Điều ba chưa kể

Không ồn ào và náo nhiệt, cũng không phô trương và nồng cháy, tình yêu thương của cha là một thứ gì đó vô cùng thầm lặng mà mạnh mẽ. Đôi khi, đấy là nghiêm túc, sự tỉ mỉ, cẩn thận, dù chưa một lần nói ra nhưng ngày càng thấm nhuần, da diết. Đâu ai hình dung ra được, đằng sau của một người đàn ông trầm tính, khô khan ấy là sự ấm áp và trìu mến chỉ dành cho gia đình, thế nên có bố là một điều thật tuyệt vời.

Tác giả bài viết: Phan Mỹ Linh

Bạn có biết thứ gì được coi là “kết tinh của tình yêu” hay không? Đó chính là bạn đấy!

Mỗi chúng ta được tạo ra, trưởng thành và ra đời đều có cả ba và mẹ. Họ quen nhau, yêu nhau rồi kết hôn, sau đó, bạn được ra đời – đây là quy luật thông thường của đời sống. Bạn mang trong mình giọt máu đào của cả cha lẫn mẹ, trộm từ bố một vài nét ngoại hình, “copy” từ mẹ đôi ba nét tính cách, bạn có ảnh hưởng nhưng lại riêng biệt, không là bản sao của bất kỳ một ai. Vậy tôi thân với mẹ hay là bố hơn?

“Tôi thân với mẹ hơn” – Lý do duy nhất của tôi đơn giản chỉ vì: “Tôi là con gái” còn những điều bên cạnh đó, bây giờ tôi sẽ kể cho bạn nghe từng chút một nhé.

Bố và tôi dường như rất xa lạ.

Theo lời kể của bà ngoại, bố tôi đi làm ở nước ngoài vào những năm 2000, khi ấy tình hình trong nước còn khó khăn mà mọi người trong xóm đều có phong trào đi ”xuất khẩu lao động” và không trùng hợp là có cả bố tôi. Bố tôi sang ấy làm ăn với bác, dự định đến khi làm ăn ổn thỏa rồi mới trở về, còn mẹ tôi vẫn ở Việt Nam chờ bố, đợi bố, cho đến vài năm sau, mẹ cũng sang cùng bố. Tình yêu của bố và mẹ rất đẹp, cũng vô cùng bền vững, bố mẹ tôi đã yêu nhau 7 năm rồi, bố là chàng trai cuối ngõ còn mẹ thì ở đầu ngõ. Vì tiếng sét định mệnh đánh trúng mà họ đã yêu nhau, thương nhau và đến năm 2003, mẹ đã sinh ra tôi và em gái trong sự ngỡ ngàng của bố. Đến tận bây giờ khi kể lại, thi thoảng bố vẫn bảo: “Bố bị lừa là một trai một gái” – bởi chúng tôi được sinh bên Nga, khi ấy người đàn ông ấy chưa có kinh nghiệm làm cha, sự bất đồng ngôn ngữ cũng lớn, thế nên bố tôi cũng chỉ biết chờ đợi cho đến một tuần sau sinh mới được bồng bế chúng tôi trên tay.

Ba tháng hơn sau đó, mẹ mang theo chúng tôi bay về Việt Nam từ đấy tôi cũng không gặp bố nữa. Từ khi có nhận thức đến năm đi học lớp mầm tôi chỉ quanh quẩn bên cạnh ông bà và mẹ, do đó bố đối với tôi là một cái gì đó rất xa lạ hay nói cách khác là biết nhưng không thân thiết. Năm tôi biết đi, biết nói thì mẹ cũng gửi lại chúng tôi cho ông bà và sang với bố, chúng tôi có từng thiếu tình thương từ ba mẹ, tôi có trách, có tủi, có hờn dỗi. Nhưng cho đến khi lớn tôi mới biết cảm giác không nỡ là như thế nào, chắc có lẽ khi ấy bố mẹ tôi cũng từng nhiều lần cảm thấy mỏi mệt mà muốn trở về nhà, đôi khi nhớ gia đình, nhớ con vẫn phải cắn răng mà cố gắng làm lụng. Tôi thiếu vắng đi tình cảm của ba trong suốt những năm đầu hình thành kỳ ức, do vậy nên bố cũng dần trở nên xa lạ.

Tôi và bố dường như không hợp nhau.

