Sổ chăn nuôi Yến hót - Việt Chương

Đăng lúc: , Cập nhật

Trí nhớ của con người dù thông minh đến đâu cũng có hạn định, không tài nào nhớ được hàng trăm ngàn sự việc khác nhau một lúc, nhất là những sự việc đó xảy ra trong những mốc thời gian khác nhau. Nuôi một vài cặp chim đẻ thì còn có thể tỉnh táo theo dõi được, nhưng nếu nuôi hàng chục, hàng trăm cặp thì làm sao nhớ được ngày sinh tháng nở của mỗi con? Nhất là cha mẹ nó là giống chim nào, có đặc tính ra sao, ưu khuyết điểm gì?... Đó chưa nói đến cần phải tra cứu năm bảy đời của tổ tiên ông bà của nó trước nữa... Chính vì vậy nên nhà chăn nuôi chim Yến hót nào, dù nuôi ít hay nhiều cũng cần lập cho mình một CUỐN SỔ CHĂN NUÔI, trong đó ghi rõ lý lịch của mỗi con, như ngày tháng năm sinh, lý lịch rõ ràng của cha mẹ, ông bà... Tùy theo mục đích mà trình độ chăn nuôi của mỗi người mà lý lịch này cần ghi chép giản lược trong một vài đời, hoặc tỉ mỉ hàng năm bảy đời cha ông từ trước của con chim. Dù sao thì cuốn sổ chăn nuôi này là nguồn hiểu biết quí báu, là “bộ nhớ” ích lợi giúp ta biết được những đức tính của mỗi con chim ra sao. Từ đó ta mới chọn chim tốt để ghép đôi, nắm bắt được sự sinh sản tốt xấu của chúng ra sao, như số trứng của mỗi lứa là bao nhiêu (để sai và đều hay không?). Số trứng có nhiều cồ hay ít? Chim con nở ra có bụ bẫm hay không? Chim cha mẹ nuôi con như thế nào?

Sổ chăn nuôi

Sự ghi chép cần phải đúng sự thật qua kết quả thu gặt được, có như vậy mới đem lại giá trị thực dụng lớn, đem lại kết quả lớn cho việc chăn nuôi của mình sau này.

Nuôi Yến hót, giống chim cao cấp, cần phải theo dõi dòng giống để ghép đôi. Tất nhiên phải chọn những dòng chim tốt, có ưu điểm như giọng hót, như cá tính tốt, như vóc dáng đẹp... Chứ không thể làm cái việc hồ đồ là cứ vớ được một trống, một mái là đã coi như được một cặp!...

Mọi việc phải chú tâm theo dõi từ đầu, ghi chép vào sổ chăn nuôi tỉ mỉ từng chi tiết một, thì mới hiểu rõ được.

Ngày tháng năm sinh của con chim

- Giới tính sao

- Vẻ dáng bên ngoài tốt xấu ra sao

- Màu lông, màu mắt.

- Đặt tính (tốt, xấu) của chim non

- Sự liên hệ huyết thống (Cha nào? Mẹ nào?)

Như vậy, cũng chưa phải là đủ. Ta còn theo dõi (và ghi chép) về những thời kỳ tăng trưởng của con chim sau này, nhất là sự sinh sản của chúng để khi cần tra cứu sẽ có kết quả đúng đắn, không sai chạy.

Nói một cách rõ ràng hơn, trong phần huyết thống của mỗi con chim, ta phải ghi rõ lai lịch của cha mẹ, ông bà nó thật rõ ràng không nên bỏ sót một chi tiết quan trọng nào.

Trong phần chim non phải ghi rõ lý lịch, những đặc tính của nó trong thời kỳ tăng trưởng, và ghi cả những đặc tính tốt xấu của cha mẹ chúng nữa.

Trong phần nuôi dưỡng ta nên ghi chép số liệu lai lịch của từng con chim, tình trạng sức khỏe của từng thời kỳ như thế nào, và cả sau này chúng sinh sản tốt xấu ra sao...

