Người cha thứ hai của con
Có một người không cùng một giọt máu nhưng được gọi là cha. Có một người dưng nước lã chưa từng quen biết, mỗi người sống ở một thành phố khác nhau nhưng lại được về sống chung một mái nhà. Yêu thương, đùm bọc và chở che như một người thân ruột thịt, tôi gọi người đó là người cha, người bố thứ hai của mình, đó là bố chồng.
Tác giả bài viết: An Chi
Còn mấy ngày nữa thôi là kết thúc một năm và bước sang một năm mới đó cũng là lúc bố chồng tôi sẽ chính thức đón tuổi năm mươi tư,một độ tuổi không còn trẻ trung nữa hay người ta thường nói rằng là đã đi hết một phần hai của chặng đường đời. Bố tôi cao và béo, bờ vai rộng của bố gánh vác cả một gia đình, làn da của bố tôi trắng nhưng có lẽ do suốt ngày dãi nắng dầm sương nên khuôn mặt của bố đã sạm đen đi rất nhiều và những nếp nhăn cũng ngày một rõ rệt hơn. Những sợi tóc bạc đã ghé thăm trên trên bộ tóc lưa thưa ấy của bố. Bố là một người rất ít nói, nhìn có vẻ rất lạnh lùng nhưng không bố là người rất dễ gần và sống tình cảm. Bố luôn được mọi người trong thôn yêu quý và luôn sẵn sàng giúp đỡ khi ai đó gặp khó khăn.
Bố tôi luôn tạo một cảm giác thân thiện, gần gũi, dẫu cho chỉ là con dâu nhưng tôi cảm nhận được tình yêu thương mà bố dành cho tôi cũng như mẹ con tôi như một người thân ruột thịt của mình. Nên đối với bản thân tôi, bố như một người bố đẻ và giữa hai bố con không có một rào cản nào cả. Nhìn thấy mái tóc bố ngày một bạc đi thật sự tôi thấy chạnh lòng, có những lần tôi đã nhổ tóc bạc cho bố, nhưng với đôi mắt cận này nên đã có lúc tôi nhổ phải những sợi đen khiến bố thấy đau. Chẳng giận dữ đâu đó lại là một câu chuyện nhỏ nhưng đem lại tiếng cười vui vẻ cho cả nhà.
Ở vùng quê này không phải nghèo khó lắm đâu nhưng nghề nông là chính, bằng tuổi bố mẹ tôi người ta chẳng đi làm nữa,chủ yếu là thuê người làm đồi gò nhưng bố tôi lại khác, bố tôi lam lũ và chịu khó, hàng ngày dậy sớm lên đồi và khi trở về cũng là lúc những ngôi nhà đã sáng rực ánh điện. Có lẽ chính vì sự chịu khó ấy mà bàn tay bố đã nuôi nấng 2 đứa con theo học đại học và mỗi người đều có công việc riêng cho mình. Một người là giáo viên và chồng tôi là cảnh sát cơ động. Nghe có vẻ như cuộc sống của bố tôi sẽ thật dễ dàng khi con cái đều có công việc ổn định, nhưng không, bố tôi vẫn vất vả như thế, vẫn là lao động chính trong ngôi nhà này. Anh trai tôi đã chọn ở lại mảnh đất thủ đô Hà Nội thân yêu ấy, tự mua nhà tự lập và cả gia đình nhỏ của mình, tất cả chi phí đều đắt đỏ nên cũng rất chật vật. Còn chồng tôi mới vào biên chế đồng lương cũng chưa cao.Có lẽ ai cũng vậy thôi, khi chúng ta đã có gia đình nhỏ của mình, có con cái ra thì con cái chính là sự lo lắng và bận tâm nhất và dành sự ưu tiên hàng đầu nhất, cũng như chính bố mẹ mình vậy cũng dành cho con mình tất cả những sự ưu ái nhất.
