Ký ức ngày trở về

Chắc hẳn ở một góc nhỏ nào đó trong trái tim mỗi người đều có những kí ức không thể nào quên xen lẫn những niềm vui và nỗi buồn. Vào một ngày nào đó nó bỗng nhiên ùa về với bao nhiêu cảm xúc khiến lòng thấy nôn nao và nhớ về một thời đã xa đó.Tuổi thơ thời cấp hai gắn liền với mái trường Phổ thông dân tộc nội trú Thuận Châu yêu dấu. Bốn năm không phải là dài nhưng cũng không phải quá ngắn nhưng đã để lại cho tôi những kỉ niệm thân thương nhất của tuổi học trò. Vào một ngày trời lạnh giá của mùa đông vô tình tôi được trở lại ngôi trường đó sau những năm xa cách, tôi mang đồ lên cho đứa cháu gái đang học ở đó nhưng chưa hết giờ học nên phải ngồi đợi.Mọi thứ đều thay đổi và khác xưa rất nhiều, Có lẽ thứ mãi không bao giờ thay đổi chính là tình cảm chân thành nhất mà tôi dành cho nó, và tất cả kí ức trong tôi hiện về rõ dệt như mới hôm qua vậy. Ngồi ở hàng ghế đá dưới sân trường tôi hoài niệm về những kỉ niệm đã qua.

Tác giả bài viết: An Chi (Cà Thị Thiết)

Còn nhớ cái ngày đầu tiên khi tôi mới bước chân vào ngôi trường ấy, mọi thứ đều lạ lẫm hiện ra trước mặt tôi. Cô gái bé nhỏ ngày ấy lần đầu tiên rời xa vòng tay yêu thương của bà nội, của bố mẹ, rời xa ngôi làng nhỏ ở một nơi xa xôi được lên một ngôi trường trên huyện thì chắc chắn lúc đó sẽ là sự ngỡ ngàng với tất cả hiện ra trước mắt.Bố tôi đã đèo tôi lên nhập học, ngồi trên chiêc xe cũ kĩ đã gắn bó với chúng tôi từ rất lâu nhưng tôi thấy thật hạnh phúc biết bao, đôi tay nhỏ bé của tôi ôm sau lưng bố thật chặt vì tôi biết rằng sẽ phải xa bố, tôi muốn thời gian ngừng lại,muốn con đường đến trường đó thật xa để được ôm bố lâu hơn chút nữa.Bố tôi hồi đó cũng còn trẻ thôi nhưng so với phụ huynh của các bạn cùng lớp thì bố già hơn rất nhiều,một người lam lũ chưa bao giờ cho phép bản thân mình nghỉ ngơi để lo cho vợ con có cuộc sống ổn định hơn.  Làn da dám nắng vì sáng tối phải lên dẫy, bán mặt cho đất bán lưng cho trời nên trông bố già hơn tuổi.Tôi rất thương và biết ơn bố người đã cho tôi có cơ hội để đến trường dẫu hoàn cảnh gia đình còn rất khó khăn. Dẫu thế nhưng với tôi, bố chính là người đàn ông tuyệt vời và đẹp trai nhất trên đời này .Tôi nhớ người đầu tiên tôi được gặp chính là bác bảo vệ tên Định, tôi cũng không biết chính xác là bác đã bao nhiêu tuổi nhưng lúc đó bác ấy có vẻ đã già  rồi. Bác gầy và cao, hàm răng của bác đã lưa thưa và không còn nguyên vẹn vì tuổi tác,  bác thân thiện cởi mở chỉ tận tình cho chỗ để nghỉ ngơi trước khi được thầy cô phân công nhận lớp.Vì từ nhà lên huyện cũng khá xa nên nhờ có bác mà Bố con tôi mới có chỗ để tạm đồ và ngồi đợi đến giờ tập trung.Còn nhớ những ngày công tác điện hỏng, những ngày mất nước sinh hoạt thì chúng tôi sẽ rối rít đi tìm bác bảo vệ.Bác rất nhiệt tình giúp đỡ và coi chúng tôi như những người con của mình vậy. Giờ ngồi đây nhớ lại không biết rằng bác còn khoẻ không, tôi cầu mong bác vẫn khoẻ mạnh và sống hạnh phúc bên con cháu.

Năm đó tôi là học sinh khoá 2008-2012, cô giáo chủ nhiệm là cô Hồng, cô cùng tuổi với bố mẹ tôi và tôi vẫn luôn coi cô như người mẹ thứ hai của mình vậy.

Cô dạy môn sinh học, một cô giáo xinh đẹp, hiền lành và hết mực yêu thương học trò như chính con của mình vậy.

