Công Cụ Tốt

Nội dung

Kỹ thuật để giống các loài rau khác trồng bằng hạt trong vườn rau dinh dưỡng gia đình - TS. Nguyễn Văn Hoan

Đăng lúc: Thứ tư - 18/10/2023 14:19, Cập nhật 19/10/2023 13:47

So với các loại rau khác, thì loại rau để giống bằng hạt tương đối dễ dàng và có thể lưu trữ giống được lâu hơn. Ở bài viết này, TS. Nguyễn Văn Hoan sẽ chỉ cho chúng ta cách để lưu trữ giống của một số loại rau trồng bằng hạt.

TS. Nguyễn Văn Hoan sẽ chỉ cho chúng ta cách để lưu trữ giống của một số loại rau trồng bằng hạt.

Như danh mục đã nêu ở bảng 1, trong vườn gia đình có tới trên 60 cây rau khác nhau có thể trồng và tạo ra một tập hợp rau có giá trị dinh dưỡng cao. Kỹ thuật trồng trọt của hầu hết các cây rau kể trên đều rất đơn giản, dễ làm. Tuy vậy, nhiều gia đình ở miền Bắc vẫn không trồng được và luôn thiếu rau kể cả số lượng cũng như chủng loại. Nguyên nhân của tình trạng này là:

1. Bà con ta chưa coi việc trồng trong vườn nhà tập đoàn các loài rau là công việc hữu ích, là một mắt xích quan trọng của hệ dinh dưỡng gia đình.

2. Thiếu hiểu biết một cách hệ thống về kỹ thuật trồng trọt, bố trí vườn rau đạt tiêu chuẩn một vườn rau dinh dưỡng.

3. Thiếu giống: bà con muốn trồng nhưng không có giống.


Hai nguyên nhân đầu và một phần nguyên nhân thứ 3 đã được trình bày cách giải quyết như đã nêu. Ở phần này chủ yếu nêu ra cách làm cho bà con nhằm tự túc giống rau, chủ động trong mọi tình huống để xây dựng một vườn rau dinh dưỡng theo ý muốn.

Ngoài các cây rau trồng bằng hạt đã trình bày ở trên còn nhiều cây rau khác cũng được trồng bằng hạt trong Ta cần biết cách để giống. Thông dụng có các vườn nhà. Ta cây như sau:

1. Cây cải canh và cây cải dưa

Có vài giống khác nhau nhưng cách để giống thì như nhau. Vào đầu tháng 9 dương lịch gieo ngay cây con, gieo thật thưa để có cây to mập. Chọn các cây con khoẻ, to, lá dày mang trồng ở một khu biệt lập. Nên trồng 20-25 cây chăm sóc chu đáo đến khi có ngồng thì quan sát kỹ, loại bỏ tất cả các cây ra ngồng sớm, sinh trưởng kém, bị sâu bệnh. Bón thúc phân bắc cho các cây còn lại để cây có ngồng to, nhiều nhánh, nhiều hoa. Chú ý trừ rệp hại lá, hại hoa quả (nếu chúng phát sinh quá nhiều) bằng thuốc hoá học như: Padan 1%, Dipterex 5%. Thu hoạch hạt khi các quả đã vàng sẫm, quả ở phần cuống đã chín (có màu nâu). Dùng kéo cắt lấy các cành quả, cắt bỏ phần quả ở đầu cành, phần còn lại đem phơi khô, đập lấy các hạt chắc phơi tiếp cho thật khô. Loại hạt tốt thường to, chắc đều, có màu đen sẫm hoặc vàng nâu.

* Bảo quản: Cho hạt vào chai thủy tinh nút thật kín, gác gác bếp đến vụ sau mang gieo.

Cây cải canh và cây cải dưa

2. Cây cải cúc

Cây cải cúc lấy hạt để giống cần gieo ở thời vụ sớm tốt nhất, khoảng đầu tháng 10 hàng năm. Gieo hạt để có cây con, nhổ các cây con tốt nhất trồng vào một khu vực với khoảng cách 20x20cm. Khi cây lên cao 15cm cần bấm ngọn thân chính cho cây ra cành, bón thúc thêm phân đạm và kali, tốt nhất là tưới bằng nước giải pha loãng. Trước khi cây ra hoa cần đánh giá lại. Chọn để lại làm giống các cây có nhiều cành, mập, lá dày to, xanh đậm, không bị sâu bệnh, các cây khác cắt bỏ. Bố trí cho cây ra hoa vào giữa tháng 12 để thu hoạch hạt vào 15 ngày đầu tháng 2 sẽ thu được nhiều hạt nhất. Dùng kéo cắt lấy các quả bế (gồm nhiều quả nhỏ được gọi là hạt xếp lại với nhau) phơi thật khô bỏ cả quả bế vào túi polyetylen hàn lại, bảo quản đến vụ gieo sau thì vò các quả bế lấy hạt mang gieo.

