Mướp đắng (Khổ qua) - Những điều bạn cần biết về "vị thuốc đắng dã tật"?

Đăng lúc: , Cập nhật

Mướp đắng hay có một tên gọi khác là khổ qua (được dùng phổ biến như một phương ngữ của người miền Nam) là loại quả anh em một nhà của họ Bầu bí. Không chỉ là nguồn nguyên liệu thông thường trong ẩm thực, mướp đắng cùng với những lợi ích tuyệt vời còn là "vị thuốc" lành tính mà thiên nhiên ban tặng cho chúng ta. Bạn đã biết điều gì về mướp đắng rồi? Hãy cùng Công Cụ Tốt tìm hiểu thêm về loại quả này nhé!

Mướp đắng không chỉ là một loại thực phẩm hàng ngày mà chúng còn được coi như là một vị thuốc dân gian.

Khái quát về mướp đắng

Giới thiệu tổng quan về mướp đắng

Mướp đắng trong khoa học được gọi là Momordica charantia, là anh em một nhà của họ Bầu bí (Cucurbitaceae) - một trong những họ góp phần quan trọng trong việc cung cấp thực phẩm cho khắp thế giới. Mặc dù mướp đắng là họ hàng gần của các loại rau củ như bí xanh và dưa chuột nhưng nó vẫn được xếp loại là trái cây. Ngoài ra, nó còn có một tên gọi khác là khổ qua được dùng phổ biến như một phương ngữ của người miền Nam. Khác với cái tên “thuần Việt” do người miền Bắc đặt, khổ qua là một từ mượn gốc Hán. Trong đó, nghĩa gốc của từ “khổ” ở đây là “vị đắng” còn “qua” nghĩa là “dưa, các thứ dưa có quả đều là qua”, dịch sang tiếng tiếng Việt có thể hiểu nôm na đây là “loại dưa đắng”. Bên cạnh đó, người Việt Nam ta còn hiểu tên gọi khổ qua theo một nghĩa mang tính ẩn dụ thú vị khác dựa vào từ đồng âm là “vượt qua nỗi khổ”, mọi người hay đùa nhau rằng ăn quả khổ qua cho cái khổ nó nhanh qua đi. Cũng giống với phần lớn các loài trong họ này, mướp đắng là một thực vật thân thảo và thường được gieo trồng với thân leo trên giàn chủ yếu để lấy quả ăn. Quả mướp đắng sở hữu vẻ bề ngoài độc đáo khá dễ nhận diện với hình dáng thon dài, bề mặt vỏ không được nhẵn mịn mà sần sùi rõ rệt với nhiều rãnh và nhiều chấm nổi nồi lên trông thật gai góc. Nghe thấy tên thôi chúng ta đã biết được vị của nó như nào, thứ quả này được xếp vào hàng đắng nhất trong các loại rau quả, đó cũng chính là đặc điểm đặc biệt của cây mướp đắng. Chỉ cần hỏi đố nhau nêu tên loại quả gì có vị đắng thì ai cũng sẽ nghĩ đến mướp đắng đầu tiên. Bởi vậy, vị đắng đặc trưng này đôi khi lại là thách thức với những người mới thử hay chưa quen với nó “Đói lòng ăn trái khổ qua/ Nuốt vô thì đắng, nhả ra bạn cười”. Nhiệt độ thích hợp khuyến khích sự nảy mầm và phát triển tốt nhất đối với cây mướp đắng là trên 20 độ C nên loài thực vật này được phân bổ rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới như châu Á, châu Phi, vùng Caribe và các khu vực ấm áp khác trên thế giới, từ đó du nhập trở thành một nguồn nguyên liệu thực phẩm của ẩm thực và y học quan trọng trong nhiều nền văn hóa. Ở Việt Nam, mướp đắng được trồng rộng rãi khắp mọi miền trên đất nước, không chỉ dùng làm nguyên liệu làm các món ăn hay bài thuốc mà còn để làm kinh tế cho một số hộ gia đình.

Giới thiệu tổng quan về mướp đắng
Giới thiệu tổng quan về mướp đắng

Đặc điểm nhận diện của cây mướp đắng

Cây mướp đắng có những đặc điểm nhất định giúp người nhìn dễ dàng nhận ra và phân biệt được với các loài cây khác:

  • Hình dáng cây: Mướp đắng là loài thực vật có thân leo bằng tua cuốn. Thân nhỏ, màu xanh đậm, có cạnh và có chiều dài tự nhiên tới 20m mọc dọc theo mặt đất hay linh hoạt leo lên giàn treo tùy vào cách gieo trồng. Toàn thân có dạng hình tròn đường kính khoảng 3-6mm, được bao quanh bởi một lớp lông mịn hỗ trợ cây giữ lại lượng nhỏ nước mưa. Bên trong thân có nước, liên kết với những dây con mọc ra từ thân.

  • Lá cây: Màu sắc của lá tùy thuộc vào độ tuổi của cây. Khi còn non, lá mướp đắng có màu xanh đậm, mặt dưới có thể có màu xanh nhạt hơn mặt trên, dần chuyển màu sang vàng khi già sau đó héo và rụng xuống. Lá phát triển xen kẽ nhau từ thân chính và các nhánh, cuống lá thường dài khoảng 3-5cm. Lá đơn có kích thước gần bằng bàn tay người với chiều ngang từ 4-9cm, chia thành 5-7 thùy đều nhau, hai bên mép viền hình răng cưa. Bề mặt lá nhám vì có nhiều lông nhỏ đóng vai trò trong việc giảm mất nước cho cây.

  • Hoa: Cánh hoa màu vàng nhạt và một bông hoa thường có 5 cánh, cuống dài từ 3-5cm. Hoa mướp đắng thường là loại hoa đơn tính, hoa đực và hoa cái riêng biệt mọc đơn độc ở nách lá trên cùng một cây. Tại nách, hoa đực và hoa cái mọc chung gốc, hoa đực thường nhỏ hơn và bị héo rụng sau một khoảng thời gian, còn hoa cái ở lại thụ phấn nhờ côn trùng (chủ yếu là nhờ ong) và đậu quả.

  • Quả: Mướp đắng có hình trứng thuôn dài, hai đầu nhọn. Kích thước của quả có thể biến động từ nhỏ đến lớn tùy thuộc vào giống cây và điều kiện gieo trồng nhưng độ dài phổ biến khoảng 8-15cm. Bề mặt sần sùi rõ rệt bởi các đường rãnh và u lồi nổi lên không đều nhau. Khi còn nhỏ, quả có màu xanh đậm, đây là màu sắc phổ biến chúng ta thường thấy khi mua mướp đắng vì trong giai đoạn này, quả chứa nhiều dinh dưỡng, thịt quả giòn và nhiều nước. Màu sắc ngả vàng khi già rồi chuyển sang màu cam khi chín hoàn toàn, lúc này quả mềm và tách ra thành từng múi cuộn tròn lại để lộ nhiều hạt. Hạt của quả dạng dẹt dài khoảng 13-15mm chủ yếu dùng làm hạt giống.

