Cây trồng có cần sử dụng thuốc?

Đăng lúc: , Cập nhật

Trong quá trình nuôi trồng và chăm sóc các loại cây, như cây ăn quả, cây cảnh, cây rau,... chắc hẳn các bạn đã không ít lần phải lo lắng vì cây trồng của chúng ta dễ bị nhiễm một loại bệnh nào đó phải không? Vậy nên, bài viết này sẽ giúp các bạn giải đáp một số vấn đề trong quá trình chăm, nuôi các loại cây và gợi ý một vài tip nho nhỏ để cây trồng của chúng ta trở nên khỏe mạnh và phát triển tốt hơn.

Sâu bệnh, côn trùng,...thường xuyên gây hại cho cây trồng, vì vậy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là cần thiết, nhưng cũng nên sử dụng một cách phù hợp, vừa đủ.

Giới thiệu về cây trồng và tầm quan trọng của chúng

Cây trồng là những loại cây được con người thuần hóa từ tự nhiên, trải qua nhiều quá trình chọn lọc, nuôi trồng thử nghiệm để chọn ra những giống cây ưu việt nhất, sau đó được đưa vào trồng trọt cho nhiều mục đích để đem lại năng suất hiệu quả hơn, đáp ứng nhiều nhu cầu của con người. Cây trồng chỉ chiếm một phần khá nhỏ so với tỷ lệ các loài thực vật trên trái đất, tuy nhiên chúng lại góp phần quan trọng nhất đối với sự sống của con người và các loại động vật khác. Cây trồng cung cấp cho con người các loại ngũ cốc, hoa quả,... thậm chí còn là phương thuốc để trị bệnh thay vì những loại thuốc tây mang nhiều tác dụng phụ. Đối với động vật, cây trồng cũng có tầm quan trọng không kém, là thức ăn cho những loại gia súc, gia cầm,...

Cây trồng và tầm quan trọng của chúng
Giới thiệu về cây trồng và tầm quan trọng của chúng

Cây trồng cũng rất quan trọng đối với ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế đất nước bởi hiện nay ngành nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam đóng góp một phần không nhỏ vào GDP nước nhà, cung cấp nguồn lương thực chính cho nhân dân và Việt Nam hiện nay vẫn đang là một nước nông nghiệp. Một trong những loại cây trồng tiêu biểu, mang giá trị kinh tế cao, nuôi sống hàng triệu con người Việt Nam chính là cây lúa, xuất khẩu lúa gạo cũng chính là một thế mạnh của chúng ta. Đối mỗi con người được sinh ra trên mảnh đất hình chữ S, thì lúa gạo cũng được coi là một nét truyền thống của dân tộc, hạt lúa được ví như ‘‘hạt ngọc’’ nuôi dưỡng con người, thân lúa có thể phơi khô làm rơm rạ đốt bếp hoặc cho trâu bò làm thức ăn. Đặc biệt trong những năm covid gần đây, lúa gạo đã giúp Việt Nam vừa đáp ứng tốt an ninh lương thực trong nước mà vẫn có kim ngạch xuất khẩu gạo ra nước ngoài cao. Ngoài cây lúa, chúng ta còn có thể kể tới một số loại cây trồng tiêu biểu khác, chẳng hạn như sầu riêng năm 2022 có kim ngạch xuất khẩu gấp 3 lần các năm trước đó, hay vải thiều cũng là một loại quả rất được yêu thích và bán với mức giá đắt đỏ ở nước ngoài, bên cạnh đó chuối, chanh leo, nhãn, khoai lang,... cũng đã được xuất khẩu ra nước ngoài.

Như đã nói ở trên, mặc dù cây trồng chiếm tỉ lệ khá nhỏ so với các loại thực vật trên trái đất, nhưng chúng cũng góp phần rất lớn trong công cuộc bảo vệ môi trường, giảm các khí thải nhà máy, hạn chế các biến đổi khí hậu. Xã hội loài người ngày càng phát triển cũng là lúc diện tích rừng tự nhiên ngày càng giảm, cây xanh cũng bị hạn chế phát triển, vì thế mà cây trồng càng ngày càng chiếm một vị trí quan trọng. Hiện nay chúng ta không chỉ có thể trồng cây lương thực, cây ăn quả, mà còn có thể trồng các loại cây cổ thụ, cây lấy gỗ để phủ xanh rừng bởi các giống cây này đều đã được nghiên cứu và thuần hoá. Ngoài ra cây trồng còn có thể dùng để sản xuất nhiên liệu sinh học thay cho các nhiên liệu hoá thạch gây ô nhiễm cao.

