Công Cụ Tốt

Đại cương về hoa lan - Nguyễn Công Nghiệp

Đăng lúc: Thứ năm - 11/01/2024 05:05, Cập nhật 11/01/2024 05:05

Hoa lan được nhiều người ưa thích, bởi lẽ hoa lan có cấu trúc rất kiêu kỳ và phức tạp, những chạm trổ rất tinh vi, nhất là bộ phận môi làm nhiều nhà điều khác phải thán phục. Hoa lan bao gồm nhiều mầu sắc được pha trộn một cách hài hòa, cân đối, lắm khi lại hiện lên những nét tương phản rõ nét, hay chim lắng và mất hút. Cây lan lại mang những nét đặc thù thú vị như một dạng trồng cây không đất. Khác với các loài ký sinh thông thường có tác động hủy hoại ký chủ, trái lại đa số lan, là loài phụ sinh chỉ xem cây chủ là một giá thể. Vì thế không phải ngẫu nhiên mà ông cha ta đã dùng cây lan biểu hiện cho người quân tử "Mai, Lan, Cúc, Trúc”, một đạo đức cao quí của dân tộc Việt Nam.

Đại cương về hoa lan

Tục ngữ dân gian có câu: hồng nhan bạc mệnh. Hoa đẹp chóng tàn: ví như hoa hồng không bao giờ chơi được quá ba ngày, còn như cúc: hữu sắc vô hương, cùng chỉ dùng trong nửa tháng. Hoa lan thì hoàn toàn khác biệt, lan là một loại hoa tuyệt đẹp, lâu tàn và một số loài có hương thơm thoang thoảng. Đó là lý do tại sao người ta gán cho lan là loài hoa vương giả.

Tóm lại, nhìn hoa ở góc độ nào đi nữa, ai cũng phải công nhận một điều chung nhất rằng : hoa lan đẹp rực rỡ, kiêu kỳ và mê hoặc. Lan là nữ chúa của các loài hoa. Chính vì thế, giá lan biến động rất cao trên thị trường thế giới. Vài loài lan quí đạt đến 400 đôla/cây, cá biệt loai Paphiopedium volenieanum 10.000dola/cây, loài Paphiopedium elliotianum 1.250 dola/cây, và thường một cành hoa cắt xấp xỉ 1-2 đôla. Thái Lan là nước có diện tích trồng lan nhiều nhất ở cùng Đông Nam Á, với giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng năm lên đến hàng chục triệu đô la.

Tất nhiên, những thành tựu hiện có đều là sản phẩm của lao động, sự đóng góp của các nhà khoa học của nhiều nước trên thế giới và nhiều ngành có liên quan. Chúng ta không phủ nhận điều kỳ diệu của thiên nhiên, nhưng những giống lan hiện có là thành tựu của con người,

Ngoài phương diện thẩm mỹ và kinh tế, cây lan còn có nhiều đặc trưng khác mà ít ai ngờ đến. Ăn một miếng bánh với hương vị đậm đà, Có ai lại nghỉ rằng chất vanilin làm tăng phẩm chất của bánh là một chất được ly trích từ trái do thụ phấn nhân tạo của loài lan Vanilla planifolia, hoa của loài này khá rực rỡ, màu hơi xanh và có hình dạng tương tư hoa Cattleya, nhưng đặc biệt có mùi rất thơm. Nếu như chất salep, là một chất có được tính được ly trích từ giống Orchis rất quen thuộc với người Âu châu, thì thân của vài giống này khi được phơi khô, xay nhuyễn và trộn với nước sẽ tạo nên một loại thực phẩm thơm, được dùng rộng rãi và có giá trị dinh dưỡng rất cao. Ngoài ra giống Anoctochilus còn gọi là "Jewel Orchids" lá dùng làm rau, một món ăn quen thuộc của người Mã Lai và Indonexia. Nếu như người Việt Nam ở vùng đồng bằng sông Cửu Long có tập quán dùng lá dứa (Pandanus amaryllifolius) nấu với cơm thì các thổ dân cũng dùng lá của loài Dendrobium sallacense với mục đích tương tự. Trà "Faham" nếu nói một cách chính xác đây là một loại trà lan vì được chế biến từ lá của loài Jumellea fragrans của của quần đảo Mascarene được dùng như một thức uống bình dân dưới thời Nữ hoàng Victoria ở Anh. Trong số các loại thuộc giống Bletia, Cattleya, Renanthera, giả hành và lá được dùng làm trà và thuốc, các giống Cypripedium, còn gọi là lan hài, rễ của một số loại này được nấu chung với đường cây Tích thu, (Acer sacc-harum) uống trị nhức đầu và các bệnh đơn giản. Nếu như thổ dân Mã Lai dùng lan Cymbidium finlaysonianum để đuổi tà ma, thì dân vùng đảo Bóocneo xem loài lan Coelogyne asperata như là một vị thánh. Trong lĩnh vực tình cảm còn lý thú hơn nhiều, người dân Molucans dùng hạt của loài Grammatophyllum scriptum xem như một thứ bùa tình ái có đầy đủ quyền năng. Ngoài ra lan còn được dùng để đan rổ ở Philippin, Inđônêxia, Niu Ghinê bằng sợi trông thân của các loài của giống Dendrobium, cũng như loài Dendrobium utile được thổ dân Niu Ghinê dệt làm kiểng đeo tay như một đồ trang sức. Một loại adao dùng để chế tạo dụng cụ âm nhạc như đàn Ghita, cũng được lấy từ một số loài của giống Cyrtopodium ở Braxin và loài Geodorum nutans ở Philippin. Người ta cùng dùng giả hành rồng của loài Laelia tibicinis làm kèn thổi trong các buổi lễ.

