Phương pháp thu hoạch, để giống và bảo quản hạt giống rau - Giáo sư Đường Hồng Dật

Đăng lúc: , Cập nhật

Phương pháp thu hoạch, để giống và bảo quản hạt giống rau được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Phương pháp thu hoạch, để giống và bảo quản hạt giống rau được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Thu hoạch

Rau có nhiều loại, cho nên phương pháp thu hoạch rất khác nhau. Thời gian thu hoạch, cách thức thu hoạch có ảnh hưởng rất lớn đến sản lượng và chất lượng rau. Thời gian thu hoạch ngắn hay dài thay đổi tuỳ theo các loại rau, thời vụ gieo trồng, kỹ thuật chăm sóc và mục đích sử dụng.
Các bộ phận sử dụng của cây rau khác nhau, cho nên tiêu chuẩn chín và tiêu chuẩn thu hoạch có khác nhau.
Đối với rau, người ta phân biệt 3 loại chín: Chín thực phẩm, chín kỹ thuật và chín sinh học.

Chín thực phẩm

Là khi bộ phận cây được dùng làm thực phẩm có hình dáng màu sắc đạt được các tiêu chuẩn hàng hoá. Vì vậy người ta còn gọi loại chín này là "chín thương phẩm". Chín thương phẩm chưa phải là chín sinh học vì bộ phận sử dụng làm thương phẩm chưa thực sự chín. Thí dụ cà, dưa chuột, mướp v.v... bộ phận sử dụng là quả non, hạt chưa phát triển đầy đủ. Các loại quả này nếu đợi đến khi hạt chín hoàn toàn thì không còn giá trị sử dụng nữa. Tuy nhiên, có nhiều loại rau ăn quả, khi chín thực phẩm thì cũng là lúc bộ phận đó đạt mức chín sinh học. Thí dụ: cà chua, ớt dưa bở dưa hấu v.v..

Chín kỹ thuật

Là lúc bộ phận cây dùng làm thực phẩm đạt đến mức có thể chuyên chở, vận chuyển cất giữ được hoặc có thể làm gia công, chế biến được. Cà chua muốn vận chuyển đi xa không thể chờ đến lúc quả chín đỏ được. Thường người ta thu hái quả cà chua khi quả đạt mức chín kỹ thuật, đó là khi quả bắt đầu thay đổi màu sắc.
Cà chua chín kỹ thuật
Cà chua chín kỹ thuật

