Công Cụ Tốt

Nội dung

Kỹ thuật trồng cây đậu vàng (đậu cô bơ) - Giáo sư Đường Hồng Dật

Đăng lúc: Thứ sáu - 24/11/2023 15:44, Cập nhật 24/11/2023 15:44

Kỹ thuật trồng cây đậu vàng (đậu cô bơ) đã được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Kỹ thuật trồng cây đậu vàng (đậu cô bơ) đã được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Có 2 nhóm:
- Đậu vàng còn gọi là đậu bóng, quả màu vàng chanh, bóng, hạt đen, cây lùn không leo. Trồng để ăn quả xanh.
Đậu cô ve lùn, còn gọi là đậu xanh. Quả màu xanh, hạt nâu, cây lùn không leo. Ăn quả xanh. Có thể để già ăn hạt. Quả ăn không ngon bằng đậu vàng. Tính chống chịu khá hơn đậu vàng.
Đậu vàng, đậu cô ve lùn đều thuộc nhóm đậu lùn. Cây có dạng bụi, cao 30-40cm. Cây có khả năng tạo nhánh ở mức trung bình. Thân mảnh, có lóng, có thể vươn dài như một dây leo. Trong trường hợp vươn dài, năng suất bị giảm rõ rệt.

Đặc tính sinh học

Nhiệt độ thích hợp để sinh trưởng là 12-20°C. Vì vậy, chỉ trồng ở vụ đông xuân mới có năng suất cao. Tuy nhiên, đậu vàng không chịu được giá lạnh dưới 10°C.
Đậu vàng thuộc loại ưa ngày ngắn. Thời gian chiếu sáng 8- 10 giờ/ngày là thích hợp.
Đậu vàng có bộ rễ ăn nông, lại ít rễ phụ. Do đó chúng yêu cầu đất luôn được giữ ẩm. Độ ẩm đất 65% là thích hợp. Vượt quá 80% cây dễ bị bệnh. Thời kỳ ra hoa cần ẩm nhiều.
Độ ẩm không khí thấp có thể gây ra hiện tượng rụng hoa, rụng quả và nhiều quả có hình dáng khác thường làm mất giá trị thương phẩm.
Đậu vàng ửa các loại đất nhẹ, có độ phì nhiêu cao. Đất cần tơi xốp, dễ thoát nước.

Kỹ thuật gieo trồng

- Thời vụ: Có 3 vụ gieo trồng:
Vụ sớm, gieo từ tháng 8 đến tháng 9.
Vụ chính, gieo từ tháng 9 đến hết tháng 11.
Vụ muộn, gieo từ tháng 12 đến hết tháng 1 năm sau.
- Làm đất, bón lót, gieo hạt: Đất cần được làm kỹ, đập nhỏ để đậu bén rễ nhanh.
Luống có bề mặt rộng 0,9-1,0m. Vụ sớm cần chú ý lên luống cao và dốc để dễ thoát nước.
Bón lót cho 1 ha đậu vàng trồng thuần cần:Các loại phân lân và kali được trộn ủ với phân chuồng trước khi bón. Riêng phân đạm lúc trồng đậu mới trộn lẫn với phân chuồng hoai để bón hoặc rắc lên bề mặt rạch rồi đảo sau. Phân lót được bón theo rạch. Dùng cuốc rạch thành từng hàng trên luống, sâu 10-12cm lấp đất phủ kín phân rồi tra hạt lên trên.
Hàng được rạch cách nhau 30-40 cm. Cây trên hàng cách nhau 10-15cm. Hạt được đặt vào các hốc, mỗi hốc tra 2-3 hạt. Tra xong lấy tay xoa đất lấp kín hạt. Mỗi hecta gieo 80 kg hạt giống.
Đậu vàng có thể trồng xen với su hào, cải bắp. Đậu được trồng xen vào hai bên mép luống, ở khoảng giữa 2 cây cải bắp hoặc su hào. Đối với cải bắp tra 2 hốc ở giữa 2 cây, với su hào tra 1 hốc. Lượng hạt giống đậu gieo xen cho 1 hecta là 20-30kg.
- Chăm sóc: Sau khi gieo hạt không nên tưới nước đẫm làm hạt hút no nước quá mạnh, trương lên làm rách vỏ áo, hạt dễ bị trẫm. Tốt nhất là trước khi gieo nên tưới nước láng qua trên mặt
luống nếu đất bị khô để đảm bảo độ ẩm cho hạt, sau đó mới gieo hạt. Trường hợp sờ đất thấy mát tay thì không cần tưới nước lên luống.
Khi đậu có 2-3 lá thật thì nạo cỏ, xới đất và vun nhẹ vào gốc.
Khi đậu cao 20 cm thì xới mặt luống, thu nhặt cỏ và vun cao gốc cho đậu.
Sau mỗi trận mưa, mặt luống bị đóng váng, nhất thiết phải xới xáo lại, nhưng cần đợi khô đất mới được tiến hành xới. Nếu xới khi đất còn ướt có thể làm thương tổn rễ và gốc cây, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm và vi khuẩn xâm nhập vào cây gây bệnh. Đặc biệt là bệnh chết vàng. Cây đậu có lá vàng rực, úa rồi chết.
Bón thúc cho đậu vàng được tiến hành 3 lần:Hai lần sau bón thúc phân đậm hơn. Phân dùng để bón thúc là phân đạm. Dùng 60 kg urê bón cho 1 ha tính cho cả 3 lần. Có
thể thay phân đạm bằng 7-8 tấn phân ngâm để bón thúc.