Đặc điểm nhận dạng của cây mướp đắng
Đặc điểm nhân dạng của cây mướp đắng

Giá trị dinh dưỡng có trong mướp đắng

Mướp đắng hay khổ qua là một trong những loại quả chứa nhiều hợp chất có lợi, đem lại nhiều công dụng cho sức khỏe. Theo nghiên cứu, giá trị dinh dưỡng được cung cấp trong 124g mướp đắng bao gồm:

  • 24 calo

  • 0.2g chất béo

  • 392mg natri

  • 5.4g carbs

  • 2.5g chất xơ

  • 2.4g đường

  • 1g protein

  • 2.8% vitamin A

  • 68% vitamin C

  • 0.9% canxi

  • 2.6% sắt

Hơn thế nữa, mướp đắng còn chứa các khoáng chất khác như: kali, magie, kẽm, ... và các dưỡng chất tốt như vitamin B cùng chất chống oxy hóa như lutein và zeaxanthin. Nhìn chung, thành phần dinh dưỡng có trong mướp đắng khá đa dạng và đáp ứng được phần lớn các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.

Giá trị dinh dưỡng có trong mướp đắng
Giá trị dinh dưỡng có trong mướp đắng

Điều kiện sinh trưởng của cây mướp đắng

  • Nhiệt độ: Mướp đắng là cây nhiệt đới nên phát triển tốt trong môi trường có nhiệt độ ấm áp. Đây là điều kiện phù hợp để giống cây này nảy mầm và được trồng quanh năm ở Việt Nam. Nhiệt độ lý tưởng cho sự phát triển của cây trong khoảng từ 20 đến 35 độ C, cây sẽ kém phát triển dẫn đến tỷ lệ đậu quả thấp nếu mức nhiệt độ hạ xuống dưới 20 độ hay tăng trên mức 35 độ. Ở nhiệt độ dưới 10 độ C, hầu như các giống mướp đắng ngừng lại sự sinh trưởng.

  • Độ ẩm: Đây là loài cây chịu ngập úng và chịu hạn kém. Mướp đắng sẽ sinh trưởng và phát triển tốt trong độ ẩm đất 70-80%. Trong quá trình nuôi trồng cần cung cấp nước đầy đủ cho cây duy trì sự sống. Không nên để đọng lại nhiều nước ở gốc cây tránh dẫn đến bệnh tật cho cây. 

  • Ánh sáng: Mướp đắng yêu cầu cường độ ánh sáng mạnh để sinh trưởng và tạo năng suất cao. Là loài cây ưa sáng nên không nên trồng cây với mật độ cao, khoảng cách giữa các cây nên được đảm bảo đủ ánh sáng và không gian cho sự phát triển. Bố trí trồng cây ở những nơi có thời gian chiếu sáng từ 6-8 tiếng mỗi ngày.

  • Đất và dinh dưỡng: Mướp đắng có khả năng thích nghi với nhiều loại đất. Để cho năng suất cao và tránh trường hợp ngập úng, cây nên được trồng trên nền đất tơi xốp, khả năng thoát nước tốt, dễ tưới tiêu, đất màu mỡ và giàu chất hữu cơ như đất cát pha, đất thịt nhẹ, ... Độ pH thích hợp khi trồng mướp đắng là từ 5.5 - 6.7pH. Bên cạnh đó, yếu tố dinh dưỡng để cung cấp cho cây trong quá trình sinh trưởng là không thể thiếu. Sử dụng phân hữu cơ hoặc phân hóa học như phân đạm, lân và kali phù hợp bón cho cây tùy vào từng thời kỳ phát triển.

Điều kiện sinh trưởng của cây mướp đắng
Điều kiện sinh trưởng của cây mướp đắng

Nên trồng mướp đắng vào khoảng thời gian nào?

Việt Nam có 3 miền Bắc, Trung, Nam với điều kiện khí hậu, thời tiết khác biệt rõ rệt nên thời điểm trồng mướp đắng của từng miền cũng khác nhau.

  • Thời vụ ở miền Bắc: Miền Bắc là nơi có khí hậu nhiệt đới gió mùa, mướp đắng thường được trồng vào mùa xuân và mùa hè với điều kiện thời tiết ấm áp và đều đặn mưa. Vào mùa xuân, mướp đắng được trồng từ tháng 3 đến tháng 5 bởi nhiệt độ nền đất bắt đầu ẩm và lượng ánh sáng mặt trời tăng tạo điều kiện lý tưởng cho cây phát triển, còn mùa hè thời gian bắt đầu từ tháng 6 đến tháng 8 khi nhiệt độ cao cùng mưa nhiều kích thích sự phát triển của cây.

  • Thời vụ ở miền Trung: Mùa xuân thường là thời điểm tốt để bắt đầu trồng mướp đắng ở miền Trung với nhiệt độ nền đất đã ẩm và lượng ánh sáng đủ cho sự nảy mầm của cây. Từ tháng 6 đến tháng 9 là mùa mưa, cũng là thời kỳ mướp đắng phát triển mạnh mẽ do được cấp đủ nước. Song, trong giai đoạn này cây cần được tưới ít nước hơn để tránh ngập úng.

  • Thời vụ ở miền Nam: Thời tiết ở miền Nam đặc trưng quanh năm nóng ẩm vô cùng thích hợp với yêu cầu phát triển của cây do đó mướp đắng được trồng nhiều và phổ biến tại nhiều khu vực ở miền Nam. Tuy nhiên, khoảng thời gian thích hợp nhất để trồng mướp đắng là từ tháng 10 đến tháng 3 năm sau.

Khí hậu cũng chỉ là một trong các điều kiện cần có để cây mướp đắng phát triển. Bên cạnh đó, còn các yếu tố khác như chất lượng giống, đất, phân bón, ... Trước khi gieo trồng, cần kiểm tra độ pH và chất lượng đất, đất nên có độ pH dao động từ 6.0 đến 6.7, đất thịt nhẹ, đất pha cát, tơi xốp có khả năng thoát nước tốt giảm thiểu tình trạng ngập úng. Lựa chọn giống mướp đắng phù hợp cùng môi trường gieo trồng tốt bằng cách sử dụng phân bón hữu cơ hay phân hóa học cung cấp chất dinh dưỡng cần thiết trong giai đoạn sinh trưởng và thường xuyên kiểm soát sâu bệnh.