Chín sinh học

Còn được gọi là" chín sinh lý" ,"chín hạt". Đó là lúc cây rau có hạt chín hoàn toàn, có thể dùng làm giống. Những loại rau dùng để làm giống thường phải đợi đến lúc chín sinh học mới thu hoạch được.
Rau thường được thu hoạch đúng lúc, thu hoạch sớm quá hoặc muộn quá đều ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và chất lượng rau. Có nhiều loại rau, trước khi chín sinh học một thời gian thì tốc độ sinh trưởng rất nhanh. Nếu thu hoạch sớm thì sản lượng thường thấp và chất lượng không tốt, nếu để muộn tuy đạt được sản lượng cao nhưng chất lượng rau không tốt.
Đối với những loại rau thu hoạch nhiều lần như cà, ớt, cà chua, dưa chuột, .v.v... nếu được tăng cường chăm bón trong thời gian thu hoạch thì thời gian thu hoạch có thể kéo dài và làm tăng sản lượng các đợt về sau. Có những loại rau, nếu có những đợt thu hoạch đầu được tiến hành sớm một ít thì có lợi cho sự phát triển của những lứa quả sau và làm tăng tổng sản lượng.
Thí dụ: dưa chuột, mướp, ... thuộc nhóm này.
Căn cứ vào sự biến đổi sinh lý, sinh hoá trong quá trình chín, người ta chia các loại rau làm 2 nhóm lớn:
- Nhóm có đặc điểm là trong quá trình chín, chuyển hoá chủ yếu là đường biến thành tinh bột. Hàm lượng nước giảm dần. Thuộc nhóm này có khoai tây, các loại đậu. Đối với nhóm này càng chín thì hàm lượng tinh bột càng cao, khả năng cất giữ càng tốt.
- Nhóm có đặc điểm là trong quá trình chín thì chuyển hoá chủ yếu là các chất bị phân giải, một bộ phận tinh bột phân giải thành đường. Thuộc nhóm này có cà chua, dưa hấu, dưa bở... quả càng chín thì càng mềm, không chịu được khi cất giữ và vận chuyển.
Thu hoạch rau phải đúng lứa. Thu non làm giảm bớt năng suất rau, thu già làm giảm phẩm chất rau, nhất là các loại rau ăn lá, ăn củ như đậu đỗ, bầu, mướp.
Trước khi thu hoạch rau cần chú ý:
- Kiểm tra lại đồng ruộng để đánh giá tình trạng của rau và quyết định ngày thu hái, đồng thời ước tính sản lượng đợt thu đầu tiên.
- Kiểm tra lại kho tàng, các phương tiện thu hái, vận chuyển và sân bãi để rau.
- Tính toán nhân lực để thu đến đâu gọn đến đó, thu hết lứa đúng thời hạn.
- Tính toán lượng phân bón thúc sau mỗi lần thu hái.
Sau khi thu hoạch, dù là rau ăn lá hay là rau ăn quả cũng
không để lại kho nhà lâu quá, đặc biệt là không nên xếp đống và
nhúng nước, rau sẽ mau thối, phẩm chất rau giảm rất nhanh.

Để giống và bảo quản hạt giống rau.

Phần lớn là các loại rau ngắn ngày, cho nên công tác chọn lọc, lai tạo giống có thể thực hiện trong thời gian ngắn, việc giữ giống rau cũng cần tương đối ít thời gian. Tuy nhiên, phần lớn các loại rau là các loại dễ lai giống, dễ mất độ thuần khiết cũng như khả năng nẩy mầm của hạt giống. Do đó mà công tác giống rau khá phức tạp và đòi hỏi đức tính tỷ mỷ, cẩn thận.

Đặc điểm công tác giống rau

Xuất phát từ những đặc tính nông sinh học của cây rau, mà công tác giống rau cần chú ý đến:
- Tính di truyền khác biệt. Mỗi giống rau hiện đang được gieo trồng đều có những ưu điểm và nhược điểm trong đặc điểm di truyền. Thông thường giống có năng suất cao thì khả chống chịu sâu bệnh kém và khả năng cho chất lượng rau không cao. Ngược lại, những giống rau có khả năng chống chịu sâu bệnh tốt lại cho năng suất, chất lượng rau không cao. Công tác chọn tạo giống rau hiện nay đang có những nỗ lực lớn để kết hợp 3 đặc tính: Cho năng suất cao, cho phẩm chất tốt và chống chịu sâu bệnh vào trong một giống.
Công tác giống nếu không được làm tốt thì các giống rau nhanh chóng bị suy giảm các đặc tính tốt và các đặc tính xấu ngày càng tăng lên, làm cho giống rau chóng bị thoái hoá.
- Tính khác biệt của các hạt giống rau trên cây mẹ. Vị trí của quả giống trên cây mẹ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng hạt giống, đặc tính của cây con mọc lên từ những hạt giống đó. Cây cà chua mọc từ hạt lấy từ những quả gốc của cây mẹ, thường sinh trưởng mạnh và chín muộn hơn các cây mọc từ các hạt lấy ở những quả phần trên của cùng một cây mẹ ấy. Đặc điểm này giúp người trồng rau có điều kiện từng bước nâng cao những ưu điểm của những giống rau.
- Tính khác biệt sinh thái: Điều kiện đất đai, khí hậu nơi gieo trồng rau có ảnh hưởng đến các đặc tính của hạt giống. Cùng một giống rau nhưng gieo trồng ở các địa phương khác nhau thì biểu hiện của cây có những khác biệt nhau. Những khác biệt đó tích luỹ lại theo thời gian và dần hình thành nên những dạng hình sinh thái có những tính chất và đặc điểm khác nhau. Đó là cơ sở của quá trình chọn lọc nhân tạo.
- Tính khác biệt nông học: Những biện pháp kỹ thuật canh tác tác dụng lên cây, lên môi trường làm thay đổi chế độ ánh sáng, chế độ nước chế độ dinh dưỡng và các yếu tố khí hậu v.v..., sau nhiều năm có thể làm thay đổi một số đặc tính của giống cây và tạo nên những dạng hình mới có năng suất và chất lượng sản phẩm khác với giống gốc.

