Dân tộc Thái Đen và những điều chưa kể
Việt Nam có 54 dân tộc sinh sống, mỗi dân tộc đều có những nét phong tục, tập quán, bản sắc văn hoá riêng của mình. Dân tộc thái tây bắc nói chung, dân tộc Thái đen của huyện Thuận Châu thuộc tỉnh Sơn La nói riêng cũng có nét văn hoá riêng của mình. Tự hào là một người dân tộc Thái đen được sinh ra và lớn lên trên vùng đất Thuận Châu yêu dấu, tôi muốn chia sẻ với mọi người đôi nét riêng về văn hoá của dân tộc mình.
Tác giả bài viết: An Chi (Cà Thị Thiết)
Đầu tiên là phong tục cưới hỏi của người Thái Đen
Các đôi nam nữ khi đã đến tuổi cập kê sẽ tìm hạnh phúc của riêng mình, người Thái có câu : trai khôn lấy vợ, gái lớn gả chồng.
Khi đã đủ trưởng thành họ sẽ được tự do tìm hiểu nhau mà không phải do sự ép buộc của gia đình. Người con trai Thái đầu tiên khi muốn cưới được vợ là phải chăm chỉ, chịu khó,lễ phép, biết giao tiếp với hàng xóm láng giềng mà người bên nhà vợ.
Người con gái trước khi lấy chồng phải chuẩn bị được ít nhất tầm 20 chiếc khăn piêu, một trong những sính lễ phải mang cho những người thân bên nhà chồng.Khăn piêu là tự tay mình thêu dệt,nhìn vào nó cũng một phần nào đó thấy được sự khéo tay của người phụ nữ thái. Khăn piêu ít hay nhiều là phụ thuộc vào yêu cầu bên nhà chồng, họ hàng nhà chồng ít hay nhiều sẽ tương đương với số lượng Piêu phải chuẩn bị.
Các cô gái làm khăn Piêu
Nhà gái cũng phải chuẩn bị chăn, gối, đệm để hôm cưới sẽ mang sang nhà chồng. Ít hay nhiều do điều kiện kinh tế bên nhà vợ không bắt buộc nhưng phải có 4 bộ: bộ cho vợ chồng mới cưới, bộ cho bố mẹ chồng, bộ cho ông bà nội và ông bà ngoại.
Khi chuẩn bị lấy chồng bên nhà gái sẽ bận rộn làm đệm, gối và chăn. Tất cả đều do tự tay mình làm. Nhưng hiện nay khi xã hội ngày càng phát triển, đời sống cũng khấm khá ổn định hơn trước con người cũng bận rộn hơn có những công việc riêng của mình không phải như thời xa xưa chỉ làm đồng áng thì những chiếc Piêu, chăn đệm sẽ được đặt mua thay vì phải tự tay làm. Cũng có trường hợp vì vận chuyển khó khăn nên nếu 2 bên quan họ đồng ý thì cũng không phải mang những thứ đó nữa thay vì giờ hầu như bên nhà trai đều có sẵn rồi nhưng để thể hiện thiện ý của mình bên nhà gái sẽ trao cho con gái của hồi môn như nếu nhà nào có sẽ trao những chiếc kiềng cổ bằng vàng mà bố mẹ bên gái đã chuẩn bị cho. Hay những chiếc nhẫn, lắc tay, vòmg tay trao cho con gái mình.
Trang phục áo dài đen cô dâu chú rẻ truyền thống của ngời Thái Đen
Người Thái Đen khi lấy chồng bắt buộc phải " tẳng cẩu". Tẳng cẩu là búi tóc lên cao trên đỉnh đầu, đây là thủ tục đầu tiên trước khi lễ cưới được tổ chức, trước khi ra mắt quan viên hai họ và làng xóm láng giềng. Nhà trai sẽ đến nhà gái từ lúc trời chưa kịp sáng để đợi đến giờ lành để làm lễ" tẳng cẩu". Nhà trai chuẩn bị sẵn cho bên gái : 1 búi tóc để độn,chiếc trâm cài tóc, cái lưới để cuốn vào phần tóc đã búi lên. Nhà trai cũng sẵn luôn chiếc vòng tay, chiếc hoa tai đeo cho người con dâu trong lúc tẳng cẩu. Khi tóc đã được Cẩu lên tức là từ giây phút đó người con gái ấy đã hết độc thân,từ đó về sau sẽ đánh dấu sự trưởng thành và đã trở thành người vợ, người con của bên nhà trai. Giây phút ấy có lẽ là giây phút thiêng liêng nhất đời của một người phụ nữ, hầu như lúc đó ai cũng rơi những giọt nước mắt. Vừa hạnh phúc vì tìm được bến đỗ của đời mình và cũng buồn vì từ đó về sau sẽ phải đi ở một nơi khác, không còn được sống với bố mẹ đẻ nữa. Chính thức trở thành con của nhà người ta.
