Nhân giống cây hoa Hồng - Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương
Đăng lúc: Thứ sáu - 20/10/2023 14:10, Cập nhật 20/10/2023 14:10
Trồng hoa Hồng có hai cách để nhân giống: nhân giống hữu tính và nhân giống vô tính. Ở bài viết này Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương sẽ cho chúng ta tìm hiểu về cách nhân giống cây hoa hồng.
Có nhiều cách để nhân giống một cây hoa Hồng, hãy cùng tìm hiểu nhé!
Trồng hoa Hồng có hai cách để nhân giống: nhân giống hữu tính và nhân giống vô tính.
Nhân giống hữu tính là cách gieo hột để có cây con mà trồng. Còn nhân giống vô tính là cách chiết cành, ghép cành và giảm cành...
Cây hoa Hồng nhân giống theo cách hữu tính cũng dễ, không tốn kém công sức cũng như tiền của, sản xuất được nhiều cây con, nhưng đa số cây con lại không mang được những đặc tính tốt của cây cha mẹ. Đó là điều không ai trong chúng ta cảm thấy hài lòng. Mặt khác, thời gian từ khi hoa của cây Hồng mẹ thụ phấn đến khi hột già để gieo xuống đất phải mất một thời gian khá dài: khoảng 6 tháng ! Đó là chưa nói đến việc thụ phấn cũng không phải là việc giản đơn, dễ làm.
Còn cách chiết cành, ghép cành và giâm cành tuy đòi hỏi chút công sức, sự khéo léo tay, lai tạo được ít cây con, nhưng những cây lai tạo được thường mang đúng những đặc tính tốt của cây mẹ. Chính vì ưu điểm này mà ngày nay, ít ai nghĩ đến việc nhân giống Hồng theo cách hữu tính nữa.
Tuy vậy, chúng tôi cũng xin đề cập sơ qua cách thức nhân giống hữu tính của hoa Hồng để quí vị nào mới bước vào nghề nắm bắt được cách thức.
NHÂN GIỐNG HỮU TÍNH
Ngày xưa, người mình trồng hoa Hồng cũng bằng cách gieo hột (để mặc cho côn trùng như ong bướm đến hút mật hoa giúp hoa thụ phấn lấy), và cũng thành thạo đến cách giâm cành, chiết cành. Chỉ có điều ai kinh nghiệm nhiều thì cây con lai tạo có khả năng sống với tỉ lệ cao, còn người ít kinh nghiệm thì gặt hái kết quả ở mức... khiêm nhượng !Như quí vị đã biết, cây hoa Hồng là giống cây có hoa lưỡng tính : nhị đực và nhụy cái nằm chung một hoa. Nhụy cái là một bầu lớn nằm giữa hoa (duy nhất chỉ một nhụy), còn nhị đực thì số nhiều vây quanh nhụy cái.
Nói rõ ra, nhị hoa là cơ quan sinh dục đực, và nhụy hoa là cơ quan sinh dục cái.
Nhị hoa nhỏ mang bao phấn trong chứa nhiều phấn hoa. Còn nhụy hoa gồm có bầu nhụy khá to, trên bầu nhụy là đầu nhụy, nơi sẽ tiếp nhận phấn của nhị đực để thụ phấn.
Thông thường, nhị đực và nhụy cái của một hoa ít khi “chín” cùng một lúc, cho nên chúng thường thụ phấn chéo nhờ vào côn trùng vô tình mang phấn của hoa này sang “gieo” cho nhụy khoa khác. Thế nhưng, nếu nhờ vào cách thụ phấn này thì ta làm sao có được cây Hồng lai đẹp như ý mong muốn !
Vì vậy, ta phải tiến hành cách thụ phấn nhân tạo như sau :
- Trước tiên, ta lựa những cây Hồng mang những đặc tính tốt như sai hoa, hoa to và thơm, hợp khí hậu, ít sâu bệnh... để làm cây giống.
