Công Cụ Tốt

Nội dung

Nghề trồng hoa hồng ở nước ta - Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương

Đăng lúc: Thứ năm - 19/10/2023 14:21, Cập nhật 19/10/2023 16:30

Hoa hồng là một loài hoa rất được phái nữ yêu thích, vậy nên chúng ta hãy đọc bài viết của Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương để biết hoa hồng được trồng như thế nào nhé.

Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương sẽ giới thiệu cho chúng ta biết và hiểu rõ hơn về nghề trồng hoa hồng - loài hoa được phái nữ luôn yêu thích.

Giới thiệu về loài hoa hồng

Không phải mãi đến ngày nay, mà từ hàng ngàn năm trước kỷ nguyên Thiên Chúa giáo, hoa Hồng đã được người đời tôn vinh là loài hoa vương giả là Hoàng Hậu của các loài hoa.

Xưa nay cũng có nhiều tao nhân mặc khách, các Văn thị gia khắp chốn vẽ tranh, làm thơ, ngâm vịnh để ca ngợi loài hoa tuyệt đẹp, chỉ dành riêng cho các bậc tôn quí như Vua Chúa được dùng mà thôi. Với dân gian thì Hoa Hồng được coi là thứ tiêu biểu cho những gì cao quí nhất, và được nhiều dân tộc dùng vào việc dâng cúng thần linh. Còn tại Ba Tư, một trong những nước có nền văn minh sớm nhất và rực rỡ nhất ở vùng Trung Đông đã dùng hoa Hồng làm quốc hiệu của mình. Nhiều tiểu quốc thời xa xưa ấy cũng xem hoa Hồng làm thứ tượng trưng cho xứ sở họ...

Do hoa Hồng có màu sắc kiêu sa, hương thơm quyến rũ làm mê đắm lòng người, nên từ giống Hồng nguyên thủy ở Ai Cập, La Mã (khoảng chừng một trăm giống) chẳng bao lâu đã được đem trông khắp các châu lục; và đến đâu cũng được tôn vinh là kỳ hoa dị thảo. Ngày nay, không ai xác định được một cách đúng đắn là hiện đã có bao nhiêu giống Hồng được lai tạo ra từ những giống nguyên thuỷ, mà Rosa là giống Hồng được biết bao đời nghệ nhân tài ba trên thế giới lai tạo nhiều nhất.

Đúng là chưa có một bản thống kê nào về loại này đáng cho ta tin cậy, mà là những lời ước đoán của các nhà thực vật học đưa ra mà thôi. Có thuyết cho rằng giống Hồng lại hiện nay có khoảng bốn năm chục ngàn (?) nhưng cũng có người cho rằng đã lên đến con số vài trăm ngàn (?)... Người ta chỉ biết một điều, và cũng rất hài lòng về điều đó, là tất cả các giống Hồng được lai tạo ngày nay giống nào cũng tuyệt đẹp, và màu sắc cũng đa dạng : Đỏ thì có màu đỏ anh đào - Đỏ tươi - Đỏ tím - Đỏ da cam - Đỏ bạc... Màu hồng thì có Hồng tươi- Hồng chanh - Hồng cam... Rồi trắng, rồi xanh dương v.v... Điều này đủ chứng minh cho ta thấy, những Nghệ nhân góp công đủ sức vào việc lai tạo giống hoa vương giả này đều là những người đam mê hoa Hồng đến mức tuyệt vời, và họ cũng có óc sáng tạo tuyệt vời...

