Công Cụ Tốt

Nội dung

Kỹ thuật trồng cây bầu - Giáo sư Đường Hồng Dật

Đăng lúc: Thứ tư - 22/11/2023 17:15, Cập nhật 22/11/2023 17:15

Kỹ thuật trồng cây bầu đã được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Kỹ thuật trồng cây bầu đã được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Đặc điểm thực vật

Là loại cây dây leo. Thân mềm có phủ lông. Tua cuốn chẻ 2. Phiến lá to, hình tim rộng, cuống lá có 2 tuyến ở đầu. Kích thước lá 10-35 cm đường kính. Phiến lá không xẻ thùng hoặc xẻ thùng nông. Mép lá có khía răng. Mặt lá có lông.
Quả có hình dạng rất thay đổi: tròn, dài, thắt eo như bầu rượu. Mặt quả có lông, vỏ màu lục nhạt hay xanh đậm. Có loại vỏ quả có đốm trắng trông giống như sao (Bầu sao). Khi già vỏ ngoài quả hoá gỗ. Hạt dẹt và nhiều.
Bầu được trồng khắp nơi trong nông thôn nước ta. Bầu ra hoa vào mùa đông và mùa xuân.
Quả non dùng để nấu canh hay luộc ăn, quả bầu có thể phơi khô như măng khô để dành, dùng nấu ăn. Vỏ quá già có thể dùng làm bầu đựng nước hoặc làm nhạc cụ (đàn bầu). Các bộ phận của cây bầu có thể dùng làm thuốc.
Theo Đông y quả bầu có vị ngọt, tính hơi lạnh, có tác dụng trị tâm nhiệt phiền phát, hoạt tràng, lợi tiểu tiện, chữa bệnh tiêu khát uống nhiều, đái tháo, và máu nóng sinh mụn lở.
Lá bầu vị ngọt, tính bình, có thể làm thức ăn.
Tua cuốn và hoa bầu có tác dụng giải thải độc. Nấu tắm cho trẻ để phòng ngừa các bệnh đậu, sởi, lở ngứa.
Hạt bầu dùng chữa lợi răng sưng đau, răng lung lay, tụt lợi chân răng lộ ra.

Kỹ thuật trồng bầu

Trong nhân dân thường trồng 2 loại hình bầu: Bầu nậm và bầu sao.
Thời vụ gieo trồng bầu là tháng 10 đến tháng 12. Bầu cho thu hoạch vào tháng 4 và 5.
Trong vườn nhà, nhằm mục đích tự túc rau ăn trong gia đình chỉ cần đào 1-2 hốc ở góc vườn để trồng. Trước khi gieo hạt cần bón phân lót vào hốc. Mỗi hốc bón 10-15 kg phân chuồng loại mục trộn với 100 g supe lân. Sau khi cho phân vào hốc, lấp đất lên trên rồi gieo lên trên lớp đất mỗi hốc 4 - 5 hạt bầu. Khi cây mọc lên tỉa bớt những cây nhỏ yếu, chỉ để lại mỗi hốc 2 cây.
Cũng có thể gieo hạt bầu ở vườn ươm để tiện chăm sóc và chống rét cho cây con. Khi cây có 4-6 lá thật thì đánh bầu đem ra trồng vào hốc đã chuẩn bị sẵn như trên.
Sau khi cây mọc cần chú ý tưới đủ nước, giữ cho đất luôn ẩm cho cây con mọc tốt. Khi cây có 1-2 lá thật cần tỉa bớt những cây nhỏ yếu hoặc bị bệnh. Đặc biệt lúc bầu ra hoa, ra quả rộ cần đảm bảo đủ ẩm cho cây. Lúc này cần giữ cho đất có 70- 80% độ ẩm đồng ruộng.
Bộ rễ bầu tuy phát triển nhiều, nhưng lại ăn nông, cho nên phải xới xáo nhiều lần để đất tơi xốp, thoáng, tạo điều kiện thuận lợi cho rễ hoạt động, tăng cường thêm khả năng hút nước và hấp thụ dinh dưỡng của cây.
Sau khi cây bầu có 4-6 lá thật, cần tiến hành vun nhẹ đất vào gốc kết hợp với đất và tưới 1 lượt nước phân pha loãng để cây bốc nhanh. Khi bầu ra hoa, tiến hành vun gốc cao và đắp đất cho bầu. Nếu gặp khô hạn hoặc gió tây có thể dùng rơm rạ, cỏ khô tủ gốc rồi tưới một lượt nước thật đẫm để giữ cho gốc bầu được ẩm lâu.
Cần làm giàn cho bầu leo. Giàn bầu có thể làm trên mặt ao hoặc trước sân nhà. Giàn cao khoảng 2 m, làm thành một mặt bằng trên các cọc chống. Mặt bằng rộng hay hẹp tuỳ số cây được trồng ở các hốc.
Để bầu có thể mọc khoẻ, lâu tàn và cho nhiều quả, trước khi bắt dây bầu cho leo lên giàn, nên bới đất ở gốc đặt dây bầu cho nằm lên mặt đất thành 1 vòng tròn như miệng thúng rồi lấp đất lên. Chú ý không lấp mất ngọn bầu. Trên mặt giàn cần bắt dây ngọn bầu để dây phân bố đều ra các hướng.

Kỹ thuật trồng bầu
Bón thúc cho bầu vào các thời kỳ sau:
- Khi cây có 4-6 lá thật.
- Khi cây có hoa, để cho cây bầu bò lên giàn nhanh.
- Khi ra quả rộ, để quả phát triển nhanh, chống rụng quả nông dân thường hoà loãng nước phân tưới vào gốc cho bầu. Sau khi hoa tàn khoảng 15-20 ngày là có thể hái quả được. Lúc này vỏ quả bầu còn non, nhưng trông quả đã căng da bóng. Nếu muốn cất để dành thì phải để quả già hơn, khi vỏ quả đã hơi cứng, trong vỏ quả đã tích luỹ chất sừng. Lúc đó hái quả xuống thái thành lát, phơi khô, cất vào chum, vại, để ở chỗ khô ráo, dành để ăn dần.
Nếu muốn để làm giống thì chọn các quả ở gốc cây thuộc lứa thứ nhất hoặc lứa thứ hai. Lựa quả to, đẹp, đều, làm quang treo giữ quả trên giàn cho đến khi dây bầu héo, vỏ quả chuyển sang màu vàng. Dùng dao cắt cả cuống mang về phơi tiếp cho thật khô. Sau đó treo vào bếp hoặc chỗ khô ráo, đến mùa lấy hạt đem gieo.

Bài viết liên quan