Sâu bệnh, côn trùng, nấm, vi khuẩn, virus gây hại như thế nào đến cây trồng

So với việc chăn, nuôi động vật thì công việc chăm sóc, trồng cây cũng vất vả không kém, bởi con người và động vật dễ bị bệnh hoặc lây nhiễm bệnh thì các loại cây trồng cũng thế. Mỗi loại cây sẽ được trồng theo từng vụ mùa, từng khoảng thời gian thích hợp trong năm để thu được năng suất, hiệu quả kinh tế cao nhất, tuy nhiên việc lựa chọn thời gian trồng chỉ là một yếu tố cần thiết để cây phát triển tốt. Ngoài ra còn một yếu tố khác rất quan trọng đó chính phòng ngừa cho cây khỏi sâu bệnh, côn trùng và các loại nấm, vi khuẩn, virus - chúng ta có thể gọi chung những tác nhân chính gây hại này là ‘‘kẻ gây bệnh’’. Một vài tác hại do kẻ gây bệnh gây ra có thể kể đến như sau:

Cây trồng sinh sôi và phát triển kém

Những kẻ gây bệnh thường rất biết chọn các vị trí có tầm quan trọng trong việc phát triển của cây để gây hại như rễ, thân, ngọn. Khi cây bị tấn công vào những vị trí quan trọng như thế sẽ bị suy yếu dần, giảm khả năng hấp thụ chất dinh dưỡng từ đó sẽ dẫn đến cây phát triển kém. Thông thường các loại sâu bệnh, côn trùng sẽ tấn công vào cây bằng cách ăn mòn, gây ra các vết thương trên cây gây suy giảm hệ thống miễn dịch của cây, sau đó tạo điều kiện để nấm, vi khuẩn, virus lần lượt xâm nhập sâu vào cây. Từ đó, cây trồng của chúng ta sẽ khó khăn trong việc sinh trưởng và phát triển ngày càng kém đi.

Cây phát triển kém do sâu hại tấn công
Cây phát triển kém do sâu hại tấn công

Giảm sản lượng cây trồng

Khi cây trồng sinh trưởng, phát triển bị kém đi thì đồng nghĩa với việc cả thân, hoa, lá, cành của cây đều bị phát triển kém lại. Chúng ta có thể nhận biết rõ điều này sau một thời gian để ý và so sánh giữa các cây trồng với nhau, bởi khi bị tấn công, chúng sẽ không thể phát triển hết tiềm năng vốn có của mình, thậm chí là gây thiệt hại trực tiếp đến cây như gây chết cây hoặc ảnh hưởng đến hoa, quả của cây trồng.

Giảm chất lượng, giá trị nông sản

Khi chúng ta trồng những loại cây với mục đích để thu hoạch nông sản thì những kẻ gây bệnh có thể coi là kẻ thù truyền kiếp của chúng ta. Bởi hành vi của chúng gây ảnh hưởng rất nặng nề, chúng ta không thể thu được nông sản có chất lượng, giá trị cao nếu cây trồng bị bệnh, từ đó gây ra hàng trăm hệ lụy khác đến với những người nông dân chẳng hạn như không thể thu hoạch dẫn tới tổn thất kinh tế.

Gây lây lan dịch bệnh

Một điểm rất đáng sợ là khi một cây con bị bệnh, thì nó có thể làm lây lan dịch bệnh sang các cây con khác, thậm chí là cả một khu vườn. Bởi với côn trùng, sâu bọ thì chúng có thể sinh sôi nảy nở ra các ấu trùng con sau đó di chuyển khắp nơi từ cây này sang cây khác. Còn với nấm, vi khuẩn, virus chúng có thể trú ngụ rất lâu ở trong đất, nước chỉ chờ cơ hội để kết hợp với sâu bệnh, côn trùng để phá hoại cây mà thôi.

Gây tổn thất kinh tế

Ngoài những điểm bất lợi kể trên, thì tổn thất về kinh tế chính là điểm bất lợi gây ảnh hưởng đến người nông dân nhất. Vì sâu bệnh có thể gây ảnh hưởng đến một cây, một khu vườn hay thậm chí là cả một khu vực, ảnh hưởng cả sang những giống cây trồng khác. Từ đó gây thiệt hại nặng nề đến sự phát triển kinh tế của hộ gia đình, khu vực.

Những loại bệnh do côn trùng, sâu bọ, nấm, vi khuẩn, virus gây ra thường gặp ở cây trồng