- Bước kế tiếp là lựa trong số những cây mẫu đó, những cây nào làm “cây đực” và cây nào dùng làm “cây cái”. Với “cây đực” thì chỉ dùng đến túi phấn của nó không thôi. Với “cây cái” thì chỉ dùng bầu nhụy không thôi.
Nói rõ hơn :
- Với “cây đực” ta cắt hết các bao phấn (hay túi phấn) đem chứa vào một cái lọ khô ráo. Các bao phấn này khi chín sẽ bung hết các hột phấn ra. Những hột phấn này bên trong chứa một ít nhựa dẻo, đó là “tinh dịch” truyền nòi giống...
Với “cây cái” ta cũng cẩn thận cắt bỏ hết các bao phấn của nhị đực ra, chỉ chừa lại phần nhụy (tức bầu noãn). Sau đó, dùng bao ni lông trùm kín phần nhụy này lại, ngăn ngừa côn trùng mang nhị đực của các hoa khác đến...
Chờ khi nhụy hoa cái “chín”, ta bỏ bao ni lông ra, rồi khéo léo tìm cách đưa phấn hoa đực (để trong lọ) cho “tiếp xúc” với đầu nhụy. Cần rắc phấn nhị đực dính nhiều vào đầu nhụy cái để sự thụ phấn có kết quả tốt.
Nếu việc thụ phấn nhân tạo này thành công, bầu noãn của hoa sẽ có màu xanh và phát triển lớn dần. Thường thì ba tháng sau hột đã già, mỗi bầu noãn chứa số lượng hột không nhất định, có thể chỉ một hai, mà cũng có thể đến vài ba chục hột. Hột sau khi gieo xuống đất sẽ nẩy mầm trở thành những cây Hồng con lai, mang đặc tính chung của cả cây cha lẫn cây mẹ.
Tất nhiên, quí vị sẽ có sự ghi chép cẩn thận, để sau này biết được “gia phả” của chúng. Nếu cây lai vừa ý thì ta tiếp tục nhân giống tiếp, còn ngược lại ta sẽ không dùng hai giống cây trên làm cây cha mẹ nữa mà dùng cây khác để thí nghiệm...
Công việc thụ phấn nhân tạo không khó lắm, nhưng phải nói là nhiều khê, việc tiến hành đến đâu ta phải ghi chép cẩn thận. Vì vậy, chỉ người sẵn thú đam mê mới đủ hứng khởi để theo đuổi từ công đoạn đầu đến công đoạn cuối....
Nhân giống hữu tính
NHÂN GIỐNG VÔ TÍNH
Trồng Hồng theo phương pháp nhân giống vô tính là tạo cây Hồng con bằng nhiều cách: chiết cành, ghép cành hoặc giâm cành. Phương pháp này tuy có tốn thời gian và công sức, nhưng được điều lợi là cây con mang những đặc tính tốt y như cây mẹ vậy. Điều này đã đem lại sự hài lòng rất lớn đối với nghệ nhân chơi cây kiếng, và Ông bà mình cũng đã biết áp dụng từ lâu.Cách chiết cành
Chiết có nghĩa là bẻ gãy. Chiết cành là phương pháp tách rời cành ra khỏi cây hoa Hồng mẹ để tạo ra một cây mới. Công việc chiết cành rất dễ, nhưng phải áp dụng đúng kỹ thuật mới thành công.Cách chiết cành
1/ Cách giản dị nhất, đỡ tốn công nhất là chọn một cành dài vừa ý gần sát gốc, lấy đoạn cuối cành có chiều dài khoảng 20 phân, cắt ra một khanh vỏ dài chừng 2 phân. Điều cần là phải cạo cho sạch hết lớp vỏ này thì đoạn chiết mới ra rễ. Việc kế tiếp là uốn cong cành xuống, sao cho nơi bị tróc vỏ tiếp giáp sát mặt đất (nếu chôn vùi xuống đất lại càng hay), đắp đất phủ lên trên, rồi dùng que tre cắm xuống đất gài qua lại để giữ chặt cho cành Hồng nằm yên đúng vị trí như vậy... Nếu chiết vào mùa mưa thì khỏi tưới, nhưng nếu gặp lúc nắng hạn thì mỗi ngày nên tưới vào ụ đất chiết đó một vài lần để đất được ẩm giúp cây mau ra rễ. Chiết theo cách này chỉ độ ba tuần là chỗ chiết đã ra rễ, cắt rời cành trồng được. Tốt nhất là sau 2 tuần tính từ ngày bóc vỏ, ta nên cẩn thận thăm dò xem tình trạng ra rễ của cây ra sao...