Hồi đó tất cả các bạn đều lần đầu tiên xa nhà, ai cũng ngồi khóc thút thít nhưng cô đã đến an ủi và động viên. Với cái ôm ấm áp của cô tôi và các bạn đã ổn định và không khóc nữa. Lớp tôi có 10 bạn nữ nên cũng được phân vào một phòng, vì mọi người còn quá bé nên tất cả sinh hoạt hàng ngày đều được cô Hồng ân cần chỉ bảo. Ngày ấy ngôi Trường vẫn còn đơn sơ lắm, chúng tôi đã phải kê bàn làm giường ngủ, cứ thế mười đứa con nít nằm dàn hàng ôm nhau ngủ. Mãi sau chúng tôi mới có giường tầng, tôi là đứa bé nhất phòng hay được các bạn nhường và còn xếp cho ngủ giường tầng một với lí do siêu ngộ nghĩnh là : sợ tối tè dầm thì bạn ngủ dưới sẽ ướt hết hay là sợ tối ngủ mơ bị té xuống giường. Nhưng đấy là do đầu óc tưởng tượng phong phú của các cô gái 11 tuổi thôi các bạn ạ. Vì cùng chung 1 căn phòng ngần ấy năm  nên chúng tôi không phải đơn thuần là bạn bè mà còn là những người chị em thân thiết của nhau. Cùng nhau chia sẻ những vui buồn trong cuộc sống hàng ngày. Căn phòng đầy ắp những tiếng cười hồn nhiên và cũng có lúc không khí thật não nề khi ai đó giận dỗi nhau vì những những lí do nhỏ nhoi, hồi đó vì còn quá trẻ con cái tôi quá lớn, cả tuần không ai bắt chuyện trước mặc dù trong lòng đã hết giận. Rồi cuối cùng nhờ sự giúp đỡ của mọi người lại  ôm nhau khóc một trận và làm hoà với nhau. Căn phòng lại trở nên náo nhiệt, vui vẻ. Các bạn nam cũng được nhận một phòng riêng ở khu kí túc nam. Tưởng chừng như chỉ có bạn nữ yếu đuối nhưng không, các bạn trai cũng khóc thút thít mỗi khi nhớ nhà, nhớ bố mẹ.

Chúng tôi từ những xã xa xôi khác nhau cùng đến với mái trường nội trú,tất cả đều có chung nỗi nhớ nhà nên ai cũng sống rất tình cảm và sẵn sàng chia sẻ với nhau những chuyện vui buồn. Tôi nhớ những câu hát về mái trường nội trú chứa chan tình cảm: "Từ khắp vùng xa xôi tới đây, em đến với mái trường nội trú.Mỗi dân tộc là một bông hoa nở muôn màu...dù mai đây em lớn khôn, em ước mơ dựng xây quê hương. Dù đi xa em vẫn nhớ những thầy cô biết mấy ân tình…". Đúng vậy có nhiều dân tộc khác nhau như : Thái, khơ mú, H'mông, sinh mun,.. cùng tụ hội về đây. Tuy ngôn ngữ, phong tục riêng nhưng không làm mất đi tình cảm anh em, bạn bè vì chúng tôi tự hào rằng chính là một dân tộc Việt Nam anh hùng máu đỏ ,đã vàng.Tôi nhỏ bé nhất lớp cũng nhút nhát nhất lớp nhưng nhờ sự dìu dắt của cô Hồng kính yêu nên tôi đã cố gắng và trở thành một cô học trò nhỏ đầy tự tin và thành tích học tập luôn xếp loại khá. Tôi nhớ những bữa cơm nội trú tuy  đạm bạc nhưng đó là cả một một tấm lòng của các cô bác nhà bếp luôn dậy sớm về muộn để chúng tôi được ăn uống đúng giờ.



Từ trái qua phải: cô Dung dạy văn , ở giữa cô nhà bếp và cô Hường English. Ảnh do tác giả cung cấp

