Kỹ thuật ghép cây cơ bản cho "hoa nhà lá vườn"

Đăng lúc: , Cập nhật

Ghép cây có thể hiểu là kỹ thuật làm vườn được sử dụng nhằm gắn các bộ phận của hai hoặc nhiều cây lại với nhau để chúng phát triển thành một cây duy nhất, trong bài viết này, Công Cụ Tốt sẽ giới thiệu các nét cơ bản nhất về kỹ thuật ghép cây đối với các loại cây hay gặp nhất ở Việt Nam

Ghép cây có thể hiểu là kỹ thuật làm vườn được sử dụng nhằm gắn các bộ phận của hai hoặc nhiều cây lại với nhau để chúng phát triển thành một cây duy nhất

1. Cơ sở khoa học

1.1 Vài nét cơ bản về ghép cây

   Từ xa xưa con người đã phát minh ra kỹ thuật ghép cây trước khi khoa học ra đời. Ghép cây bắt nguồn từ khoảng 1.000 năm trước Công Nguyên 1.000. Những người Trung Quốc và Hy Lạp cổ đại đã dựa vào trí thông minh của mình để sáng tạo ra loại hình này. Dưới đây là thí nghiệm ghép cây vào thế kỷ 17, trong đó người ta đã sử dụng 9 phương pháp ghép khác nhau trên cùng một cây để mô phỏng sự biến đổi kỳ diệu này.

Mô hình ghép cây ở thế kỷ 17
Mô hình ghép cây ở thế kỷ 17
 

Nhờ phương pháp ghép cây, nền nông nghiệp của chúng ta trong thời điểm này mới đa dạng về giống loài và sản phẩm đưa ra thị trường được như vậy. Thực tế, việc ghép cây được ứng dụng rất rộng rãi trong khoa học cây trồng: từ các vườn cây ăn quả, trong nhà kính, nhà lưới đến nghiên cứu trong phòng thí nghiệm... Ví dụ: quýt Ôn Châu ghép trên bưởi châu,…

Về cơ bản, ghép cây có thể hiểu là kỹ thuật làm vườn được sử dụng nhằm gắn các bộ phận của hai hoặc nhiều cây lại với nhau để chúng phát triển thành một cây duy nhất. Trong ghép cây, phần trên (cành ghép) của một cây này mọc trên hệ thống rễ (gốc ghép) của một cây khác. Nghe thì đơn giản nhưng những người làm nghề cũng phải luyện tập và hiểu rất sâu sắc về cấu tạo, giải phẫu, chức năng… của rất nhiều loại cây trồng. Việc thực hành không chỉ dừng lại ở các cây ăn quả thông thường mà còn mong muốn thử nghiệm trên nhiều loài cây khác để tạo giống mới. 

1.2 Ưu điểm của việc ghép cây

   Cây gốc ghép và cành ghép hợp thành cây ghép chính chủ yếu được nhắc đến khi muốn duy trì giống tốt. Sau khi ghép, mặc dù gốc ghép có ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của phần mắt ghép, song phần ghép có phần giai đoạn sống tự nhiên, đặc tính di truyền ổn định nên ảnh hưởng nói trên là không lớn. Do vậy, cây ghép cũng như các phương pháp lai tạo khác, có thể duy trì được đặc tính di truyền, tiếp tục giữ được phẩm chất và tính trạng ưu tú của cây mẹ. Cây cùng ghép có thể cùng loài, cùng giống, chỉ khác nhau một số đặc tính mong muốn ở gốc ghép (chịu lạnh, nóng, mặn, chống sâu bệnh, năng suất cao và phẩm chất hoa quả ngon).
Kỹ thuật ghép cho người mới bắt đầu
Kỹ thuật ghép cành cho người mới bắt đầu
 

1.3 Các phương pháp ghép cây  

Có nhiều phương pháp ghép giống phổ biến như:
  • ghép đỉnh sinh trưởng,
  • ghép chắp,
  • ghép rễ,
  • ghép áp,
  • ghép nêm,
  • ghép dưới vỏ,
  • ghép chẻ bên,
  • ghép cửa sổ,
  • ghép chữ T,…
Trong bài viết này, Công Cụ Tốt sẽ chủ yếu giới thiệu về các phương pháp trong ghép cành. 

2. Dụng cụ cơ bản khi ghép cây

  • Thuốc tiệt trùng: để ngăn ngừa truyền nhiễm bệnh cho cây chúng ta phải tiệt trùng dụng cụ ghép bằng thuốc tẩy có độ đặc 1.5%
  • Dao cắt: để cắt cành ghép và gốc ghép khi ghép. Có người dùng dao rọc giấy thay thế nhưng hiệu quả vết cắt không đẹp bằng.
  • Dao ghép mầm: dùng để cắt ghép mắt và tách vỏ miệng vết ghép. Cán dao ghép làm bằng sừng để không phản ứng với ta-nanh trong vỏ cây, cán dao để tách vỏ miệng vết ghép.
  • Cưa tay: để cưa gốc ghép to, giúp cho vết cắt trơn đẹp hơn.
  • Kéo cắt cành: dùng để cắt ngọn gốc ghép hoặc cành ghép, gốc ghép.
  • Vật liệu buộc: chủ yếu là dây ni lông và không dày quá 0,2mm.

