Yến hót giống chim cao cấp - Việt Chương

Đăng lúc: , Cập nhật

Chim yến hót hay chim yến Canary, chim hoàng yến (danh pháp ba phần: Serinus canaria domestica) là một loài chim cảnh được con người thuần dưỡng từ loài chim Canary hoang dã, đây là một loài chim biết hót có nguồn gốc từ Madeira, Açores và quần đảo Canaria.

Yến hót giống chim cao cấp

Với người sành điệu, xưa nay, từ Âu sang Á, ai ai cũng đánh giá giọng con chim Yến hót là giọng hót bậc thầy. Vì rằng, không có một giống chim nào trên đời này - kể cả Họa mi, Chích chòe, có giọng hót véo von, du cương, êm ái, luyến láy nhiều điệu bằng giọng chim Yến hót cả!

Có được chứng kiến tận mắt một con Agate rouge đứng thẳng người trên cần đậu. Cái mỏ nhỏ xíu há ra hót liên tục suốt năm phút, mười phút bằng những âm thanh trầm bổng, chẳng khác gì cung đàn muôn điệu của người nhạc sĩ tài hoa, quí vị mới thấy được sự sảng khoái trong tâm hồn mình tê mê đến mức độ nào!

Hoặc là ta cứ nhắm mắt lại mà im nghe. Có phải giọng hót trầm bổng kia, những âm thanh réo rắt giàu cung bậc kia đã len lỏi tê mê va chạm từng mấu giây thần kinh xúc cảm của ta không?

Ôi, con chim Yến hót! Gọng hót của mi có ma lực nhiệm màu, xua tan được những nỗi phiền muộn đang chất chứa trong lòng mọi người, đã góp phần điểm tô màu hồng cho cuộc sống, giúp mọi người yêu đời hơn, muốn sống gần gũi với thiên nhiên hơn...

Đó là chưa nói đến những gam màu đa dạng và cực kỳ sinh động mang trên mình những chú chim nhỏ xinh xinh, những con Yến hót mủm mỉm và tài tình. Tiếng chim đó, vóc dáng đó, màu sắc đó đã đưa chim Yến hót lên địa vị cao hơn, xa hơn các loài chim hót khác. Đó là con chim bậc thầy, Vua của các loài chim hót!

Bằng chứng là suốt bốn thế kỷ qua, con chim Yến hót vẫn còn giữ được danh vị độc tôn, và càng ngày càng có đông người đổ xô ái mộ nó. Khắp thế giới, gần như nước nào cũng lập ra những Hội Bảo Vệ Phi Cầm, Hội Nuôi Chim Yến (nâng lên tầm mức quốc gia), và đã có biết bao nhiêu những nghệ nhân tài danh, những nhà điều học nổi tiếng, đã bỏ ra hàng chục năm trường của cuộc đời vốn ngắn ngủi của mình để cố mày mò lai tạo được một giống Yến lạ. Lạ từ vóc dáng, màu lông, giọng hót... cực kỳ hay, đẹp lạ...

Xưa nay, giới nuôi chim Yến hót vẫn nhắc nhở đến phương danh quí tánh những nhà khoa học lớn như Dunckere, Brunot, Matern, Norduyn, Gilles, Sameroum, Lombeau, Grégoire, Martin Weyling, Gustave Smet... với sự ngưỡng mộ và lòng cảm tạ tri ân. Chính nhờ công lao lai tạo giống của những nhà khoa học, điểu học nổi tiếng này mà ngày nay ta mới được thừa hưởng những nòi Yến hót cực kỳ nổi tiếng.

Tổ tiên xa xưa của con Yến hót là giống Yến rừng sống hoang dã ở quần đảo Canaries thuộc Đại Tây Dương. Do xuất xứ của nó ở đây nên người Pháp mới đặt tên cho nó là Canaries (tên khoa học là Serinus Cararies).

Yến rừng còn có một tên khác là Canario do người Bồ Đào Nha đặt cho, vì ở đảo Madère và Acores của Bồ Đào Nha cũng có giống Yến này sinh sống.

Giống Yến rừng khác xa với giống Yến nhà hiện nay, thân mình nó nhỏ bé hơn. Phần trên mình có lông màu xanh lẫn phớt vàng, cổ và phần ngực nhuốm màu vàng chanh u tối, từa tựa sắc lông của con chim sâu. Còn mí mắt, hai bên cổ, cận đuôi lại có màu lông vàng tối. Chót cánh, đuôi và hai bên sườn chim có lông màu nâu 2 sâm, có điểm vạch xanh mờ...