Sự cãi vã, bất đồng về suy nghĩ đã đẩy tôi và bố ra ngày càng xa, giữa cả hai như thể có một khoảng cách vô hình ngăn cách, tôi giận vì bố không hiểu mình, còn bố giận vì không dạy bảo được tôi. Cứ như thế, tôi càng ngày càng khắc khẩu với bố, tôi cãi bố nhiều hơn, cũng ngang ngạnh hơn, tôi chưa từng cảm thấy mình vô lý và bướng bỉnh. Có lẽ, năm ấy tôi vừa bước vào ngưỡng tuổi trưởng thành, luôn thích làm theo ý mình nên mới dễ dàng hờn dỗi vô cớ như thế, cũng nhảy cảm mà dễ dàng bộc lộ cá tính của bản thân. Tôi còn nhớ, khi đó tôi học lớp 8, vì trong bữa ăn tôi và bố có cãi nhau vì vấn đề nhỏ, chỉ là tôi muốn bảo vệ ý kiến của mình mà không chịu thua luôn phản bác, lớn tiếng cãi nên trong lúc nóng tính bố đã cho tôi một cái tát. Nó đau và rát đến khó tả, bố mắng: “Im mồm” thực sự giây phút ấy, tôi đã rất tổn thương và đau đơn. Bố tôi tát mạnh tay thật, chỉ sau vài phút tôi đã cảm giác thấy sự tấy và nóng trên mặt, nhìn thoáng qua chiếc gương bên cạnh tôi thấy được năm ngón tay in trọn lên mặt. Thế là hôm đấy tôi đã hiểu “cơm chan nước mắt” là như nào, vừa ăn cơm tôi vừa hậm hực, ấm ức với với đề còn dang dở.

[Lý giải cho điều trên] Mãi khi lớn tôi mới hiểu bố mẹ chẳng bao giờ sai cả, bởi bố mẹ cũng từng sai khi bố mẹ làm thế với ông bà và khi tôi trở thành mẹ tôi sẽ đúng. Việc nuôi dạy con cái vốn dĩ đã không dễ dàng, tuổi phản nghịch của chúng cũng vậy, nên việc thấu hiểu con cái không thể nào một sớm một chiều, bố không dỗ dành tôi bởi bên cạnh tôi đã có mẹ, bố và mẹ đều là một. Bố tôi trầm tính, ít nói, cùng không hay thể hiện tình cảm không có nghĩa bố không yêu, không thương tôi, có lẽ, bố cũng đang học cách làm bố, cách quan tâm của bố khiến cho tôi hiểu lầm, vô tình làm tôi tổn thương, có phải không?

Năm khi tôi vừa tròn 2 tuổi, ngày ấy bố mẹ đều đi xa nhà

Tôi và bố đã từng im lặng suốt một tuần…

Bạn có cho rằng cá tính của tôi rất mạnh hay không? Tôi đã từng giận bố suốt 1 tuần, không nói chuyện hay hé răng bất kỳ một tiếng nào cả chỉ vì bố đã đánh tôi do tôi vô tình nói bậy một tiếng. Trong gia đình tôi có thêm một đứa em trai nhỏ, thằng bé cách tôi tận 9 tuổi và nó đến với thế giới này bằng sự chờ mong của cả nhà, trong đấy có tôi. Đứa em này thực sự rất đáng yêu, đôi mắt to và khuôn miệng luôn trực chờ nụ cười, từ lúc chào đời đến năm 5 tuổi tôi rất yêu thương nó, nhưng bắt đầu đi học thì tôi cảm thấy bản thân mình rất ghét thằng bé. Bởi, tôi có cảm giác thằng bé đã thu hút hết tất cả mọi ánh mắt của mọi người, có cả tình yêu thương của bố mẹ nữa.

Tôi nói: “Bố thiên vị, luôn chăm chăm lo cho nó, cái gì tốt cũng muốn cho nó.”

Mẹ sẽ nói: “Vì em nhỏ hơn, con làm chị phải biết nhường em chứ.”