Cách chọn mua mướp đắng ngon, giàu chất dinh dưỡng

Việc chọn nguyên liệu tươi ngon là khâu quan trọng trước khi bạn bắt tay vào nấu một món ăn. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến hương vị và chất lượng của món đó. Mướp đắng thường được sử dụng trong nhiều món ăn khác nhau vì hương vị độc đáo và những lợi ích sức khỏe tiềm ẩn. Để giúp bạn có thể thưởng thức các món ngon từ loại quả này một cách trọn vẹn, Công Cụ Tốt·đã tổng hợp một số mẹo về cách chọn mướp đắng dưới đây:

  • Nhìn vào màu sắc: Chọn quả có màu sắc đẹp, đồng đều và không có vết nứt hay vết thương. Ở từng độ chín, mướp đắng sẽ có những đặc điểm màu sắc cũng như vị khác nhau. Những trái có màu xanh càng rõ, càng đậm thì vị đắng càng gắt. Đó thường là trái non, mặc dù giòn nhưng khi ăn lại rất đắng, khó ăn. Khi quả có vỏ ngả sang màu vàng hay đỏ là lúc quả chín hoặc để lâu, mặc dù ít đắng hơn nhưng nó sẽ không còn đủ độ giòn và hàm lượng dưỡng chất như ban đầu. Nên chọn những quả có màu xanh nhạt là loại đắng nhè nhẹ, tươi ngon, dễ ăn và chứa nhiều chất dinh dưỡng.

  • Nhìn vào phần đầu quả: Những quả có phần đầu nhọn, nhỏ, thân hình to dần về phía dưới thường rất đắng. Ngược lại, những quả mướp đắng có phần đầu to, tròn và thuôn dài thường sẽ bớt đắng hơn phù hợp để ăn sống, xào. Còn loại đắng thích hợp để làm các món canh, món hầm.

  • Nhìn vào các nốt sần trên bề mặt vỏ: Mướp đắng sở hữu vẻ bề ngoài không nhẵn bóng mà có nhiều nốt sần, rãnh và gai. Tuy trông không đẹp mắt nhưng những nốt sần này là đặc điểm giúp chúng ta lựa ra quả ngon. Muốn chọn những quả ít đắng, bạn chọn những quả có đường vân sọc trên vỏ dài, nhỏ và có các nốt sần trên quả thưa hơn. Mướp đắng có những đặc điểm này thường có thịt dày, xốp, rất thơm ngon khi ăn và ít đắng. Tùy theo sở thích, nếu bạn thích vị đắng nhiều thì hãy chọn loại có bề mặt sần sùi với các nốt sần nhỏ, sát nhau kèm theo đường vân trên quả nhỏ, ngắn và dày. Loại này có thịt mỏng, đắng hơn và được đánh giá là đậm đà hơn. Tránh những quả có vỏ nhăn nheo vì điều này có thể cho thấy mướp đắng bị để lâu, đã già hoặc chất lượng kém.

  • Nhìn vào kích thước của quả: Nên chọn những quả có kích thước to vừa phải, cầm chắc tay. Không nên chọn những quả quá nhỏ, ăn rất đắng vì có thể là mướp đắng còn non. Tránh mua những quả quá to hoặc quá dài vì chúng có thể bị già và đắng quá mức. Khi ấn nhẹ vào quả có cảm giác nặng và đầy đặn thì thường có nhiều nước và thịt hơn. Điều này là dấu hiệu quả một quả mướp đắng tươi ngon.

  • Nhìn vào đặc điểm của hạt: Nếu có thể, chúng ta sẽ dựa vào hạt để kiểm tra độ tươi ngon của mướp đắng bằng cách cắt cắt một phần nhỏ. Hạt phải nhỏ, nhạt màu, tránh những quả mướp đắng có hạt to, trưởng thành hoặc cứng vì chúng có thể gây ra vị đắng quá mức.

  • Dựa vào mùi thơm: Mặc dù mướp đắng có mùi thơm riêng biệt nhưng chúng không nên có mùi quá nồng hoặc khó chịu. Nếu bạn phát hiện mùi quá nồng hoặc khó chịu, đó có thể là dấu hiệu mướp đắng đã bị hỏng.

Cách chọn mua mướp đắng ngon, giàu chất dinh dưỡng
Cách chọn mua mướp đắng ngon, giàu chất dinh dưỡng

Nhận biết điểm khác nhau giữa mướp đắng thường với mướp đắng rừng

Mướp đắng hay khổ qua là loại quả được gieo trồng rộng rãi được nhiều người biết đến ở nước ta nhưng liệu bạn có biết rằng mướp đắng bày bán trên thị trường có 2 loại là mướp đắng thường và mướp đắng rừng không? Mướp đắng thường và mướp đắng rừng đem lại những lợi ích và công dụng khác nhau từ việc ăn uống đến chữa bệnh. Vậy thì sử dụng loại nào thì tốt hơn? Sau đây hãy cùng Công Cụ Tốt phân biệt sự khác nhau của chúng qua các thông tin được chia sẻ dưới đây nhé!

Mướp đắng rừng hay còn gọi là khổ qua rừng mọc hoang dại ở các sườn đồi, núi, có nguồn gốc từ các vùng nhiệt đới như: Trung Quốc, Ấn Độ, Đông Phi, Trung Mỹ, Nam Mỹ và cả Việt Nam. Mướp đắng rừng có quả, hoa và lá đều nhỏ hơn so với mướp đắng trồng phổ biến hiện nay. Quả của loại này hơi tròn, rất nhỏ, nhỏ hơn một nửa so với mướp đắng thường, nhiều quả chỉ to bằng ngón chân cái của người lớn. Lớp vỏ hơi sần có màu xanh thẫm với nhiều gai nhỏ còn khi chín tới thì có màu vàng. Theo nghiên cứu, hàm lượng các dược chất có trong mướp đắng rừng cao hơn bởi đặc tính sinh trưởng tự nhiên, không qua lai tạo nhiều. Điều này giúp mướp đắng rừng rất giàu khoáng chất tự nhiên bao gồm kali, canxi, kẽm, magie, phốt pho và sắt. Ngoài ra còn có lượng cao vitamin C, vitamin A, vitamin E, vitamin B1, B2 và B3, cũng như vitamin B9. Do đó, nó được công nhận là một nguồn dược liệu thiên nhiên quý có lợi cho sức khỏe, thường dùng làm dược phẩm hay các bài thuốc. Khi nhắc đến mướp đắng thì chúng ta sẽ nghĩ ngay đến đặc điểm đặc trưng của nó chính là vị đắng nhưng đối với loại mướp đắng rừng này thì vị đắng ấy còn tăng gấp nhiều lần do được tạo ra bởi các chất như phenol, flavonoid, isoflavones, tecpen, anthraquinones, và glucosinolates.

Mướp đắng thường là giống được lai tạo từ mướp đắng rừng, cũng là thực vật thân thảo dây leo thuộc họ bầu bí, tuy nhiên được người dân tự tay gieo trồng ở vườn nhà, chứ không còn mọc hoang dại, tự nhiên. Giống mướp đắng thường cho quả to, dài khoảng 8-15cm. Về hình dáng bên ngoài, hai loại trông có vẻ giống nhau, ở mướp đắng thường sẽ ít gai, gai thoái hóa thành các múi nhỏ trên vỏ, màu sắc xanh tươi và nhạt hơn. Loại này ít dinh dưỡng và ít thơm hơn mướp đắng rừng, nhưng bù lại vị đắng của chúng cũng dịu hơn rất nhiều. Vì thế mà mọi người chuộng mua mướp đắng thường hơn vì dễ ăn, phù hợp sử dụng làm thực phẩm, chế biến các món ăn ngon. Về thành phần dinh dưỡng và lợi ích thì mướp đắng thường gần như tương tự như mướp đắng rừng, chỉ là tỷ lệ sinh dưỡng trong mướp đắng thường thấp hơn một chút. Cả hai loại mướp đắng đều rất tốt và đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe người dùng. Nếu bạn là người ăn đắng kém mà vẫn muốn thử được trải nghiệm các món ngon từ thứ quả này thì khuyên bạn ưu tiên sử dụng mướp đắng thường. Qua các thông tin Công Cụ Tốt cung cấp phía trên, tùy vào mục đích và nhu cầu sử dụng, bạn có thể đưa ra quyết định chọn mua loại mướp đắng phù hợp nhất.

