do "không tay nuôi"... Với người đã vững tay nghề, tức là có nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi, thì ổ Yến nào của họ cũng nở ba bốn con, thậm chí có ổ đều đặn năm con! Ngược lại, với người thiếu kinh nghiệm, chưa nắm vững được kỹ thuật chăn nuôi thì thành công thường chỉ là sự hiếm hoi, năm thì mười họa, không đúng với ước muốn của mình. Vậy thì đừng thắc mắc nuôi Yến hót dễ hay khó? Xin thưa, câu trả lời đã có sẵn rồi. Kỹ thuật nuôi chim Yến hót, tất nhiên là có nhiều điều cần phải lưu tâm chú ý, trong đó, phần chăm sóc cho chim đóng vai trò quan trọng. Vị nào lơ là đến việc này, coi thường việc này, kết quả sau cùng của việc chăn nuôi ra sao chắc dễ dàng đoán biết trước được...

Chăm sóc Yến hót

THEO DÕI SỨC KHỎE CỦA CHIM

Yến hót là giống chim nhỏ, thể xác yếu đuối, không chịu nổi với thời tiết thay đổi bất thường, khó thích ứng được với môi trường sống khắc nghiệt, thức ăn thiếu bổ dưỡng hoặc không hợp khẩu vị cũng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của chim... Do đó, việc theo dõi sức khỏe của chim là việc cần phải quan tâm đến hàng đầu, phải cập nhật hóa mỗi ngày, chứ không thể xem thường được!

- Khám tổng quát: Con Yến khỏe mạnh bộ lông lúc nào cũng óng ả, mượt mà, thân hình thon thả, gọn gàng, cử chỉ nhanh lẹ lúc nào cũng chực nhảy, chực bay, cơ hồ không muốn đứng yên một chỗ. Trống thì siêng hốt, mái thì lúc nào cũng lăng xăng hết ổ đẻ lại đến máng ăn...

Gặp những con chim ở trong trạng thái khỏe mạnh như vậy thì ai cũng hài lòng. Chỉ những con chim lúc nào cũng tỏ ra thụ động, đứng yên một chỗ trên cầu đậu, đầu rúc vào cánh trong khi lông lá lại xù ra một “cục” tròn vo như trái banh bóng bàn... Đó là những con chim thiếu sức khỏe, chim suy, có triệu chứng nhuốm bệnh... Đó là một điều đáng lo, vì chim đã suy thì ta phải mất một thời gian dài để hồi sức. Còn chim đã bệnh thì phải tìm ra căn nguyên căn bệnh, và lo chữa kịp thời.

- Khám chân: Đôi chân chim Yến hót rất nhỏ, rất mảnh, vì vậy rất dễ bị thương tật, nhất là các ngón chân, lóng chân. Muỗi đốt, kiến cắn cũng có thể làm rụng ngón, mà chân để bẩn lâu ngày cũng có thể xảy ra những chứng tật hiểm nghèo, đôi khi chỉ vì đó mà làm mất giá trị của con chim. 

Con chim mà chân “có vấn đề" thì nhìn sơ qua cũng dễ biết. Một khi chân đã què thì làm sao chim đứng vững? Việc xà xuống máng ăn, nhảy đến cóng nước cũng là chuyện cực hình, thì làm sao còn mong bay nhảy sinh hoạt bình thường được?

Yến hót vốn là giống chim có cơ thể yếu đuối, vì vậy khi chân đã đau mà chậm chữa trị thì chỉ đôi ba ngày chim đã bị suy, bị xuống sức, một phần do vết thương hành, một phần do không ăn uống no đủ được.

Do bệnh ở chân ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của Yến hót như vậy, nên khi chăm sóc cho chim, ai cũng lo quan sát đến đôi chân của chúng trước tiên, nếu phát giác có sự cố gì bất ổn là lo chữa trị kịp thời.

Như quí vị đã biết, đôi chân của Yến hót là bộ phận nhạy cảm nhất của chim. Ngay thời kỳ chim thay lông mà rửa chân chúng bằng nước lạnh, chúng cũng có thể bị chết. Vì vậy, ta phải dùng nước âm ấm để thấm ướt dần như vết phân bẩn dính khô vào chân chim, sau đó mới nhẹ tay gỡ dần ra cho sạch. Mọi việc can thiệp thô bạo chim sẽ đau đớn, có khi vì đó mà bệnh nặng hơn.

Nếu là chân sưng tấy lên cả ngón, hoặc cả bàn chân, hay nổi lên những mụn đỏ ở các lóng, là do muỗi đốt, hoặc kiến cắn, ta nên bắt chim ra để sát trùng vết thương, xức thuốc mỡ Pommade, hoặc thuốc xanh... cho chim chóng bình phục.