Vì có bộ lông đó nên người xưa đặt tên cho Yến rừng là Yến xanh.

Nhìn qua thì Yến xanh (Vert) chỉ là chú chim tầm thường, tầm thường, đến nỗi dân địa phương nhiều đời ở đó cũng không chú ý, chỉ trừ giọng hót khá hay của nó thì không ai chê.

Chính nhờ vào giọng hót “vàng” đó mà người ta mới chọn nuôi.

Từ thế kỷ thứ 16, Yến rừng đã bị bắt về đất liền và đem bán tại châu Âu, sau đó lan sang nhiều nước trên thế giới. Được biết, cuối thế kỷ 16, một chiếc tàu buôn Y Pha Nho chở rất nhiều Yến rừng trên đường sang Ý để bán, nhưng khi tàu chạy ngang qua đảo Elbe (thuộc Địa Trung Hải) thì bị một cơn bảo lớn đánh chìm tàu. Thế là bầy Yến chở trên tàu được dịp sổ lồng bay lên đảo Elbe sinh sống, và từ đó sinh sôi nẩy nở không biết đông đảo đến cơ man nào. Chúng tìm ăn các loại hột nhỏ có sẵn trên đảo, ăn trái cây chín, ăn sâu bọ và chồi non. Chúng làm tổ trong các hốc cây hoặc tự lót những chiếc ổ thô sơ trên các lùm bụi mà đẻ trứng.

Càng ngày tàu buôn càng lũ lượt kéo đến lùng sục chim mà mua, nên thổ dân trên đảo tự nhiên có một nghề mới kiếm được nhiều tiền. Cả ngày họ cứ vào rừng bắt Yến hoang về bán... Giá con chim hoang này có thế càng ngày càng cao, đến nỗi về đến đất liền thì chỉ có các bậc Vua chúa, Vương tôn đại thần quyền quí cao sang mới có khả năng dốc tiền vàng ra mua nổi!

Giọng hót của con Yến rừng khiến mọi người say mê. Ban đầu người ta tiếc cho một con chim có giọng hót thật hay mà trời lại nỡ ban cho bộ lông quá xấu, nên các nhà điểu học tài ba của nhiều nước như Đức, Anh, Pháp, Bi... không hẹn mà nên, họ cố công mày mò lai tạo ra các giống Yến màu đặc sắc cho riêng nước mình, và sự quyết tâm đã không làm uổng phí công lao của họ đã bỏ ra... Bằng chứng là ngày nay chúng ta được thừa hưởng những giống Yến màu nổi tiếng.

Lai tạo được màu sắc, các vị đó lại có tham vọng lại tạo cả vóc dáng, rồi giọng hót sao cho hay hơn, hấp dẫn hơn, đặc sắc hơn... Và họ cũng đã thành công.

Ngày nay về màu sắc thì quả là đa dạng. Chúng ta đã có những sắc lông, có thể nói là đã tạo được cả rừng màu sắc vô cùng hấp dẫn... Và cũng lai tạo ra được con chim có giọng hót cực hay, chẳng hạn như Yến Malinois mang biệt danh là Rossignol de Paris của Bỉ, hay đến Yến Saxon, Karz của Đức...

Những tìm tòi để lai tạo những giống Yến có những đặc điểm tối ưu khác vẫn được tiếp tục, và những khám phá mới chắc chắn cũng sẽ còn nhiều...

Tại nước ta, Yến hót chỉ xuất hiện hơn một thế kỷ nay do người Pháp đem vào. Thời trước, Yến cũng được nuôi bởi các tay quyền quí cao sang, bởi các giới học thức như giáo sư, bác sĩ, luật sư, nhà văn, nhà báo. Nhưng, nay thì chim Yến đã thâm nhập vào giới bình dân, giá cả cũng bình dân, ai nuôi cũng được.

Có điều, số người nuôi chim Yến hót ngày nay vẫn chưa đông, so với những người có máu mê nuôi các giống chim rừng khác. Do giá chim Yến hót quá cao chăng? Hay do ở áp lực tâm lý cứ vẫn cho là giống chim này khó nuôi? Cầu kỳ về thức ăn? Khó khăn về kỹ thuật?

Sự thực thì không đến nỗi như vậy: thức ăn của Yến hót đâu có gì cầu kỳ, và kỹ thuật chăn nuôi cũng đâu có lắm sự nhiêu khê, đâu có gì khó lắm!

 
gọi Miễn Phí