2/ Trước hết ta nên chọn một cành to bằng chiếc đũa ăn cơm, không già lắm mà cũng không được non lắm của cây Hồng mẹ mà ta biết chắc là nó có những đặc tính tốt. Cành chiết chỉ cần có độ dài từ 15 cm đến 20 cm là vừa. Cành chiết mà dài quá cây con sau này sẽ cao lêu nghêu, trong khi bộ rễ nó còn yếu không đủ sức nuôi cây.
Ngay chỗ định chiết, ta dùng dao bén bóc rời ra một khanh vỏ rộng 2 phân. Sau đó dùng hỗn hợp đất trộn với phân bò khô ốp quanh nơi vừa bóc vỏ tạo thành bầu chiết to bằng trái cau cho cây ra rễ. Bên ngoài bầu, dùng một miếng ni lông trắng nhỏ quấn quanh bầu chiết sao cho vừa chặt vừa kín là được. Hai đầu bầu chiết phải dùng dây ni lông cột chặt để nước mưa cũng như nước tưới không xâm nhập được vào bên trong. Thế là xong việc.
Nhờ vào sự ủ kín nên bên trong bầu có được độ ẩm cần thiết giúp cây ra rễ nhanh. Khoảng nửa tháng sau khi chiết, ta đã thấy nhiều rễ con màu trắng xuất hiện, nhưng tốt nhất phải chờ thêm một tuần nữa mới dùng dao bén cắt lìa cành chiết ra đem trồng xuống đất hay vào chậu kiểng.
Chiết cành theo cách này hàng ngày không phải tốn công tưới nước vào bầu chiết.
Ta có thể dùng hỗn hợp đất và phân bò bằng rễ cây lục bình cũng được. Rễ cây lục bình cần phải ngâm trong nước sạch trước một ngày cho thật sạch phèn sau đó phơi khô. Trước khi sử dụng thì nhúng nước cho mềm, vắt ráo nước rồi mới bó quanh chỗ cành vừa bóc vỏ. Tất nhiên bên ngoài vẫn dùng miếng ni lông quấn chặt và cột dây hai đầu bầu chiết như trên.
Cây Hồng chiết cành bộ rễ rất yếu, vì vậy sau khi cắt rời khỏi cây mẹ ta nên đặt vào bầu ương (để trong mát, môi trường sống nhiều dinh dưỡng, chăm sóc kỹ) trong vài tuần để bộ rễ được già dặn, rồi mới bứng ra trồng thẳng vào chậu hay ra vườn.
Thời gian đầu, ta nên dùng những que tre chống làm giá đỡ cho cây con đứng vững trước sức càn lướt của mưa gió.
Sau hai tháng tính từ ngày chiết, cây Hồng con bắt đầu nở hoa. Ta nên nuôi những mầm mới để cây có bộ tán mạnh hơn, vì cây Hồng chiết thường sinh trưởng yếu, và kém... tuổi thọ, do bộ rễ yếu.
Phương pháp chiết cành
Cách ghép
Hồng có cây ra hoa đẹp, có cây ra hoa xấu. Với cây ra hoa đẹp, nhà vườn dùng dao bén có mũi nhọn để tách rời chồi non, mắt ghép, hay một đoạn cành, đoạn thân non, đem ghép vào cây ra hoa xấu nhưng có thân khỏe. Nếu ghép thành công thì chồi, mắt ghép... của cây hoa đẹp sẽ là những cành mới của cây hoa xấu, nhận gốc của cây ra hoa xấu sẽ là gốc của mình vì khi việc ghép mắt hay ghép chồi thành công thì dần dần các thân nhánh của cây hoa xấu sẽ được cắt bỏ hết, để gốc ghép dồn sức nuôi những mắt ghép mới mà thôi.Với cây hoa Hồng có nhiều cách ghép : ghép mắt, ghép áp, ghép nêm, ghép xuyên thân.