Ta có thể dùng chanh để rửa vết thương ở chân Yến hót. Chanh là vị thuốc làm dịu cơn đau, làm mau lành các vết sẹo, chống lại sự viêm nóng ở chân chim giúp chúng đỡ đau nhức. Nếu vết thương được rửa bằng chanh nhiều lần thì vết thương mau lành, sớm ra da non.

Còn nếu chân Yến hót bị đau do môi trường sống quá dơ bẩn, chẳng hạn nền lồng lâu ngày không được cạo rửa, cần đậu quá dơ do vấy bẩn phân chim, khiến chân chim bị phân đóng cứng lại thành cục, thành về to, khiến chúng di chuyển khó khăn, nặng nề, lịch phịch như người... đi ủng vậy. Phân chim dính khắn vào ngón lâu ngày làm bào mòn lớp da bên ngoài, khiến chân sưng tấy lên, đau đớn khôn cùng.

Như phần trên chúng tôi đã trình bày, Yến hót nào có chân đau đớn như vậy thì chỉ xù lông đứng tại chỗ, đâu còn thiết tha đến việc ăn uống, sức khỏe bị suy kiệt dần, ảnh hưởng rất xấu đến việc sinh con.

Với những chim bị lớp phân đóng cứng khô ở các ngón như vậy, ta phải nhẹ tay và khéo léo trong việc chữa trị.

Trước hết, phải bắt chim ra khỏi lồng. Bàn tay úp lên lưng chim, nắm đủ chặt cho chim khỏi vùng vẫy. Trong tư thế này, đôi chân chim sẽ chìa ra ngoài, ta chữa trị bịnh cho chúng được dễ dàng hơn.

Nên nhớ là sự sợ hãi quá độ có thể làm cho Yến hót đứng tim mà chết trên tay ta. Vì vậy việc bắt chim phải vừa nhanh vừa gọn, lại vừa khéo léo nhẹ nhàng, giúp chim bớt sợ được chừng nào tốt chừng nấy.

Ta ngâm chân chim vào nước ấm, hoặc nước xà bông, nước ôxy già, nước chanh... để cho lớp phân chim đóng khô cứng bị mềm dần ra và rời khỏi chân chim. Sau đó mới chữa trị bằng thuốc.

Xin được nhắc lại việc rửa sạch chân chim ta không nên nóng vội mà phải làm từ từ. Chỉ khi nào lớp phân khô dính khắn bị mềm nhũn ra, thì ta mới nhẹ tay gỡ từng chút một. Nhiều người do nóng vội, do vụng về, nhiều khi vô tình làm đứt cả ngón chân một cách oan uổng...

- Khám mắt: Mí mắt Yến hót cũng thường bị sưng do nổi mụn rồi làm độc do bị muỗi đốt. Ban đêm nằm ngủ trên cần đậu, Yến hót xù bộ lông tuyệt đẹp của mình ra để phủ kín bàn chân trong khi đầu rúc vào cánh cho ấm áp, thế nhưng vẫn không ngăn được những con muỗi tinh ranh quái ác tìm chích cho bằng được vào bàn chân, vào mí mắt. Vì vậy, nuôi Yến hót ta phải nghĩ đến việc ngăn ngừa muỗi đến gần. Một là nuôi trong phòng có lưới muỗi bao kín, hai là trước khi trời tối, ta chịu khó lấy vải mùng phủ kín lồng nuôi.

Yến hót cũng thường bị bệnh đau mắt. Ta nên chữa trị kịp thời để bảo vệ sức khỏe cho chim được tốt.

Những chim bị suy đều ốm yếu, lưỡi chìm (lưỡi hái) bị nhô lên sắc cạnh. Có khi lớp da bụng bị đỏ lên... Nên cho chim bệnh ăn thêm nhiều chất Vitamine, chất khoảng, bồi dưỡng thêm mật ong (mật đen: ít giọt mật nguyên chất trộn với chút bột than), và uống nước hợp chất (nước khoáng pha với liều lượng nhỏ sulfate de soude) nhiều ngày...

Cũng may, do chim vốn có sức đề kháng tiềm ẩn trong mình, nên nếu được chăm sóc kịp thời, qua thời gian chúng cũng mau bình phục.

Tóm lại, khi phát hiện sức khỏe của Yến hót “có vấn đề” thì ta nên tìm hiểu cho bằng được nguyên căn của bệnh để kịp thời bắt tay chữa trị. Bắt chim ra khỏi lồng ta phải nhẹ tay và khéo léo, đồng thời phải nhớ đóng kín cửa lồng lại, nếu không ta lại vô tình làm cái việc... phóng sanh con vật mà không ngờ! Đây là do tánh lơ đãng, mà phần đông các vị lớn tuổi thường gặp.

CUNG CẤP THỨC ĂN BỔ DƯỠNG VÀ HỢP VỆ SINH

Săn sóc chim cũng có nghĩa là lúc nào ta cũng quan tâm đến việc cung cấp thức ăn bổ dưỡng và hợp vệ sinh cho chim nuôi.