Việc ghi chép không cần phải cập nhật hóa từng ngày, mà có thể từng tuần một, những điều xét ra không cần thiết lắm thì ghi chép từng tháng một cũng được. Miễn sao mọi điểm chính yếu được nêu ra đầy đủ sau này khi cần tra cứu được rõ ràng. Nhờ vào việc nắm vững lý lịch nên ghi chép đôi khi ta biết đích xác được lý lịch của chim cha mẹ để biết được điểm đặc trưng của bầy chim con sau này.

Thực ra cái điểm đặc trưng đó của chim con là điều chủ nuôi nào cũng đang ao ước được có. Vì vậy, khi mua một con chim Yến hót của một cơ sở chăn nuôi nào, ta phải cần biết rõ lý lịch rõ ràng của nó...

Người chăn nuôi nào, dù là nghiệp dư cũng ao ước tạo được cho mình một giống chim có cội rễ riêng biệt, có nét đặc trưng riêng biệt. Tất nhiên, việc đó đòi hỏi nhiều công phu, nhiều cố gắng và mất nhiều thời gian, có khi đến ba bốn chục năm trường mới đạt được ý muốn. Và, dù sao, cái việc khởi đầu cũng là việc nắm vững căn cước của từng con giống mới.

Điều mà nhiều người mong ước là cố tạo cho riêng mình một giống Yến hót có màu sắc lạ, không giống như cách thức nuôi chim trắng, chim Isabelle ửng màu bạc. Đó là giống chim có những điểm đặc trưng rõ ràng mà việc phát triển đến cực độ là mục đích nhắm tới của người nuôi.

Tất nhiên, muốn gặt hái được kết quả như mình mơ ước thì điều bắt buộc là mình phải có những cặp chim giống dòng thật tốt và có cội gốc rõ ràng.

Nên biết dáng vẻ của một con Yến tùy lúc thuộc vào sự tác động phối hợp của nhiều tác nhân, mà mỗi tác nhân lại có nhiều hiệu quả riêng biệt. Lại giữa những tác nhân, không hề có một tác nhân nào cho thứ, loại, vì mỗi loại có một tác nhân riêng, lưu truyền biệt lập nhau.

Được biết, có những tác nhân về chủng loại này, mà chủng loại khác lại không có tác nhân đó.

Thí dụ tác nhân phối hợp để tạo ra Yến hót Norwich không hề giống những tác nhân của Yến Yorkshire chẳng hạn.

Do có những tác nhân biệt lập đó mà sản sinh ra được những com chim có kiểu dáng hoặc đặc tính khác nhau như: đôi chân cao thấp, những kích thước của những bộ phận khác nhau như cánh, đuôi, thân mình, dáng đậu, đi, đặc điểm của sắc lông...

Tất cả những đặc điểm và sự khác nhau vừa nói đó là do ở sự hoạt động riêng lẻ của những tác nhân biệt lập.

Chúng ta phải hiểu rõ những hiện tượng này xảy ra rất tự nhiên khi cố lai tạo một con chim lý tưởng như ý mong muốn của mình. Chúng ta sẽ gặp những khó khăn, những phức tạp rắc rối khi thấy những khuyết điểm của chim được di truyền lại vào đời sau. Vì vậy, nếu mục đích để tạo giống mới cho mình, thì không cần nuôi số lượng chim nhiều. Quí hồ tinh bất quí hồ đa, điều cần là phải chọn chim có phẩm chất tốt.

Một khi mình đã biết rõ những điểm gì cấu tạo ra một con chim lý tưởng thì mình có cơ hội tiến tới mục đích mong muốn còn nếu thiếu những sự hiểu biết quan trọng và cần yếu này thì mọi việc chỉ... vô vọng mà thôi.

Khi đã có những đôi chim tốt thực sự trong tay, thì ta sẽ có những chim con có những đặc điểm tốt hơn cha mẹ của chúng. Cứ thế, sau nhiều lần khắc khe với chính mình trong việc tìm những chim tốt (không cùng huyết thống) để ghép đôi như vậy, cuối cùng ta sẽ thu gặt được kết quả mong đợi.