Cô dâu người Thái Đen ở Sơn La. Ảnh tác giả An Chi cung cấp
Khi đứa con gái về nhà chồng, gia đình bên nhà gái sẽ tặng cho con mình con trâu,bố hay chiếc xe máy để làm của hồi môn.
Còn nhà trai, lễ ăn hỏi tất cả là bên nhà trai chuẩn bị. Khác với dân tộc khác như lễ ăn phải phải có cháp lễ thì người thái đen là chuẩn bị thức ăn làm có cho ngày ăn hỏi đó. 1 con lợn, 2 con gà, can rượu, gạo và tất cả những món ăn đều do bên nhà trai mang đến.
Còn đám cưới sẽ do bên nhà gái thách cưới, nếu bên nhà gái sẽ làm cỗ bao nhiêu mâm thì bên nhà trai phải chuẩn bị đủ số mâm đó. Khi nhà gái tính số lượng mâm sẽ hết hai mươi triệu hay ba mươi triệu hay con số nào đó thì nhà trai phải chuẩn bị đủ. Còn tiền được mừng cưới sẽ do bên nhà gái quyết định tùy tâm họ mà sắm những đồ được gọi là hồi môn cho con gái của mình.
Ngày cưới nhà trai chuẩn bị 1 con lợn, 2 con gà, 2 chai rượu, trầu cau,gói xôi, bánh kẹo, hoa quả, thuốc lào để bên nhà gái mời thầy cúng trình với ma nhà tổ tiên. Lúc đó ra mắt rể với tổ tiên và trình rằng người con gái ấy không còn là người nhà này nữa mà từ nay về sau trở thành thành viên của nhà chồng, chết cũng là ma của nhà chồng. Đôi vợ chồng mới cưới sẽ cúi lạy trước tổ tiên 3 lần và lễ trình ma nhà kết thúc.
Như đã nói ở trên nhà trai chuẩn bị đủ cho lễ tẳng cẩu. Khi lễ Cẩu kết thúc đôi vợ chồng sẽ dắt nhau ra mắt họ hàng hai bên. Đôi vợ chồng sẽ mặc bộ áo dài truyền thống của dân tộc thái cúi lậy bố mẹ vợ 3 cái để cảm ơn công ơn nuôi dưỡng của bố mẹ và khi bên nhà trai cũng phải cúi lạy bố mẹ bên đó. Sau thì vẫn mặc bộ váy áo cóm bình thường khi tổ chức hôn lễ.
Sau đó sẽ dắt tay nhau vào buồng đã được buông màn sẵn và một bé trai một bé gái đã ngồi sẵn trong đó. Nó có ý nghĩa là cđộng phòng trở thành vợ chồng chính thức và sẽ sinh được trai được gái.
Trâm cài đầu của người Thái Đen Sơn La cài nghiêng (từ phải qua trái), khác với người Thái Đen Điện Biên hay cài chính giữa (từ trước ra sau)
Ảnh An CHi
Hiện nay cuộc sống ngày càng hiện đại hơn,một số nơi ở phong tục rườm rà cũng được cắt bớt đi, cũng không còn có thách cưới nữa chỉ tùy thuộc vào hoàn cảnh gia đình hai bên.Trước đây con rể phải mang túi quần áo ra ở rể nhà gái phải hai đến năm năm nhưng giờ cũng không phải như vậy nữa. Cưới xong là đưa râu về trong vòng ngày hôm đó. Hay ở thành phố do tính chất công việc nên một số người cũng không "Tằng cẩu" nữa nhưng cưới xin vẫn được tổ chức theo phong tục của mình.Họ vẫn giữ được nét truyền thống riêng của dân tộc mình Còn ở bản tất cả mọi người ai cũng phải Tẳng cẩu. Nếu người con gái Thái Đen đã Tẳng cẩu rồi cho dù có ly hôn cũng không được phép bỏ xuống, nó là một điều kiêng kị đối với người thái đen,Chỉ khi chồng mất thì mới được phép buông tóc xuống.