Ai cũng biết Yến hót mỗi ngày tiêu thụ một lượng thức ăn không nhiều, nhưng thức ăn phải bổ dưỡng và hợp

vệ sinh thì mới giúp chim sống khỏe và sinh sản tốt được.

Thức ăn của Yến hót như phần trên chúng tôi đã đề cập, gồm có thức ăn hột, thức ăn bột, dầu cá, chất khoáng và Vitamine.. Thức ăn hằng ngày cung cấp cho chim nuôi không những phải đầy đủ, mà còn bổ dưỡng, tươi tốt, hợp vệ sinh. Những thức ăn còn thừa, ôi mốc phải được đổ đi. Không nên vì tiếc tiền đồng mà phải bỏ đi tiền vạn thật đáng tiếc!

Thức ăn cũ hôm trước còn sót lại thường bị bẩn làm cho chim bị đầu độc, nên phải loại bỏ đi đừng tiếc.

Ngay nước uống cũng phải thay hằng ngày, chai lọ phải súc kỹ bằng cát sỏi và ngâm vào nước sôi hoặc phơi nắng khử trùng. Các vật dụng khác trong lồng như máng đựng thức ăn, cóng đựng Biscotte, đĩa đựng trứng luộc, phải được cọ rửa sạch kỹ mỗi ngày..

Săn sóc cho chim còn có nghĩa năng cho chim tắm. Cứ cách vài ngày, ta cho Yến hót tắm một lần. Việc tắm táp rất có ích cho đời sống của chim.

TẬN DIỆT KIẾN, MUỖI

Ở đâu đặt lồng chim là như chỗ ấy có tổ kiến, vì thức ăn của chim rơi vãi ra ngoài là thức ăn hợp khẩu vị với kiến. Vì vậy lồng nuôi Yến hót phải tuyệt đối tránh bị kiến phá hại. Nếu tạo cơ hội tốt cho kiến bò lên tận lồng thì thức ăn của chim bị kiến phả hại mà chim con trong ổ cũng bị kiến thui luôn.

Muỗi cũng thích đốt chim. Ban ngày thì muỗi chui vào chỗ tối ẩn núp nhưng ban đêm chim ngủ thì muỗi lại chui ra tìm cách thò vòi hút máu ở chân chim, mắt chim. Những nơi muỗi đốt, nếu không được sớm trị sẽ thành độc khiến chim bị thương tật mất giá trị.

Ta phải ngăn ngừa kiến và muỗi bằng cách xịt thuốc sát trùng có định kỳ, kê chân lồng trên những đĩa nước, hoặc quấn dẻ có tẩm dầu hôi. Lồng chim phải có lưới muỗi vây quanh hoặc phủ vải mùng để ngăn ngừa muỗi tấn công chim vào ban đêm.

VẤN ĐỀ THỜI TIẾT

Yến hót thích hợp với khí hậu ôn hòa. Sự thay đổi đột ngột của thời tiết ảnh hưởng rất xấu đến sức khỏe của chim. Khi trời quá nóng bức, xin quí vị mở toang hết cửa sổ quanh phòng nuôi chim. Ngược lại, khi tiết trời quá lạnh, hoặc giông bão bất thường, xin nhớ đóng kín cửa lại.

Người ta có thể di chuyển Yến hót từ vùng có khí hậu lạnh đến vùng có khí hậu nóng, chứ không ai dám di chuyển chúng từ vùng nóng sang vùng lạnh. Nếu thời tiết thay đổi đột ngột và khắc nghiệt quá Yến hót có thể bị chết, nếu không cũng bị bệnh hoặc là thay lông từng phần. Chim tự nhiên thay lông là có triệu chứng bị suy.

THEO DÕI SỰ TRƯỞNG THÀNH CỦA CHIM CON

Chim con từ ngày chui ra khỏi trứng cho đến khi tập tành ăn được cũng mất một thời gian hơn ba tuần. Trong thời gian này, chim con sống nhờ vào sự đút mồi của chim mẹ, và cũng trong thời gian này, có nhiều lý do khiến bầy chim con dễ dàng bị bệnh, và có thể chết yểu. Chúng tôi sẽ trình bày kỹ vấn đề này trong phần sinh sản của Yến hót. Nếu vì một lẽ gì chim mẹ bỏ ổ, không tiếp tục đút mồi cho con, thì ta phải kịp thời bắt ra “nuôi hộ”, tức là đóng vai vú nuôi để nuôi chim khôn lớn.

Tóm lại, việc chăm sóc cho Yến hót phải là công việc được coi trọng hàng đầu, và được cập nhật hóa mỗi ngày. Lơ là việc này coi như việc chăn nuôi của ta năm trước phần thất bại.
 
gọi Miễn Phí