Tôi không muốn nghe những lời như thế, tôi muốn có sự bù đắp, trong đầu tôi lúc đấy hiện lên muôn ngàn câu hỏi tại sao rằng “Tại sao tôi luôn phải nghe câu như thế?”, “Tại sao lúc nào cũng phải nhường nhịn?”, “ Tại sao em được học cái này còn mình thì không?”… Tôi đã từng rất thích vẽ, thích học thêm một môn nào đó để bản thân mình có thêm một nét riêng nhưng đều bị bác bỏ, còn nhỏ em tôi học từ cái này đến cái kia, học bóng bàn, bơi lội,… có quá bất công hay không. Bố tôi khá nóng tính, nếu nó hư làm bố tức giận, bố hay tét vào mông hoặc mắng nó, chỉ là bố tôi vẫn chiều thằng bé lắm. Nó biết, nên cũng trở nên lì và bướng bỉnh hơn, nó không ngoan với tôi lại thêm chuyện tôi không thích nó, vì vậy ngày hôm ấy tôi đã đánh nó, đánh hai cái rất đau. Ngay lúc ấy, thằng bé gào khóc rất lớn, bố tôi tức giận mắng, tôi cảm thấy thực sự khó nghe nên thay vì im lặng tôi đã trả treo lại. Kết quả, tôi bị ăn đòn. Đấy cũng là trận đòn tôi nhớ nhất  và sự thất vọng của tôi đã bắt đầu được gieo xuống. Sau ngày bị ăn đòn, tôi tự cho mình cái quyền được im lặng và giận dỗi, có lúc tôi buồn bã khóc đến thiếp đi, rồi khi tỉnh dậy không nhấc nổi mắt. Thứ mà tôi muốn hiện tại là tránh mặt được bố càng lâu càng tốt, tôi không muốn nhìn thấy người đã làm mình đau đớn, cứ như thế tôi quyết tâm không có bất kỳ giao tiếp nào với bố cả, bố hỏi tôi sẽ không trả lời, ngược lại tôi sẽ không hỏi bố bất cứ điều gì.

Một tuần trôi qua, điều đã đem tôi với bố quay trở lại như cũ là mẹ. Vừa đi học về, mẹ bảo tôi rằng: Sao con không nói chuyện với bố, giận thì giận thật nhưng mà như thế là hư, là hỗn đấy. Có ai lại làm thế với bố của mình không. Qua vài câu khuyên can từ mẹ, tôi lại xuôi xuôi, lân la qua làm lành với với bố như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Tôi vẫn là trẻ con mà, trẻ con thì sẽ mau hết giận nhưng chỉ một mình tôi biết tôi chắc chắn sẽ chẳng bao giờ quên đi được câu chuyện ngày đó, cùng với bao nỗi ấm ức chưa được xoa dịu.

Khi tớ vừa mới chào đời, bố bế tớ ra ngoài tắm nắng

Thế nhưng bố và tôi cũng khá giống nhau

Việc tôi và bố hay to tiếng với nhau là câu chuyện xảy ra thường xuyên, nó quen thuộc đến độ trở thành một phần trong cuộc sống, có lúc là vì một vấn đề nhỏ, có lúc vì một vấn đề lớn. Bạn biết vì sao không, vì tôi giống bố. Tôi từng nghĩ tôi không thích việc mình giống bố, tôi ghét cái nét tính cách của bố, nhưng một điều không thể phủ nhận là càng ngày tôi càng giống bố, từ nét khó tính khi có chuyện không vừa ý đến gương mặt cau có khi gắt ngủ, thêm nét không thích nói lại muốn người khác phải tự hiểu, tôi gọi đó là “nói ít hiểu nhiều”. Tóm lại, tôi giống bố đến 50% cơ đấy, còn lại tôi mạnh dạn cho mình giống mẹ, mẹ tôi đẹp, mẹ hoàn hảo nên tôi thích giống mẹ hơn.

Như cách gia đình khác, càng lớn thì bố sẽ càng ít quản và lười mắng mỏ hơn, thời điểm tôi lên đại học là bố mẹ hết mắng với đánh đòn rồi. Ngược lại, bố tôi như biến thành một người khác, dịu dàng và tỉ mẩn vô cùng, lắm lúc tôi có cảm giác bố như biến thành mẹ, còn mẹ như biến thành bố vậy. Cuộc sống xa nhà cô đơn và buồn tủi lắm, nhưng mà người hay nhắc nhở và hỏi thăm lại lại bố, mẹ tôi thuộc kiểu người hay hành đồng, mẹ nói nhiều – làm còn nhiều gấp đôi, nên mẹ tôi đa năng cực kỳ. Bố tôi chẳng hay lên thăm tôi một phần là do bố ngại đi, một phần là do chúng tôi tự lập từ bé rồi, mặc dù vậy, chỉ cần nghe tin em tôi ốm hay đi khám thì 6-7h sáng bố đã có mặt ở bệnh viện để đi khám cùng chúng tôi. Bạn có thấy kỳ diệu không?