Phân biệt mướp đắng thường với mướp đắng rừng
Phân biệt mướp đắng thường với mướp đắng rừng

Mách bạn một số cách bảo quản mướp đắng được lâu

Mướp đắng là loại trái cây nhanh bị hư, nhạy cảm khi bảo quản ở nhiệt độ dưới 15 độ C. Khi mướp đắng có bị hỏng, nó chuyển từ trạng thái tươi ngon sang trạng thái có mùi khá khó chịu bởi các khí độc hại sinh ra trong quá trình phân hủy, vỏ bắt đầu mềm nhũn và đổi dần sang màu đen hoặc nâu. Mướp đắng hư thối có thể trở thành môi trường thuận lợi cho sự phát triển của vi khuẩn tạo ra vùng ẩm và nấm mốc trên bề mặt quả. Đối với an toàn và sức khỏe của bạn, khi mướp đắng bắt đầu thấy dấu hiệu của sự hư thối, nên loại bỏ nó ngay lập tức để tránh việc sử dụng thực phẩm có thể gây hại. Vì vậy nên sử dụng chúng trong thời gian ngắn sau khi mua. Trường hợp bạn muốn bảo quản và sử dụng mướp đắng lâu dài và giữ được chất lượng, bạn có thể tham khảo vài cách dưới đây:

Bảo quản mướp đắng trong ngăn mát tủ lạnh

Đây là phương pháp bảo quản phổ biến nhất được nhiều người áp dụng. Với cách này, mướp đắng có thể duy trì độ tươi trong tối đa một tuần.

  • Bước 1: Rửa sạch mướp đắng trong nước mát, chú ý làm sạch cả ở những nốt sần và rãnh của quả. Nếu muốn khử khuẩn một cách tốt nhất, bạn dùng nước muối để rửa. Sau đó, để ráo nước bằng cách dựng mướp đắng quanh miệng rổ hoặc lấy khăn hoặc giấy ăn lau khô.

  • Bước 2: Dùng dao bổ dọc hoặc cắt ngang quả mướp đắng tùy theo sở thích nấu ăn rồi loại bỏ sạch phần ruột và hạt bên trong bằng thìa hoặc dao nhỏ. Bước này là cần thiết vì hạt và ruột có thể góp phần tạo ra vị đắng và rút ngắn thời gian bảo quản của mướp đắng.

  • Bước 3: Lấy khăn sạch hoặc giấy ăn lau khô mướp đắng đã tách ruột một lần nữa.

  • Bước 4: Sử dụng giấy báo gói kín quả rồi cho vào túi zip, hộp đựng đóng chặt nắp hay túi nilon để giảm sự tiếp xúc với không khí và đặt vào ngăn mát tủ lạnh để bảo quản. Việc gói giấy báo giúp hạn chế phần nào hơi lạnh tiếp xúc trực tiếp với quả, giúp mướp đắng giữ được độ tươi lâu và phần vỏ không bị nhăn nhúm.

Bảo quản mướp đắng trong túi hút chân không
Bảo quản mướp đắng trong túi hút chân không

Bảo quản mướp đắng trong ngăn đá của tủ lạnh

Để mướp đắng trong ngăn đông tủ lạnh sẽ giúp quả tươi lâu hơn đến 3 tháng mà vẫn đảm bảo chất dinh dưỡng tốt nhất.

  • Bước 1: Tương tự với cách trên, rửa sạch mướp đắng và để ráo nước sau đó bỏ đi phần ruột và hạt bên trong.

  • Bước 2: Hãy chuẩn bị một nồi nước sôi và một thau nước lạnh. Cho mướp đắng đã được tách ruột ngâm sơ qua trong nước sôi khoảng 1-2 phút. Việc chần mướp đắng có thể giúp giữ được màu sắc và kết cấu của quả. Sau 1-2 phút, nhanh chóng vớt chúng ra khỏi nồi và thả ngay vào thau nước lạnh để giảm nhiệt giúp mướp đắng giữ được độ xanh và giòn. 

  • Bước 3: Vớt mướp đắng ra khỏi thau nước, để thật ráo nước.

  • Bước 4: Xếp mướp đắng vào túi đựng thực phẩm hoặc túi zip sau đó dùng máy hút chân không hoặc tay để ép hết không khí ra khỏi miệng túi, buộc kín miệng và đặt vào ngăn đông của tủ lạnh. Điều này sẽ giúp hạn chế tình trạng mất độ ẩm và bảo vệ thực phẩm không bị hấp thụ mùi từ các thực phẩm khác trong tủ lạnh.

Bảo quản mướp đắng bằng cách khử nước hay còn gọi là sấy khô

  • Đầu tiên trong chu trình bảo quản luôn là bước làm sạch và để ráo nước.

  • Tiếp theo, bạn cắt mướp đắng thành những lát mỏng, xếp lần lượt lên khay và sấy chúng trong máy sấy thực phẩm hoặc cho vào lò nướng ở nhiệt độ thấp hay phơi trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời. Nếu bạn sử dụng lò sấy, hãy đặt nhiệt độ ở mức thấp đến trung bình tránh làm mất chất dinh dưỡng và màu sắc của quả. Phơi khô cho đến khi các lát cắt trở nên giòn.

  • Mướp đắng sau khi sấy khô có thể bảo quản trong túi zip, túi nilon, hộp kín trong thời gian dài và sử dụng khi cần thiết cho nhiều mục đích khác nhau như nấu ăn, làm gia vị hoặc làm trà mướp đắng. Trước khi sử dụng, có thể bù nước cho các lát mướp đắng bằng cách ngâm chúng trong nước.

Mặc dù các phương pháp Công Cụ Tốt gợi ý phía trên giúp bảo quản mướp đắng trong thời gian dài nhưng chất lượng và độ tươi vẫn có thể giảm đi theo thời gian. Tốt nhất bạn nên tiêu thụ mướp đắng trong vòng một tuần sau khi mua hoặc thu hoạch. Lưu ý hãy để mướp đắng tránh xa những thực phẩm có mùi nồng vì mướp đắng có thể dễ dàng hấp thụ và mang theo những hương vị đó. Nên bảo quản mướp đắng cách xa các đồ như hành, tỏi và các loại trái cây, rau củ có mùi nồng. Tránh đặt mướp đắng gần các loại rau củ có khả năng sinh ra khí etylen, ví dụ như chuối, táo, lê hoặc cà chua, vì nó có thể làm cho mướp đắng nhanh chín và hỏng. Mặc dù mướp đắng thường có thể được bảo quản trong tủ lạnh tối đa một tuần nhưng điều quan trọng là phải kiểm tra thường xuyên để đảm bảo rằng mướp đắng không bị hỏng hoặc bị nát. Loại bỏ những quả mướp đắng có dấu hiệu hư hỏng như nấm mốc, đốm mềm hoặc có mùi khó chịu tránh ảnh hưởng đến phần còn lại. 