Hồi đó còn là  cái  cảm giác thích nhau mà chúng tôi gọi là tình yêu con nít thật trong sáng, tình yêu đến cái nhìn nhau cũng e thẹn, nếu dám cầm tay nhau có lẽ đó chính là sự dũng cảm nhất rồi.Lúc đó làm gì có điện thoại như bây giờ  mà phải viết thư tay để nói chuyện và không quên khi dòng chữ : "Cấm mở xem tự do".Hay những ngày chủ nhật phải ăn cơm với một món canh rau toàn là nước, và có vài miếng tóp mỡ. Nếu tuần đó lớp nào trực tuần thì sẽ đi phụ gíup bên nhà bếp chia cơm.Nếu thích ai đó họ sẽ tìm số cặp lồng và chia cho thật nhiều miếng tóp mỡ và thật nhiều rau để thể hiện tìmh cảm của mình. Đến khi ăn cơm nếu bạn nào đó nhận được cái cặp lồng đó sẽ bật cười và suy nghĩ rằng ai là người thích mình đây mà như vậy nhỉ. Ôi nghĩ lại tôi đã bật cười hoá ra mình có một kỉ niệm tuổi thơ như thế ư? Khi tiếng kẻng vang lên lúc hai mốt giờ tối là lúc tan học ca tối, những cái bụng nhỏ xíu sôi sùng sục lên vì đói. Lúc đó nếu ai có tiền mua một bát mì tôm là quá sang chảnh lắm rồi. Chúng tôi sẵn sàng ăn chung nhau một bát mì tôm cho thật nhiều nước chan với phần cơm nguội còn thừa đã cất kĩ sau bữa ăn tối, một viên kẹo cũng  sẵn sàng cắn đôi  ra chia nhau. Chúng tôi nghèo nhưng sống với nhau chân thành, tình cảm dành cho nhau như chị em ruột thịt.

Những lời giảng của thầy cô vẫn văng vẳng bên tai, nó như khắc sâu vào trí nhớ của tôi vậy..Những ngày hè oi bức thật sự khiến người ta khó chịu với những lần ngủ gật trong lớp. Hay mùa đông lạnh buốt nhiều bạn phải mang chăn lên để đắp, vì hồi đó nhà chúng tôi học là khu nhà cấp bốn đã cũ kĩ và không kín gió. Chiếc áo khoác thì mỏng mạnh làm sao mà đủ ấm được nên những cái chăn như là một người bạn đồng hành trong những buổi tối lạnh giá đó.  Nhưng không vì thế mà không ai học cả, mỗi người ai đó đều cố gắng học tập để hôm sau trả bài cho cô.  Hình như là khi tôi học lớp bảy trường tôi đã được xây một nhà giảng đường hai tầng, lúc đó không phải lo lắng những buổi học tối của mùa đông lạnh giá nữa. Trong giờ ngủ trưa chúng tôi còn chạy ra gõ của phòng bác Định bảo vệ, bác dậy mở cửa thì chúng tôi mất hút luôn. Rất nhiều lần như thế nhưng đó chỉ là trò nô nghịch của cô cậu cấp hai, vì bác dễ thương và tốt tính nên ai cũng quý nhưng lại nghĩ ra những trò đó để nô bác. Người  ta nói : "Nhất quỷ nhì ma thứ ba học trò "đúng là không hề sai.Những lần trốn ra mua quà nhưng trong lòng lại rất thấp thỏm vì sợ vô tình gặp cô Dung, cô giáo dạy văn hay nhất của tôi nhưng rất nghiêm khắc.Nhà cô ngay cạnh khu kí túc xá mà cô lại hay đi bộ tập thể dục quanh trường chỉ cần thiếu may mắn là bị cô bắt quả tang luôn. Ngày mà các anh lớp trên xích mích với các bạn đi thả bò gần trường khiến các thầy cô phải đau đầu, hay những lần này đến lần khác  các bạn nam lớp tôi trốn đi chơi game nên lớp luôn không đạt đi đua khiến cô giáo chủ nhiệm phải khóc. Càng cuối cấp tâm lí các trò sẽ thay đổi, bạn nữ biết chau truốt làm đỏm hơn cũng khiến các cô phải quan tâm và phiền lòng. Những trận ốm nhớ đời của chúng tôi cũng là một tay các thầy cô phải chăm sóc như những người con của mình vậy. Các thầy cô luôn yêu thương chúng tôi vô điều kiện và truyền dạy những bài giảng hay,những kinh nghiệm trong cuộc sống mà hiện tại tôi đã, đang và sẽ mang theo nó suốt đời. Là hành trang để chúng tôi vững bước trên con đường mai sau. Thầy hiệu trưởng Phí Ngọc Thái có dáng không được cao, khuôn mặt hiền lành nhưng rất tài giỏi và hết mực yêu thương học trò. Cô Điểm  hiệu phó có khuôn mặt phuc hậu, Cô  Lê Hoa- Hồng hai cô bạn thân dạy môn Sinh, cô Hường - Thim English có dáng lùn nhỏ nhắn.cô Phượng  dạy Toán rất giỏi nhưng vô cùng nghiêm khắc, tôi luôn nhớ những bài giảng hay của cô.cô Phương dạy Sử  mái tóc dài có lời giảng nhẹ nhàng sâu lắng nhưng những buổi học chiều oi bức rất dễ ru tôi vào giấc ngủ ngon.Cô Hương, thầy Tiệp đẹp trai xinh gái nhất trường, thầy Cương, cô Vũ Hoa...ôi tất cả những thầy cô đã dành những tình cảm yêu thương,cho chúng tôi những lời giảng hay và chăm lo cho chúng tôi từng bữa ăn, giấc ngủ làm sao tôi quên. Những lần Chia tay  các thầy cô Sinh viên thực tập đầy nước mắt. Tuy thời gian ngắn nhưng với chúng tôi :" một chữ cũng là thầy , nửa chữ cũng là thầy."  Những hàng cây bàng trước  nhà bếp, cây phượng già nua với những càng cây dài xum xuê như dang những cánh tay để che bóng râm cho chúng tôi chạy nhảy, nô đùa nhưng những ngày mùa lá rụng cũng khiến chúng tôi phải mệt quét lá để sân trường luôn sạch sẽ. Những lần ngủ quên phải chạy thật nhanh lên lớp mà k kịp rửa mặt, những que kem bình dị gắn với kí ức tuổi thơ.Những ngày tết trung thu, dịp lễ các thầy cô sẽ phụ giúp các bác nhà bếp nấu cho chúng tôi thật nhiều món ngon.