Bố tôi là một người ưa sạch sẽ, tuy vất vất vả sớm tối trên đồi nhưng căn bếp của bố luôn sạch bong,những đồ đạc được xếp ngăn nắp gọn gàng, khu nhà tắm nhà vệ sinh lúc nào cũng được lau dọn sạch sẽ.
Căn nhà cấp bốn xinh xắn ấy lúc nào cũng thơm tho gọn gàng.
Sân nhà tôi có rất nhiều loại cây ăn quả như: mít, lựu, ổi, thanh long,... Tất cả chính là do bàn tay bố tôi trồng và chăm sóc, hàng ngày tưới nước nên lúc nào vườn cũng xanh ngát và đến mùa cho những trái thơm ngon sạch.
Không chỉ có thế vườn rau nhà tôi lúc nào cũng xanh tốt, những lần tôi ngủ quên vội vàng chạy ra vườn thì bố tôi đã tưới gần xong rồi.
Sân nhà tôi khá là rộng, nhất là vào mùa đông cây cối rụng lá,nhưng lúc nào nó cũng được sạch sẽ bởi bàn tay chai sần ấy.
Nghề của chồng tôi mấy khi được ở nhà, nên từ lúc bầu bí đến lúc sinh con hay tất cả mọi sinh hoạt đều là ở với bố mẹ chồng.Tôi là một người khá là vụng về, những lần mắc lỗi nhưng bố tôi vẫn bao dung tha thứ và chưa bao giờ trách mắng tôi cả.
Có lần bưng mâm cơm tôi đã vấp ngã úp cả mâm xuống nền, tiếng bát đĩa vỡ toang vang lên. Tôi run sợ cứ ngỡ sẽ bị nói một trận rồi đây, nhưng bố tôi vội vàng chạy xuống và hỏi con có bị làm sao không. Một câu nói khiến tôi thật ấm lòng, bố chẳng trách mắng chỉ lo tôi sẽ bị đau. Những lần cối xay của cún con nhà tôi bị vỡ tan nát, không những một lần mà rất nhiều lần như thế, tôi thấy có lỗi vô cùng vì sự vụng về của mình nhưng bố tôi vẫn cứ bao dung như thế chẳng nói to tiếng với tôi bao giờ.
Những lần nấu cơm quên tắt bếp, những món "hoả ngư quá nhiệt",cái tên mà chúng tôi hay dành cho nó, hay món thịt vịt bóng đêm. Những lần quên tắt bếp y như rằng sẽ nhận lại món ăn đen xì ấy vậy mà bố chỉ nhắc tôi phải cẩn thận hơn nữa,bởi bố biết tôi có tính hay quên nên bố luôn nhắc nhở nhẹ nhàng để không tái phạm nữa. Có lần nấu cơm mà quên ấn nút thế là đến giờ ăn mở ra hạt gạo vẫn còn nguyên, thế là cả nhà phải chuyển sang món mì tôm nấu nấu lập tức.Bởi từ bé đến lớn tôi đi học suốt ngày, lại sống trong môi trường nội trú nên việc nấu nướng cực kì kém, tôi chưa biết làm những việc đơn giản ấy mà đã đi lấy chồng rồi. Nhưng bố mẹ chồng luôn chỉ bảo từng li từng tí với sau những lần mắc lỗi ấy tôi cũng đã dần dần cẩn thận hơn để không khiến bố mẹ phải bận lòng nữa và không còn những bữa ăn quá nhiệt nữa.
Chồng tôi đi biền biệt cả tháng mới về nghỉ phép một lần nên những lần ốm đau đều do bố mẹ tôi lo lắng.
Những lần con bé con nhà tôi bị ốm cũng là một mình bố tôi chạy ngược chạy xuôi đi mua thuốc, có lần uống thuốc chẳng khỏi 3 ông cháu phải đèo nhau xuống phòng khám ở thành phố. Mẹ tôi chẳng biết lái xe nên tất cả phải nhờ đến bàn tay bố.