3. Phương pháp ghép cành

3.1 Ghép cành là gì?

   Ghép cành là một kỹ thuật làm vườn cơ bản được định nghĩa là cách gắn một cành cây (cành ghép) từ cây này vào thân của cây con kia (gốc ghép). Kết quả cành ghép kia sẽ trở thành một phần vĩnh viễn của cây theo thời gian. Nếu cành ghép là từ một giống tốt, cây mới. Phương pháp này áp dụng cho các cây gốc ghép lớn; người ta thường dùng những cành có từ 1-3 mắt để ghép. 

3.2 Ưu điểm của ghép cành

   Một ứng dụng phổ biến là ghép chồi của một cây, gọi là cành ghép, vào gốc của một cây khác, gọi là gốc ghép, để tăng hoặc giảm kích thước của cây. Ngoài ra, ghép cành có thể cải thiện khả năng chống chịu hoặc cho phép cây phát triển trong môi trường mới. Ghép cây cũng đóng vai trò quan trọng đối với việc phát hiện ra các protein, RNA và các hormone hoạt động trong một khoảng cách dài. Nhìn chung, các phương pháp trong ghép cành giúp ích rất nhiều trong nông nghiệp cũng như nghiên cứu khoa học.

4. Ghép áp

4.1 Bước 1: Cắt cành ghép.

   Sử dụng dao ghép, một tay cầm dao, một tay hướng phần gốc của cành ghép ra ngoài. Bước này phải làm thật khéo léo, tại chính phần gốc của cành, ta cắt nhiều vết vát nhọn hướng lên trên. Sau khi cắt, phải được một mặt phẳng nghiêng ở góc 45 độ, cách mầm khoảng 1,5 đến 2 cm. Sau đó lật cành ghép lại, tại phần phí sau mầm, cắt thành mặt phẳng bằng hơn, không được cong. Hãy nhớ sử dụng một con dao có lưỡi sắc, thao tác nhanh gọn tránh làm giập cành. Lần này vết cắt cách mầm 0,3 đến 0,5 cm, cắt sâu đến giữa phần vỏ và phần gỗ. Kết quả ta được một mầm ghép dài 1,5 đến 2 cm.

4.2 Bước 2: Cắt gốc ghép.

   Chuẩn bị một gốc ghép sạch, không bị xước hỏng để cắt. Đầu tiên, quan sát phía gốc ghép có mặt vỏ nhẵn trơn, ta lấy dao vạch một vết nghiêng hướng lên phía trên sao cho cắt đứt phần trên gốc ghép (nghiêng 45 độ). Tại mặt bên cạnh ghép, cắt dọc theo ranh giới giữa phần vỏ và phần gỗ, không được sâu quá vào trong cũng như không cắt hết phần gỗ. Lúc này ta thấy có một phần vỏ thừa ở cạnh bên gốc ghép.
 
Kỹ thuật ghép áp
Kỹ thuật ghép áp
 

4.3 Bước 3: Nối cành ghép.

   Khi nối cành ghép và gốc ghép với nhau, chú ý hướng mặt cắt dài hơn của cành ghép vào mặt trong. Khi đó tầng sinh gỗ của cành ghép sẽ khớp với tầng sinh gỗ của gốc ghép, và phải đặt sát xuống đáy miệng ghép của gốc ghép để quá trình ghép áp diễn ra dễ dàng hơn. Nếu gốc và cành ghép của bạn không may có kích thước khác nhau thì phải điều chỉnh vết cắt vỏ gốc ghép. Hoặc đặt một bên vỏ của cành ghép cân với một bên vỏ của gốc ghép kia. Cuối cùng là quấn chặt vết ghép bằng sợi ni lông, phủ kín mặt cắt ngang của cả gốc ghép. Sau đó dùng dây buộc kín, chặt tay toàn bộ cành ghép, thắt nút. Khi buộc chú ý phải để lộ mắt mầm. Tùy thuộc vào cây có một hay nhiều mắt mầm hơn để thao tác, nhưng về cơ bản kĩ thuật vẫn tương tự.
 