Tổ chức sản xuất hạt giống rau

- Để chủ động trong sản xuất, người nông dân cần tính toán để có thể tự túc một phần hạt giống rau. Tuỳ theo đặc điểm khí hậu, đất đai mà quyết định nên tự túc hạt giống loại rau nào. Việc tự túc sản xuất hạt giống rau cần được làm cẩn thận để tránh lai tạp dẫn đến thoái hoá giống.
Nói chung, diện tích để giữ giống tự túc của rau, chiếm khoảng 1-3% diện tích gieo trồng rau. Cụ thể, diện tích để giống của một số loại rau so với diện tích gieo trồng như sau:
  • Cải bắp 0,75%
  • Cà rốt 3,00%
  • Cần tây 0,2%
  • Cà chua 0,75%
  • Cà tím1%
  • Xà lách 1%
  • Su lo 1%
  • Thìa là 1,25%
  • Các loại đậu 15%
Vườn sản xuất giống rau cần được chủ động tưới tiêu nước. Đất vườn này cần vào loại tốt, có tầng canh tác dày, màu mỡ. Các biện pháp kỹ thuật cảnh tác phải ở mức cao hơn so với sản xuất rau thương phẩm. Đặc biệt cần chú trọng bón phân lân và kali. Lượng phân đạm cần được giảm đến mức ít nhất để tránh ảnh hưởng đến phẩm chất hạt giống. Tỷ lệ N, P, K thường bón cho vườn sản xuất giống rau là: 0,8 - 1: 1,5 - 1,8: 2-2,5. 
- Vườn giống rau cần được cách ly tốt để tránh quá trình lại tạp giữa các giống và các loài rau, tránh lẫn giống, nhầm giống. Khả năng lai tạp của một số loại rau khi để giống được trình bày ở bảng 10.
Bảng10.Khả năng lai tạp của một số loại rau khi để giống
Giống rau Khả năng lai tap Các giống, loại rau có thể lai tạp
Rau cải Rất dễ Với tất cả các loài rau cải không cuốn
Cải bắp, cải củ Rất dễ Với tất cả các giống cải bắp (nồi chõ, tim bò, bánh dày...) các giống su hào, su lơ, cải làn...
Cà rốt Rất dễ Với tất cả các giống cải ců.
Cà chua Rất dễ Với tất cả các giống cà rốt (đỏ, vàng, tròn, dài...).
Cà các loại Dễ Với tất cả các giống cà chua (hồng, vàng, múi...).
Dưa chuột Khó Với tất cả các giống dưa chuột khác.
Hành tây Với tất cả các giống hành khác.
Vườn giống rau không những phải cách ly hẳn với ruộng sản xuất mà còn phải bố trí cách ly giữa các giống, tạo thành những khu vực riêng với những khoảng cách ly cần thiết (xem bảng 11).
Bảng 11. Khuyến nghị khoảng không gian cách ly giữa các giống rau
Loại giống rau Khoảng không gian cách ly
khi có những ngại vật
(rừng cây, tường ngăn, đồi núi v.v..)
Khoảng không gian cách ly
khi Không có vật ngăn cách
Cây họ chữ thập, cà rốt, hành,... 600m 2.000 m
Dưa hấu, dưa chuột, dưa bở, bầu bí 500 m 1.000 m
Cà tím, cà chua 100 m 300 m
Đậu Hà lan, đậu cô ve 50 m 100m
Ớt ngọt, Ớt cay 1.000 m 2.000 m
Cây giống cần được chọn lọc cẩn thận. Việc chọn lọc cây giống cần được tiến hành thường xuyên, cẩn thận, có đánh dấu đầy đủ… trong suốt thời gian sinh trưởng của cây. Cần nắm chắc các đặc điểm quí của giống về hình thái, năng suất, phẩm chất cũng như những nhược điểm của giống để tiến hành chọn lọc, với mục đích:
• Loại bỏ những cây lẫn hay lai tạp.
• Tuyển lựa những cây có biến dị có lợi để bồi đục, cải tiến giống.
• Đảm bảo thu được các hạt giống thuần chủng.
Việc chọn lọc cây giống trên ruộng sản xuất cần đặc biệt chú trọng vào các giai đoạn:
• Khi cây rau đủ tuổi đem cấy ra ruộng.
• Khi cây rau đã trưởng thành ở ruộng sản xuất giống.
• Khi cây rau ra hoa kết quả.