Còn nhớ cái ngày tôi đi mổ đẻ sức khoẻ tôi lại yếu lắm, mẹ tôi phải chăm cháu còn việc bếp núc trong thời gian ở cữ đều là bố tôi làm, vừa phải làm nông vừa chăm cả con dâu và cháu thật sự rất vất vả nhưng bố tôi chẳng bao giờ than thở,Cứ thế lặng lẽ làm. Hay cái lần tôi phải đi mổ ruột thừa, vì ca mổ của tôi là nặng nhất nên chi phí cũng lên đến hai chục triệu. Một nhà nông bình thường thật sự đó là một con số lớn, bố tôi đã phải chạy khắp nơi để vay tiền lo cho tôi được mổ. Những ngày phải truyền bịch sữa đạm ấy, mỗi bịch thiếu 2 chục nữa là tròn một triệu. Sức khỏe tôi yếu lắm, chẳng ăn uống được gì ,đã vậy lại còn nôn mửa liên tục. Tôi tiếc tiền nên không muốn truyền nhưng ở nhà bố tôi sốt ruột cứ gọi và bắt phải truyền đến khi sức khoẻ ổn định và ăn uống được mới thôi. Bé nhà tôi lại còn chưa cai sữa mẹ nên suốt cả mười ngày nằm viện ấy, bố phải phụ mẹ chăm sóc cháu lại cả việc nhà, nấu nướng việc đồng áng. Xong mỗi ngày bố tôi lại từ nhà đi xe máy xuống bệnh viện hơn 40 cây số để xuống xem tình hình sức khỏe của tôi rồi lại quay trở về nhà. Trời đông rét mướt ấy thế mà bố tôi chẳng đi giày, đôi chân ấy có lẽ sẽ lạnh biết bao. Tôi thấy thương bố nhiều hơn nữa. Khi ra viện thì cả 2 tháng trời tôi chưa thể làm được gì đến bế con cũng chẳng nổi, cứ thế tôi ở nhà ăn bám bố mẹ cả 2 tháng ấy. Vì mổ mất nhiều máu tôi phải ăn uống đầy đủ, ăn nhiều thịt để vết mổ mau lành nên bố tôi ngày nào cũng đi chợ mua đồ ăn đầy đủ cho tôi. Tôi đã tự trách bản thân rất nhiều,đã không làm được gì lại còn tốn nhiều tiền bạc của bố mẹ. Nhưng bố tôi chưa bao giờ trách mà chỉ động viên để tôi sớm có thể khoẻ trở lại. Tôi vẫn không quên những lần bố đã xách nước cho tôi tắm, kể cả lúc mổ đẻ hay lần mổ này tôi chẳng thể xách nặng. Nhà tôi chưa lắp được bình nóng lạnh nên bố tôi đun nước và để sẵn cho tôi trong phòng tắm. Bố luôn yêu thương và chăm sóc tôi như chính con đẻ của mình vậy.
Bố tôi còn bị bệnh đau khớp nữa chứ, có lẽ những lần hết chất thuốc trong người nó lại tái phát và đau,một tháng không biết đau nhiêu lần.Tôi thấy thương bố nhiều lắm, những lần khuyên bố đi khám nhưng bố tiếc tiền chẳng đi ấy vậy mà lại vì mẹ con tôi mà không tiếc một đồng tiền nào cả. Bố tôi cũng rất khéo trong việc chăm chăm sóc mẹ, bố luôn chiều chuộng và yêu thương vợ của mình. Bố tôi chăm cháu cũng rất khéo, những lần thay tã cho cháu, dỗ dành khi cháu khóc, hai ông cháu ngồi trên chiếc xe đi dạo trên những con đường làng. Bố tôi luôn dành cho cháu những gì tốt đẹp nhất, những thứ ngon sẽ dành cho cháu và phần bản thân mình thì không nghĩ tới.
Nguồn tin: Công Cụ Tốt
Người đăng bài viết: Nguyễn Thái Hà