Phong tục khi sinh nở của người Thái Đen
Người Thái khi để em bé phải nằm cữ tiếng thái ( kắm bườn) ở gian nhà bếp tầm một tuần, có nơi ở đúng một tháng. Người mẹ sẽ ngồi quay lưng vào bếp để sưởi ấm cho lưng, theo họ như vậy sẽ giúp cho cơ thể người mẹ sớm hồi phục nhanh và sau này sẽ không bị đau lưng.Và ở cạnh bếp sẽ không để em bé bị lạnh nhất là vào mùa đông lạnh giá. Sách, vở, bút sẽ được để ở cạnh em bé trong thời gian ở cữ với hi vọng lớn lên bé sẽ chăm chỉ học giỏi trở thành những cán bộ, trở thành những người có ích cho xã hôi. Trong thời gian này họ kiêng kị nhất là những người có tính hay nói rất nhiều tức là người nhiều chuyện. Vì họ quan niệm rằng nếu như vậy sau này con lớn lên sẽ bị cái tính đó.
Em bé Thái Đen ở Sơn La được mẹ địu.
Khi hết cữ tức là " Nhá bươn" sẽ tổ chức cỗ mời họ hàng đến và thực hiện lễ đặt tên cho em bé. Tên do sự góp ý của tất cả mọi người thường mang ý nghĩa riêng với mong muốn con sẽ lớn lên khoẻ mạnh và thành tài. Trẻ con người thái từ khi đẻ ra ai cũng phải có một cái địu và nôi. Có địu mọi thứ luôn tiện hơn, những khi người mẹ phải nấu nướng làm việc nhà hay bận công việc riêng thì địu con trên lưng sẽ trở nên dễ dàng hơn, con không phải nằm một mình sẽ khiến tình cảm mẹ con gắn bó hơn. Hay những ngày mùa đông em bé thường rất thích ngủ trên lưng mẹ,em sẽ được ủ ấm và có những giấc ngủ ngon. Cái nôi thường được dùng khi e bé dưới một tuổi.Khi bé ngủ trên nôi người mẹ sẽ thấy cảm giác an toàn hơn và em bé sẽ thấy thật dễ chịu vừa đu đưa với những lời ru ầu ơ của mẹ giúp em có giấc ngủ thật ngon.
Phong tục nhuôm răng đen
Người Thái ngày xưa có phong tục nhuộm răng đen,thời ông bà nội tôi vẫn nhuộm răng đen như thế. Bà tôi kể rằng con gái khi sang tuổi mười bốn thì tất cả đều nhuộm răng đen để đánh dấu sự trưởng thành. Nhuộm để bảo vệ răng chắc khỏe và không bị sâu răng. Răng đen ra trắng chính là tiêu chuẩn của một người phụ nữ xinh xắn,Răng càng đen bóng thì chứng tỏ càng xinh. Nhưng ngày nay phong tục ấy cũng đã bỏ thay vào đó tiêu chuẩn bây giờ là răng phải trắng mới xinh.
Cúng tổ tiên
Người Thái còn có một tục lệ đặc biệt là cứ mười ngày sẽ lại làm mâm cơm một lần dâng lên tổ tiên. Bởi người thái quan niệm rằng người đã mất cũng như người còn sống sẽ đói và phải được ăn. Nên cứ mười ngày 1 lần tổ tiên sẽ cùng tụ họp về để ăn cơm mà con cháu đã chuẩn bị. Với người thái tổ tiên hay còn gọi là " ma nhà " những ông bà cụ đã mất luôn sống trong lòng của mỗi người. Và mười ngày đó là thể hiện sự kính trọng, biết ơn, nỗi nhớ đến những người đã khuất. Mâm cơm đó rất đơn giản đôi khi chỉ là 1 bát xôi với 1 món ăn như một món rau, hay món gà,. Những món ăn không phải cầu kì nhưng bắt buộc phải có để dâng lên tổ tiên.
Những ngày lễ tết thì phong tục truyền thống vẫn được giữ đến ngày nay.
