Phân bón hoa Hồng - Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương

Đăng lúc: , Cập nhật

Chúng ta hoàn toàn có thể tự chế phân hữu cơ để bón cho cây, phân tự chế này sẽ vừa an toàn mà cũng rất hiệu quả. Hãy cùng tìm hiểu cách Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương làm phân bón hữu cơ tại nhà nhé.

Phân bón hóa học tuy có hiệu quả, nhưng tác hại cũng nhiều. Hãy tìm hiểu cách mà Thạc sĩ Lâm Thị Mỹ Nương tự chế phân bón hữu cơ nhé.

Cách đây khoảng nửa thế kỉ, Ông bà mình trồng hoa Hồng bằng phân chuồng và phân rác, vì thời bấy giờ chưa có phân hóa học. Sau năm 1950, nếu chúng tôi nhớ không lầm, phân hóa học mới được nhập về, nhưng đa số nông dân nói chung và giới sống với nghề trồng hoa kiểng nói riêng vẫn có thói quen sử dụng phân chuồng và phân rác như trước, vì họ cho rằng... “không biết dùng” hoặc “dùng không quen” phân hóa học. Mãi đến cả chục năm sau, nhiều người mới quen dần với việc bón phân hóa học cho cây cối.

Dù vậy, trong nghề trồng tỉa nói chung phân chuồng và phân rác có lẽ mãi mãi sau này vẫn cứ được... trọng dụng do lợi ích thiết thực của nó mang lại, phân hóa học không bì được, đó là làm tơi xốp đất trồng, và loại phân này là thứ “Cây nhà lá vườn” có sẵn, mà nếu đi mua giá cũng không cao.

Được biết, thời trước Ông bà mình trồng hoa Hồng bằng phân ngựa, nếu thiếu mới dùng đến phân bò, kế đến là phân trâu. Họ tin rằng phân của các giống gia súc này tốt nhất. Càng về sau do nhu cầu đòi hỏi, tất cả phân gia súc gia cầm ủ hoại như phân heo, phân gà vịt, phân chim, phân dơi... đều được tận dụng hết. Ngoài phân chuồng phân rác ra, ngày xưa người mình còn tưới bón cho Hồng phân cá, phân bánh dầu nữa.

- Cách ủ hoại phân chuồng : Phân chuồng tươi được gom lại rồi ủ hoai trong vài tháng bằng phương pháp cổ truyền mà bất cứ nhà nông nào cũng am tường.

Ủ phân chuồng là phải ủ số nhiều nên phải chọn cuộc đất xa nhà cho đỡ hôi hám. Để tránh mưa nắng ta nên làm một mái lá thô sơ. Nên ủ phân phải nện thật kĩ cho đất nền dẽ chặt xuống, ngăn ngừa nước phân ngấm xuống đất uổng phí (vì thứ nước phân “nguyên chất” này pha với nước lã dùng để tưới cây rất tốt). Nền còn phải có độ nghiêng để nước phân chảy ra một cái hố chứa. Nếu nền được tráng xi măng hay lót gạch thì tốt nhất.

Nhà ủ phân nên thưng vách ba bên, mặt trước che tạm tấm liếp để ra vô cho tiện. Nền ủ phân thường chia làm hai ngăn: một bên ủ phân, bên kia chừa trống để làm nơi đảo phân sau này.

Phân chuồng được chất lên nền, cứ một lớp phân dày thì bên trên chất một lớp mỏng nguyên liệu phụ (gồm rơm rạ, cỏ khô, lục bình đã được tưới ướt đẫm trước), và cứ thế chất cao lên mãi, cao khoảng gần 2m là vừa. Lớp trên cùng là rơm rạ, và trên mặt là một lớp đất mùn hay đất thịt được đập nhuyễn. Từ đó mỗi ngày một đôi lần, ta dùng gàu với cán dài múc nước phân từ hố chứa lên tưới khắp bề mặt đống phân, sao cho nước tưới đó ngâm dần xuống bên dưới để giúp phân có đủ độ ẩm mau hoai mục. U như vậy suốt ba tháng, ta đảo đống phân ủ sang phần nền để trống. Nên đảo thật kĩ từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, rồi ủ đống lại như trước. Chừng tháng sau, đống phân ủ đã hoai mục, đem ra bón cây rất tốt.

cách ủ hoại phân chuồng
Cách ủ hoại phân chuồng

- Cách ủ hoại phân rác : Nói là phân rác chứ thực chất không phải là rác không thôi, mà cũng không phải là rác tạp. Rác đây là rơm rạ, cỏ khô, xác mía, vỏ đậu phộng, xác dừa... Thành phần nầy chiếm số nhiều. Phần còn lại là phân chuồng và các chất bồi phụ như tro, bánh dầu, phân hóa học, đất mùn, đầu tôm đầu cá, xác mắm...
Cách ủ hoại phân rác
Cách ủ hoại phân rác
Ủ phân rác có hai cách : cách ủ phân trên mặt đất và cách ủ dưới hố.

a/ Ở vùng đất trũng, người ta ủ phân rác ngay trên mặt đất. Ủ theo cách này bên trên cũng có mái che mưa nắng, nền cũng được nện kĩ cho đất nền dẽ chặt. Các nguyên liệu xơ cứng như rơm rạ, xác mía... cần được tưới thật đẫm trước đó một ngày cho thật mềm ỉu ra. Khi ủ thì trải rơm rạ lên mặt nền một lớp dày khoảng ba 30 cm (sau khi đã được dậm cho dẽ chặt xuống). Sau đó lấy phân gia súc quậy tan vào nước, rưới đều lên khắp bề mặt lớp rác vừa rải cho ngấm đều. Xong việc đó lại rải tiếp một lớp mỏng các chất bồi phụ như tro, phân hóa học, đất mùn... Thế là sắp xong được lớp đầu. Lớp thứ hai, thứ ba ta cũng tuần tự làm những công việc như vậy. Lớp trên cùng của đống ủ là lớp đất vụn dày khoảng 5 cm.