1/ Ghép mắt : Muốn thực hiện việc ghép mắt thì ta phải dùng một cây Hồng khỏe mạnh làm gốc ghép, và tách mắt ghép từ cây Hồng mẹ, tức là cây Hồng giống tốt, hoa đạt tiêu chuẩn.
Ghép mắt cây hoa hồng
Thường thì các nhà vườn dùng cây Hồng dại làm gốc ghép, vì giống này sinh trưởng tốt, cây sống lâu năm lại sai hoa. Muốn tạo gốc ghép không có gì tốt hơn là cắt cành Hồng dại ra từng khúc có chiều dài khoảng 20 cm (lựa những cành to hơn chiếc đũa ăn cơm một chút và không già quá, cũng không được non quá), sau đó đem giâm vào vườn ương, hoặc vào chậu kiểng cũng được. Sau hai tháng, chúng ra rễ và đâm tược. Cây ở vào tuổi này đã sẵn sàng làm gốc ghép.
- Mắt ghép : Mắt ghép được tách ra từ nách lá của cây Hồng mẹ. Nên làm việc này từ lúc sáng sớm hoặc xế chiều, khi khí trời mát mẻ. Và hễ tách mắt ghép ra là phải đem ghép ngay vào gốc ghép mới tốt.
Muốn tách mắt ghép ra khỏi cây mẹ, ta nên dùng dao bén nhọn xắn ra. Nên chọn những mắt nào đã lộ chồi non, khi chồi sống sẽ có lực mà phát triển mạnh. Một cành Hồng mẹ có thể tách ra được từ vài ba đến năm bảy mắt ghép...
- Cách ghép : Chọn một nơi trên gốc ghép để ghép mắt, dùng mũi dao nhọn rạch hình chữ T có bề cạnh cỡ 1 cm ở ngoài lớp vỏ. Kế đó là tách hai mép vỏ rộng ra để nhét vừa vặn mắt ghép vào. Xin lưu ý mắt ghép khi tách ra khỏi cây Hồng mẹ, nên gọt lớp vỏ chung quanh mầm chồi theo hình tam giác, và bề cạnh cũng cỡ 1 cm. Điều cần là phải tách bỏ những thớ gỗ, nếu còn dính vào mắt, và cố gìn giữ đừng để cho mắt ghép bị giập. Lúc ghép cần đặt chồi hướng lên trên.
Sau khi đặt gọn mắt ghép vào gốc ghép, ta dùng dây ni lông cột chặt lại chiều vòng (trừ phần mắt ghép ra) để tránh nước mưa cũng như nước tưới xâm phạm vào. Độ nửa tháng sau đó, ta mở dây cột, nếu thấy mắt ghép xanh tươi là nó đã sống. Trong trường hợp này, nơi ghép đã được liền lặn vì nhựa cây đã bít kín, cho nên từ đó ta yên tâm tưới nước vào chỗ ghép.
Hình ảnh ghép thực tế
2/ Ghép áp : Ghép áp là áp hai cành Hồng của 2 cây khác nhau, để rồi cuối cùng cây có gốc khỏe mạnh sẽ nuôi cành của cây cho hoa đẹp. Muốn thực hiện, trước tiên ta đặt hai chậu Hồng gần sát nhau. Một cây rất sung sức nhưng hoa xấu, còn cây kia có hoa đẹp và là giống quí. Nên chọn mỗi cây một cành có kích thước như nhau (hay gần bằng nhau) cho chúng kề sát nhau. Ngay đoạn chúng có thể cọ xát nhau, ta dùng dao bén cạo sạch vỏ rồi áp chặt chúng vào nhau. Việc làm tiếp theo là dùng dây ni lông cột chặt chỗ áp sát đó. Xong, ta cắt bỏ phần ngọn của cây có hoa xấu để cho nó dồn sức nuôi cành mới. Độ ba tuần sau ta cắt rời thân cây có hoa đẹp, chỉ chừa lại đoạn cành ghép mà thôi. Thế là gốc Hồng ra hoa xấu trước đây, bây giờ đã có hoa đẹp.