Bệnh do bị sâu bọ, côn trùng cắn

Trong ngành nông nghiệp trồng trọt có rất nhiều loại sâu bọ, côn trùng, và 99,9% trong số đó đều gây hại, chỉ 0.1% còn lại là có lợi. Tuy những loại sâu bọ, côn trùng này có kích thước khá nhỏ, nhưng số lượng của chúng lại rất lớn, chính vì vậy, một khi cây trồng bị tấn công sẽ nhanh chóng gây thiệt hại nặng nề về số lượng, chất lượng, giá trị kinh tế của cây trồng. Chúng ta hãy cùng điểm qua một vài loại sâu bọ, côn trùng phổ biến, hay gây hại nhất:

a. Sâu bướm

Đối với người nông dân, sâu bướm có thể coi là loài phá hoại đáng sợ nhất vì tốc độ phát triển, sinh sôi nảy nở của chúng vô cùng nhanh, ngoài ra chúng còn có thể ăn được hầu hết các loại rau củ quả. Chúng phát triển bằng cách các loại bướm đẻ trứng lên cây trồng, sau đó trứng sẽ nở ra ấu trùng, và ấu trùng bắt đầu ăn cây, sức ăn của loài này vô cùng khủng khiếp.

b. Con rệp

Cũng như sâu bướm, rệp là loài côn trùng gây hại phổ biến nhất. Tuy có kích thước khá nhỏ, nhưng tốc độ gây hại thì không nhỏ chút nào, chúng có thể tấn công mọi nơi trên cầy trồng như rễ, thân, lá, hoa,... sau đó thì hút chất dinh dưỡng từ cây, làm cây bị còi cọc, suy dinh dưỡng. Rệp cũng là loại côn trùng đẻ trứng, và phát triển nhanh chóng.

c. Ốc sên

Tuy rằng ốc sên có tốc độ di chuyển không được nhanh cho lắm, và trông chúng cũng không quá nhanh nhẹn, nhưng bù lại tốc độ phá hoại của chúng thì có thể xếp trong top đầu. Bởi, chúng có thể ăn hết lá và thân của các loại rau, và vết cắn của chúng khiến cây dễ bị nhiễm các loại nấm, virus, vi khuẩn gây bệnh.

Ốc sên gây bệnh cho cây
Ốc sên gây bệnh cho cây 

d. Bọ trĩ

Bọ trĩ là loại côn trùng có kích thước nhỏ, với con trưởng thành dài không quá 1cm, chúng chuyên đi chích hút chất dinh dưỡng từ cây ngoài ra còn truyền virus trở lại vào cây, làm cây bị nhiễm bệnh, gây ảnh hưởng đến năng suất cây trồng. Bọ trĩ có kích thước nhỏ nên khá khó để nhìn thấy chúng, chúng ta thường phát hiện ra sau khi cây trồng đã có biểu hiện bị bệnh rõ rệt.

e. Nhện đỏ

So với bọ trĩ thì nhện đỏ còn có kích thước nhỏ hơn, kích thước của nhện đỏ phải gọi là nhỏ, rất nhỏ với kích thước của con trưởng thành không quá 1mm. Nhện đỏ cũng gây hại bằng cách hút nhựa cây, chất dinh dưỡng từ cây, làm cong lá, vàng lá, hư lá. Chúng ta có thể tìm thấy nhện đỏ phá hoại theo bầy dưới từng mặt dưới của lá cây, và chúng cũng thường phá hoại các cây trồng lâu năm như bơ, sầu riêng,...Chúng hoạt động mạnh nhất vào tháng 2 đến tháng 5, khi mà thời tiết bắt đầu khô hạn.

f. Ruồi vàng

Ruồi vàng có bề ngoài khá giống các loài ruồi khác, nhưng chúng lại chuyên trị phá hoại năng suất cây trồng bằng cách hút nhựa và đẻ trứng vào quả khi chín hoặc gần chín. Trứng của ruồi sẽ trở thành dòi, ăn sâu vào trong quả khiến trái cây bị hư hỏng nặng nề.

g. Sâu ăn lá

Sâu ăn lá cũng là loài có tốc độ phá hoại đáng gờm, đa số chúng đều có màu giống lá cây nên khá khó để phát hiện. Chúng hầu như đều chỉ ăn lá của cây trồng, nhưng cũng sẽ gây ảnh hưởng nặng nề đến cây, bởi lá có chức năng quang hợp, hô hấp và giúp cây trao đổi khí, nếu không có lá cây sẽ nhanh chóng chết dần chết mòn. Ngoài ra các vết thương bị sâu gây ra cũng dễ khiến cây bị nhiệm bệnh do nấm, vi khuẩn, virus.

Sâu ăn lá cây
Sâu ăn lá cây 

h. Rệp sáp

Rệp sáp có lẽ là loại dễ nhận thấy khi chúng bám lên cây nhất bởi chúng có một lớp bụi phấn trắng bên ngoài thân, thường đậu và sinh sôi ở các chồi cây, kẽ của lá cây. Chúng phát triển bằng cách hút nhựa cây, chất dinh dưỡng từ cây từ đó khiến cây bị còi cọc, suy dinh dưỡng và gây chết cây.

