Kỹ thuật trồng cây dầu rái

Đăng lúc: , Cập nhật

Dầu rái có tên khác là dầu con rái, dầu nước, dầu sơn. Tên khoa học Dipterocarrpus alatus Roxb. ex G.Don, thuộc họ dầu (Dipterocarpaceae).

Kỹ thuật trồng cây dầu rái

Đặc điểm hình thái

- Cây gỗ lớn, cao 40 - 50m đường kính 70 - 80cm, thân thẳng, tròn, vỏ màu xám nâu bong thành những mảnh nhỏ, cành non, cuống và mặt dưới lá phủ lông hình sao.

- Lá đơn mọc cách, hình trứng hay trái xoan thuôn.

Phân bố địa lý

- Cây phân bố rộng rãi ở Đông Nam Á. Rất phổ biến ở Đông Nam Bộ, Lào, Campuchia.

- Cây ưa sáng nhưng trong 2 năm đầu cần được che bóng, mọc tốt trên đất feralit vàng đỏ phát triển trên đá phiến thạch sét, phiến thạch mica, có thể trồng được ở cả vùng khô hạn.

Giá trị kinh tế

- Gỗ màu nâu đỏ nhạt, thớ thô, bền, nếu để ra ngoài mưa nắng sẽ mau hỏng, dễ gia công, dùng trong xây dựng, đóng đồ thông thường.

- Dầu từ thân là nguyên liệu tốt cho ngành sơn, vecni.

- Là cây trồng làm cảnh quan trong công viên, cây lục hóa đường phố.

HẠT GIỐNG

Dầu rái ra hoa vào tháng 12 đến tháng 2, quả chín tập trung vào tháng 4. Hạt giống lấy từ cây mẹ chưa khai thác nhựa. Thu hái khi quả bắt đầu rụng, cánh quả chuyển màu sẫm, hạt có nội nhũ chắc, trắng. Có thể cắt bỏ cánh quả, 1kg hạt có khoảng 425 hạt. Hạt có hàm lượng nước ban đầu khoảng 23%. Để bảo quản, có thể phơi hạt trong nắng nhẹ cho tới hàm lượng nước 14%. Hạt bảo quản trong cát ẩm ở nơi mát mẻ. Thời hạn bảo quản ngắn, dưới 3 tháng.

Ngâm hạt trong nước ấm 6 giờ trước khi gieo. Hạt có tỷ lệ nảy mầm ban đầu đạt 48% do có nhiều hạt hỏng ngay khi còn ở trên cây. Hạt nảy mầm nhanh trong 9- 30 ngày. Cắt cánh, ủ rơm rạ lên luống gieo và tưới đủ ẩm, hạt nứt rạn hoặc cây mầm không quá 5 ngày, đem gieo hoặc cấy vào bầu. Ruột bầu là đất tầng mặt dưới rừng lá rộng thường xanh hoặc nửa rụng lá, trộn với 10 - 15% phân chuồng hoai và 1 - 2% supe lân, nếu ít phân chuồng có thể tăng 0,1 - 0,5% đạm urê.

Đặt hạt nằm ngang hoặc nghiêng 45°, lấp đất dày 2cm, dùng trấu hoặc vỏ cà phê đốt để nguội, rắc kín mặt bầu để chống đóng váng và cỏ dại, tưới đủ ẩm cho cây. Giàn che bằng tre nứa có tỷ lệ che bóng 50% từ lúc gieo đến khi cây được 3 - 4 tháng tuổi.

TIÊU CHUẨN CÂY TRỒNG

 Cao 25 - 30cm, đường kính cổ rễ trên 0,4cm nếu trồng bằng cây con 3 tháng tuổi.

 Cao 50-60cm, đường kính cổ rễ trên 0,6cm nếu trồng bằng cây con 14 tháng tuổi.

Thời vụ gieo từ 15 tháng 4 đến 15 tháng 5 ngay sau khi quả chín.

THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ BẢO VỆ RỪNG

Dầu rái thích hợp ở vùng khí hậu nhiệt đới nóng ẩm. Độ cao dưới 100 - 200m so với mực nước biển. Độ dốc dưới 10 - 15 độ. Đất sâu dày, ẩm mát, thoát nước, thành phần cơ giới trung bình, pH 4,5 - 5,5. Trồng tập trung hoặc phân tán đều được. Chọn đất đỏ nâu trên đá bazan, đất xám trên đá granit và phù sa cổ dưới rừng thứ sinh nghèo kiệt để trồng rừng dầu rái là thích hợp.

Tuỳ theo phương thức trồng bằng cây con có bầu 3 tháng tuổi, hoặc 14 tháng tuổi để xử lý thực bì và áp dụng các biện pháp kỹ thuật phù hợp.

Trồng cây con 3 tháng tuổi phải áp dụng biện pháp nông lâm kết hợp. Phát dọn hoặc đốt toàn diện trước tháng 4. Cày hoặc cuốc toàn diện. Kích thước hố 30 * 30 x 30cm. Cự ly 3 x 4m. Mật độ 800 - 850 cây/ha. Có thể áp dụng 1 trong hai phương thức trồng rừng sau đây:

- Trồng hỗn giao theo hàng với các loài cây lâm nghiệp khác và thực hiện nông-lâm kết hợp trong 2-3 năm đầu như: Giữa hai băng trồng lúa, đỗ, lạc hoặc sắn. Cách gốc dầu rái 0,5m cần gieo 2 hàng đậu, hoặc dầu tràm để làm cây phù trợ..