Phương pháp ghép áp cây hoa hồng
3/ Ghép nêm : Dùng cây Hồng dại khỏe mạnh, nhưng hoa không đạt tiêu chuẩn để làm gốc ghép. Còn cành ghép được lấy từ cây Hồng mẹ có hoa to và sai hoa. Điều cần là hai đoạn cành nầy phải to ngang nhau. Việc ghép nêm tiến hành những bước như sau:
- Chọn cành gốc ghép rồi tuốt hết lá, cắt bỏ phần ngọn còn non, rồi dùng dao bén vạt sâu vào theo hình chữ V.
- Cách dùng để ghép được vạt hình lưỡi búa.
- Sau cùng đút đầu nhọn của lưỡi búa lọt khít vào hình chữ V của gốc ghép là được. Bên ngoài, dùng dây ni lông cột chặt lại để giữ yên chỗ nối. Khoảng ba tuần sau chỗ ghép nêm sẽ liền lặn với nhau, và từ đó cây gốc ghép sẽ nuôi cành có hoa đẹp.
Điều yêu cầu là phải “gọt đẽo” cho khéo tay để chỗ ghép vừa khít khao. Và sau đó phải cột cách nào để giữ cho mối ghép không bị nhúc nhích mới liền lặn được.
Phương pháp ghép nêm cây hoa hồng
Hình ảnh thực tế
4/ Ghép xuyên thân : Đặt hai chậu Hồng một cho hoa xấu nhưng sung sức, và một cho hoa đẹp gần nhau, rồi chọn hai cành có độ lớn bằng nhau. Bên cành Hồng hoa xấu (làm gốc ghép); chọn một chỗ định ghép, rồi dùng dao lưỡi mỏng, có mũi nhọn đâm xuyên thủng ngay giữa lõi gỗ. Còn bên cành Hồng cho hoa đẹp định làm cành ghép phải trảy bỏ hết lá rồi chọn nơi định ghép để vạt bỏ một đoạn vỏ chừng 0,5cm dọc hai bên cành. Sau đó, xỏ cành ghép xuyên qua thân cành gốc ghép, sao cho chỗ vạt vỏ nằm gọn trong thân của cành gốc ghép.
Việc sau cùng là dùng dây ni lông cột chặt và kín chỗ ghép đó. Độ ba tuần sau, tháo dây mà thấy chỗ ghép liền vỏ là coi như thành công. Công việc cuối cùng là cắt rời đoạn cành ghép rời khỏi cây hoa đẹp, để nó sống nhờ vào cây Hồng làm gốc ghép...
Tóm lại, trong bốn cách ghép mà chúng tôi vừa trình bày thì chỉ có ghép mắt là được thông dụng nhất, vì dễ ghép và ít có trường hợp bị xui rủi.
Cách giâm cành
Giâm cành cũng là một cách nhân giống vô tính đối với cây hoa Hồng. Tất nhiên, cành được đem giâm phải là cành của cây Hồng mẹ có những đặc tính thật tốt như siêng hoa, và hoa đạt chất lượng đến mức quí ai cũng muốn chọn trồng. Thế nhưng, không phải giống Hồng nào cũng có khả năng giâm cành thành công mỹ mãn được. Có giống cắt cành đem giâm dù trong môi trường tốt nhất cũng không bao giờ ra rễ. Nó có thể sống một thời gian ngắn, cũng nẩy chồi xanh tươi như những cành giâm khác, nhưng khi phần nhựa tích chứa ít ỏi bên trong cành bị cạn kiệt thì “cây” tự động chết. Nếu nhổ lên ta sẽ không tìm thấy một cọng rễ nào !Vì vậy cây Hồng giống để lấy cành giâm phải thuộc giống Hồng có khả năng giâm cành ra rễ được.