Cây cải cúc

3. Cây rau diếp và cây xà lách

Rau diếp để giống rất dễ, thu được nhiều hạt còn xà lách thu được ít hạt hơn. Cây xà lách khi ra hoa cần nhiệt độ thấp nên việc để giống thường tiến hành ở vùng núi cao.
Cả 2 cây đều gieo hạt vào giữa đến cuối tháng 9, trồng vào giữa tháng 10. Làm luống rộng 1m, trồng theo hàng ngang luống, hàng cách hàng 20cm, cây cách cây 15cm. Chăm sóc chu đáo để cây sinh trưởng tốt.

Với rau diếp: chọn các cây to, mập, lá dày, lâu vươn đốt, đốt dày để lại cho ra hoa.

Với xà lách: chọn các cây to, cuốn chặt, không bị sâu bệnh dùng dao sắc cắt bỏ phần đầu bắp để kích thích cây ra hoa.

Bón thúc thêm phân theo cách sau đây:

Ngâm 5 kg phân lân vào nước phân chuồng từ 5-7 ngày, hoà lẫn 50gam kali cho 20 lít nước phân và tưới vào gốc. Cần bố trí sao cho rau diếp và xà lách ra hoa vào đầu tháng 12 sẽ thu được nhiều hạt. Quan sát khi thấy lá đã chuyển sang màu vàng, phần quả bế đã chuyển màu thẫm, rút thử thấy hạt màu đen và có xơ như bông ở phần đầu (đây là các quả thật) thì thu hoạch. Cắt lấy các cành quả, phơi khô vò lấy hạt, phơi tiếp cho hạt thật khô, bỏ vào túi polyetylen hàn lại để bảo quản tới vụ sau.

Cây rau diếp

4. Cây hành hoa

Là cây gia vị có mùi thơm nhất trong số các cây hành được trồng. Hành hoa phải được ra hoa vào thời kỳ rét, thời tiết khô ráo mới cho nhiều hạt (cuối tháng 12, đầu tháng 1). Hạt hành rất nhỏ nên cần gieo hạt ở một khu riêng, chăm sóc chu đáo cho cây con lên cao 10-12cm mới đem đi trồng. Thời vụ tốt nhất để gieo cây con là đầu tháng 10 dương lịch.

Chọn các cây con to, mập, không bị sâu bệnh trồng vào luống đã làm đất kỹ và bón phân lót (tốt nhất là dùng phân chuồng mục hoặc phân bắc hoai). Luống trồng hành lấy hạt làm giống nên làm rộng 50cm, trồng hai hàng dọc luống, hàng cách mép luống 10cm, hàng cách hàng 30cm, cây cách cây 10cm. Định kỳ 10 ngày 1 lần ở tháng đầu tiến tưới thúc bằng nước phân, nước giải pha loãng để hành lên tốt, có nhiều nhánh. Khi thấy cây chớm có ngồng thì tưới thúc bằng phân kali: hoà 50gam kaliclorua và 20 lít nước phân pha loãng, tưới vào gốc cây. Hành hoa thường bị bọ trĩ phá hoại làm tóp đầu lá và lá bị tổn thương ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất hạt. Trừ bọ trĩ bằng thuốc Dipterex 5% phun 2 lần: lần 1 khi cây lên mạnh, lần 2 khi cây bắt đầu có ngồng.

Thu hoạch hạt: Khi hạt già thì thu hoạch ngay, để lâu dễ mất sức nảy mầm, cắt lấy các cụm quả bỏ vào nong nửa đem phơi thật kỹ, vò lấy hạt, phơi lại và bỏ vào túi polyetylen hàn kín, bảo quản ở nơi khô ráo. Nên đóng thành các túi nhỏ rồi bảo quản các túi hạt nhỏ này trong một túi lớn để mỗi lần gieo chỉ lấy ra vài túi nhỏ, sẽ giữ được tỷ lệ nảy mầm của hạt lâu hơn.