Rệp sáp gây hại cho cây
Rệp sáp gây hại cho cây 

Phương pháp phòng trừ và trị bệnh cho cây bị côn trùng, sâu bọ tàn phá

a. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và thuốc trừ sâu

Hiện nay, các loại thuốc bảo vệ thực vật, thuốc trừ sâu đã được sử dụng phổ biến vì hiệu quả nhanh, dễ sử dụng. Tuy nhiên, khi sử dụng những loại thuốc này chúng ta cần phải sử dụng đúng cách, đúng liều lượng và thời gian nhất định để tránh dư thừa lưu lượng thuốc vào cây trồng gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dùng hoặc gây ô nhiễm môi trường.

b. Sử dụng các giống cây trồng được nghiên cứu có khả năng chống chọi với sâu bệnh

Các nhà khoa học luôn không ngừng nghiên cứu, thử nghiệm để có thể cải tiến các giống cây trồng vừa có năng suất, chất lượng cao vừa có khả năng chống chọi lại các bệnh dịch, côn trùng phổ biến. Vì vậy chúng ta cũng nên lựa chọn các giống cây trồng phù hợp để đem lại hiểu quả tốt nhất.

c. Sử dụng các loại côn trùng, vi khuẩn, nấm có lợi cho cây trồng

Chúng ta có thể sử dụng các loại côn trùng như bọ rùa, bọ ngựa,... để ăn các loại rệp, các loại côn trùng có hại khác. Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể sử dụng các loại nấm, vi khuẩn có lợi như xạ khuẩn Pseudomonas, Alcaligenes,.. nấm Penicillium, Aspergillus,.. giúp phân giải các chất dinh dưỡng để cây hấp thụ tốt hơn.

d. Sử dụng các loại phân bón

Có 3 loại phân bón chính là phân bón vô cơ, phân bón hữu cơ và phân vi sinh. Chúng ta có thể lựa chọn loại phân bón phù hợp để giúp cây hấp thụ chất dinh dưỡng tốt hơn, đầy đủ hơn, tăng sức đề kháng cho cây, giúp cây chống lại các sâu bệnh, vi khuẩn, nấm, virus gây bệnh.

Phân bón vi sinh cho cây
Phân bón vi sinh cho cây 

Bệnh do nấm gây ra

Ví dụ về nấm gây bệnh:

Hiện nay, có rất nhiều loại nấm gây bệnh ví dụ như: 

  • Nấm Pythium speciesa, Pythium phanidermatuma, Pythium myriotiluma, Pythium spinosuma gây chết cây con, thối rễ.

  • Nấm Phytophthora palmivora gây ra bệnh cho thân, lá, quả của các cây trồng lâu năm.

  • Nấm Rhizoctonia solani gây chết cây con, thối rễ và thân của cây trồng.

Những loại nấm kể trên và nhiều loại nấm khác đều dễ dàng lây nhiễm và gây bệnh cho cây, bởi các bào tử nấm thường tồn tại rất lâu ở trong đất, chỉ chờ khi có cơ hội sẽ xâm nhập vào rễ cây, sau đó gây các bệnh liên quan đến nấm cho cây trồng của chúng ta.

Nấm trên cây hoa hồng
Nấm trên cây hoa hồng 

Cách khắc phục:

  • Làm đất để trồng cây: Mục đích của việc này là giúp đất tơi xốp hơn, có khả năng giữ ẩm và thoát nước tốt nhờ đó mà chất dinh dưỡng cũng được cây hấp thu tốt hơn, ngoài ra còn giúp đất loại bỏ bớt những mầm bệnh từ nấm, virus, vi khuẩn,...Làm đất để trồng cây bao gồm các công việc như xới đất, bón phân, cải tạo đất, tưới nước hoặc cũng có thể cho thêm một số dung dịch chế phẩm sinh học để tăng khả năng tái tạo đất.

  • Chăm sóc cây bằng các loại thuốc sinh học: Chúng ta có thể dùng thuốc chế phẩm sinh học để tưới lên cây khi thấy cây trồng của chúng ta có nguy cơ bị nhiễm bệnh hoặc đã nhiễm bệnh rồi.

Bệnh do virus, vi khuẩn gây ra

Cây bị bệnh do virus, vi khuẩn gây ra rất khó phát hiện và cũng khó chữa trị bởi vì khi cây biểu hiện rõ ràng ra bên ngoài thì thường khi ấy cây đã nhiễm bệnh nặng.

a.Bệnh do vi khuẩn

Cũng giống như nấm, vi khuẩn hầu hết đều ở trong đất một số ít khác thì đến từ nguồn nước chúng ta sử dụng để tưới cho cây. Vi khuẩn có rất nhiều hình dạng khác nhau, và dễ dàng quan sát được dưới kính hiển vi khi chúng ta zoom x100 lần.

  • Vi khuẩn có thể gây ra rất nhiều bệnh như: Héo vi khuẩn, đốm lá, cháy lá, u sưng và loét. Ngoài ra nếu cây nông nghiệp khi bị nhiễm vi khuẩn có thể gây ra hư và thối quả trước khi sử dụng.