Nhưng rồi, bố cũng có điểm yếu đuối như cách mà mà mọi người hay nói là bên trong của một người đàn ông khô khan và điềm tĩnh. Đó là lúc em tôi bị ốm nặng, chúng tôi đi hết từ bệnh viện này qua bệnh viện khác, nhận bao nhiêu kết quả xét nghiệm khác nhau, khoảnh khắc ấy như có một cái gì đấy nghẹn lại trong cổ họng tôi, bóp nghẹn lấy trái tim tôi. Tôi quay sang nhìn bố, bố luôn điềm nhiên nói: “không sao đâu, sẽ ổn thôi” – tôi đã cảm thấy có bố thật tốt, ít nhất giây phút này bố ấm áp như một điểm tựa vững chắc. Mãi đến mấy hôm sau, tôi nhận ra mình đã nhầm, người đàn ông ấy không hề bình tĩnh và cứng rắn như vẻ bề ngoài, bác tôi kể lại, tối đấy bố gọi điện cho bác, vừa nói vừa khóc đến nghẹn lại. Hóa ra, người bố mà tôi vẫn thường nghĩ là quy củ, nóng tính, hay nói những lời khó nghe, đôi khi còn mặt nặng mày nhẹ, có vẻ vô tâm, thờ ơ ấy lại là một người dễ dàng rơi nước mắt đến như vậy và hình như tôi cũng hiểu ra bố yêu chúng tôi đến nhường nào. Hóa ra, những điều mà chúng ta vẫn tưởng lại là những điều mà chúng ta chưa từng nghĩ đến, có một câu nói tôi đã từng được nghe: “Có một loại tình thương thầm lặng và nghiêm túc, chưa một lần nói ra nhưng ngày càng thấm nhuần, ngày càng rộng lớn vô biên khó có thể quên được, đó là tình yêu của cha”.

Bố tôi là một người hùng – đầu tiên và duy nhất

Lội ngược lại dòng thời gian khi tôi vẫn còn là một đứa trẻ, một đứa bé hồn nhiên đầy mơ mộng và chưa có từng có một trải nghiệm thực tế nào. Tôi có thể khẳng định, bố là người hùng duy nhất và đầu tiên của tôi. Tại sao lại như vậy!

Đầu tiên bởi, ông ấy là người đã xuất hiện và luôn bên cạnh tôi từ khi chào đời. Người đầu tiên ôm lấy tôi suốt nhiều giờ đồng hồ trong bệnh viện hay giây phút vui mừng đón lấy tôi từ tay bác sĩ. Thay cho tất cả những lời hứa hẹn, bố nắm lấy tay tôi, che chở nắng mưa, sương gió cũng ngần ấy năm rồi, hôn lên má tôi ươm mầm thật nhiều niềm vui, tiếng cười và sự hạnh phúc.

Không giống với mẹ, tất cả những điều mới lạ và độc đáo đều được tôi đều học được từ bố. Cũng khác với trường lớp, bố dạy tôi những điều không tìm thấy trong sách vở. Từ những ngày bắt đầu hành trình khôn lớn, mẹ kể rằng bố luôn phải vất vả, thức khuya dậy sớm giặt tã và nấu cơm, chăm bẵm cho tôi. Ngày chúng tôi được sinh ra, là thai song sinh, lại không gần nội ngoại, nên sự vất vả cứ đè nặng lên đôi vai ấy. Thế nhưng người đàn ông ấy vẫn yêu tôi, như cách ông thấy thương mẹ vậy. Dịu dàng cắt móng chân, móng tay cho tôi, ôn tồn ôm lấy tôi đến vài ba giờ sáng, dù cho thời gian có làm bố mệt mỏi và ủ rũ. Sự cẩn thận, nhẫn nại và kiên trì ấy chỉ có thể tìm thấy được ở người bố của tôi.