Bảo quản mướp đắng bằng cách sấy khô
Bảo quản mướp đắng bằng cách sấy khô

Lợi ích tuyệt vời mà mướp đắng đem lại

Ở nước ta, có thể thấy mướp đắng được trồng khắp nơi và sử dụng rộng rãi để chế biến đa dạng các món ăn như mướp đắng xào trứng, canh khổ qua, mướp đắng nhồi thịt, ... Với hương vị độc đáo, mướp đắng không chỉ là loại thực phẩm yêu thích hàng ngày của nhiều người, mà đây còn là một nguyên liệu quý làm thuốc trong y học cổ truyền. Đây là một sự lựa chọn tuyệt vời cho những ai muốn chống lại bệnh tật thông qua cách sử dụng thực phẩm lành mạnh. Được biết đến với vị đắng mạnh, mướp đắng cũng là một nguồn dinh dưỡng dồi dào mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Loại quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất

Mướp đắng là một loại quả nhiều chất xơ cũng như giàu chất dinh dưỡng. Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), mướp đắng là nguồn cung cấp tốt các chất như canxi, magie, kali, vitamin A và vitamin C. Mướp đắng đặc biệt giàu vitamin C, một vi chất dinh dưỡng quan trọng cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển giúp chữa lành vết thương, chống lại nhiều bệnh tật, tăng cường miễn dịch tuyệt vời, rất tốt cho da và xương của bạn. Vitamin A cũng góp phần nhiều trong mướp đắng giúp hỗ trợ hệ thống miễn dịch, cải thiện da và thị lực. Khi ăn mướp đắng cơ thể bạn sẽ được cung cấp một lượng vitamin K rất tốt cho sức khỏe của xương, điều chỉnh độ đông máu và chống viêm. Ngoài ra, mướp đắng còn mang lại các chất cần thiết cho sự tăng trưởng và phát triển như folate, một lượng nhỏ khoáng chất canxi, magie, kali, kẽm và sắt. Chúng giúp cho răng, xương và tế bào máu của bạn khỏe mạnh, đồng thời hỗ trợ hoạt động của não, cơ, dây thần kinh và duy trì sức khỏe tổng thể. Đặc biệt, mướp đắng còn là nguồn cung cấp catechin, axit gallic, axit chlorogenic và epicatechin - các hợp chất chống oxy hóa mạnh mẽ chống lại các gốc tự do, giúp bảo vệ tế bào của bạn khỏi bị tổn thương, hư hại và giảm nguy cơ mắc các bệnh mãn tính.

Ăn mướp đắng giúp tăng cường hệ tiêu hóa

Mướp đắng chứa nhiều chất xơ có thể giúp kích thích nhuận tràng, tiêu hóa thực phẩm được dễ dàng, hỗ trợ chức năng tiêu hóa. Bằng cách tạo điều kiện cho hệ thống tiêu hóa hoạt động hiệu quả và trơn tru, mướp đắng, một nguồn chất xơ dồi dào, giúp tăng cường nhu động ruột trong cơ thể. Từ đó, phòng chống và ngăn chặn các bệnh liên quan đến đường tiêu hóa như giảm nguy cơ táo bón, hạn chế tối đa bệnh trĩ. Đồng thời, ăn mướp đắng cũng giúp duy trì sự cân bằng hệ vi khuẩn đường ruột. Vì thế mà mướp đắng trở thành bài thuốc tuyệt vời cho những ai bị các vấn đề về đường ruột như đại tràng, đau dạ dày, táo bón hay hội chứng ruột kích thích (IBS). Bởi hầu hết các loại rau quả đều chứa nước, nó cũng giúp giữ cho cơ thể đủ nước và mát mẻ. Ngoài ra, loại quả này cũng rất tốt người bị xơ gan và viêm gan nhờ cải thiện chức năng của túi mật và làm giảm ứ dịch. Các bạn có thể thêm mướp đắng vào bữa ăn hàng ngày giúp điều trị các vấn đề đường ruột và cải thiện sức khỏe. Tuy nhiên, mướp đắng có tính mát nên khuyên bạn không nên dùng mướp đắng cho người gặp tình trạng rối loạn chức năng tiêu hóa do lạnh.

Nguồn thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa

Quá trình tiêu hóa và phản ứng với môi trường của cơ thể luôn tạo ra gốc tự do. Khi số lượng các gốc tự do vượt quá khả năng cơ thể tự điều chỉnh được sẽ gây ức chế các chất oxy hóa khiến cơ thể phát triển một số bệnh lý hoặc bị lão hóa. Cơ thể của mỗi người đều có hệ thống phòng thủ chống oxy hóa để kiểm soát các gốc tự do, trung hòa các gốc tự do để ngăn ngừa hay làm chậm tổn thương gây ra cho tế bào. Theo nghiên cứu, thực phẩm tự nhiên có thể làm giảm tác hại của oxy hóa tốt hơn so với thực phẩm chức năng. Vì vậy, nguồn bổ sung chất chống oxy hóa an toàn nhất vẫn nên từ thực phẩm tự nhiên, đặc biệt là trong rau củ, trái cây và các loại thực phẩm khác, trong đó có mướp đắng. Mướp đắng là loại quả giàu vitamin C, một trong các chất chống oxy hóa ngoại sinh mạnh mẽ, cùng nhiều chất chống oxy hóa khác như flavonoid, catechin, axit chlorogen, carotenoid, … giúp hạn chế tổn thương do các gốc tự do gây ra. Chúng bảo vệ tế bào khỏi các tác động tự do gây hại, bảo vệ chúng ta khỏi nguy cơ gặp các bệnh do tổn thương oxy hóa, bao gồm tình trạng lão hóa, bệnh tim, ung thư và các bệnh mãn tính. Hơn thế nữa, qua một số nghiên cứu, không chỉ quả mà cả lá của mướp đắng đều chứa hợp chất phenolic giống như một chất chống oxy hóa hoạt động trong cơ thể giúp chống lại các gốc tự do gây hại. Vì thế, để duy trì sức khỏe tốt và ổn định, hãy bổ sung các chất chống oxy hóa tự nhiên, tốt nhất là qua chế độ ăn uống. Tuy nhiên, nếu bạn hấp thụ quá nhiều chất này có thể khiến cơ thể xuất hiện phản ứng độc hại, dần hình thành hiện tượng tổn thương oxy hóa khiến sức khỏe giảm yếu, các chức năng của cơ quan trong cơ thể trở nên kém hiệu quả hơn. Bổ sung chất chống oxy hóa là việc làm cần thiết cho cơ thể nhưng cần đúng thời điểm và đúng liều lượng.