Qua những lần phối giống kỹ càng như vậy, ta sẽ có được số chim con thế hệ sau cùng bớt đi nhiều những khuyết điểm của chim cha mẹ, ông bà xưa kia, trái lại còn tạo được những ưu điểm về màu sắc, về hình dáng, năng lực sinh sản và những đặc tính tốt đẹp khác.

Trong trường hợp không tìm được cho mình một cặp chim hoàn toàn lý tưởng (tốt trọn đôi) thì ta có thể ghép một chim có những đặc tính tốt với một chim có một số khuyết điểm nào đó.

Dĩ nhiên theo cách này (mà một số người cũng từng thực hiện) kết quả không được toàn vẹn: ổ chim con lớn lên sẽ có con tốt con xấu, và như vậy ta còn phải mất công loại trừ ra.

Những khuyết điểm do chim con mang dần dần sẽ mất hết trong các đời sau, nếu sự phối giống giữa các dòng này được tiếp diễn vào các lần sau nữa. Vì như ta đã biết, cả hai chim Yến cha mẹ đều góp phần tạo ra con cái của chúng. Trong lần sinh sản đầu, khuyết điểm tuy di truyền lại đã được giảm dần đi một phần nào đó mà thôi.

Dĩ nhiên, loại bỏ những khuyết điểm của chìm trong trường hợp này đòi hỏi nhiều kinh nghiệm và sự trì chí của người nuôi.

Người ta còn nhận thấy ngoài tính di truyền từ cội gốc tốt đẹp của chim, thức ăn cũng ảnh hưởng mạnh mẽ cho sức khỏe và sự phát triển của cơ thể chìm cha mẹ, để tạo ra lứa chim con mạnh khỏe sau này.

Thức ăn có nhiều chất đản bạch tinh, chất béo, chất Hydrate de carbone tạo ra nhiệt lượng, và chất muối khoáng cần thiết cho các chức mô. Ngoài ra, còn phải kể đến những loại Vitamine khác. Thức ăn mà tầm thường quá, thiếu thốn quá thì dù chim cha mẹ có tốt, lứa chim con cũng chẳng ra gì. Điều cơ bản đó chắc người nuôi chim nào cũng thừa biết, cũng nắm vững được.

Nhờ vào việc truy cứu lý lịch trong sổ chăn nuôi mà ta mới tạo được những giống chim có cội gốc hẳn hoi theo đúng sự mong muốn, ấp ủ bấy lâu của mình. Tránh được sự đồng huyết thống nữa.

Vẫn biết sự đồng huyết thống giữ được ưu điểm tốt như kiên định được những đặc điểm xứng ý, đạt được sự đồng dạng thuần khiết về một típ. Thế nhưng, nếu nuôi dưỡng theo cách đồng huyết thống liên tục sẽ dẫn đến kết quả không vừa ý như làm nhỏ vóc dáng hình thể con chim, giảm đi sự cường tráng, và mất dần đi những tính tốt khác của dòng giống, như sinh sản không ra gì, hoặc tồi tệ hơn là vô sinh nữa.

Tóm lại, nuôi chim Yến hót, dù nuôi với số lượng ít ỏi, ta cũng nên lập cho mình một cuốn sổ chăn nuôi để tiện theo dõi lý lịch của chim. Nhờ vào bảng căn cước rỡ ràng đó mà ta mới dễ dàng tìm ra được những cặp chim có những đặc điểm ưu việt để cho giao phối với nhau.

Chim cha chim mẹ có tốt thì chim con sau này mới hy vọng thừa hưởng được những đức tính tốt do ông bà cha mẹ nó di truyền lại. Và cũng nhờ vào cuốn sổ chăn nuôi này mà ta tránh được sự đồng huyết thống cho chim, tránh cho chim khỏi bị thoái hóa về mọi phương diện.

 
gọi Miễn Phí