 Hình ảnh bà cụ đã ngoài bảy mươi lưng đã còng nhưng vì cuộc sống mựu sinh bà hàng ngày vẫn gánh những trái cây đến bán ở cổng trường đã đi sâu vào kí ức của tôi. Bà hiền lành và rất quý chúng tôi, những trái chuối, ổi có giá một nghìn, quả bưởi to tướng hay món quả sim ăm gém củ đậu với món chấm cay ngon giúp tôi thấy tỉnh táo sau giờ học căng thẳng. Tôi đã từng hỏi thăm và biết bà đã đi sang một thế giới khác, nơi mà không phải vật lộn với cuộc sống vất vả đầy lo toan, bà sẽ luôn sống với kí ức của tôi và các bạn những năm đó đã từng gắn bó.

Tiếng trống tùng..tùng..tùng thông báo kết thúc buổi học đã làm tôi giật mình và trở về với thực tại. Các em học sinh nô nức chạy nhảy ngoài sân trường và trở về với khu kí túc xã với những tiếng cười giòn giã. Ở đây tất cả mọi thứ đều thay đổi, biển trường đã khác: "Trường Phổ thông dân tộc Nội Trú THCS-THPT huyện Thuận Châu". Không còn những ngôi nhà cấp bốn cũ kĩ đơn sơ, những ngôi nhà cao tầng với đầy đủ tiện nghi cao sừng sững. Đó cũng kà đánh dấu sự phát triển về cơ sở hạ tầng và những thành tích mà nhà trường đã đạt được trong những năm qua. Tôi mong rằng các thầy cô sẽ thật khoẻ mạnh để tiếp tục dẫn dắt các thế hệ học trò trở thành những con người có ích cho xã hội. Các em học sinh phải thật chăm ngoan học giỏi phát huy truyền thống tốt đẹp của nhà trường và không để các thầy cô phải phiền lòng. Chúng ta, những người học sinh nội trú sẽ học được rất nhiều điều hay và bổ ích, những con người có sự tự giác rất cao sẽ tự học sau buổi chính khoá không có thầy cô lên lớp thật nghiêm túc. Những người con dân tộc thật thà chất phác luôn sống tình cảm và biết lắng nghe, yêu thương chia sẻ.Những học trò biết cảm ơn, xin lỗi, luôn khi nhớ công ơn nuôi nấng, dìu dắt và được lớn lên từ vòng tay ấm áp của thầy cô, những người cha người mẹ thứ hai của mình.
 
Trường Thuận Châu bây giờ (ảnh tác giả cung cấp, năm 2021)
 
Tất cả những kỉ niệm đó hiện lên trong tâm trí của tôi, nhìn vào đâu cũng đầy ắp những kỉ niệm của một thời học sinh vô tư trong sáng. Mọi thứ đều thay đổi và lạ lẫm nhưng những kí ức đó sẽ mãi là kỉ niệm đẹp đối với tất cả chúng tôi. Nó sẽ được cất giữ ở một góc nhỏ trong trái tim này và đi theo tôi suốt chặng đường đời. Tôi yêu mái trường nội trú Thuận Châu, ngôi nhà thứ hai của tôi. Và Em cũng xin gửi lời cảm ơn sâu sắc nhất  đến cô Hồng người đã dìu dắt trong suốt bốn năm cấp hai, người cô mà em yêu quý nhất trong  như những năm tháng với màu áo trắng tinh khôi.Thầy cô giáo và các cô bác nhà bếp đã nâng niu nuôi dưỡng em trưởng thành để có thể bay xa trên đôi cánh ước mơ của mình.

Nguồn tin: Công Cụ Tốt

Người đăng bài viết: Quản trị hệ thống

Nội dung