- Ruộng sản xuất hạt giống cần được thu hoạch đúng độ chín, đúng lúc. Từ khi cây rau giống ra hoa kết quả, ruộng giống cần được kiểm tra theo dõi chặt chẽ vừa để đề phòng sâu, bệnh, chim chuột gây hại, vừa để có thể thu hoạch kịp thời, sát với đặc điểm sinh lý của từng giống, từng loại. Việc thu hoạch cần được tiến hành khi:
•Cải bắp, su hào, su lơ có vỏ quả vừa chuyển sang màu trắng mốc.
• Cà tím khi vỏ quả vừa chuyển sang màu vàng và trên quả có những vết nứt nhỏ.
• Bí xanh, bí đỏ khi quả đã già, vỏ quả có lớp phấn trắng, lông đã rụng hết.
• Mướp, khi quả đã già.
• Đậu đũa, khi vỏ quả chuyển sang màu trắng đục nhạt và gấp đôi lại quả không bị gẫy.
• Mướp đắng, khi vỏ quả chuyển màu. Lúc này hạt trong ruột quả đã được bao trong lớp màng đỏ tươi.
• Đậu cô ve, khi vỏ quả bắt đầu khô.
• Xà lách, trước khi chùm lông trên hoa chuyển sang khô trắng. Chín đến đậu thu hoạch đến đấy.
• Cà chua, ớt, khi quả chín hoàn toàn.

