1. Đặc điểm hình thái, cấu tạo
Là cây thân gỗ, trong điều kiện tự nhiên có thể đạt chiều cao từ 25 - 35m. Thân cây mọc thẳng trên đó sinh ra từng đợt cành tạo ra hình tán, hình lọng với đường kính của tán có thể đạt đường kính lớn.Trên cành cũng như thân, có các lá kim hình móng chim, cong và luôn xanh bao bọc lấy xung quanh thân cành. Các nhà thực vật học xếp cây bách tán vào thực vật lá hình kim và thường xanh.
Cơ quan sinh sản của bách tán là các nón sinh dục đực và cái trong đó nón sinh dục đực hình thành ra hạt phấn còn nón cái hình thành tế bào trứng. Hạt phấn của nón đực phát tán rơi vào nón cái và ở đó sẽ xẩy ra quá trình thụ tinh hình thành quả. Quả hình nón bao gồm nhiều vẩy hóa gỗ, ở mỗi vảy có hạt dính ở trên đó.
Cũng như các cây thuộc lớp thực vật hạt trần, bách tán trong cấu tạo giải phẫu không có sợi gỗ và mạch mà chỉ có quản bào và nhu mô gỗ ở phần gỗ của cây do đó gỗ thuộc loại gỗ mềm. Vỏ của chúng có lớp cương mô vách dày nằm trong lớp cutin hóa và lớp biểu bì vỏ có vách dày, do đó về hình thái trong vỏ thường sù sì, nứt nẻ và dày.
2. Nguồn gốc và yêu cầu sinh thái
Theo một số nhà thực vật học thì bách tán có nguồn gốc từ đảo tân Calêđônni thuộc Châu Đại Dương, du nhập vào nước ta vào đầu thế kỷ 19 và trồng để làm cảnh, làm cây trang trí trong công viên.Bách tán thích nghi tốt với điều kiện bất lợi của mùa hè nóng nực và mùa đông lạnh lẽo, vững bền với tác hại của gió mạnh vì vậy chúng được trồng trong các điều kiện rất khác nhau, ở những độ cao rất khác nhau của nhiều vùng sinh thái.
Là cây ưa sáng và yêu cầu cường độ chiếu sáng trung bình, song chúng cũng là cây tỏ ra khá thích ứng với những điều kiện chiếu sáng rất khác nhau.
Nhìn chung bách tán không có yêu cầu khắt khe về đất song những đất quá ẩm, có lượng sét cao thì cây sinh trưởng yếu và có hiện tượng lá vàng, rụng sớm.
3. Nhân giống
Bách tán có thể nhân giống bằng phương pháp hữu tính (từ hạt) và vô tính (bằng cách dâm cành, chiết cành):Đối với phương pháp hữu tính ở nước ta do trồng với tính chất làm cảnh không tập trung nên mặc dù cây ra hoa song khả năng thụ phấn và tạo hạt rất kém do vậy quả (nón cái) thường có hạt lép, gieo không nẩy mầm được. Do vậy việc nhân giống bằng phương pháp hữu tính phải nhập hạt từ 1 số nước Bắc Âu về để gieo trồng.
Hiện nay người trồng sử dụng phương pháp nhân vô tính để gây giống đối với bách tán. Có thể sử dụng phương pháp chiết cành hoặc dâm cành song thường áp dụng kĩ thuật dâm cành để cho ra nhiều cây con hơn.
Để dâm cành, cần chọn các cành bánh tẻ, tốt nhất là các cành ở phía trên của ngọn cây mẹ. Tách các cành này khỏi cây sao cho không bị dập và sát tới thân hoặc cành cây mẹ có một chút vỏ của thân hay cành của cây mẹ để đem dâm. Trước khi dâm nên xử lý các chất kích thích ra rễ (NAA hoặc 2,4D) để tỉ lệ ra rễ cao. Dâm trên nền cát hoặc đất có thành phần cơ giới tung bình tiêu nước tốt, có dàn che giữ ẩm cho các cành dâm (xem thê phần kĩ thuật nhân giống cây cảnh).
Thời vụ dâm cành tốt nhất vào cuối mùa đông đầu mùa xuân của năm. Một số kinh nghiệm tốt là tách cành dâm ra khỏi cây mẹ vào tiết đông chí hàng năm và tiến hành dâm ngay cũng rất có kết quả trong việc tạo cây con.
4. Kỹ thuật trồng
Cần chọn các đất tốt có thành phần cơ giới trung bình hoặc hơi nặng để trồng thì cây mới sinh trưởng khỏe, là xanh và bền. Nên bón lót trước khi trồng. Cây non đạt chiều cao 0,4 - 0,6m là có thể trồng được. Có thể trồng ở bồn cảnh, chậu cảnh hay ở ngoài đất.Trước khi bứng cây con từ vườn ươm đem đi trồng cần chú ý tưới nước đẫm trước đó 2 - 3 tiếng đồng hồ để việc bứng bầu cây không bị vỡ đất làm tổn hại đến bộ rễ của cây. Cần chú ý trong khi đánh bầu sao cho bảo toàn được bộ rễ càng nhiều càng tốt Vì bách tán rất mẫn cảm với những tác động vào rễ làm cho cây bị sốc và ngừng sinh trưởng.
Trồng ở đất, chậu hay bồn đều phải là các cây có bầu đất. Đặt vào chậu, lấp đất và nén đất ở xung quanh bầu cây và sau đó tưới nước giữ ẩm cho đất đều khi cây hồi xanh.
5. Kĩ thuật chăm sóc cho cây
Nhìn chung bách tán có sức sinh trưởng tốt và rất chống chịu với điều kiện ngoại cảnh nên không có yêu cầu chăm sóc đặc biệt, song để cây sinh trưởng nhanh, tạo nhiều tán nên tiến hành tưới phân thúc cho cây bằng nước phân chuồng hoại mục tỉ lệ 1/20 hoặc bón thêm cho cây bằng các loại phân hóa học định kì 2 - 3 tháng 1 lần.Cần chú ý giữ các cành nhánh non mới ra nhất là cành đỉnh của thân vì các cành non của bách tán rất dòn, dễ gẫy để tránh làm mất đỉnh sinh trưởng của thân, cành làm bộ tán không đều, xấu.
Bách tán có thể đặt để trong điều kiện ánh sáng yếu trong nội thất hoặc phòng họp song thời gian đặt để trong những điều kiện này không được quả 7 - 15 ngày. Sau thời đặt để trong nội thất cần đưa cây ra điều kiện chiếu sáng đầy đủ và tốt nhất đưa ra ngoài khi chiều tối để cây thích nghi với điều kiện mới. Bách tán cũng có thể trồng ở trên non bộ, trên đá có ít đất.