Trở thành nghệ nhân hoa tươi với những nguyên tắc cắm hoa cơ bản sau
Đăng lúc: Thứ sáu - 10/12/2021 10:59, Cập nhật 10/12/2021 16:24
Có thể nói, có hàng trăm các cách cắm hoa đẹp, các trường phái cắm hoa khác nhau. Chính vì thế, nên cắm hoa cũng được xem là một bộ môn nghệ thuật và thậm chí, cũng đã có rất nhiều lớp dạy cắm hoa được hình thành. Tuy nhiên, nếu không có đủ quỹ thời gian để hoàn thành một khóa học cắm hoa chuyên nghiệp, bạn vẫn có thể tự tay thực hiện một bình hoa đẹp mắt dựa vào các nguyên tắc cắm hoa cơ bản sau đây.
Phong cách, bố cục và nguyên tắc cắm hoa cơ bản dành cho người mới.
1. Nguyên tắc cắm hoa theo phong cách phương Đông và phương Tây
Giống như các lĩnh vực khác như văn hóa, ẩm thực, phong tục tập quán,... nguyên tắc cắm hoa cũng được chia thành hai trường phái: phương Đông và phương Tây. Sự khác biệt giữa 2 trường phái thể hiện rõ rệt qua 5 yếu tố nghệ thuật là line (trục chính), form (hình thái), colour (màu sắc), texture (kết cấu bề mặt) và space (không gian).1.1. Line (trục chính)
Line (trục chính) là yếu tố làm nên bố cục tổng thể của một bình hoa nghệ thuật. Dù bạn đang theo trường phái hay nguyên tắc cắm hoa nào, bình hoa của bạn cũng cần một điểm nhấn rõ ràng, tương tự như bức tranh cần có tâm điểm, âm nhạc cần có đoạn cao trào.Thực chất, line chính là những đường thẳng trục đứng, nằm ngang hoặc xéo được hình thành bởi phần cuống hoa, thân hoa hay hình dáng bình hoa. Theo ngôn ngữ của nghệ thuật cắm hoa, line còn được gọi là đường tĩnh. Bên cạnh đó, còn có một dạng line nữa là đường động. Khác với đường tĩnh, đường động sẽ là phần lá rủ xuống, uốn cong, hay sole, zig zag. Những đường động này là yếu tố bổ trợ cho đường tĩnh, tạo sự sinh động, mới mẻ cho tổng thể bình hoa.
Nếu như phong cách cắm hoa nghệ thuật phương Đông ưa chuộng những đường line bất đối xứng, thì phong cách cắm hoa phương Tây lại thiên về kiểu sắp xếp đường line cân bằng. Dĩ nhiên, yếu tố khác biệt này còn phụ thuộc vào loại hoa theo mùa, hoàn cảnh dùng hoa và hình dáng của bình hoa.
1.2. Form (hình thái)
Form (hình thái) của một bình hoa sẽ phụ thuộc vào số lượng hoa, loại hoa và độ dày của cành lá. Thông thường, nguyên tắc cắm hoa theo trường phái Tây Âu cổ sẽ là kiểu cắm hoa vô cùng rườm rà và to bản. Những loại hoa cỡ đại, có ít lá sẽ là nguyên liệu chính cho các tác phẩm nghệ thuật cắm hoa Tây Âu. Hoặc các loài hoa đồng nội cũng được sử dụng, nhưng hầu hết chúng đều có kích thước nhỏ và nhiều lá.Trái ngược hoàn toàn với phong cách cắm hoa Tây Âu, trường phái cắm hoa Á Đông chú trọng đến sự tối giản và trang nhã. Theo quan điểm Á Đông, một bình hoa nghệ thuật đúng nghĩa phải càng ít hoa càng tốt và bố cục phải toát lên sự tĩnh tâm.
1.3. Colour (màu sắc)
Đối với người phương Tây, nguyên tắc cắm hoa theo màu sắc sẽ dựa vào “bánh xe màu sắc”. Đây là một nguyên tắc rất quen thuộc trong các lĩnh vực hội họa hay thiết kế. Người phương Tây sẽ quan tâm đến sự tương phản hoặc hỗ trợ lẫn nhau giữa các gam màu trong bình hoa và ánh sáng xung quanh.Đối với người phương Đông, màu sắc là yếu tố để nghệ nhân hoa tươi gửi gắm thông điệp một cách tế nhị và sâu sắc. Tâm trạng của nghệ nhân cũng sẽ ảnh hưởng đến màu sắc chủ đạo của bình hoa. Nếu như sắc vàng, đỏ, cam thể hiện sự vui tươi, rạng rỡ; thì sắc xanh, tím, trắng lại biểu thị sự an nhiên, êm đềm, lãng mạn. Không chỉ có thế, người Á Đông còn rất quan tâm đến màu sắc của bình cắm hoa, điều mà người phương Tây ít khi để tâm đến.