Từ đó mỗi ngày mỗi tưới trong suốt bốn tháng. Hết hạn này, ta mới đảo đống phân rác này lên, tưới kĩ rồi chất đống lại như trước để u tiếp. Tháng sau, ta lại đảo rác ủ thêm một lần, rồi ủ lại một lần nữa cho rác thật hoai mục. Trước khi sử dụng, nên dùng tấm lưới sắt mắt nhỏ “vây” lược lại, lấy phần phân nhuyễn ra trồng cây, còn những chất chưa hoai hết đem vào ủ tiếp...

b/ Cách ủ phân rác dưới hố : Ở những vùng đất cao ráo có tầng đất mặt khá dày, ta nên đào hố để ủ phân rác. Hố có thể sâu khoảng sáu bảy mươi cm. Đất đào lên dùng để đắp tường chung quanh cho hố được sâu thêm. điều cần là nền hố cũng như vách hố đều được nện kĩ để nước phân khỏi rút xuống đất uổng phí. Việc chất rác cũng như các chất bồi phụ vào hố cũng giống như cách ủ phân rác trên mặt đất.

Chất xong đống ủ ta cứ để yên như vậy một ngày đêm để đống ủ lên men. Hôm sau dùng đất sét nhào với nước cho dẻo rồi trét kín lên khắp mặt hố, không để hở một chỗ nào... Chỉ ba tháng sau, ta khui hầm rác ra, xới đều rồi chất đống lại trong vài tuần là rác đã hoàn toàn mục nát...

Phân chuồng hoai và phân rác mục không tốt bằng phân hóa học. Thế nhưng, như chúng tôi đã trình bày trong hai loại phân này (gọi chung là phân hữu cơ) cũng chứa những chất dinh dưỡng cần thiết để nuôi cây. Mặt khác, nó còn cải thiện được đất trồng, đất khô cằn cũng trở nên tơi xốp, nên nhà vườn nào cũng thích...

- Phân tro trấu : Ngoài phân chuồng và phân rác ra, nhà vườn còn trồng hoa Hồng bằng phân tro trấu. Loại phân này cũng đã được sử dụng từ lâu rồi. Người ta đổ trấu (vỏ lúa) từng đống cao sau đó un cho nó cháy thành tro, thành than. Mặt khác, nhà vườn phơi khô phân ngựa hay phân bò, rồi đập nhuyễn đem trộn chung với tro trấu. Loại phân này rất thích hợp với sự phát triển của cây hoa Hồng, nhưng tiếc một điều là tro trấu không giữ được nhiều nước, nên cần phải trộn chung với đất mới trồng cây tốt được.
Phân tro trấu
Phân tro trấu
- Phân hóa học : Phân hóa học hiệu nghiệm nhanh, tác động nhanh đến sự sinh trưởng của cây cối nói chung và hoa Hồng nói riêng. Nếu dùng thêm phân hóa học để bón thúc, cây Hồng sẽ phát triển nhanh, nở hoa to hơn, đẹp hơn.

Cây Hồng thích hợp với phân NPK, và cả DAP. Có hai cách để bón : một là rải quanh gốc Hồng nhưng phải cách xa gốc Hồng khoảng 10 cm, chừng một muỗng cà phê phân cho một gốc là vừa. Và độ vài tháng mới rải phân một lần như vậy. Cácg thứ hai là dùng một muỗng canh phân DAP hoặc NPK ngâm trong 10 lít nước lã rồi tưới cho cây, mỗi lần tưới chỉ một lượng phân ít, nên vài ba ngày nên tưới một lần, và tưới chừng vài tuần liên tiếp mới cho kết quả tốt.

Điều cần làm, là trước khi tưới phân cho cây, ta nên nhổ sạch hết cỏ dại mọc chung quanh gốc Hồng, đồng thời dùng mũi dao cùn xới xáo lớp đất mỏng trên mặt chậu được tơi ra...

- Phân bánh dầu : Cây Hồng cũng rất hợp với phân bánh dầu : một là ngâm vào nước để tưới, hai là bẻ ra từng miếng nhỏ nhét sâu xuống đất để phán này tan dần trong đất nuôi cây. Phân bánh dầu rất hấp dẫn côn trùng, nhất là kiến, vì vậy, cần phải rải thuốc trừ kiến để tránh cho cây bị giống này phá hại.

Tóm lại, trồng Hồng phân hữu cơ được sử dụng như loại phân làm nền. Truyệt đối không nên bón phân tươi mà là phân thật hoại. Phân hữu cơ thật tốt thì cây càng mau tốt. Mỗi năm vài ba lần, theo định kì, ta nên bón thúc phân hữu cơ cho cây. Thế nhưng, như quí vị đã biết hàm lượng dinh dưỡng của phân hữu cơ không cao, mặc dầu vẫn đủ chất cần thiết để nuôi cây. Vì vậy thỉnh thoảng ta cần phải bón một lượng phân hóa học nào đó để tạo cân đối dinh dưỡng cho cây. Có làm được như vậy, vườn hoa Hồng mới luôn luôn tươi tốt và sai hoa..
 
gọi Miễn Phí