Công Cụ Tốt

Cây giống cacao

Đăng lúc: Thứ ba - 02/01/2024 00:02, Cập nhật 02/01/2024 00:02

Cacao là loại cây rừng có nguồn gốc từ Châu Mỹ, được thổ dân da đỏ phát hiện 2000 năm trước đây, đầu tiên được phát hiện từ vùng Amazon rồi đến Bắc Costarica đến vùng Caribe. có giá trị kinh tế cao, bài viết sau sẽ cho bạn thêm thông tin

Cây giống cacao

Cacao là loại cây đa niên, chịu trong mát nhưng thích hợp khí hậu nhiệt đới; các nước trồng nhiều gồm những quốc gia gần đường xích đạo như: Cote d'irore, Ghana, Nigeria, Equador, Barzil, Malaysia, Philippines. Gần đây ở Việt Nam trồng được khoảng 17.700ha, các tỉnh Đắc Lắc, Lâm Đồng, Bình Phước có trồng nhiều, riêng Bến Tre trồng xen vườn dừa được gần 8.000ha.

Có số ít quốc gia trồng cacao lớn (Cote d'irore, Ghana) nhưng lại có nhiều quốc gia có nền kinh tế phát triển như: Châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Thụy Sĩ, các nước Liên Xô cũ...); Bắc Mỹ (Hoa Kỳ, Canada); Châu Á (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc) sử dụng socola (cacao). Hơn nữa, gần đây do Cote d'irore bị bất ổn về chính trị, một vùng rộng lớn có đồn điền cacao không thu hoạch được dẫn đến sản lượng giảm sút nên giá Cacao trong những năm gần đây luôn ổn định ở mức cao.

Cacao thích hợp ở nhiệt độ 24 - 25°C dưới bóng râm, khi nhiệt độ 30°C tuổi thọ cây giảm, nhiệt độ càng cao thì làm tăng thêm bề dày của lá, chính vì vậy cacao chịu trồng xen dưới cây bóng râm, nơi mưa nhiều, ẩm độ cao; cacao có thể chịu ngập nhưng không chịu úng; có thể chịu hạn 3 tháng, nước mặn 0,4% dưới ao mương nhưng không được tưới trên gốc sẽ làm giảm sức sống.

Cây con trong vườn ươm chịu che mát khoảng 80- 90%, lúc trồng 3-4 tháng tuổi chịu mất khoảng 70-80%, trồng 1-2 năm cây phát triển tốt thì tăng dần ánh sáng chiếu theo cách “rổ lược” che mát chỉ còn khoảng 50- 70%, dần dần đến cây trưởng thành còn che mất 40- 50%. Lúc này cây cacao có nhiều tầng lá, lá trên che lá dưới và che theo cách “rổ lược”, ánh sáng đan xen chiếu vào lá, thân để cho cây được quang hợp, tạo ra năng lượng thích hợp cho thân cây phát triển và cho trái.

Như vậy, trồng cacao đến 1-2 tuổi trồng xen trong vườn dừa 4-5 tuổi, vườn chuối, cây ăn trái khác để cho rậm hơn. Khi cacao 2-3 tuổi, dừa 5-6 tuổi, ta đồn bỏ chuối hoặc cây ăn trái khác, tỉa thưa dần và chì còn lại vườn dừa xen cacao (mật độ dừa xiêm 6-7m, dừa ta 9-10m). Mục đích để rễ cacao phát triển nhiều và có ánh sáng khuếch tán khi trồng xen. 

Trường hợp cacao xen trong vườn dừa đã trồng dừa trước nhiều năm với mật độ dày. Khi cacao 3-4 tuổi cũng nên tỉa dừa thưa dần, không nên để dừa che cacao quá rậm rạp, cacao sẽ không cho trái.

Cacao cũng có thể trồng chuyên canh với điều kiện trồng lúc nhỏ có cây che mát như chuối, hoa màu; trồng dày, khi lớn lên 2-3 tuổi đốn bỏ cây che mát chỉ còn lại cacao nhưng cây này phải sát cạnh che mát cây kia, tán lá bên trên che theo cách “rổ lược” bên dưới.

Tuy nhiên, dù trồng cách nào hàng năm cũng phải tỉa cành, tạo tán để ánh sáng được đan xen chiếu sáng vào thân cây theo cách “rổ lược”. Chính vì thế lúc dừa còn tơ nên trồng xen cacao.

Việc chọn giống cacao được xác định là rất quan trọng. Các giống đã trồng từ thập niên 60, 80 không còn phù hợp, vì cho năng suất thấp, hạt nhỏ, không đúng tiêu chuẩn để xuất khẩu.