Mướp đắng hỗ trợ quá trình giảm cân

Mướp đắng là loại quả chứa hàm lượng calo thấp. Lượng dinh dưỡng có trong quả mướp đắng phụ thuộc vào cách bạn chế biến nó như thế nào, theo nghiên cứu, trong trung bình 100g mướp đắng sống có chứa khoảng 34 kcal. Thêm vào đó, cùng với lượng nước và nguồn chất xơ dồi dào có trong mỗi quả mướp đắng giúp tạo cảm giác no lâu mà không cần cung cấp nhiều calo. Điều này có thể giúp kiểm soát lượng calo tiêu thụ và là lựa chọn tốt cho những ai đang ăn kiêng hay giữ chế độ giảm cân. Thực phẩm giàu chất xơ như mướp đắng đi qua đường tiêu hóa chậm, không tiêu hoá và hấp thụ ở dạ dày mà sẽ đi qua dạ dày, ruột non và di chuyển ra khỏi cơ thể giúp bạn giảm thiểu cảm giác thèm ăn và kiểm soát lượng thức ăn nạp vào cơ thể, hạn chế tình trạng thừa cân béo phì. Mướp đắng có thể giúp kiểm soát mức cholesterol trong máu. Việc duy trì mức cholesterol lành mạnh có thể hỗ trợ quá trình giảm cân và giảm nguy cơ các vấn đề sức khỏe liên quan đến mỡ máu. Ngoài ra, mướp đắng cũng cung cấp nhiều vitamin và khoáng chất giúp duy trì sức khỏe tổng thể, rất có lợi trong việc giảm cân. Quá trình chuyển hóa lipid cũng bị ảnh hưởng bởi mướp đắng cùng với quá trình chuyển hóa glucose. Nó có thể có tác dụng chống béo phì bằng cách giảm sự tích tụ chất béo.

Mướp đắng hỗ trợ quá trình giảm cân
Mướp đắng hỗ trợ quá trình giảm cân

Hỗ trợ hệ thống miễn dịch

Hệ miễn dịch được coi là hàng rào phòng thủ quan trọng với vai trò bảo vệ cơ thể chúng ta khỏi các tác nhân gây bệnh. Cơ thể rất cần có một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh để chống lại các căn bệnh tiềm ẩn. Vì vậy, để cải thiện hệ miễn dịch và tăng cường sức đề kháng, cần thiết phải bổ sung đầy đủ các vi chất cho cơ thể. Trong mướp đắng có chứa hàm lượng vitamin C dồi dào thuộc loại hàng đầu trong các loại thực phẩm giúp kích thích sự hoạt động của các tế bào củng cố hệ thống miễn dịch, giúp cơ thể chống các loại vi khuẩn và vi rút gây bệnh. Mướp đắng hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc chứng trào ngược dạ dày thực quản và giảm thiểu chứng khó tiêu. Ngoài ra, mướp đắng rất hiệu quả trong việc phòng ngừa cảm lạnh cũng như các bệnh nhiễm trùng đường ruột, hỗ trợ bảo vệ tim mạch. Chúng cũng giúp ngăn chặn và hạn chế khả năng dị ứng thực phẩm hay loại bỏ nhiễm trùng nấm men một cách tự nhiên. Là loại thực phẩm chứa nhiều chất chống oxy hóa tự nhiên hoạt động với cơ chế chống lại các tổn thương gốc tự do, bảo vệ cơ thể chống lại bệnh tật, làm chậm đáng kể sự phát triển của tế bào ung thư và ngăn chặn sự hình thành khối u.

Giảm cholesterol xấu, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh lý về tim và đột quỵ

Một số nghiên cứu đã chứng minh rằng mướp đắng có khả năng giúp kiểm soát mức cholesterol và huyết áp, giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tim, nhồi máu cơ tim và đột quỵ một cách đáng kể. Mướp đắng chứa chất chống oxy hóa hỗ trợ giảm việc hình thành và tích tụ các chất béo trong mạch máu. Thêm vào đó, nhờ sự có mặt của các chất như kali, magie và canxi làm giảm mức cholesterol LDL (Low density lipoprotein cholesterol) trong máu và duy trì mức cholesterol HDL (High density lipoprotein cholesterol). Cholesterol LDL là loại cholesterol xấu khi dư thừa sẽ tích tụ lại ở thành mạch máu tạo thành các mảng xơ vữa hoặc huyết khối dần dần làm hẹp mạch máu, gây tắc nghẽn động mạch, kích thích tim hoạt động nhiều hơn bình thường dẫn đến nhồi máu cơ tim, các bệnh lý tim mạch khác nguy hiểm đến tính mạng. Ngược lại, cholesterol HDL được coi là tốt cho sức khỏe vì chức năng vận chuyển các cholesterol dư thừa từ máu về gan để xử lý rồi chuyển hóa và thải ra ngoài cơ thể, làm giảm tích tụ cholesterol trong máu, giảm nguy cơ xơ vữa động mạch và các bệnh lý về tim mạch.

Ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh lý về tim và đột quỵ
Ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh lý về tim và đột quỵ

Tác dụng ngăn ngừa một số bệnh ung thư

Không chỉ ngăn ngừa được các bệnh lý về tim mạch, mướp đắng còn đóng vai trò ngăn ngừa bệnh một số loại bệnh ung thư. Về mặt khoa học, mướp đắng chứa nhiều axit amin – loại axit chứa nhiều vị đắng giúp tiêu diệt tế bào ung thư. Các nghiên cứu trên mô hình động vật mà các tiến sĩ, giáo sư tại đại học Saint Louis thực hiện đều mang lại kết quả tương tự nhau, mướp đắng có thể ngăn chặn các tế bào ung thư phát triển và sự phát triển của khối u trung bình giảm khoảng 50%. Mướp đắng đã được chứng minh khả năng làm gián đoạn sản xuất glucose, đồng thời ức chế sự tăng trưởng của tế bào ung thư tuyến tụy. Bên cạnh đó, nó cũng cho thấy hoạt động của mình đối với các tế bào ung thư vú, gan, máu, đại tràng, dạ dày, tuyến tiền liệt, ... Mướp đắng hay khổ qua cũng ngăn chặn sự tái phát, di căn của các tế bào ung thư. Hầu hết tất cả các thành phần của cây mướp đắng đều có tác dụng chống ung thư, tăng cường miễn dịch. Dầu hạt của loại quả này chứa các axit béo có hoạt tính sinh lý giúp ngăn chặn sự phát triển của các dòng tế bào ung thư vú và gan. Ngoài ra, chiết xuất mướp đắng từ cả quả và vỏ đều mang lại hiệu quả tuyệt vời trong điều trị ung thư đại tràng.

