Kỹ thuật trồng cây măng tây - Giáo sư Đường Hồng Dật

Đăng lúc: , Cập nhật

Kỹ thuật trồng cây măng tây đã được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Kỹ thuật trồng cây măng tây đã được Giáo sư Đường Hồng Dật nghiên cứu và biên soạn.

Đặc tính sinh học

Măng tây là loại rau cao cấp. Bộ phận được dùng làm rau là phần thân nằm trong đất, đó là những măng non. Măng non có hàm lượng các chất dinh dưỡng cao: Protit 2,2%, gluxit 1,2%, xenlulo 2,3%, tro 0,6%, canxi 21 mg%.
Trước đây người Pháp đem giống măng tây sang trồng ở nước ta. Những năm 60, 70 của thế kỷ XX, nhiều vùng ở nước ta đã trồng măng tây để chế biến xuất khẩu. Thị trường xuất khẩu măng tây là thị trường Tây Âu. Nhu cầu hàng năm có đến hàng trăm nghìn tấn và hiện nay dang tiếp tục tăng. Các nhà hàng, khách sạn trong nước hiện cũng có nhu cầu đối với măng tây chưa được đáp ứng đầy đủ.
Măng tây là loại cây trồng lâu năm, dạng bụi, thân thảo. Cây có hoa đơn tính khác gốc. Có khoảng 1/2 số cây mang hoa đực, 1/2 số cây mang hoa cái. Hoa có màu vàng hoặc màu lục nhạt.
Quả mọng, 3 ngăn khi chín có màu đỏ. Mỗi ngăn có 1-2 hạt màu đen. Vỏ hạt rất cứng. Mỗi gam có khoảng 40-60 hạt. Trọng lượng 1000 hạt là 20g.
Hạt măng tây có thể nẩy mầm ở nhiệt độ 20°C, nhưng thích hợp ở 25°C. Nhiệt độ trung bình cần thiết cho cây phát triển là 25°C. Ngay sau khi hạt nảy mầm, rễ chính rất ngắn bị chết. Thay vào đó là một rễ trụ thẳng đứng được tạo thành các rễ khác mọc ngang từ rễ trụ này. Sau đó ở khoảng cách mặt đất, trên các đốt của rễ trụ hình thành các thân mầm mới gọi là măng.
Măng là nơi tập trung các chất dinh dưỡng của cây khi còn non. Măng được thu hoạch trong nhiều năm, thường là 8-10 năm. Nhưng sản lượng lớn thường được tập trung từ năm thứ 3 đến năm thứ 5. Sang năm thứ 7-8, khi năng suất chất lượng giảm thì cần phá đi để trồng măng mới.
Các cây hoa đực hình thành rất nhiều mầm và sống lâu hơn các cây mâng hoa cái. Cây măng đực cho sản lượng cao hơn khoảng 25%, nhưng chất lượng kém hơn.
Trước khi nhú khỏi mặt đất, măng có màu trắng, mềm. Khi mọc cao hơn mặt đất chúng chuyển thành màu xanh và phát triển sinh cành có thể dài tới 2m.
Măng tây là cây ưa ánh sáng. Trồng măng tây ở những nơi bị che khuất, hiệu suất quang hợp thấp, cây sinh sản kém, năng suất măng thấp.
Măng tây có yêu cầu cao với đất trồng. Đất trống phải có độ phì cao, tơi xốp, giàu mùn. Măng tây không chịu được đất chua, độ pH thích hợp là 6-7.
Để có măng mềm, ngọt, cần được giữ ẩm đều. Độ ẩm thích hợp là 65-70%.