- Trồng theo rạch trên hiện trạng rừng phục hồi nghèo kiệt, thực bì chủ yếu là cây bụi.

Trồng cây con 14 tháng tuổi phải áp dụng trồng theo rạch. Chặt bỏ tầng trên, tận dụng củi và dọn thực bì tuỳ theo băng, giữ lại lớp thảm tươi cao không quá 4 - 5m. Mở rạch có chiều rộng bằng chiều cao của lớp thảm tươi. Kích thước hố 40 * 40 x 40cm. Mật độ trồng 500 - 800 cây/ha.

Thời vụ trồng sớm nhất vào 15 tháng 7 và kết thúc chậm nhất là 30 tháng 7 nếu trồng cây con 3 tháng tuổi. Trường hợp trồng bằng cây con 14 tháng tuổi thì thích hợp nhất là vào tháng 5 và tháng 6.

Khi trồng phải xé vỏ bầu và thực hiện đúng kỹ thuật đặt cây, lấp hố, nén đất theo quy định.

1. Xử lý thực bì

Căn cứ vào phương thức trồng rừng đã xác định, xử lý thực bì phải sử dụng một trong hai phương thức sau đây:

Xử lý thực bì toàn diện: Tiến hành đốt và phát thực bì toàn diện trước mùa mưa từ 1 - 2 tháng. Phương thức này chỉ áp dụng ở những nơi có độ dốc <10°, có điều kiện thực hiện nông lâm kết hợp và trồng cây họ đậu phù trợ.

Xử lý thực bì cục bộ theo rạch: Áp dụng ở những nơi có độ dốc 10 - 20 deg hoặc ở những nơi không có điều kiện thực hiện nông-lâm kết hợp. Rạch chặt rộng 2m, rạch chừa rộng 5m (hàng cách hàng 6m). Các rạch phải mở song song với đường đồng mức.

2. Chăm sóc và bảo vệ

Rừng sau khi trông phải được chăm sóc 4 năm:

* Năm thứ nhất chăm sóc 2 lần:

- Lần 1: Tiến hành ngay sau trồng từ 1, 0 - 1, 5 tháng. Nội dung chăm sóc bao gồm các công việc: làm cỏ, xới đất, vun gốc trong phạm vi 0,6 - 0,8m.

- Lần 2: tiến hành vào tháng 11, 12, gồm các công việc: làm cỏ, xới đất xung quanh gốc trong phạm vi 1,0m, phát dọn các đường lô, các vật liệu dễ cháy phải tập trung ra giữa đường lô, xa các cây trồng để đốt.

* Năm thứ hai và thứ 3 mỗi năm 3 lần:

- Lần 1: Tiến hành vào tháng 3 - 4. Nội dung gồm các công việc: Làm cỏ xới đất xung quanh gốc và vun gốc trong phạm vi 1,0m, cắt gỡ dây leo quấn lên cây trồng, chặt tỉa những cây lấn át và trùm tán lên cây Dầu rái, phát dọn thực bì trên rạch.

- Lần 2: Tiến hành vào khoảng tháng 6-8. Nội dung chăm sóc gồm các công việc như lần 2 của năm thứ nhất.

* Năm thứ 4 cũng được chăm sóc 3 lần:

- Lần 1 và lần 2 gồm các công việc như lần 1, lần của năm thứ 2 và thứ 3. Nhưng lần 2 của năm thứ 4 phải mở tán sang mỗi bên của băng chừa 1,0m (đối với rừng trồng theo rạch). Chặt bớt hoặc tỉa cành các cây phù trợ trùm tán lên cây Dầu rái.

- Lần 3: Tiến hành vào tháng 11, 12. Nội dung gồm các công việc: Phát dọn dây leo cây bụi xung quanh gốc cây, tỉa cành hoặc chặt bỏ các cây phù trợ lấn át phát dọn trên các đường lô.

3. Nuôi dưỡng rừng

Sau 4 năm chăm sóc, tiến hành các biện pháp kỹ thuật lâm sinh nuôi dưỡng rừng, dẫn dắt rừng sinh trưởng tốt hơn để nhanh chóng đáp ứng mục tiêu phòng hộ, công việc bao gồm: tỉa thưa các cây phù trợ trùm tán, phát luồng dây leo cây bụi lấn át, phát dọn đường lô. Tiến hành mỗi năm 1 lần vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa cho tới khi rừng khép tán hoàn toàn và phát huy chức năng phòng hộ bền vững.

4. Bảo vệ rừng

Đơn vị thực hiện chương trình trồng rừng phải xây dựng kế hoạch và tổ chức các biện pháp bảo vệ rừng.

- Ngăn chặn trâu bò vào phá hoại cây trồng, tuyên truyền sâu rộng đến nhân dân xung quanh vùng về ý nghĩa của việc bảo vệ rừng.

- Phải có biện pháp phòng chống cháy rừng trong mùa khô. Phòng chống cháy rừng bằng cách cày làm sạch cỏ theo băng. Trên mỗi hàng cây cần dãy sạch cỏ, làm đường ranh ngăn lửa, đặt biển báo cấm đốt lửa trong rừng ngay ngoài bìa rừng.

- Phòng chống sâu bệnh hại.

- Tổ chức lực lượng tuần tra canh gác, ngăn chặn mọi hành động phá hoại rừng. Sau 8-10 năm, tỉa thưa lần đầu để mở tán cho cây sinh trưởng thuận lợi.
 
gọi Miễn Phí