Nói đến việc lai tạo giống Hồng, có lẽ người chiếm được công đầu, người đáng được tuyên dương nhất là Hoàng hậu nước Pháp Joséphine Bonaparte. Theo sử sách còn ghi lại cho biết, bà Hoàng này rất thích trồng hoa Hồng, như nữ hoàng Cléopâtre của Ai Cập trước đây. Nữ hoàng Cléopâtre đã tiêu tiền không tiếc trong việc sai phái từng đoàn tàu mua cho được những giống Hồng quí hiếm để trồng thành những thảm hoa chung quanh cung điện cho tăng thêm phần sang trọng. Còn Hoàng hậu Joséphine bonaparte cũng dùng những món tiền khổng lồ để mua những giống Hồng quí hiếm khắp nơi về trồng tại Chateau de Malmaison, với mục đích lai tạo ra những giống Hồng quí hơn, đẹp và thơm hơn. Công lao đó của Bà đã được đền bù vì đã để lại cho đời sau hơn một trăm giống Hồng nổi tiếng, mà nhiều giống hiện nay vẫn còn được nhiều người ưa chuộng.

Giới thiệu về loài hoa hồng

Như quí vị đã biết, nếu Âu châu nổi tiếng đã lai tạo được nhiều giống Hồng đặc sắc, thì Á châu cũng có nhiều quốc gia trồng Hồng nổi tiếng từ lâu đời, như Trung quốc và Ấn độ.

Trung quốc có nhiều giống Hồng quí hiếm như Chenensis, như Hồng Trà. Hai giống này được du nhập vào Châu Âu từ hậu bán thế kỷ thứ 18, và được lai tạo với nhiều giống Hồng địa phương để tạo ra những giống tốt như China Hybrid. Rồi từ Hybrid lại ra nhiều giống khác, hoa vừa to vừa thơm khiến ai cũng thích.

Ngày nay, Hồng lai tạo quá nhiều, gần như nước nào cũng tự hào có những giống Hồng đặc biệt cho riêng mình. Và qua những giống ấy, không ai tài nào phân tích được một cách chính xác tổ tiên của chúng xuất phát từ đâu, từ giống nào với giống nào. Có thể là Hồng gốc châu Âu lại với Hồng Trung quốc, rồi lại lại với giống Tiểu Á, hay của Ấn độ, của Nhật ...

Thôi đành phải căn cứ vào hình dáng, vào mào màu sắc và một số yếu tố khác để phân ra làm ba loại như sau cho dễ phân biệt :

1. Loại Hồng dại 

Là giống hoang dã có nguồn gốc từ giống Wichura (vùng Cận Đông). Loại này thường có thân cao, cành dài sống dựa vào cây khác mà leo lên với độ cao vài mét nên còn gọi là “Hồng leo” hoặc bò dài trên mặt đất nên có tên là “Hồng bò”. Hồng dại có các giống PER- SIAN, YELLOW ROSE, FATHER HUGO ROSE, ROSA VIRGINIANA, RUGOSA ROSE, LADY BANK v.v...

Loại Hồng dại

2. Loại Hồng cổ điển

Gồm chung những giống Hồng đã được trồng từ trước năm 1867, là những giống xuất sắc từ màu sắc đa dạng cũng như đậm đà hương thơm. Hồng cổ điển có xuất xứ từ nhiều nước như Trung quốc (ROSE CHINENSIS), Tiểu Á (Hồng DAMAS), Anh (ALBA), Pháp (GALLICA), Mỹ (NOISETTE)...

Loại Hồng cổ điển

3. Loại Hồng hiện đại

Gồm những giống Hồng xuất hiện sau năm 1867. So sánh với với thời kỳ Hồng cổ điển, thì vào thời kì Hồng hiện đại sau này được trồng đại trà hơn để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng tăng cao. Ngoài việc chiết, ghép, trồng hột ra còn tiến đến việc cấy mô trong ống nghiệm. Thời kì này người ta lai tạo ra được những giống Hồng nổi tiếng hơn về hoa to, ra hoa nhiều, hương thơm hơn và dễ trồng hơn.