Kỹ thuật trồng

- Giống măng tây: Hiện nay ở nước ta có 2 nhóm giống đang được trồng:
• Nhóm măng xanh: Đại diện giống F, Caliphocnia 500. Giống này cho năng suất cao, dễ trồng, dễ thu hoạch, song giá trị thương phẩm không cao.
• Nhóm giống măng trắng: Đại diện là giống F₁ Mari- Oasinhton. Đây là giống trồng phổ biến, cho năng suất và chất lượng cao.
Hai giống tiêu biểu trên đây trồng trong các thí nghiệm nghiên cứu đều cho năng suất năm thứ nhất đạt 7-8 tạ/1ha. Năng suất năm thứ 2-3 là 15-20 tạ/1ha, năm thứ 3 trở đi cho năng suất 30 tạ/ha.
- Vườn ươm cây con: Măng tây có thể nhân giống bằng cách tách mầm nhưng thông thường hơn cả là nhân cây con bằng hạt thông qua vườn ươm.
Hạt giống trước khi gieo cần được ngâm vào nước 35°C trong một ngày đêm. Sau đó ủ hạt ở nhiệt độ 25°C cho đến khi hạt nứt nanh. Chọn những hạt đã nẩy mầm đem gieo. Những hạt còn lại đãi sạch và ủ tiếp để cho nẩy mầm đem gieo vào hôm sau.
Vườn ươm cần chọn những nơi đất cao, thoát nước. Đất cần được làm kỹ, trộn thêm phân chuồng ủ mục với 5% phân supe lân. Mỗi mét vuông vườn ươm bón 1,0-1,5kg phân trộn.
Khoảng cách giữa các hàng gieo hạt trong vườn ươm là 15- 20 cm. Khoảng cách giữa các hốc gieo hạt là 5 cm. Hạt gieo sâu 1,0-1,5 cm.
Sau khi gieo hạt, phủ đất rắc một lớp trấu đã ủ cho hoai mục hoặc lớp mùn mục sau đó tưới ẩm.
Mỗi ha ruộng trồng măng tây cần 300-400 m² vườn ươm. Lượng cây trồng trên 1 ha là 22000-25000 cây. Lượng hạt giống cần cho 1 ha là 1,0-1,5 kg (trong đó 20% hạt giống để dự phòng).
Nên gieo hạt vào đầu mùa thu. Ở các tỉnh đồng bằng sông Hồng gieo vào cuối tháng 8 đầu tháng 9, để có cây con trồng vào tháng 2.
Khi cây con lên khỏi mặt đất, cao 5-10 cm, cần dùng nước phân pha loãng để tưới thúc cho cây, 10-15 ngày tính từ sau khi thúc lần một, tiếp tục bón thúc cho cây một lần. Cần hạn chế dùng phân hoá học bón cho cây trong vườn ươm.
Khi cây được 1 tháng thì tiến hành làm cỏ, xới xáo, vun gốc cho cây kết hợp với bón thúc nước phân. Đến lúc cây 3 tháng lại tiến hành làm cỏ lần 2 cho cây như lần 1.
- Trồng, chăm sóc măng tây: Đất trồng măng tây cần được cày bừa sâu và thật kỹ. Sau khi làm đất lên luống rộng 50-60cm, cao 40cm. Rãnh rộng 30-40cm. Ở giữa các rãnh bổ sâu 20cm. Các hốc cách nhau 50cm.
Bỏ phân chuồng phân hoá học và vôi bột khi cần thiết vào hố, đảo đều phân và đất trong hố. Sau đó lấp đất một lớp mỏng rồi đặt cây con vào.
Trước khi bứng cây con để trồng 2 ngày, cần tưới đẫm vườn ươm. Khi trồng bứng cây con còn nguyên rễ. Trồng mỗi hốc 2 cây.
Lượng phân bón cho 1 ha trồng măng tây như sau: 30-40 tấn phân chuồng + 200 kg đạm urê + 100 kg Sutphát kali. Có thể tăng lượng phân chuồng lên 50 tấn/ha để kéo dài thời gian thu hoạch và tăng sản lượng.
Sau khi trồng được 2 tháng, thực hiện bón thúc với lượng phân hoá học như sau: 60 kg urê + 60 kg Sunphát kali, 90 kg Supe lân. Hàng năm giữa mùa xuân, trong 3 tháng lại tiến hành bón thúc cho măng tây với lượng phân như trên. Ngoài ra, vào thời kỳ thu hoạch măng tây nhiều, cứ hai tuần một lần dùng nước phần pha loãng tưới cho cây, kết hợp xới xáo và vun gốc cho măng tây.
Vào tháng thứ hai sau khi trồng, khi cây đã cứng cáp, tiến hành rã đất ở luống, vun dần vào gốc cây với 1/2 lượng đất trên luống. Sau đó một tháng vun nốt số đất còn lại, làm thành luống cố định có kích thước bề rộng 50 cm, rãnh 30 cm. Lần vun sau kết hợp bón thúc cho măng tây.
Khi cây măng tây được một năm, cần làm giàn chống đổ cho cây. Người ta đóng vào 2 đầu luống 2 cọc tre hoặc cọc xi măng cao 1,5-2,0 m. Sau đó dùng dây thép hoặc dây nilon căng nối hai cọc ở khoảng cách mặt luống 0,5-1,0 cm để giữ lấy cây.
Tiến hành bấm ngọn để hạn chế chiều cao khi cây cao 0,5m, 1m và 1,5m.
Kỹ thuật trồng măng tây
Kỹ thuật trồng măng tây
- Phòng trừ sâu bệnh: Măng tây có thể bị sâu xanh và bọ trĩ phá hại ở lá. Về bệnh hại chưa phát hiện thấy các trường hợp măng tây bị bệnh hại măng.
- Thu hoạch và để giống: Sản phẩm sử dụng của măng tây là phần măng non nằm dưới đất. Khi măng tây chưa nhỏ khỏi mặt đất cần tiến hành thu hoạch để đảm bảo chất lượng măng.
Cần thu hoạch vào buổi sáng sớm trước lúc mặt trời mọc để măng khỏi biến màu, chuyển sang màu lục. Dùng giầm trồng cây loại dài bới nhẹ gốc và lấy tay tách thân măng khỏi rễ trụ. Rửa sạch đất, dùng giấy bọc lại, xếp nhẹ nhàng vào sọt hoặc xô nhựa.
Nếu chưa dùng ngay, măng sau khi thu hoạch cần được bảo quản ở điều kiện nhiệt độ thấp. Nếu chăm sóc tốt năm đầu mỗi cây cho 2-3 mầm, năm thứ hai cho 8-10 mầm với trọng lượng 50-60g mỗi mầm. Chất lượng măng phụ thuộc vào đường kính gốc măng. Với cùng một chiều dài 15-20 cm, đường kính của gốc măng 2cm là tốt nhất. Loại măng này có thể dùng làm xuất khẩu. Măng có đường kính gốc 1,5-1,9 cm là loại trung bình dùng để đóng hộp và dưới 1,4cm dùng để bán tươi ra chợ.
Để để giống, người ta lấy những quả măng già, đỏ mọng, bóp lấy hạt, phơi kỹ 3-5 nắng rồi đem bảo quản để gieo vào mùa thu. Hạt thu từ cây F₁ không dùng để làm giống.
 
gọi Miễn Phí