Giâm cành có nghĩa là dùng một khúc cành của cây Hồng mẹ khỏe mạnh (lựa khúc không già quá và cũng không non quá) có chiều dài khoảng 15 phân và không cần to (chỉ bằng chiếc đũa ăn cơm là vừa). Như vậy, một cành của cây Hồng mẹ có thể cắt ra được nhiều khúc làm hom giống. Nên cắt khúc với dao mỏng lưỡi và thật bén, vết cắt cho ngọt mới tránh bị giập, vì vết cắt bị giập thì dễ bị hư thúi.
Sau khi làm liếp ương đâu vào đó, bón phân tưới nước đủ ẩm là có thể thực hiện việc giâm cành. Khoảng cách giữa hai hom giống từ 10 cm đến 15 cm là vừa.
Nếu muốn, ta có thể chấm đầu “gốc” cành giâm vào thuốc kích thích ra rễ như Atonic, Boutormone... có bán trên thị trường, trước khi cắm xuống đất.
Kỹ thuật cắm hom giống là dùng một cái que bằng chiếc đũa thọc sâu xuống đất độ 2 cm rồi mới cắm hom giống vào lỗ đó. Trồng sâu hơn khó ra rễ. Hom có thể trồng thẳng hoặc trồng nghiêng đều được.
Việc giâm cành nếu thực hiện trong mùa mưa rất tốt, vì đỡ công tưới. Nhưng, nếu giâm trong mùa nắng thì phải siêng tưới để giữ ẩm thường xuyên cho đất, và tưới theo cách phun sương với tia nước thật nhỏ mới tốt. Trong mùa nắng nên giâm cành vào chỗ rợp, có bóng râm, nếu không bên trên phải làm giàn che.
Chỉ khi nào cành giâm đã ra rễ khá dài, cây đã đủ sức tự nuôi sống được như những cây bình thường khác thì lúc đó mới cho nó tiếp xúc dần với ánh nắng trước ít sau nhiều ...
Cách giâm cành
Tác giả bài viết
Lâm Thị Mỹ Nương
Bài viết liên quan
-
Tìm hiểu thêm tại 📂 chuyên đề trồng và chăm sóc cây hoa hồng để biết rộng hơn ◕‿◕
Chuyên mục này chuyên về chủ đề trồng cây hoa hồng, từ kỹ thuật nông nghiệp như cắt ghép cành, giâm cành hồng, chăm sóc cây hoa hồng và chống sâu bệnh cho cây hoa hồng đến các chủ đề thu hoạch và sử dụng cây hoa hồng.
-
Có phải hoa hồng là cây trái tính trái nết? - Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương
Ở bài viết này, Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương sẽ chỉ cho chúng ta một vài điều kiện tiên quyết cần phải đạt được để có thể trồng được những cây hoa hồng đẹp.
-
Loại đất nào hợp với cây Hồng - Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương
Cây hoa Hồng không quá là kén đất trồng, nhưng để hoa Hồng phát triển tốt, thì đất để trồng hoa cũng cần đạt được một số yêu cầu tối thiểu dưới đây.
-
Ghé thăm gian hàng chuyên về nghề trồng trọt các loại ❤️❤️❤️
Cung cấp công cụ trồng trọt chuyên nghiệp hiệu năng cao
-
Kỹ thuật trồng hoa hồng - Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương
Cây hoa Hồng cho Hoa với màu sắc vừa đẹp vừa sang, lại tỏa hương thơm dễ chịu nên ai cũng thích ngắm, thích trồng chúng. Vậy nên hay tham khảo kỹ thuật trồng hoa hồng của Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương để có thể trồng cây hoa Hồng ngay tại nhà nhé.
-
Trồng hoa hồng cần tưới nước - Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương
Hoa Hồng là cây chịu nắng, trồng vào nơi có nắng nhiều thì cây sống khỏe và sắc hoa càng tươi hơn, tuy nhiên cũng cần phải để ý tưới nước cho cây đầy đủ để cây phát triển khỏe mạnh.