Hồng hiện đại
Giống Hồng lai nổi tiếng sau năm 1867, được lai từ các giống Hồng Trung quốc, như TEA ROSE, ra giống HYBRID TEA có hương thơm và hoa to. Đến cây FLORIBUNDA có thân mọc khỏe, hoa cũng to và còn cho hương thơm quyến rũ. Hai giống Hồng lại vừa kể đó đã đem lại sự hài lòng cho giới thưởng ngoạn, do đó chúng được cho lai với nhiều giống khác tại nhiều nước và tạo được nhiều giống Hồng mới mẻ hơn, phẩm chất khá hơn.

Những giống Hồng lai tạo nổi tiếng thường được mang những lên tên riêng, lấy từ tên của những người có công lai tạo ra nó, hoặc tên của quốc gia mà nó ra đời. Người ta còn dùng tên những người đẹp nổi danh để đặt tên cho giống Hồng quí của mình để cây hoa tăng phần giá trị thêm lên. Tất nhiên những tên đó đều được “đăng kí tác quyền” hẳn hoi với lí lịch vành rọt. Chúng ta từng nghe nói đến những giống Hồng với cái tên rất “nổi” như MUSS FRANCE, Hồng CHINA, Hồng BRIGITTE BARDOT... và nhiều tên riêng đẹp khác.

Có lẽ trong thế giới loài hoa, Hồng được liệt vào hàng tiêu biểu nên được nhiều người ưa thích nhất. Không những chỉ có phái nữ không thôi, mà ngay phái nam đa số cũng thích ngắm và trồng hoa Hồng. Già trẻ lớn bé, giàu nghèo sang hèn gì cũng có chung một sở thích yêu quí hoa Hồng như nhau.

Khi nói đến hoa Hồng là mọi người đều nghĩ ngay đến những giai thoại vô cùng lí thú về tính đam mê hoa Hồng của Nữ Hoàng CLÉOPÂTRE, của vị Hoàng đế C-HARLEMAGNE, của Vua LOUIS ĐỆ LỤC, của CATHERINE DE MEDICIS, của JOSÉPHINE BONAPARTE, của Vua GEORGE ĐỆ TAM... Những vị này lúc nào cũng thích hoa Hồng.

Vua Chúa thì vậy, còn dân thường thì sao ?

Xưa nay, từ Âu Á, mọi người đều thích hoa sang Hồng hơn các loài hoa khác. Có người thích trồng “Hồng bụi”, có người thích trồng “Hồng leo”, và cũng có người cả đời chỉ thích mỗi giống Hồng Miniature.

Về cách trồng thì có người thích trồng Hồng vào chậu, hoặc thích trồng dọc lối đi. Có người thích trồng làm thảm hoa. Có kẻ lại thích trồng làm hàng rào, trồng dọc bờ tường, hoặc trồng làm mái che các băng đá ngoài vườn cho đẹp.
Đó là chưa nói đến việc chưng những cành Hồng tươi trong phòng khách, trên bàn giấy, làm quà tặng thanh lịch và sang trọng đến người mình kính mến hoặc yêu quí. Những dịch vụ “ăn theo” nghề trồng Hồng đã có từ mấy thế kỉ trước tại các nước phương Tây.

Nói đến hoa Hồng không thể quên đề cập đến nghề tinh chế dầu thơm bằng hương liệu lấy từ hoa Hồng.

Do hoa Hồng có mùi thơm rất đặc trưng, tuy dịu nhẹ nhưng lại có ma lực quyến rũ đến mức lạ lùng. Hương thơm của hoa Hồng là thứ hương thơm quí phái, vì vậy từ đầu giới quí tộc (giai cấp giàu sang và quyền thế) ở Âu châu rất thích loại hương thơm này, và mơ ước chế tạo ra dầu thơm để dùng.

Truyền thuyết kể lại rằng Nữ hoàng Cléopâtre và nhiều ông Hoàng bà Chúa khác, khi tắm thì thích ngâm mình hàng giờ trong bồn nước với hàng ngàn đóa Hồng tươi. Ngay khi ngủ, trong phòng của họ cũng được rải hoa Hồng cùng khắp từ giường xuống thảm... vì chỉ có hương thơm dìu dịu của hoa Hồng mới dễ dàng dìu họ chìm vào giấc ngủ được ...