1.4. Texture (kết cấu bề mặt)
Hiểu một cách đơn giản, texture chính là phần kết cấu của hoa. Ví dụ như cánh hoa hồng mượt mà, hoa cúc trăm cánh nhấp nhô, cánh hoa thủy tiên trong suốt khi được chiếu sáng hay lá dương xỉ gai góc, xù xì. Kết cấu của hoa sẽ tạo nên kết cấu bề mặt của cả bình hoa.Phong cách cắm hoa phương Tây rất ưa chuộng những loại hoa có kết cấu mượt, trơn, cánh lớn như hoa calla hay hoa tulip. Trong khi đó, nguyên tắc cắm hoa theo phong cách phương Đông lại yêu thích những loài hoa có nhiều cánh, tạo thành nhiều tầng, nhiều lớp như hoa cẩm tú cầu, hoa cẩm chướng,...
1.5. Space (không gian)
Trong nguyên tắc cắm hoa nghệ thuật, một bình hoa sẽ có hai loại không gian là không gian âm (negative space) và không gian dương (positive space). Nếu như không gian âm là khoảng không gian trống ở giữa tổng thể bình hoa, thì không gian dương là phần được lấp đầy bởi hoa và lá.Trường phái cắm hoa phương Tây sẽ chú trọng đến phần không gian dương, còn trường phái cắm hoa phương Đông sẽ để tâm đến phần không gian âm được chừa lại ở giữa bình hoa.
2. Nguyên tắc cắm hoa theo bố cục
Có nhiều bố cục cắm hoa khác nhau, tùy thuộc vào kiến thức, kỹ năng và gu thẩm mỹ của mỗi người. Tuy nhiên, để việc cắm hoa trở nên dễ dàng hơn, bạn có thể dựa vào nguyên tắc cắm hoa theo 4 bố cục cơ bản sau đây:2.1. Bố cục cắm hoa hình vòm
Nếu bạn đang muốn cắm một giỏ hoa, bình hoa sang trọng để đặt ở những nơi có không gian rộng lớn như tiền sảnh hay phòng khách thì hãy áp dụng nguyên tắc cắm hoa theo bố cục hình vòm. Đây là phong cách cắm hoa đan xen nhiều loại hoa với nhau, tạo thành tổng thể hình tròn khi nhìn từ trên xuống.Để cắm hoa bố cục hình vòm, trước tiên bạn cần cắm những bông hoa chính ở các vị trí đối xứng nhau qua tâm của bình hoa. Sau đó, lần lượt cắm đan xen các loại hoa và lá phụ vào phần khoảng không giữa những bông hoa chính. Để tác phẩm bình hoa hình vòm được đẹp mắt nhất có thể, bạn nên sử dụng những bông hoa có chiều cao từ 15 - 20cm và màu sắc của hoa phụ không nổi bật hơn hoa chính.
2.2. Bố cục cắm hoa hình tam giác
Đây là một trong những nguyên tắc cắm hoa đơn giản và thông dụng nhất hiện nay. Với kiểu bố cục này, hoa sẽ được sắp đặt theo hướng cao ở giữa, thấp dần và lan tỏa ra ở xung quanh. Hoa chính cũng sẽ được cắm trước để xác định trọng tâm. Tiếp đó là những bông hoa thấp hơn, hoa phụ và hoa cắm sát chân.Kiểu cắm hoa hình tam giác sẽ phù hợp để trang trí phòng khách, các không gian sang trọng hoặc các bữa tiệc. Lưu ý khi thực hiện cắm hoa theo phong cách này, bạn cần đảm bảo sự hài hòa giữa chiều cao và chiều rộng của tổng thể tác phẩm.