Đón tết của Người Thái Đen
Ngày cuối cùng của năm cũ tức là ngày 30 âm nhà nào cũng tổ chức ăn lễ tất niên, tùy thuộc vào mỗi nhà ăn ít hay nhiều nhưng ngày đó sẽ mổ con vịt và mọi người cùng ăn với nhau. Ngày đó có ý nghĩa là cùng nhau ôn lại một năm đã qua với những chuyện vui buồn đã diễn ra, những hạn chế và điểm mạnh mà mỗi thành viên trong nhà đã làm trong một năm đó và hứa hẹn một năm mới sẽ tốt đẹp hơn. Thịt vịt với ý nghĩa Mọi điều xui xẻo của năm đó sẽ được hoá giải hết để đón chào năm mới. Có một điều là tất cả những món ăn của tối hôm đó không được để đến hôm sau là mùng 1 tết. Tất cả bát đũa đều phải rửa sạch sẽ không được để qua đếm mùng một.
Tối hôm 30 đó dù thức đón giao thưa hay không nhưng khi đồng hồ điểm 00 giờ tức là khoảnh khắc một năm mới đã đến. Tất cả mọi nhà sẽ dậy và bày bánh kẹo hoa quả thắp hương thờ cúng tổ tiên. Và trên bàn thờ bắt buộc phải có chuối, một càng đào, một cây mía và một con gà đã luộc săn. Theo quan niệm người thái đúng thời khắc giao thừa đó là lúc thể hiện sự biết ơn, lòng thương nhớ đến những người đã khuất.
Hôm mùng một tết không rửa bát, không đổ rác bởi họ quan niệm rằng nếu làm vậy sẽ đổ hết lộc lá đi cả năm sẽ không tích góp được gì.
Tết là những ngày mà người dân được nghỉ ngơi sau một năm đầy vất vả. Nhiều trò trơi dân gian vừa để thể hiện được truyền thống của dân tộc vừa gắn kết tình cảm của hàng xóm, láng giềng. Giúp cho mọi người có một ngày tết thật vui vẻ và ý nghĩa.
Trò " ném còn vòng " không thể thiếu trong ngày tết. Tất cả mọi người đều có thể tham gia. Với cái vòng được buộc sẵn trên một thật cao, nếu ai ném đúng vòng tròn đó sẽ được thưởng một món quà.
"Hái hoa dân chủ" là hình thức những tấm vé ghi sẵn một nội dung như là : hát một bài hát tiếng thái, nhảy một điệu hay những nội dung nhí nhỏm hài hước được treo sẵn trên những bông hoa. Trò trơi này nhằm cho mọi người nhớ lại những bài hát của dân tộc mình vừa để giải trí giúp tinh thần mọi người được thoải mái.
Không thể không nhắc đến trò chơi "má lẹ". Những sân nhà sẽ thấy tụm năm tụm ba chơi trò này, chia làm 2 đội để chơi và đội nào thắng cuộc sẽ nhận được những món quà bất ngờ.
Trò chơi dân gian Tó Má Lẹ của người Thái Đen
Những điệu xoè hay múa sạp, múa khăn piêu, múa quạt không thể thiếu trong những ngày tết của người thái đen.
Những ngày tết cũng là lúc mọi người dành thời gian để thăm nhau sau một năm với hàng ngàn công việc. Ngày tết sẽ giúp cho tình cảm giữa người với người trở nên tốt đẹp hơn.
Trên đây là một vài nét về dân tộc Thái Đen của vùng núi cao trên vùng Tây Bắc nói chung và của người thái đen thuộc huyện Thuận Châu tỉnh Sơn La nói riêng mà tôi muốn chia sẻ đến các bạn.
Mỗi dân tộc sẽ đều có những nét riêng về phong tục tập quán,về trang phục và những nét văn hoá riêng của mình và người thái đen cũng vậy. Chúng ta cần phải phát huy những truyền thống tốt đẹp của cha ông ta để lại, chúng ta phải tự hào về điều đó. Yêu dân tộc, yêu những bản sắc văn hoá không để nó bị mai một chính là một tình thần yêu dân tộc cũng như yêu đất nước của dân tộc Việt Nam. Tôi luôn tự hào về những nét đẹp của dân tộc mình và sẽ giữ gìn những nét đẹp của tổ tiên để lại, tôi tự hào vì đã được sinh ra,lớn lên và mang trong mình một dòng máu của người thái đen với những nét riêng của mình.Nguồn tin: Công Cụ Tốt
Người đăng bài viết: Nguyễn Thái Hà