Lúc đầu, người ta chỉ biết ngâm nhiều đóa Hồng vào nước để tắm gội cho thân thể được thơm tho. Sau này, nhờ vào sự tiến bộ của khoa học, việc tinh chế dầu thơm từ hoa Hồng không còn là việc khó khăn nữa. Tuy giá quá cao, nhưng số cung có giai đoạn vẫn không đáp ứng nổi số cầu, vì nhưng quí vị đã biết dân Tây phương rất thích xức dầu thơm, coi như đó là một nhu cầu cần thiết đối với họ.

Đó cũng là lý do chính đáng khiến nghề trồng hoa Hồng ở phương Tây bộc phát mạnh hơn gấp bội ở phương Đông. Đã từ lâu, lâu lắm, đặc biệt là trong vài ba trăm năm trở lại đây, tại các nước như Pháp, Đức, Hà Lan, Anh, Mỹ, Canada... người ta trồng Hồng theo cách đại trà, có nơi cả tỉnh đều trồng, coi việc trồng Hồng còn quan trọng hơn trồng các giống cây lương thực ! Đây không phải là phong trào mà là do nhu cầu thực tế. Nghề trồng Hồng càng ngày càng phát triển, đem lại mối lợi không nhỏ cho người trồng ...

Nghề trồng hoa hồng ở nước ta

Nghề trồng hoa Hồng ở nước ta khởi đầu từ năm tháng nào là điều không ai biết được, và cũng không có tài liệu nào nói đến. Theo những lão nông sống với nghề trồng hoa kiểng lâu năm thì hoa Hồng đã được Ông bà mình trồng cũng khoảng vài trăm năm nay thôi. Thời gian đầu thì nhà vườn nào cũng trồng số ít vì mức tiêu thụ không nhiều. Thời trước, nhà vườn chỉ trồng Hồng vào giỏ để bán nguyên cây, vì người mua chỉ biết trồng làm kiểng trong vườn, trong chậu chờ lúc cây ra hoa ngắm chơi. Càng về sau, số người ái mộ giống hoa này càng nhiều, nhất là khi cây được lai tạo với những giống Hồng ngoại nhập có hoa to hơn, thơm hơn, thì lúc đó mới bán cành để làm hoa chưng cúng tổ tiên, hoặc để trang trí trong phòng khách.

Có điều lạ, cũng là hoa Hồng nhưng ở miền Bắc và các tỉnh ở phía bắc miền Trung thì gọi đích danh nó là Hồng, nhưng dân trong Nam thì ai cũng gọi là Hường. Chỉ vài ba mươi năm trở lại đây thôi, đa số người miền Nam mới quen dần với tên Hồng..

Trồng Hồng vào chậu

Giống Hồng xưa ở nước ta có lẽ nhập từ quốc, vì chỉ có những giống Hồng dại, Tường Vi, Tầm Xuân, là những giống Hồng có thân cao, mọc khỏe, và tỏ ra thích hợp với phong thổ nước ta, Bắc Trung Nam đều trồng được cả. Sau này, nói rõ ra là khoảng hơn trăm năm nay, ta mới nhập được nhiều giống Hồng bụi của các nước phương Tây. Ngày qua ngày, các Nghệ nhân hoa kiểng của ta mới khéo tay sáng ý lai tạo ra được những giống Hồng đẹp mà ta có hiện nay.

Hồng có nhiều giống, có giống chịu được khí hậu mát lạnh, có giống thích hợp với khí hậu nóng ẩm. Hễ thấy giống nào chịu với khí hậu ở đâu thì ông bà mình xưa cứ thế mà nhân giống đó ra trồng mãi Nhưng, nói chung, nước mình chỉ có Đà Lạt và các vùng cao nguyên lân cận, nhất là từ Bảo Lộc đổ lên được coi là nơi đắc địa nhất của cây Hồng.