  • Một số loại vi khuẩn gây bệnh như: các chi Ralstonia, Xanthomonas, Pseudomonas và Erwinia.

b.Bệnh do virus

Virus gây bệnh cho cây trồng là những loại rất nhỏ, nhỏ hơn vi khuẩn rất nhiều lần và là loại không có cấu tạo tế bào. Theo nghiên cứu thì có khoảng 1000 loại virus gây hại cho cây, ngoài ra cũng có một số loại có lợi. Virus xâm nhập vào cây do nhiều yếu tố khách quan thông qua con người, côn trùng, do vết thương hở trên thân cây,...

  • Các biểu hiện bệnh do virus gây ra: Cây còi cọc, bị vàng lá hoặc thân, vằn lá, hay có các vết loét, vết đốm đen, lá bị biến dạng, cuốn lá, cây còi cọc, trong một số trường hợp có thể gây chết cây.

  • Một số loại virus: virus Passion Fruit Woodiness, Tobacco mosaic virus,...

c. Biện pháp phòng trừ

  • Dùng cây giống tốt, được chăm sóc, theo dõi cẩn thận và có khả năng kháng thể tốt, để hạn chế lây lan dịch bệnh

  • Bón phân định kì vào những khoảng thời gian cần thiết giúp cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt hơn

  • Nên thường xuyên dọn cỏ, vun xới đất trồng để giảm thiểu các loại côn trùng, ấu trùng trùng gây bệnh

  • Phòng trừ côn trùng chích hút là vật dẫn truyền bệnh 

  • Làm sạch cách dụng cụ lao động để giảm thiểu nguồn bệnh lây lan sang các cây khác

  • Làm sạch đất bằng các loại thuốc chế phẩm sinh học

Cây trồng có cần sử dụng thuốc?

Câu trả lời ở đây là có. Cây trồng nói riêng và các loại thực vật nói chung đểu giống như con người và các loại động vật khác, chúng đều dễ bị nhiễm một số loại bệnh do khí hậu, đất, nước, hoặc bị các loại sâu bệnh, côn trùng tấn công. Vì vậy, việc sử dụng thuốc trong trồng cây là hoàn toàn phù hợp và cần thiết. Tuy nhiên, nên sử dụng thế nào cho hợp lí? Sử dụng với liều lượng bao nhiêu? Lúc nào nên và cần sử dụng thuốc? Là những câu hỏi luôn được đặt ra cho chúng ta - những người chăm sóc, trồng cây.

Mỗi loại cây trồng đều có những đặc điểm riêng, thích nghi với từng môi trường và phương pháp chăm sóc riêng. Nhưng đa số chúng đều hay gặp phải một số vấn đề hoặc dễ mắc phải một số loại bệnh giống nhau, cây trồng bị nhiễm bệnh đa số đều do chúng đã mắc phải một số loại nấm, virus, vi khuẩn, bị sâu bệnh côn trùng cắn hoặc do nguyên nhân khác từ môi trường. Việc phát hiện kịp thời sẽ giúp chúng ta kiểm soát và có biện pháp khắc phục nhanh chóng hơn, tránh gây hại trên diện rộng.

Cây trồng có cần sử dụng thuốc
Cây trồng có nên sử dụng thuốc? 

Tìm hiểu về thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam

Thuốc bảo vệ thực vật là những chế phẩm sinh học hoặc hóa học có tác dụng tiêu diệt, xua đuổi, phòng ngừa các loại côn trùng, sâu bọ, nấm, vi khuẩn, virus gây hại cho cây. Giúp cây trồng phát triển khỏe mạnh hơn, đem lại năng suất cao hơn nếu được sử dụng đúng cách.

Phân loại thuốc bảo vệ thực vật ở Việt Nam

Hiện nay ở Việt Nam, thuốc bảo vệ thực vật được phân loại dựa trên mục đích sử dụng và phân loại theo gốc hóa học. Đối với mục đích sử dụng ta có thể phân loại như sau:

  • Thuốc trừ cỏ: Dùng để tiêu diệt các loại cỏ dại và một số loài cây không mong muốn trong quá trình trồng trọt

  • Thuốc trừ sâu: Có tác dụng tiêu diệt, đẩy lùi các loại sâu bọ, côn trùng có hại đến cây

  • Thuốc trừ bệnh: Tiêu diệt các loại nấm bệnh gây hại cho cây

Phân loại theo gốc hóa học, gồm các nhóm:

  • Thuốc thảo mộc: Có độ độc cấp tính cao, nhưng nhanh bị thủy phân trong môi trường nước.

  • Clo hữu cơ: Có độ độc cấp tính được xem là tương đối thấp, nhưng tồn tại lâu và khó phân hủy ở trong cả cơ thể người, các loại động vật và mội trường.