Tóm lại hoa lan là một loại hoa lý tưởng.

Ở Việt Nam, ông cha ta đã biết trồng lan từ lâu, nhưng chưa có nơi nào áp dụng một phương pháp khoa học để phát triển ngành trồng lan trên qui mô công nghiệp hầu có thể xuất khẩu ổn định và liên tục. Dù vậy, rừng Việt Nam vẫn còn tiềm tàng nhiều loài lan quí. Thành phố Hồ Chí Minh là nơi tập trung một số lớn các loài lan ngoại, có thể làm giống tương lai, nhưng phong trào chơi hoa lan hiện nay vẫn có tính cách tiêu khiển hơn là kinh doanh.

Trên thế giới, cây lan đầu tiên được biết đến vào năm 1731 là cây Bletia purpurea, được gởi từ Bahamas đến ông Peter Collison. Nhưng từ khi con người biết ứng dụng những thành tựu khoa học kỹ thuật, ngành trồng lan có những bước tiến bộ nhảy vọt. Đầu tiên, phương pháp cộng sinh nấm để gây sự nẩy mầm được Noel Bernard thực hiện (1904), nhưng cho đến khi phương pháp gieo hạt không cộng sinh trong phòng thí nghiệm được Knudson nghiên cứu (1922) ngành trồng lan mới thật sự có những chuyển biến rõ rệt. Sau đó, phương pháp cấy mô lan đa thân, đã gây lạc quan cho tất cả các nhà trồng lan trên thế giới, từ một tế bào với các tác nhân nhân tạo có thể hình thành một cơ thể hoàn chỉnh, phương pháp này có thể nhân giống lan với tốc độ khủng khiếp, 4 triệu cây con/năm, với các vốn ban đầu chỉ là một chồi non, được Morel khám phá. Lúc này ngành trồng lan có những chuyển biến với nhịp độ chưa từng thấy để đi sâu vào lãnh vực thương mại

Nhưng phải đến năm 1970 các nhà trồng lan mới có niềm vui chung vì M.Vajrabhaya và T.Vajrabhaya, cấy mô thành công loài lan đơn thân đầu tiên.

Năm 1974, các nhà khoa học cũng đã cấy mô thành công hầu hết các loại thuộc nhóm đơn thân khác, nhưng các loài lan hài vẫn còn ngạo nghễ, thách thức sự khám phá của các nhà khoa học làm công tác cấy mô trên toàn thế giới (?).

Việt Nam, vì lý do chiến tranh, có chậm hơn các nước Đông Nam Á vài chục năm trồng lan, nhưng chỉ có Việt Nam mới thực hiện được vườn lan trên cây xanh hè phố, với hai ưu điểm thuận lợi nổi bật : Khí hậu nhiệt đới và hệ thống cây xanh đường phố ưu việt.Có người đặt giả thiết rằng, nếu trên tổng số 26.000 cây xanh hiện có trên đường phố, mỗi cây xanh trồng một cây lan, tốc độ sinh sản của lan là 1cây/năm (tính theo tỉ lệ nẩy mầm của hạt 1 phần triệu và mỗi cây chỉ cho 1 quả/ năm. Đây là con số rất khiêm nhường). Bốn năm đầu các cây lan được duy trì để giữ giống đến năm thứ năm tốc độ sinh sản ổn định hàng năm có thể từ 26.000 cây hay hơn nữa. Như thế mỗi năm thành phố sẽ đạt được một số ngoại tệ rất lớn mà không cần bỏ vốn và vật tư, một tiềm năng rất lớn của thành phố từ lâu bị quên lãng, nhưng điều có ý nghĩa hơn hết là lúc ấy bạn bè anh em trên toàn thế giới sẽ nói rằng “Thành phố Hồ Chí Minh là thành phố hoa lan trên hè phố”. Cây lan được chọn là loại lan Ngọc điểm vì nó mọc rất nhiều trên các cây bóng mát trong thành phố, hoa đẹp. Có mùi thơm và nhất là nở đúng tết cổ truyền dân tộc. Lan Ngọc điểm (Rhynchostylis gigantea) là lan của thành phố Hồ Chí Minh.

Bài viết liên quan