Nếu đặt chân lên những vùng đất này, quanh năm suốt tháng đi đâu ta cũng thấy hoa Hồng khoe sắc thắm; không những trong vườn mà ngay tại bờ rào, đều có bóng dáng của hoa Hồng xuất hiện

Tại Sài Gòn, cũng hàng trăm năm nay, khu vực Gò Vấp, Hạnh Thông Tây, đổ dần lên miệt Củ Chi. là những nơi trồng hoa Hồng nổi tiếng. Các nghệ nhân cây kiếng nổi tiếng như Mười Huyền, Tám Mên,
Ba Quang, Ba Hí, Chín Le, Tư Tịnh, Địa Quít v.v... là những người thuộc hàng ... cố cựu chuyên sống với nghề trồng hoa kiểng với vài ba mẫu đất trở lên. Thế nhưng, như chúng tôi vừa trình bày, do hoa Hồng bán chậm nên thời trước không nhà vườn nào dám chuyên canh mỗi giống hoa Hồng, mà chỉ trồng xen vào một vài công đất là nhiều.

Ngay các vườn hoa kiểng nổi tiếng trước đây của các Ông Chín Hoàng, Ba Thành, Mỹ Lợi ... ở Thủ Đức, hoặc vườn của Ông Ba Phu ở Phú Nhuận cũng chỉ trồng Hồng với diện tích nhỏ. Họ chỉ trồng xen vào năm ba liếp hồng để gọi là có ... đủ mặt hàng bán cho bạn hàng mà thôi.

Nhưng, ngày nay thì khác. Từ Đà Lạt, Gò Vấp, Thủ Đức đổ xuống vùng Tiền Giang, Hậu Giang, nhất là tại Cái Mơn, Sađéc... hoa Hồng đã được trồng đại trà với nhiều giống quí và mới lạ. Hầu hết nhà vườn đã có tay nghề cao trong việc lai tạo giống Hồng nội địa với Hồng ngoại nhập. Đây là điều đáng mừng vì sức tiêu thụ càng ngày càng tăng cao đối với loài hoa được mọi người đánh giá là vẹn toàn hương sắc nhất.

Vườn hồng ở nước ta

Được biết, mới đây Trung tâm Khoa học và công nghệ sinh học, cùng trường Đại học Khoa học tự nhiên, và Câu Lạc Bộ hoa Hồng thành phố Hồ Chí Minh đã triễn lãm 30 giống hoa Hồng ngoại nhập mới, có nguồn gốc từ các nước như Mỹ, Hà Lan, Pháp ... gồm các
giống như CARINA, PASCALI, DOUBLE DELIGHT (hoa Hồng cắt cành), YELLOW DOLL, LADY MEILLANDINA, RED SIMPLICITY ... (hoa Hồng chậu hay trang trí) với các đặc điểm như hoa to, hương thơm và lâu tàn. Cuộc triển lãm này đã thu hút được đông đảo giới Nghệ nhân hoa kiểng chuyên nghiệp và tài tử cùng đồng bào khắp nơi đến xem.

Nhiều người thích trồng hoa Hồng vào chậu, vào bồn hoa ngoài lan can nhà cao tầng, trên sân thượng, hoặc ở vườn hoa trước sân nhà Hoa màu sắc càng đẹp, càng đậm đà hương thơm càng được nhiều người ưa chuộng.

Ngày nay cũng đã có nhiều người biết dùng hoa Hồng vào việc trang trí, vào việc tặng cho người thân, coi như là món quà vừa thanh nhã lại vừa lịch sự.

Thị trường nội địa của Hồng chắc chắn sẽ còn tăng cao hơn nữa. Hi vòng rằng trong một ngày rất gần hoa Hồng Việt Nam sẽ tìm được thị trường xuất khẩu mạnh đến các châu lục....



Bài viết liên quan