2.3. Bố cục cắm hoa hình lưỡi liềm
Với nguyên tắc cắm hoa hình lưỡi liềm, người cắm hoa cần có kinh nghiệm và kỹ năng phối hợp nhiều loại hoa khác nhau để làm toát lên vẻ mềm mại, uyển chuyển cho thành phẩm cuối cùng. Một bình hoa, giỏ hoa hình lưỡi liềm sẽ bao gồm các loài hoa, lá được sắp đặt theo hình vòng cung, tỏa ra hai hướng ngược nhau. Để tổng thể tác phẩm được đẹp nhất, bạn nên sử dụng những loại giỏ hoa, bình hoa hình oval và lựa chọn các loài hoa thân mềm, dễ dàng uốn cong.2.4. Bố cục cắm hoa hình chữ L
Nếu bạn chưa thực sự tự tin với kiểu cắm hoa hình lưỡi liềm uyển chuyển phía trên thì hãy thử sức với phong cách cắm hoa hình chữ L này nhé. Nguyên tắc cắm hoa hình chữ L không quá phức tạp. Đầu tiên, hoa chính sẽ được cắm vào bình hoặc giỏ hoa trước để định hình bố cục. Sau đó, tiếp tục thêm vào các loại hoa, lá phụ trợ. Những bình hoa nghệ thuật hình chữ L sẽ phù hợp để trưng bày trên bàn tiệc, các cuộc hội nghị, họp mặt hoặc những không gian sang trọng.3. Nguyên tắc cắm hoa theo màu sắc
3.1. Dùng hoa cùng tone màu
Nguyên tắc cắm hoa cùng tone màu sẽ sử dụng những loại hoa có màu sắc gần tương đồng với nhau. Bạn có thể sử dụng các loại hoa có gam màu ấm hoặc gam màu lạnh để làm điểm nhấn cho bình hoa. Sau đó, điểm xuyết những bông hoa hoặc lá có kích thước nhỏ hơn, giúp tổng thể bình hoa không bị trống rỗng. Những bình hoa theo phong cách này thường toát lên vẻ trang nhã, nhẹ nhàng và dễ chịu.3.2. Dùng hoa màu đối lập
Với kiểu cắm hoa này, bạn cần lựa chọn những loài hoa có màu sắc đối lập nhau. Màu sắc đối lập có thể được hiểu theo hai cách là đối lập màu nóng - màu lạnh và đối lập theo nguyên tắc “bánh xe màu sắc”. Dễ nhất vẫn là nguyên tắc cắm hoa đối lập màu nóng - màu lạnh. Bạn chỉ cần lựa chọn hai hoặc nhiều loại hoa và lá có màu sắc đối lập mạnh mẽ với nhau như vàng & tím, xanh & đỏ, hồng & đỏ,... sau đó cắm xen kẽ với nhau là được.4. Nguyên tắc cắm hoa theo kích thước và hình dáng bình hoa
4.1. Lựa chọn hình dáng bình hoa phù hợp với từng loại hoa
4.1.1. Bình hoa hình trụ
Những bình hoa hình trụ thẳng rất phù hợp để cắm các loại hoa thân dài như hoa loa kèn, hoa ly, hoa lay ơn,... Độ cao của bình hoa và độ dài của thân hoa sẽ tạo nên tổng thể thoáng đãng và sang trọng cho không gian ngôi nhà bạn. Để hoa tươi lâu hơn, đẹp hơn, bạn nên lưu ý tỉa lá cao, thường xuyên thay nước và cắt tỉa những phần cánh hoa và lá đã bị úa.4.1.2. Bình hoa “mang bầu”
Bình hoa “mang bầu” là cái tên để miêu tả những dáng bình có phần thân phình ra và thường được dùng để cắm hoa hướng dương, hoa đồng tiền, hoa cẩm chướng… Nguyên tắc cắm hoa với bình hoa “mang bầu” là đảm bảo mặt hoa hướng về nhiều phía để tạo sự duyên dáng, uyển chuyển cho tác phẩm.4.1.3. Bình hoa dạng chén, cốc lớn
Những bình hoa dạng cốc, chén lớn, cao, miệng rộng sẽ là lựa chọn lý tưởng cho những bó hoa hồng hoặc hoa mẫu đơn. Phần hoa dày, đầy đặn và to bản sẽ tạo cảm giác căng tràn sức sống cho không gian trang trí.4.1.4. Bình hoa hình vại