Kỹ thuật gieo trồng đậu vàng
- Phòng trừ sâu bệnh: Đậu vàng thường bị nhiều loại sâu bệnh gây hại. Sâu hại có:
Sâu xám cắn ngang cây khi cây còn nhỏ.
Sâu ăn lá ăn gặm các phiến lá. Có nhiều loại sâu ăn lá, trong số đáng chú ý có: sâu khoang (Spodoptera litura), sâu xanh (Helicoverpa armigera), bọ rùa ăn lá (Ephilachua sp.) Sâu đục quả (Maruca testulalis) Rệp muội đen (Aphis craccivora) Sâu ban miệu to (Epicauta sp.)
Bệnh hại có:
Gĩ sắt (nấm Uromyces appendiculatus lev.)
Thán thư (nấm Colletrichum Lindemuthianum Bri. et Car.
Thối ướt quả (vi khuẩn Pseudomonas malvacearum E.F.Sm.
Biện pháp phòng trừ: Áp dụng tổng hợp bảo vệ cây đậu.
Tiến hành thường xuyên kiểm tra phát hiện sâu bệnh.
• Làm đất kỹ trước khi lên luống và gieo hạt.
• Vệ sinh đồng ruộng. Dọn sạch tàn dư cây trên ruộng.
• Lựa chọn, loại bỏ hạt bị bệnh trước khi gieo giống.
• Khi sâu bệnh xuất hiện với mật độ cao và có tốc độ lây lan nhanh cần tiến hành phun thuốc phòng trừ.
- Thu hoạch và để giống: Sau khi gieo 45-60 ngày thì có thể thu hoạch lứa đầu.
Sau khi thu hoạch lần thứ 3 thì nhổ cây làm phân bón.
Nếu chưa cần đến đất ngay thì có thể để thêm lứa đậu nhánh bằng cách xới xáo thật kỹ, nhặt cỏ, để phơi đất và xới 2-3 ngày. Sau đó bón thúc thêm 1 lần phân bằng phân chuồng có trộn thêm đạm và kali, ngâm ủ kỹ. Sau 1/2 tháng đậu lại ra hoa và cho ra đậu nhánh. Năng suất đậu vàng bình thường cho thu hoạch từ 6 đến 10 tấn/ha.
Muốn để giống đậu vàng, cần chọn những ruộng tốt, không bị sâu bệnh hại ở vụ chính. Chọn lấy những quả lứa đầu làm giống, hái sớm những quả lứa sau để tập trung chất dinh dưỡng nuôi các quả để giống.
Khi quả giống đã già, hái về để nguyên cả vỏ phơi thật khô. Trước khi phơi chọn kỹ để loại quả xấu, quả dị hình, quả bị sâu bệnh v.v... Sau khi phơi khô, bóc lấy hạt. Hạt được rải lên nong nia phơi thêm 1-2 nắng nhẹ nữa cho hạt thật khô rồi đem bảo quản nơi thoáng mát để đến vụ sau.

Bài viết liên quan