Công Cụ Tốt

Nội dung

Kỹ thuật trồng cây hành tây - Giáo sư Đường Hồng Dật

Đăng lúc: Thứ hai - 27/11/2023 14:03, Cập nhật 27/11/2023 14:03

Kỹ thuật trồng cây hành tây đã được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Kỹ thuật trồng cây hành tây đã được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Đặc điểm sinh học

Cây hành tây có dò (củ) to hơn hành ta. Củ có hình cầu dẹt, ngoài có vảy màu đỏ nâu.
Lá hình trụ rỗng, dài 25-50 cm, đường kính 1,0-1,5 cm.
Khi cây hành tây mang hoa có thể cao tới 1 m, rỗng. Hoa tự, hình tán. Hoa tụ thành hình cầu màu hơi hồng hay hơi trắng. Quả khô trong chứa nhiều hạt dẹt, màu đen.
- Trong củ hành tây có chứa phitônxit, một chất kháng sinh mạnh. Hành tây được sử dụng làm gia vị, ngoài ra còn được dùng để chữa ho, trừ đờm, ra mồ hôi, lợi tiểu tiện, đắp mụn nhọt.
Hành tây là loại rau cao cấp được sử dụng nhiều ở các thành phố và các khu công nghiệp lớn, các khu du lịch. Hành tây còn là mặt hàng xuất khẩu.
Hạt hành tây có thể nảy mầm ở nhiệt độ 4-5°C, nhưng thích hợp nhất là 18-20°C. Để phát triển thân lá cần nhiệt độ cao hơn, vào khoảng 20-23°C. Khi củ hình thành, biên độ nhiệt độ ngày đêm chênh nhau 5-7°C. Ban ngày 23-25°C, ban đêm 18-20°C có tác dụng kích thích củ phát triển nhanh, ngoài ra còn thúc đẩy quá trình đồng hoá, tích luỹ các chất dinh dưỡng trong củ, nhất là hàm lượng đường tổng số và vitamin C.
Hành tây ưa ánh sáng ngày dài. Độ dài ánh sáng ngày thích hợp là 12-14 giờ. Giai đoạn hình thành và phát triển củ ánh sáng ngày dài có tác dụng nhiều hơn ở giai đoạn sinh trưởng thân lá.
Hành tây không chịu được úng, song nếu đất khô hạn thì năng suất cũng bị giảm và chất lượng củ không cao. Độ ẩm cần thiết cho giai đoạn cây con và củ đang lớn là 80-85%, lúc củ già là 70%.
Do bộ rễ kém phát triển, nên đất trồng hành tây phải tơi, xốp, pha cát, giàu dinh dưỡng. Độ pH đất là 6,0-6,5.

Kỹ thuật trồng

- Giống: Các giống hành tây trồng ở nước ta đều phải nhập - hạt giống từ nước ngoài và là các giống lai F₁. Có 2 giống chính:
• Granex: Thời gian sinh trưởng là 110-120 ngày. Củ dẹt, màu vàng nhạt. Năng suất cao, bình quân là 30-35 tấn/ha củ.
• Grano: Thời gian sinh trưởng cũng là 110-120 ngày. Củ tròn, màu vàng đậm. Năng suất thấp hơn so với granex trung bình chỉ đạt 25-27 tấn/ha.
Ngoài ra, ở các tỉnh miền núi phía Bắc, nông dân còn trồng giống hành tím của Trung Quốc. Tại Đà Lạt, người ta trồng giống hành đỏ Red Creole. Các giống này năng suất không cao, nhưng dễ trồng và có thể để giống tại chỗ.
- Thời vụ: Ở các tỉnh phía Bắc gieo hạt từ 25/8 đến 15/9. Trồng trong thời gian từ 20/9 đến 5/11. Thu hoạch trong các tháng 1-2.
Ở các tỉnh ven biển miền Trung, thời vụ trồng rộng hơn: gieo hạt từ cuối tháng 3 đến đầu tháng 4. Thu hoạch trong các tháng 8-9. Đó là vụ nghịch. Ở vụ chính hạt được gieo trong các tháng 9-10. Thu hoạch vào các tháng 1-2.
- Vườn ươm: Đất làm vườn ươm cần chọn nơi cao thoáng, dễ thoát nước. Đất cần làm kỹ, lên luống cao, rộng 1,2m. Mỗi m² gieo 3-4g hạt. Lượng hạt giống cần để trồng 1 hecta là 2,5 - 3,0 kg.
Sau khi gieo xong, dùng rơm rạ băm nhỏ rắc lên trên và tưới đều. Sau 7-12 ngày hạt nảy mầm. Lúc này cần tưới hàng ngày với lượng nước đã thấm đất. Khi cây cao 3-5 cm, bóc dần lớp rơm rạ phủ luống. Tỉa bỏ bớt những cây yếu, cây xấu.
- Trồng, chăm sóc: Trồng cây con đúng tuổi. Khi cây được 45-60 ngày tuổi, có 5-6 lá thật mới nhỏ trồng. Trồng sớm, hành mau bén rễ và sớm cho thu hoạch, nhưng củ nhiều nước, hàm lượng nước trong củ trên 90%, củ dễ hỏng, không bảo quản được lâu, không đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Kỹ thuật trồng hành tây
Sau khi làm đất, lên luống rộng 1,2 m, rãnh 0,3m. Trồng 4 hàng dọc trên luống khoảng cách giữa các hàng là 20 cm, khoảng cách giữa các cây trên hàng là 15 cm. Mật độ trồng là 160.000 - 170.000 cây/ha.
Lượng phân bón tính cho 1 ha trồng hành tây là: phân chuồng 15-20 tấn + phân đạm urê 180-200 kg + supe lân 400 kg + sunphát kali 200 kg. Phân chuồng, vôi bột (khi đất chua) và phân lân bón lót toàn bộ cùng với 1/3 lượng phân đạm và kali. Lượng phân còn lại chia làm 3-4 lần bón thúc cho hành. Tuỳ theo chất đất, lượng phân bón và kali có thể tăng hơn nhưng phân đạm không nên bón quá 100 N/ha.
- Phòng trừ sâu bệnh: Hành tây thường bị bệnh mốc sương do nấm Peronospora sp. và bệnh thối củ do nấm Botrytis và vi khuẩn Erwinia gây hại. Cách phòng trừ là vệ sinh đồng ruộng. Không bón đạm quá nhiều. Không để ruộng bị úng nước. Lúc bệnh xuất hiện nhiều
dùng thuốc bảo vệ thực vật để ngăn ngừa theo hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật.
- Thu hoạch: Lúc lá hành chuyển màu vàng là lúc tiến hành thu hoạch. Chỉ nên thu hoạch vào ngày khô ráo. Nhổ cả củ, giũ sạch đất sau đó xếp vào sọt, thúng một cách nhẹ nhàng. Vận chuyển cẩn thận về nơi bảo quản. Bảo quản nơi thoáng mát, để trên giàn như đối với khoai tây.

Bài viết liên quan