Cải thiện sức khỏe thị lực

Mướp đắng là loại thực phẩm giàu chất dinh dưỡng và các vitamin, khoáng chất thiết yếu cho cơ thể, đặc biệt dồi dào vitamin A và vitamin C - hai chất cần thiết để có đôi mắt sáng và khỏe mạnh. Theo nghiên cứu mới, mướp đắng có khả năng cải thiện sức khỏe của mắt. Mướp đắng đã cho thấy kết quả đầy hứa hẹn trong giải quyết các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể hay thoái hóa điểm vàng liên quan đến tuổi tác. Mướp đắng chứa nhiều vitamin A, dưỡng chất cần thiết cho việc duy trì khả năng thụ cảm quang của mắt, ngăn ngừa nguy cơ suy giảm thị lực. Nếu không cung cấp đủ vitamin A cho mắt, bạn có thể bị quáng gà, mắt khô hay chứng mù đêm, phụ thuộc vào mức độ thiếu hụt chất. Mướp đắng cũng chứa vitamin C và các chất chống oxy hóa khác, được biết là làm giảm tổn thương mắt do stress oxy hóa, giảm tình trạng đục thủy tinh thể ở người lớn.

Giúp thanh nhiệt cơ thể, giải độc, bổ gan

Ngoài việc được chế biến thành các món ăn, mướp đắng còn được dùng làm nước ép hay trà để giải nhiệt, giải độc, mát gan rất tốt. Mướp đắng có tính hàn và chứa nhiều nước hỗ trợ làm mát cơ thể từ sâu bên trong giúp bạn thải nhiệt nhanh hơn vào những ngày nóng bức. Thêm vào đó, tính chống oxy hóa và kháng khuẩn của loại quả này có công dụng đào thải độc tố ra khỏi cơ thể và giải độc hiệu quả. Nhờ nguồn chất xơ dồi dào có trong mướp đắng mà loại quả này có tác dụng kích thích vận động cho đường mật. Ngoài ra, loại thực phẩm xanh này còn là người bạn tuyệt vời cho gan của bạn vì nó có khả năng làm sạch mọi cặn rượu tích tụ bên trong gan và giải độc gan khỏi mọi độc tố, giảm nồng độ các men gan như AST, ALT (các chỉ số phản ánh tình trạng tổn thương ở gan). Do đó, đây là loại quả rất hữu ích cho những người bị xơ gan, viêm gan.

Nước ép mướp đắng
Nước ép mướp đắng

Có lợi cho sức khỏe của da và tóc

Như chúng ta đã biết, mướp đắng chứa nhiều chất chống oxy hóa và giàu các khoáng chất và vitamin, đặc biệt là vitamin A, vitamin E và vitamin C rất tốt cho làn da. Sử dụng mướp đắng thường xuyên giúp duy trì làn da mịn màng, hỗ trợ giảm mờ vết thâm, làm sáng da và dưỡng ẩm da. Mướp đắng hay khổ qua còn giúp cải thiện tình trạng mụn trứng cá, một số khuyết điểm trên da và điều trị các bệnh ngoài da như bệnh vảy nến, bệnh chàm và các bệnh nhiễm trùng da khác. Bạn có thể thêm loại quả này vào thực đơn hàng ngày hoặc chọn cách đắp mặt nạ hay uống theo dạng trà tùy theo sở thích để có thể tận dụng lợi ích tuyệt vời mà thứ quả này mang lại. Sau một thời gian, bạn sẽ sở hữu một làn da căng bóng, sạch khoẻ và sáng mịn hơn. Mướp đắng còn là một trong những biện pháp chăm sóc và điều trị các vấn đề của tóc. Theo nghiên cứu, vitamin B là chất tham gia vào quá trình phát triển của tóc, giúp tóc mọc nhanh và chắc khỏe. Nguồn vitamin B có trong mướp đắng cùng các thành phần vitamin C, kẽm và protein làm giảm tình trạng viêm da đầu, ngăn ngừa gãy rụng, hỗ trợ nuôi dưỡng tóc chắc khỏe và óng mượt hơn.

Kiểm soát lượng đường trong máu

Qua nhiều nghiên cứu, người ta đã chứng minh được mướp đắng có thể hỗ trợ điều hòa đường huyết. Một số thành phần có trong mướp đắng được cho là có khả năng giảm hấp thụ đường trong ruột và tăng cường sự nhạy cảm của tế bào với insulin. Mướp đắng biết đến là một trong số các loại trái cây giàu chất xơ, chứa ít đường có thể giúp thúc đẩy quá trình chuyển hóa glucose và giảm lượng đường trong máu. Vì thế mà mướp đắng được coi là thần dược cho những ai mắc bệnh tiểu đường. Không giống như các loại carbs khác, cơ thể bạn không thể tiêu hóa chất xơ, điều đó có nghĩa là nó không tạo ra glucose. Chất xơ cũng giúp tiêu hóa chậm, làm chậm quá trình hấp thụ glucose vào máu, ngăn ngừa lượng đường trong máu tăng đột biến. Mướp đắng cũng có phiên bản insulin riêng, một hoạt chất gọi là polypeptide-P hay p-insulin. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng polypeptide-P có thể giúp điều chỉnh và giảm lượng đường trong máu ở những người mắc bệnh tiểu đường một cách tự nhiên. Có nghiên cứu cho rằng có thể sử dụng mướp đắng như một loại thuốc hạ đường huyết hiệu quả. Tuy nhiên, không nên uống quá nhiều nước ép từ loại quả này vì có nguy cơ dẫn đến tình trạng đau bụng, khó chịu ở dạ dày.

Hỗ trợ điều trị sỏi thận

Sỏi thận là căn bệnh phổ biến hiện nay, có thể gây ra những cơn đau dữ dội cho bạn khi kích thước sỏi lớn, nếu không phát hiện sớm sẽ để lại nhiều biến chứng nguy hiểm. Mướp đắng sẽ hữu ích trong việc loại bỏ sỏi thận một cách tự nhiên ra khỏi cơ thể. Mướp đắng có thể làm giảm lượng acid trong nước tiểu đáng kể, từ đó có thể phá vỡ, làm nhỏ viên sỏi thành mảnh vụn và cơ thể đào thải qua đường nước tiểu, đồng thời giúp bệnh nhân giảm đau do sỏi thận. Vì vậy, những người mắc bệnh sỏi thận thường dùng dùng trà mướp đắng hoặc nước ép nước đắng hàng tuần để giảm những cơn đau khó chịu do sỏi thận.

Công dụng chữa bệnh xương khớp và kháng viêm

Vitamin K đóng vai trò là nguồn dưỡng chất quan trọng đối với cơ thể. Đây là hợp chất tham gia vào quá trình chuyển hóa khoáng chất cho xương, có ý nghĩa đối với quá trình đông máu và khả năng chống viêm. Ngoài tác dụng kích thích protein hình thành các cục máu đông giúp cầm máu vết thương, mướp đắng cũng tham gia vào quá trình tăng cường các loại protein duy trì nồng độ canxi có trong xương. Nhờ vậy có thể hạn chế quá trình thoái hóa và nguy cơ loãng xương, đảm bảo hệ xương khớp khỏe mạnh, giảm thiểu tình trạng chấn thương. Những bệnh nhân bị viêm khớp dạng thấp có thể sử dụng mướp đắng để tăng cường vitamin K giúp giảm đau và viêm.