  • Lân hữu cơ: Có độ độc cấp tính tương đối cao so với clo hữu cơ nhưng lại dễ phân hủy hơn trong cơ thể người, các loại động vật và môi trường.

  • Carbamate: Là nhóm thuốc được sử dụng rộng rãi nhất bởi giá thành rẻ, độc tính cao, hiệu lực nhanh và có khả năng phân hủy tương tự như nhóm lân.

  • Pyrethoide: nhóm này là nhóm dễ bay hơi và dễ phân hủy 

  • Nhóm hợp chất pheromone: Là nhóm chất ít gây ảnh hưởng đến con người, các loại động vật và môi trường nhất bởi đây là các hợp chất do sinh vật tiết ra để đối phó với các loại sâu bọ, côn trùng khác.

  • Các nhóm thuốc trừ sâu vi sinh khác: Cũng ít hoặc cực kì ít gây hại lên con người và môi trường

Phân loại các cấp độ độc của thuốc bảo vệ thực vật

Theo độ độc thì thuốc bảo vệ thực vật được chia làm 4 nhóm: 

  • Nhóm I: Rất độc, được ký hiệu chữ đen trên dải màu đỏ, thường được biểu tượng bằng hình đầu lâu trắng
  • Nhóm II: Độc trung bình, được ký hiệu chữ đen trên dải màu vàng, và biểu tượng bằng chữ thập đen trên nền trắng
  • Nhóm III: Ít độc, được ký hiệu chữ đen trên dải xanh nước biển, và biểu tượng bằng các vạch đen không liên tục trên nền trắng
  • Nhóm IV: Rất ít độc, được ký hiệu chữ đen trên dải xanh lá cây, và không có biểu tượng đặc trưng
Các cấp độ của thuốc bảo vệ thực vật
Các cấp độ của thuốc bảo vệ thực vật 

Một số dạng thuốc bảo vệ thực vật phổ biến ở Việt Nam

  • Dạng nhũ dầu, thuốc ở thể lỏng, được viết tắt ND, EC
  • Dạng dung dịch, có thể hòa tan trong nước, chữ viết tắt DD, SL, L, AS
  • Dạng bột hòa được trong nước chuyển thành dung dịch, chữ viết tắt BTN, BHN, WP, DF, WDG, SP
  • Dạng huyền phù, cần được lắc đều trước khi sử dụng và không cần pha thêm với nước, viết tắt HP, FL, SC
  • Dạng hạt và viên, sử dụng bằng cách rải vào đất, viết tắt H, G, GR, P
  • Dạng thuốc phun bột, loại này không tan trong nước, là bột mịn, rải trực tiếp vào đất, viết tắt BR, D

Để sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách hiệu quả và tối ưu nhất thì chúng ta nên tuân thủ quy tắc 4 đúng: Đúng thuốc - Đúng liều - Đúng lúc - Đúng cách.

Những tác động của thuốc bảo vệ thực vật tới con người và môi trường

Liên quan tới sức khỏe của con người 

Con người thường tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật thông qua các hoạt động động nông nghiệp hoặc là trực tiếp thông qua các thực phẩm ăn uống hằng ngày. Việc tiếp xúc liên tục với thuốc bảo vệ thực vật sẽ khiến con người mắc phải một số căn bệnh hiểm nghèo, các bệnh liên quan đến thần kinh, sinh sản, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của con người. Có 4 cơ quan trên cơ thể người mà con người dễ tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật nhất, bao gồm:

  • Tiếp xúc qua da: Như đã nói ở trên, khi chúng ta sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật cho cây, chúng ta sẽ trực tiếp tiếp xúc với các loại thuốc này. Trong suốt quá trình lấy thuốc, pha trộn (hoặc có thể dùng trực tiếp), sử dụng lên cây trồng người nông dân luôn luôn phải tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật, ngoài ra sau khi đã sử dụng xong người sử dụng còn phải vệ sinh các dụng cụ hỗ trợ. Qua đó thuốc bảo vệ thực vật sẽ bám dính vào da tay, nếu không được xử lí sạch sẽ ngay sau đó thì thuốc sẽ dễ dàng ngấm sâu hơn vào cơ thể chúng ta và gây ra các hậu quả khó lường.

  • Tiếp xúc bằng miệng: Thuốc bảo vệ thực vật cũng có thể được tiếp xúc bằng miệng, chẳng hạn như khi chúng ta quên không rửa tay sau khi đã tiếp xúc với thuốc, rồi sau đó lại dùng tay lấy đồ ăn, và ăn chúng. Dù vô tình tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật bằng miệng thì đây cũng là hành động đem lại vô cùng nhiều nguy hiểm tới sức khỏe. Bởi chúng ta sẽ dễ bị ngộ độc hoặc thuốc tích tụ gây hại cho các cơ quan tiêu hóa trong cơ thể, rồi từ cơ quan tiêu hóa sẽ nhanh chóng đi vào đường máu và gây độc đến con người. Ngoài ra, còn một vài thường hợp tự tử bằng cách uống trực tiếp thuốc trừ sâu vào cơ thể.