Cây hành hóa

5. Cây mùi tầu

Là cây rau gia vị thông dụng trong món ăn rau sống cổ truyền, làm dồi (dồi chó, dồi lợn...), tiết canh (tiết canh lợn, tiết canh chó, tiết canh vịt...). Cây mùi tầu ra hoa vào cuối tháng 9 đầu tháng 10, chùm hoa ra từ nách lá, khi đó cây sinh trưởng chậm lại, lá cứng, mép lá có gai. Khi nách lá cuối cùng ra chồi hoa thì cây ngừng sinh trưởng hoàn toàn. Vì đặc điểm này nên muốn có nhiều hạt mùi tầu tốt cần để một số cây riêng thu hoạch làm giống không nên vừa trồng mùi tầu vừa lấy hạt như cách làm của nhiều gia đình nông dân hiện nay.

Trong số các cây rau hái lá, vào đầu tháng 7 dương lịch chọn ra các cây to, lá dày, sinh trưởng mạnh, đánh trồng vào một luống biệt lập. Bón lót phân chuồng mục giúp cây bén rễ lại nhanh. Tưới thúc 3 - 4 lần cách nhau 10 ngày bằng nước phân để cây ra nhiều lá, các lá này giữ lại không được hái nữa. Khi cây ra chùm hoa đầu tiên tưới thúc một đợt bằng nước phân pha lẫn kali (50 gam vào 20 lít nước phân).

Thu hoạch: Khi chùm hoa đã chuyển sang màu vàng sẫm, chùm quả đã ngả màu nâu là thời kỳ thu hạt. Cắt lấy các chùm quả đem phơi thật khô, bỏ các chùm quả này vào một túi polyetylen dày, dán lại bảo quản đến vụ đem gieo. Dùng dùi đục đập nhẹ các chùm quả cho hạt rơi ra và lấy hạt gieo ngay.

Cây mùi tầu

6. Cây dưa chuột

Dưa chuột là cây thụ phấn chéo, nếu để tạp phấn của cây xấu thì hạt giống kém chất lượng, giống bị thoái hoá nhanh. Cây dưa chuột thu quả lấy hạt làm giống cần

- Sinh trưởng khỏe, nhiều cành

- Nhiều hoa cái

- Quả to, đẹp

- Không bị sâu bệnh.

Ở mỗi cây như trên chọn lấy 6 - 8 hoa cái, dùng một kẹp nhỏ kẹp cánh hoa vào buổi chiều một ngày trước khi hoa cái nở hoặc dùng bao cách ly hoa cái lại. Vào 9 - 10 giờ sáng khi hoa cái nở thì lấy hoa đực của cây này thụ phấn cho cây hoa cái của cây khác. Tuyệt đối không thụ phấn hoa đực hoa cái trên cùng một cây. Một hoa cái thụ phấn bằng 2 - 3 hoa đực. Thụ phấn xong bao cách ly trở lại và dùng thẻ đánh dấu đeo vào cuống hoa cái đã thụ phấn (Hình 7).
Chỉ các quả sinh ra từ các hoa được bao cách ly và thụ phấn nhân tạo mới thu để lấy hạt làm giống.

Thu hoạch: Quả dưa chuột chín có màu vàng đậm, bóp thấy cứng, vỏ hoá gỗ thì thu hoạch lấy hạt, bổ đôi quả, nạo lấy hạt cho vào nước ấm (40°C), ngâm trong 6-8 giờ vớt ra đãi sạch và phơi khô.

Kiểm tra thử: Bóc hạt ra xem nếu thấy hạt có 2 lá mầm màu trắng bấm thấy chắc là đạt yêu cầu. Hạt thu được đem bỏ vào chai, nút thật kín, gác gác bếp để đến vụ mang gieo.

7. Cây cà bát và cà tím lâu niên

Là 2 cây cà thường được trồng rải rác trong vườn gia đình (không trồng tập trung thành vườn). Cà bát được dùng để bung, muối xổi, nén dưa, là loại thức ăn thông dụng trong gia đình, cây cà tím lâu niên có vài ba giống, nét chung là cây cà sống được nhiều năm, vào mùa đông cây sinh trưởng yếu, mùa xuân cây lên lại và cho quả kéo dài suốt mùa xuân, mùa hạ và mùa thu. Quả cà có màu tím đặc trưng nên được gọi là cà tím lâu niên, để phân biệt với các giống cà tím khác chỉ trồngvào đầu xuân, cây chết vào đầu mùa hè, cà tím lâu niên được dùng muối sổi, bung, rán, luộc. Là cây rau dự trữ tốt của vườn gia đình trong lúc thời vụ căng thẳng, khi mưa gió. Đây còn là cây trồng chịu hạn, dễ trồng, trồng 1 lần cho thu hoạch nhiều năm, nhưng quả rất ít hạt và bà con thường không chú ý để giống. Chọn các cây cà to khoẻ, nhiều cành, nhiều quả, quả to, ít hạt để giữ quả làm giống. Nên để lại lứa quả thứ 2, thứ 3 là lúc cây sung sức nhất.