Bình hoa hình vại có miệng tròn, cổ hẹp nên phù hợp để cắm hoa violet. Những cành hoa violet cao, uốn nhẹ phần ngọn, hoa nở dọc theo thân được đặt vào bình theo bố cục ở giữa cao nhất, tỏa ra và thấp dần ra xung quanh. Với loài hoa này, cho dù bạn không cần cắm thêm quá nhiều những cành hoa phụ thì tổng thể bình hoa vẫn rất đẹp và nên thô.4.1.5. Bình hoa kèn Trumpet
Nguyên tắc cắm hoa với bình dáng kèn Trumpet là hãy lựa chọn những loại hoa thân mềm, cánh hoa có xu hướng rủ xuống phần miệng bình. Ngoài ra, đối với bình hoa này, bạn cũng không nên cắm quá chặt tay, vì sẽ làm mất đi vẻ mềm mại vốn có của hoa.4.1.6. Bình hoa hình bát
Khác hoàn toàn với những kiểu bình hoa phía trên, bình hoa hình bát sẽ mang đến vẻ mới mẻ và khác biệt cho không gian trưng bày. Với kiểu bình hoa này, bạn nên cắt tỉa hết phần lá và cành, chỉ giữ lại phần bông hoa và thả trôi tự do trên mặt nước.4.1.7. Bình hoa hình ly rượu
Nếu bạn đang có những bông hoa cỡ lớn như hoa mẫu đơn hay hoa cẩm tú cầu thì nên tận dụng bình hoa hình ly rượu. Bình hoa hình ly rượu vừa hiện đại, vừa sang trọng sẽ là giá đỡ vững chắc cho những bông hoa cẩm tú cầu xinh xắn phía trên. Với những bông hoa cỡ lớn, khi sử dụng dạng bình hoa này, bạn chỉ cần cắm khoảng 3 - 4 bông là đủ.4.2. Một số lưu ý khi lựa chọn bình hoa
- Trên thực tế, ngoài thị trường có rất nhiều dáng bình hoa độc lạ khác nhau. Nhưng dù là bình hoa có hình dáng như thế nào, bạn cũng cần lưu ý về màu sắc của bình có phù hợp với không gian trưng bày cũng như loài hoa mà bạn định cắm hay không.
- Một nguyên tắc cắm hoa cơ bản nhưng rất quan trọng đó là không nên sử dụng bình hoa có màu sắc nổi bật hơn hoa.
- Chú ý đến tỷ lệ giữa chiều cao thân hoa và chiều cao của bình hoa. Đối với một số loài hoa thông dụng như hoa cúc, hoa hồng,... chiều cao của bình nên bằng nửa thân hoa.
Tác giả bài viết
Trâm Ngọc
Bài viết liên quan
-
Tổng hợp những kỹ thuật cắm hoa từ đơn giản đến phức tạp
Một bình hoa tươi, dù được tạo dáng theo phong cách đơn giản hay phức tạp, nhẹ nhàng hay quyến rũ, bình hoa ấy cũng là yếu tố giúp cho không gian sống hoặc các dịp trọng đại trở nên sống động và hấp dẫn hơn rất nhiều. Ngày hôm nay, hãy cùng Công cụ tốt tìm hiểu về các kỹ thuật cắm hoa đang được ưa chuộng để thực hành tại nhà, đồng thời nâng cao tay nghề cắm hoa của mình nhé!
-
Bật mí cách cắm hoa tươi lâu không phải ai cũng biết
Một bình hoa đẹp không chỉ giúp không gian ngôi nhà tươi tắn, rạng rỡ hơn, mà đây còn là cách để chủ nhân thể hiện tính cách và gu thẩm mỹ cá nhân. Tuy nhiên, bình hoa dù đẹp đến đâu, nhưng không được chăm sóc đúng cách để hoa tươi lâu hơn thì cũng là điều đáng tiếc. Việc giữ cho hoa tươi lâu hơn không quá khó như chúng ta vẫn thường nghĩ. Sau đây là chia sẻ về các cách cắm hoa tươi lâu mà bạn nên ghi nhớ và áp dụng để giữ gìn vẻ đẹp rực rỡ của những bông hoa sắc màu ngay trong tổ ấm gia đình mình.
-
Ghé thăm gian hàng chuyên về kéo cắt tỉa hoa các loại ❤️❤️❤️
Kéo cắt tỉa hoa được chế tạo với lưỡi kéo to bản nhưng đầu kéo cứng, có giảm âm, có thể cắt được cả giấy trang trí, nhát cắt ngọt không dập hoa