Kỹ thuật nối cành
Nối cành ghép trong ghép áp
 
   Dưới đây là video minh họa hướng dẫn gần giống phương pháp trên:
                                           
 

5. Ghép nêm

5.1 Bước 1: Cắt cành ghép

Thông thường, phương pháp này cần đến khá nhiều dụng cụ và phức tạp khi thực hiện nhưng hiệu quả ghép đem lại là rất lớn. Những cây có vỏ thân già cũng làm thao tác trở nên khó khăn hơn. Chọn ghép nêm khi thân cây có đường kính nhỏ hơn hoặc gần bằng đường kính gốc ghép.  Đầu tiên, ta chọn cành ghép có các mắt mầm khỏe mạnh và cắt bỏ phần ngọn. Tại 2 mặt bên của cành ghép, cắt vát vào trong cành một đoạn dài 3 đến 5 cm, cách mầm khoảng 1cm để tạo thành cái nêm. Độ dài của nêm không quá ngắn không quá dài, sao cho khi đặt gốc ghép vào vết cắt không bị hở hay thừa ra. Kĩ thuật ban đầu không được thực hiện đúng thì cây ghép sẽ rất khó sống.

5.2 Bước 2: Cắt gốc ghép

   Ở bước này, ta không dùng dao nhỏ cắt thông thường được nữa mà nê sử dụng dao bản to hoặc cưa tay cắt ngang thân gốc ghép tạo mặt phẳng bằng, nhẵn. Sau đó, bổ dọc một đường đi qua tâm mặt cắt ngang. Bổ tách phần miệng không quá sâu. Nếu gốc ghép khá to có thể chẻ 2 đường tạo thành dấu cộng, khoảng 4cm. Hãy nhớ là ta chỉ tách nhẹ phần miệng ghép ra chứ không bổ mạnh làm thương cây.
Ghép nêm 2 cành ghép
Ghép nêm 2 cành ghép

5.3 Bước 3: Cắm cành ghép

   Dùng nêm cắm vào miệng ghép trước khi cắm cành ghép, sau đó thì từ từ rút nêm ra. Ví dụ miệng ghép dấu cộng thì có thể cắm đến 4 cành ghép. Khi cắm không nên cắm ngập hết phần cắt mà vẫn để lộ 2-3mm ở phía trên làm sao cho cả hai phần tượng tầng của cả cành ghép và gốc ghép chạm vào nhau. Phần tượng tầng là lớp mô rất mỏng nằm giữa mô và gỗ, cả hai phần tượng tầng khớp thì mới thành công. Cuối cùng cắt một mảnh vải mỏng hình tròn đường kính lớn hơn gốc ghép 7mm, khoét một vài lỗ tròn trên vải tùy thuộc vào số lượng cành ghép. Phủ vải lên luồn qua các cành ghép rồi dùng dây ni lông buộc cố định mảnh vải hoặc dùng giấy bạc bao lại để chống mất hơi nước cho cây Cách thông dụng nhất là bôi sáp lên các phần hở của cây. 

5.4. Ví dụ thực tế: Ghép nêm cây sứ thái

Cây sứ Thái có thể có nhiều mầu, do đó người ta hay ghép nêm cây sứ thái để trên một cây có nhiều mầu:
Cây sứ thái

Sứ thái ra hoa

Kỹ thuật

Các bước ghép nêm cây sứ thái
 

6. Ghép bụng

6.1  Bước 1: Cắt cành và gốc ghép

Phương pháp ghép bụng dưới vỏ thường cho ra tỉ lệ cây ghép sống cao, dễ thao tác bởi vết ghép mau lành hơn. Lối ghép này không cần cắt tán cây gốc ghép và cành ghép được ghép ở thân hoặc cành cây gốc ghép. Ta có thể áp dụng nó cho cây có nhiều ta-nanh và áp dụng quanh năm. Đầu tiên, ta lại lấy dao cắt vát cành ghép ở phần đầu cành dài khoảng 2cm. Tiếp theo, mở miệng gốc ghép theo hình chữ T bằng cách rạch ngang một đường vào sát mặt gỗ, rồi rạch dọc là ra hình chữ T.
 Ghép bụng

6.2 Bước 2: Cắm cành ghép

   Bước này, ta dùng chuôi dao ghép nhẹ nhàng tách vỏ ở miệng ghép ra rồi nhanh chóng cắm cành ghép vào, hướng mặt cắt dài 3cm vào sát gốc ghép. Chú ý đưa cành ghép vào thật sâu đến tận cùng miệng ghép. Cuối cùng vẫn là buộc dây ni lông quấn từ giữa miệng gốc ghép đến xuống hết phần dưới cành ghép. Ở phương pháp này chú ý phải quấn cả phần mắt mầm.

7. Tổng kết:

   Có rất nhiều phương pháp trong ghép cành có thể kể đến nhưng tôi đã liệt kê một vài lối ghép cơ bản nhất để độc giả có thể hiểu. Nếu mong muốn tìm hiểu về các phương pháp ghép cây thú vị khác như ghép mắt, chiết, giâm cành… Hãy luôn theo dõi và ủng hộ Congcutot để tự mình có thể trở thành một kỹ sư ghép cây “a-ma-tơ” nhé!
 

 
gọi Miễn Phí