Bảo quản hạt giống rau

Bảo quản hạt giống rau
Bảo quản hạt giống rau
Sau khi thu hoạch, hạt giống rau cần được phơi khô rồi mới được đưa đi bảo quản. Không được phơi hạt giống dưới trời nắng và rải trực tiếp hạt lên sân gạch hoặc sàn xi măng, mà phải phơi dưới nắng nhẹ, trên các nong nia và cần được kê cao để tránh bị hấp hơi từ sân gạch lên. Hạt sau khi phơi khô phải để cho thật nguội mới cho vào dụng cụ bảo quản.
Hạt rau được bảo quản tốt phải đạt được các yêu cầu:
• Có độ thuần cao.
• Có sức nẩy mầm mạnh. Có khả năng giữ sức nẩy mầm lâu.
• Có tỷ lệ cây mọc cao.
• Có trọng lượng 1000 hạt theo đúng quy định đối với từng loại rau.
Các loại hạt giống rau cần được bảo quản trong điều kiện:
• Kín: Dụng cụ bảo quản phải có nắp đậy cẩn thận.
• Khô: Hạt giống phải được phơi khô. Nơi bảo quản phải cao ráo. Không khí bảo quản phải khô, thoáng để hạt giống không hút ẩm, giữ được sức nẩy mầm.
• Sạch: Hạt giống được làm sạch trước khi cất giữ. Điều kiện cất giữ cần được sạch sẽ.
• Mát: Nhiệt độ nơi bảo quản là 20-22°C. Nhiệt độ cao làm hạt giống hồ hấp mạnh, chóng tiêu hao các chất dinh dưỡng dự trữ. Vì vậy, nơi bảo quản cần thông thoáng, mát mẻ.
Dụng cụ bảo quản có ý nghĩa rất lớn đối với việc giữ gìn chất lượng của hạt giống. Trong các hộ nông dân nước ta hiện nay, dụng cụ bảo quản chủ yếu là chum, vại, vò, lọ bằng sành, sứ, gốm. Ở một số nơi có điều kiện người ta cất giữ hạt giống rau trong các thùng kim loại hai tầng vỏ, ở giữa là khoảng trống, trong đó người ta đổ với hoặc các chất hút ẩm.
Thông thường trong các dụng cụ bảo quản, ở phía dưới người ta thường xếp một lớp chất hút ẩm như: Tro bếp, vôi cục, chất hoá học hút ẩm v.v... Phía trên các chất hút ẩm người ta trải nhiều lớp giấy hút ẩm hoặc lá chuối khô. Sau đó mới để hạt giống lên trên. Hạt giống thường được gói trong các túi nhỏ có gắn nhãn ghi tên giống, năm thu hoạch, nơi sản xuất, số lượng hạt hoặc trọng lượng hạt v.v... Trước khi bỏ hạt vào dụng cụ bảo quản, lấy tay cho vào bên trong xem đã mất chưa. Nếu thấy cảm giác mát (nhiệt độ khoảng 16-18°C) mới được bỏ hạt giống vào. Sau khi để hạt giống vào xong, lại xếp lên phía trên cùng một lượt chất chống ẩm nữa rồi đặt dụng cụ bảo quản giống vào nơi khô ráo. Để giống theo cách trên đây, có thể bảo quản giống được 5-6 năm.
Trong các loại rau, đậu đỗ thường có hạt to và có hàm lượng protein cao cho nên thường có cách bảo quản riêng. Hạt đậu thường được cất giữ trong các chum, ang lớn. Trước khi cho hạt giống đậu vào để bảo quản, chum, ang phải phơi nắng thật kỹ, sau đó để nguội. Bỏ vào 2-3 kg vôi cục và lót lên trên vài lớp lá chuối khô đã phơi kỹ, lớp lá chuối dày 3-5 cm. Để độ 30 phút, cho tay vào thấy mát thì đổ hạt vào. Phía trên lại lót vài lớp lá chuối khô dày khoảng 2-3 cm. Sau đó đậy chum, ang bằng nắp sành hay chậu sành thật khít kín. Cách bảo quản này có thể giữ được sức nẩy mầm của hạt đậu 2-3 năm.
Khoai tây thường được để giống bằng củ. Thời gian cất giữ khoai tây tương đối dài đối với một loại củ cây (6-8 tháng) cho nên hư hao nhiều. Khối lượng giống phải cất giữ lại lớn. Để tránh hư hao nhiều người ta thường bảo quản củ giống khoai tây trên các giàn, giàn có nhiều tầng. Trên mỗi tầng chỉ xếp 1-2 lượt củ giống. Thường là từ tháng 4 trở đi khi nhiệt độ không khí lên cao, củ bắt đầu thối hoặc bị rệp sáp phá hại. Rệp phá hại nặng vào các tháng 6, 7, 8.
Trong khi bảo quản khoai tây cần thường xuyên kiểm tra và nhặt bỏ ra ngoài những củ bị thối, bị rệp sáp phá hại, giàn bảo quản giống khoai tây cần đặt nơi thoáng mát, gần cửa.
 
gọi Miễn Phí