  • Tiếp xúc bằng đường hô hấp: Với các loại thuốc trừ sâu ở cấp độ gây độc cao, cho dù chúng ta không may hít phải cũng đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cơ thể rồi. Chúng sẽ đi vào cơ thể thông qua mũi, họng và trực tiếp ảnh hưởng đến các cơ quan hô hấp, gây hại đến sức khỏe con người. Một số hành động như phun thuốc trừ sâu quá mạnh hoặc phun thuốc ở tần suất cao và nhiều khiến thuốc hòa cùng với không khí cũng dễ khiến chúng ta hít phải thuốc bảo vệ thực vật.

  • Tiếp xúc bằng mắt: Nếu không may thuốc bảo vệ thực vật tiếp xúc vào mắt người cũng gây ra hậu quả nặng nề, bởi thuốc sẽ xâm nhập trực tiếp vào màng mắt, gây ra các tác động xấu vào mắt, nặng nhất có thể gây mù. Thuốc bảo vệ thực vật có thể tiếp xúc vào mắt cũng có thể thông qua việc rửa tay chưa sạch sau khi đã tiếp xúc với thuộc hoặc cũng do việc phun thuốc, lắc thuốc quá mạnh làm bắn lên mắt.

4 cơ quan kể trên là các cơ quan dễ tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vât nhất, nhưng cho dù tiếp xúc bằng cơ quan nào, tiếp xúc như thế nào thì chúng vẫn gây hại đến cơ thể người. Chính vì vậy, cần phải có các biện pháp bảo vệ cơ thể khi cần tiếp xúc với thuốc bảo vệ thực vật.

Ảnh hưởng của thuốc bvtv lên con người
Ảnh hưởng của thuốc bảo vệ thực vật lên con người 

Đối với môi trường

Ngày nay, tần suất sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật ngày càng nhiều, bởi chúng sẽ giúp cây trồng phát triền nhanh, năng suất tốt hơn và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Nhưng đằng sau những lợi ích này thì thuốc bảo vệ thực vật cũng gây hại rất lớn đến môi trường, nguồn nước bị nhiễm thuốc, dư lượng thuốc trong đất cũng ngày càng nhiều hơn, không khí cũng bị ô nhiễm nặng nề. Bởi vì, tuy chúng ta sử dụng thuốc trực tiếp lên cây trồng, nhưng chỉ một lượng thuốc khá nhỏ là có tác động lên cây trồng, côn trùng, sâu bọ, còn lại thuốc bảo vệ thực vật sẽ bị phát tán ra môi trường, các chất độc trong thuốc có thể ở trong đất, nước, không khí rất lâu từ một năm đến một vài năm, ví dụ như thuốc gốc clo, có thể tồn tại ổn định trong môi trường rất lâu. Thuốc bảo vệ thực vật khi sử dụng không đúng liều lượng, đúng cách, đúng thời gian quy định sẽ gây ô nhiêm môi trường, mất sự đa dạng sinh học, ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên của chúng ta. Khi môi trường bị ảnh hưởng thì cả con người và các loại động vật khác cũng sẽ trực tiếp bị ảnh hưởng theo. Vì vậy, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật là không sai bởi thực vật cũng giống như con người và các loại động vật khác, nhưng chúng ta nên cần sử dụng hợp lí để hạn chế các tác động do thuốc bảo vệ thực vật đem lại.

Thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường
Thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường 

Một số biện pháp tự nhiên để phòng chống sâu, bệnh cho cây trồng

Để giảm thiểu việc phải dùng các thoại thuốc bảo vệ thực vật hóa học để bảo vệ sức khỏe cho con người và bảo vệ môi trường thì chúng ta nên tìm hiểu cách bảo vệ cây trồng bằng các phương pháp tự nhiên. Ở đây, chúng ta có thể cùng nghiên cứu một vài phương pháp tự nhiên như sau:

Luân phiên thay đổi giống cây trồng

Thông thường, các loại sâu bọ nhất định sẽ chỉ có khả năng phá hoại, gây ảnh hường lên một số giống cây nhất định mà thôi, chính vì vậy chúng ta có thể luân phiên thay đổi những loại giống cây trồng khác nhau trong từng khoảng thời gian khác nhau trong một năm, để hạn chế việc gây hại của côn trùng, sâu bọ. Bên cạnh đó, thay đổi giống cây trồng cũng giúp giảm một lượng lớn nấm bệnh, vi khuẩn, virus vì chúng sẽ không có thời gian ủ bệnh, sinh sôi để gây hại cho giống cây trồng tiếp theo. Ngoài ra, trồng xen kẽ các giống cây trồng cũng giúp tăng năng suất cây trồng, đem lại hiệu quả kinh tế tốt hơn cho người nông dân.