Những bài thuốc với mướp đắng

Mướp đắng hay khổ qua được xem như một loại “thuốc đắng dã tật”, loại thuốc dân gian được sử dụng phổ biến từ xưa đến nay vì sự lành tính, phân bổ rộng rãi và dễ sử dụng. Các bộ phận của mướp đắng từ lá, quả hay ngay cả hạt của nó đều có nhiều công dụng trong y học để bào chế thuốc và chữa nhiều bệnh khác nhau.

Làm nước tắm chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh

Mướp đắng có tính mát, thành phần tự nhiên trong quả có khả năng kháng khuẩn cao giúp thanh nhiệt, giải độc, trừ mụn và trị rôm sảy, rất tốt cho da. Các mẹ có thể giã nát lá mướp đắng nấu nước hoặc lấy 2-3 quả mướp đắng xanh, băm nhỏ rồi lọc lấy nước cốt đun với nước làm nước tắm cho trẻ. Để nguội nước rồi bôi lên vùng da bị rôm sảy và dùng bã lọc được xoa nhẹ lên da khoảng 10 phút rồi tắm lại bằng nước sạch. Thực hiện hằng tuần giúp tình trạng rôm sảy ở trẻ hết, không được quá lạm dụng mướp đắng để tắm, một tuần sử dụng khoảng 2-3 lần. Lưu ý nên chọn mướp đắng sạch, không phun chất hóa học hay thuốc trừ sâu, ngâm rửa thật sạch trước khi nấu nước tắm cho bé bởi làn da em bé vô cùng nhạy cảm và dễ kích ứng. Trước khi sử dụng nước tắm từ mướp đắng, các mẹ nên thử nước lên một vùng da nhỏ của trẻ xem có biểu hiện lạ hoặc dấu hiệu kích ứng như mẩn đỏ, ngứa hay không.

Mướp đắng làm nước tắm chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh
Làm nước tắm chữa rôm sảy cho trẻ sơ sinh

Bài thuốc chữa viêm họng, trị ho

Bạn có thể chữa viêm họng đơn giản bằng cách ăn trực tiếp mướp đắng để giảm thiểu triệu chứng viêm họng cấp tính như ngứa họng, đau rát họng. Bạn chọn mua vài quả mướp đắng đem rửa sạch, bổ đôi quả rồi nạo sạch phần hạt bên trong sau đó cắt lát thành từng miếng vừa miệng, ngâm trong nước muối vài phút để khử khuẩn, sau đó nhai từng miếng từ từ nuốt lấy phần nước cốt cho tinh chất thấm vào họng, để lại phần bã. Có thể dùng phần hạt xay nhuyễn và bã vừa nhai chà nhẹ quanh vùng họng. Nếu cảm thấy không thể nhai trực tiếp được mướp đắng tươi, bạn có thể chọn cách ép nước mướp đắng uống hàng hàng cũng rất hiệu quả. Ép mướp đắt cắt nhỏ cùng một ít muối hoặc mật ong hay chanh để giảm vị đắng, dễ uống hơn tùy khẩu vị mỗi người. Ngoài phần thịt quả, ta cũng có thể sử dụng hạt mướp đắng phơi khô sắc thuốc lấy nước uống. Hoặc có thể chế biến mướp đắng thành những món ăn ngon vừa bổ dưỡng vừa có tác dụng hỗ trợ điều trị viêm họng.

Sơ chế mướp đắng trước khi chế biến
Sơ chế mướp đắng trước khi chế biến

Bài thuốc giúp giải độc, thanh nhiệt cho cơ thể

Mướp đắng có tính hàn giúp giảm nóng, thanh mát cơ thể, đồng thời giúp cơ thể thải độc khi sử dụng đều đặn. Chuẩn bị vài quả mướp đắng, rửa sạch, để ráo nước, bổ dọc quả mướp đắng để loại bỏ hết phần hạt rồi dùng dao thái thành những lát mỏng để đem đi phơi hoặc sấy khô cho đến khi nước trong quả bốc hơi hết, miếng mướp đắng quắt lại, vỏ chuyển dần sang màu nâu, sờ thấy cảm giác khô và giòn. Sau khi làm khô mướp đắng, ta bảo quản bằng cách cho vào hộp đậy kín nắp hoặc túi zip đóng chặt miệng. Khi sử dụng, thả 5-7 lát mướp đắng khô vào cốc cùng với nước đun sôi, chờ khoảng 2-3 phút là có thể thưởng thức trà khổ qua được rồi. Khuyên bạn chỉ nên sử dụng trà đã pha trong ngày để đảm bảo hiệu quả nha.

Thái mướp đắng thành những lát mỏng

Thái mướp đắng thành những lát mỏng

Bài thuốc hỗ trợ trị tiểu đường

Mướp đắng hay khổ qua được dùng như một bài thuốc dân gian giúp điều hòa lượng đường huyết từ đó trị bệnh tiểu đường đáng kể. Bạn có thể bổ sung mướp đắng vào thực đơn hàng ngày bằng cách ăn trực tiếp, ép thành nước uống, phơi khô pha trà như các bước nêu trên hoặc chế biến mướp đắng thành các món ăn như canh mướp đắng, mướp đắng nhồi thịt, mướp đắng xào trứng, ... Tuy nhiên, bệnh nhân cần tham khảo ý kiến của bác sĩ về mức độ, liều lượng sử dụng mướp đắng để phù hợp với tình trạng sức khỏe và tránh các trường hợp không mong muốn xảy ra.

Hỗ trợ tiêu viêm, trị mụn nhọt

Cho những ai muốn trị mụn nhọt sưng tấy, bạn có thể lấy lá hoặc dây của cây mướp đắng giã nhuyễn ra lấy bã để đắp lên phần bị mụn nhọt. Bằng cách khác, cũng sử dụng lá mướp đắng nhưng chúng ta không chọn cách giã nát mà đốt cháy, sau đó tán lá ra thành bột mịn rồi đắp lên mụn nhọt.
Ngoài ra, nước ép mướp đắng hay trà khổ qua còn được mọi người dùng phổ biến mỗi khi mệt mỏi, say nắng háo nước, là bài thuốc giúp sáng mắt, đồng thời giữ cho tinh thần thư thái, giảm stress, nâng cấp làn da mịn màng, ngăn ngừa các căn bệnh về da.

Trà mướp đắng
Trà mướp đắng

Nguồn tham khảo

Trong quá trình tìm hiểu thông tin để hoàn thiện bài viết này, chúng tôi có tham khảo một số dữ tiệu theo đường link dưới đây. Chúng tôi xin chân thành cám ơn các tác giả (tên được in đậm ngay sau tên tư liệu). Chúng tôi cũng không chịu bất cứ trách nhiệm gì nếu nội dung tham khảo bị thay đổi bởi bên thứ ba sau khi chúng tôi đăng bài viết này.

 
gọi Miễn Phí