Gia đình tôi khi vừa bước sang năm 2023

Bố chính người hùng đầu tiên và duy nhất tồn tại mãi mãi trong lòng tôi. Đối với tôi, bố tựa như một ông bụt bước ra từ những câu chuyện cổ tích. Tuy không có râu bạc tóc phơ, hay phép thuật như mọi người đã kể nhưng bất kỳ lúc nào tôi bế tắc nhất bố đều xuất hiện. Tôi nhớ năm 10 tuổi tôi bắt đầu tập đi xe đạp đến trường, giữa thời tiết nóng nực xe bị nổ lốp, tôi vừa đi vừa khóc, tủi thân vì đi mãi chưa về đến nhà, vừa mệt mỏi vì oi bức vừa tủi do xe hỏng. Nghĩ lại ngày ấy tôi vừa buồn cười, lại vừa thấy thương, nhưng mà điều kỳ diệu đã đến với tôi, điều bất ngờ ấy mang tên ‘bố’. Tôi lê lết đi hết nửa đường thì chợt nghe thấy tiếng gọi và bóng hình quen thuộc của bố, bố hỏi: “Xe bị làm sao”. Câu nói đó vừa đó vừa dứt thì tôi bỗng oà lên khóc. Tôi cũng không hiểu vì sao mình lại khóc to như vậy. Có lẽ giây phút đó, tôi giống như con thú đang bị đuối nước may mắn tìm được điểm tựa vững chắc để bám vào. Chắc thấy tôi bê bết, nhễ nhại mồ hôi, nước mắt nước mũi tèm lem, bố thoáng nhịn cười bảo tôi đạp xe về nhà ăn cơm trước đi, bởi chiều vẫn phải đi học, còn bố thì ở lại sửa xe rồi về sau. Thực ra, tôi cũng hơi lưỡng lự, sau hì hục đạp xe về trước được 10’ thì thấy bố cũng đạp xe về. Thật vi diệu chiếc xe đó đã được sửa rồi. Dường như, tất cả những điều bố tôi muốn nói đều tích lại và thay thế bằng rất nhiều, rất nhiều hành động mà ông ấy đang làm cho tôi.

Lại một lần khác, khi bố mẹ quyết định đưa tôi và em gái sang Nga một thời gian để tiện chăm sóc, tôi đã bị ốm do ngồi máy bay nhiều giờ, đi lại suốt một ngày trời. Sự bận rộn làm một đứa trẻ năm tuổi như tôi bị gục ngã, bố không nghĩ ngợi gì mà bế tôi vào lòng từ sân bay về đến nhà. Giờ nghĩ lại thấy cũng may mà lúc đó tôi nhẹ. Không những thế, mỗi lúc bị mẹ mắng, bố còn đứng cùng phe với tôi nữa. Có những ngày bố rủ bọn tôi “luyện phim” đến 3 giờ sáng, rồi bị mẹ phát hiện. Hôm sau bố liền cho tôi trải nghiệm “cú sốc đầu đời” với bộ phim ma lúc 12 giờ đêm khiến tôi mất ngủ mấy hôm liền.

Vui là thế, nhưng cũng có những lúc chúng tôi mắc sai lầm khiến bố buồn lòng. Ấy vậy, bố vẫn luôn tha thứ bỏ qua lỗi lầm của chúng tôi. Bên cạnh bố, tôi được cảm nhận dư vị của tình thân, vui có, buồn có, hạnh phúc có, mà tủi thân cũng có. Đấy, bố tôi tuyệt vời lắm. Bố tuy không hoàn hảo nhưng luôn là niềm tự hào của chúng tôi. Chỉ cần nghĩ như vậy, tất cả những tủi hờn, ký ức không mấy vui vẻ của ngày xưa ấy đều tan biến trong tôi, tôi yêu bố, thương bố và cần bố, tôi muốn được bố mẹ đồng hành trên mọi nẻo đường trong tương lai. Mỗi ngày tôi càng lớn hơn, trưởng thành hơn cũng là lúc bố mẹ ngày càng già đi, sức khỏe yếu hơn, điều ấy đáng sợ đến mức khiến cho tôi hoang mang và sợ hãi. Có lẽ, thời gian tàn nhẫn sẽ là tác nhân khiến cho bóng lưng của bố mẹ ngày một còng xuống, dấu ấn của năm tháng làm cho khuôn mặt kia hằn thêm nhiều vết văn, thậm chí còn hơn thế nữa, nhưng sau tất cả tôi luôn mong cầu bố mẹ sẽ luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc.

Nguồn tin: Công Cụ Tốt

Người đăng bài viết: Phan Mỹ Linh

Nội dung