Từ sau năm 2000 Trường Đại học Nông Lâm Thành phố Hồ Chí Minh đã nghiên cứu và đưa về Bến Tre thử nghiệm, cuối cùng đã chọn được một số giống có khả năng cho năng suất cao, hạt to, chất lượng đạt yêu cầu xuất khẩu; xếp theo nhóm màu về trái như sau:

+ Vỏ xanh có lẫn màu vàng:

- TD1: Vỏ trái xanh, khi chín màu hơi vàng, bể mặt vỏ sần sùi, chiều sâu rãnh hơi cạn, dạng thái nhọn, năng suất 2,4 tấn hạt/ha. Nhiễm bệnh thối lá do Phytopthora, nhiễm bệnh nấm hồng.

- TD2: Vỏ trái xanh, khi chín màu vàng, bề mặt vỏ sần sùi, chiều sâu rãnh hơi cạn, dạng trái nhọn, năng suất 2,2 tấn hạt/ha. Nhiễm nấm Phytopthora, nấm hồng.

- TD5: Vỏ trái xanh, tím lợt, khi chín màu vàng, bề mặt vỏ nhẵn bóng, chiều sâu rãnh cạn, dạng trái tù, năng suất 2,8 tấn hạt/ha. Kháng bệnh vết sọc đen, nhiễm nấm Phytopthora, nấm hồng.

- TD8: Vỏ trái xanh, khi chín màu xanh vàng, bề mặt vỏ sần sùi, chiều sâu rãnh hơi sâu, hình dạng trái nhọn, năng suất 2,4 tấn hạt/ha, hơi kháng bệnh thối trái do nấm Phytopthora.

- TD14: Vỏ trái xanh, khi chín hơi vàng, bề mặt vỏ sần sùi, hình dạng chóp trái nhọn, năng suất 2,2 tấn hạt/ha. Hơi kháng bệnh vết sọc đen.

+ Vỏ tím có lẫn màu xanh:

- TD3: Vỏ trái tím đỏ xen ít vàng, khi chín màu tím đậm và đỏ cam, bề mặt vỏ hơi sần sùi, hình dạng chóp trái nhọn, năng suất 2,6 tấn hạt/ha. Kháng bệnh thối trái, hơi kháng bệnh vết sọc đen.

- TD6: Vỏ trái hơi tím dợt, khi chín màu xanh vàng, ít tím, bề mặt vỏ nhẵn bóng, hình dạng chóp trái hơi tù, năng suất 2,4 tấn hạt/ha. Kháng bệnh vết trái hiên, hơi kháng bệnh thối trái do nấm Phytopthora, hay nấy mâm trong trái khi thu hoạch chín lúc mùa mưa.

- TD10: Vỏ trái tím đậm, khi chín tím dợt và màu vàng cam, bề mặt vỏ hơi sần sùi, hình dạng chóp trái hơi nhọn, có 2 vạch cạn 1 vạch sâu, năng suất 2,3 tấn hạt/ha. Nhiễm bệnh vết sọc đen.

- Riêng các giống TD4, TD7, TD9, TD11, TD12, TD13 (còn trong nghiên cứu, chưa công nhận nên chưa được trồng phổ biến).

Trong các giống trên đây, hiện nay BQL.DA cacao khuyến cáo bà con nông dân nên trồng các giống xen nhau 2 giống tỷ lệ 50/50 hoặc 3 giống tỷ lệ 25/25/50 để cho cacao được thụ phấn chéo nhau và có hạt tốt.

Người trồng cacao không nên trồng từ hạt vì khì cho trái, cây đó sẽ bị phân ly; kết quả năng suất, chất lượng không như mong muốn; vì thế nên mua cây giống đã ghép do các nhà sản xuất giống đã có nguồn mắt ghép, bo ghép được tuyển chọn từ các cây đầu dòng hoặc vườn cây đầu dòng; cây giống được sửa xuất chất lượng tốt, nên mua nơi có địa chỉ rõ ràng tin cậy. Không nên mua giống trôi nổi không nguồn gốc.

Không mua cây giống quá non hoặc quá già từ khi ghép mắt đến khi trồng trong khoảng một năm, cây giống cacao trồng tốt nhất là đường kính nơi ghép khoảng 0,7cm, chiều cao cây tính từ mặt bầu trở lên 40-60cm, có khoảng 8-10 lá./.

 Đỗ Văn Công - Sở NN&PTNT Bến Tre
Nguồn: http://caygiongmuoison.com


Bài viết liên quan