Quả cà già có màu vàng đặc trưng, toàn quả là một khối đặc, chắc, cắt đôi quả thấy hạt đã chuyển màu nâu là thời kỳ có thể thu quả lấy hạt làm giống. Quả cà hái về bảo quản tiếp ở nơi khô mát, 7 - 10 ngày sau quả mềm ra, lúc này lấy dao bổ đôi quả, bóp phần hạt vào nước lã, ngâm tiếp 12 giờ, sau đó vớt ra, đãi thật sạch, phơi khô, bảo quản trong túi polyetylen kín.

Nếu lượng hạt ít có thể bảo quản theo kinh nghiệm dân gian như sau: hạt được ngâm nước 12 giờ vớt ra trộn lẫn với tro thành một loại bột mềm, nặn khối tro lẫn hạt thành một bánh như bánh dày, dán lên tường gần bếp để khô tự nhiên, đến vụ gieo đem vò nát chiếc “bánh” ra và gieo. Cách này rất dễ làm phù hợp với các gia đình và cách để giống tự túc. Nhiều gia đình bóp thẳng hạt ở quả đã mềm vào tro, trộn thêm nước nặn thành bánh và dán lên tường bếp cũng đạt kết quả khá.

Cây cà bát tím

8. Cây củ đậu

Củ đậu trồng lấy củ. Củ đậu là loại củ trồng có giá trị dinh dưỡng cao. Cây củ đậu là cây dễ trồng để giống bằng hat.

Giống củ đậu được trồng phổ biến ở miền Bắc có cỡ củ nhỏ đến trung bình song chất lượng củ cao. Giống củ đậu trồng ở Tây Nguyên và Đông Nam bộ có củ lớn, năng suất cao song chất lượng kém không được đồng bào miền Bắc ưa chuộng.

Kỹ thuật trồng: Củ đậu là cây họ đậu nhưng lại lấy củ nên không trồng ở nơi đất quá tốt và không bón đạm cho cây. Đất trồng cần chọn nơi thoát nước, tơi, thành phần cơ giới nhẹ, cuốc đất sâu, lên luống cao 40 - 45cm, bề mặt luống rộng 0,7m.

Bón phân: Củ đậu được bón lót phân chuồng ủ lẫn phân lân, bón theo hốc, mỗi hốc 0,5kg phân đã ủ kỹ lấp đất lại cho kín phân và gieo hạt.

Khoảng cách trồng: Luống trồng 2 hàng, cách mép luống 15cm, hàng cách hàng 40cm, cây cách cây 20cm. Sau khi bón phân xong nên dùng 1 que nhỏ đánh dấu hốc, sau đó dùng rơm rạ hoặc cỏ khô tủ kín mặt luống. Gieo mỗi hốc 2 hạt vào vị trí đã đánh dấu, sau đó tỉa bỏ để lại 1 hốc 1 cây.

Làm giàn: Làm giàn theo kiểu chữ A cho cây củ đậu leo, cũng có thể tận dụng hàng rào làm nơi leo cho củ đâu.

Để giống: Củ đậu là cây ra hoa trong điều kiện ngày ngắn (giữa tháng 10 dương lịch). Vào thời kỳ thu củ chọn các củ to, nạc, cuống nhỏ, củ đều, thu cẩn thận tránh xây xát mang trồng lại ngay. Đất trồng lại được làm như khi gieo hạt. Chú ý chỉ cắt bỏ phần cành, giữ lại phần thân cơ bản. Sau khi trồng lại cần giữ đủ ẩm cho cây lên lại, ra nhiều nhánh, có nhiều hoa.
Cũng có thể để giống theo cách sau: trồng một hàng củ đậu cách nhau 50cm, cắm choái cho cây leo thành từng bụi. Đến vụ thu hoạch thì cẩn thận đào xung quanh gốc (chú ý chỉ đào cho củ lộ hết ra, không làm đứt rễ cái). Đánh giá củ, để lại các củ đạt yêu cầu (để lại cả bụi chỉ cắt bỏ các cành bị dập nát). Lấp đất lại và tưới thêm dinh dưỡng, hoà 100gam kali vào 20 lít nước phân lợn pha loãng tưới 2 lần cách nhau 10 ngày, mỗi hốc 1 lít cách vị trí củ 10-20cm, khi quả đã khô thì thu hoạch, phơi khô cả quả, bảo quản đến vụ sau thì đập lấy hạt đem trồng.

Chú ý: Hạt củ đậu rất độc, tuyệt đối không được ăn.

Cây củ đậu

Bài viết liên quan