Sử dụng các loài thiên địch

Như chúng ta biết, ngoài những loại sâu bọ, côn trùng gây hại thì chúng ta vẫn còn rất nhiều các loại côn trùng có lợi khác. Chằng hạn như bọ ngựa, ong mật, bọ rùa, bọ cánh cứng,... những loài này thường sống ở những nơi có nhiều cây trồng, để săn mồi, trợ giúp cây trồng phát triển thuận lợi hơn. Hiện nay, nhiều nơi đã triển khai phương pháp nuôi các loại thiên địch để chống lại sâu bọ, côn trùng gây hại, nhưng nhìn chung phương pháp này khá tốn kém và mất nhiều thời gian.

Loài thiên địch của sâu bọ, côn trùng gây bệnh
Loài thiên địch của sâu bọ, côn trùng gây hại 

Chọn giống cây trồng có khả năng kháng bệnh cao

Hiện nay, các nhà nghiên cứu giống cây trồng vẫn luôn miệt mài nghiên cứu, cải tiến các giống cây trồng mới, nhằm chống chịu lại sự tàn phá của sâu bọ, côn trùng, ngoài ra còn giúp cây trồng phát triển tốt hơn, tăng năng suất, hiệu quả kinh tế.

Diệt tận tốc các loại cỏ dại

Cỏ dại mọc nhiều cũng là nơi để các mầm bênh, sâu bệnh, côn trùng trú ngụ, chúng sẽ sinh sôi, nảy nở trên các cây cỏ dại, rồi từ từ gây hại đến cây trồng của chúng ta. Tuy nhiên, cỏ dại phát triển rất tốt, chúng cũng rất khỏe, nên chúng ta cần xới kĩ đất, nhỏ bỏ, phun thuốc diệt cỏ trước khi gieo trồng các loại cây nông nghiệp.

Sử dụng túi bọc trái cho các loại cây ăn quả

Ngày nay, chúng ta không còn xa lạ với việc sử dụng các loại túi bọc quanh hoa quả để tránh sâu bọ, côn trùng đến tàn phá. Cách này tuy đơn giản nhưng lại mang đến hiệu quả rất cao, hạn chế việc hoa quả hư hại do côn trùng, sâu bệnh cắn là rất tốt.

Phòng trừ sâu bệnh bằng các chế phẩm sinh học

Ưu điểm của phương pháp này chính là giúp cây loại bỏ sâu bệnh một cách nhanh chóng nhưng không gây hại đến con người và môi trường. Các chế phẩm sinh học còn giúp tăng độ màu mỡ cho đất, tăng cường dinh dưỡng, khả năng chống chịu bệnh cho cầy trồng, và cũng hạn chế không kém tốc độ phát triển của sâu bệnh so với các sản phẩm hóa học khác. Đây cũng là phương pháp được khuyến khích, ủng hộ thực hiện nhất, bởi cách này đem lại hiệu quả cao, thực hiện nhanh chóng, và không gây hại.

Các chế phẩm sinh học có lợi
Các chế phẩm sinh học có lợi 

Kết luận 

Hãy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách phù hợp
Hãy sử dụng thuốc bảo vệ thực vật một cách phù hợp! 

Hiện nay, Việt Nam đang trong quá trình công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, vì thế nên việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đóng góp một phần không nhỏ vào quy mô sản xuất, nuôi trồng, chất lượng nông sản cũng như năng suất và giá trị kinh tế của ngành nông nghiệp. Nhưng dựa vào những mặt lợi, hại đã được phân tích ở trên, chúng ta cũng cần nhìn nhận rõ ràng lại, có nên quá lạm dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học vào việc trồng trọt hay không? Hay chúng ta nên xem xét, cân bằng lại quy trình sử dụng thuốc thay vào đó là áp dụng các phương pháp chống côn trùng, sâu bọ tự nhiên để hạn chế gây hại đến con người, các loại động vật và môi trường. Không phủ nhận những hiệu quả và giá trị của thuốc bảo vệ thực vật hóa học tạo ra cho con người, nhưng chúng ta cũng không nên lạm dụng nó quá nhiều. Sau những năm bệnh dịch xảy ra gần đây, mọi người ngày càng ưa chuộng các sản phẩm organic, vì quy trình trồng trọt chúng được diễn ra hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng chất hóa học mà thay vào đó là các chế phẩm sinh học có nguồn gốc từ thiên nhiên. Vậy nên, mỗi người trong chúng ta hãy là người tiêu dùng thông thái, biết lựa chọn, tìm hiểu, sử dụng các sản phẩm bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng nơi, đúng thời điểm.

 
gọi Miễn Phí