Hướng dẫn kĩ thuật ghép mắt nhãn lên gốc vải

Ghép nhãn lên vải là kĩ thuật đem lại hiệu quả rất cao nhưng không phải người thợ làm vườn nào cũng biết và dám làm.

Tác giả bài viết: Đoàn Thị My

1. Kĩ thuật cưa đốn

- Đây là khâu đầu tiên trong quá trình ghép cải tạo, quyết định đến chất lượng cây gốc ghép, tỷ lệ sống và khả năng sinh trưởng của cây sau khi ghép cải tạo.
- Thời gian cưa đốn thích hợp là từ cuối tháng 7 đầu tháng 8 (sau khi thu xong vải). Cưa đốn trên cành cấp 2 hoặc cấp 3 (tùy tuổi cây), chiều cao từ mặt đất đến vết cưa khoảng 1-1,2m. Giữ lại 2-3 cành theo các hướng khác nhau hoặc một cành giữa tán cây làm cành thở.
- Sử dụng cành lá cây vải vừa cưa đốn phủ kín lên gốc cây vải vừa cưa để che nắng.

2. Chăm sóc chồi vải tái sinh

- Bón phân cho cây gốc ghép. Lượng phân bón: phân chuồng 30-50kg/cây/năm; urê 0,7-1kg/cây/năm; lân 1,5-1,7 kg/cây/năm; kali 0,7-1kg/cây/năm.
- Cách bón: Xẻ rãnh xung quanh cây theo hình chiếu của tán cây với bề mặt rộng 20 - 30cm, đào sâu 30cm, rải phân đều vào rãnh, lấp đất, ủ gốc và tưới nước giữ ẩm để cây dễ hấp thụ.
- Chia làm 3 lần bón: Lần 1, bón vào tháng 8-9 khi chồi vải tái sinh đã thành thục: 30% urê, 30% kali, 100% lân và 100% phân chuồng. Lần 2, bón vào tháng 11: 30% urê, 40% kali. Lần 3, bón vào tháng 2- 3 năm sau: 40% urê, 30% kali.
- Sử dụng các loại phân có hàm lượng dinh dưỡng cao bón bổ sung qua lá để thúc đẩy cành sinh trưởng phát triển. Lần 1 phun khi lộc đợt 1 đã thành thục, các lần phun tiếp theo cách nhau 20- 25 ngày, phun từ 4-5 lần với nồng độ 0,15- 0,2%.

3. Kĩ thuật ghép cải tạo

- Thời gian ghép tốt nhất vào cuối tháng 4 và 5 hoặc cuối tháng 8 và 9.
- Đoạn cành nhãn chọn để ghép là cành bánh tẻ, không bị cong queo, không sâu bệnh, có từ 3-5 mắt ngủ. Đoạn cành nhãn để ghép phải cắt bỏ hết lá, dùng khăn vải ẩm sạch bọc kín mắt và giữ ở nơi thoáng mát để mắt không bị khô.
- Tốt nhất là ghép ngay trong ngày.
- Phương pháp ghép: Ghép đoạn cành (ghép chẻ bên hoặc ghép vát).
- Thao tác ghép cần nhanh, kỹ thuật chính xác.
- Trên cành mắt ghép tạo một vết cắt dài 2,5- 3cm với độ vát 25 -30 độ.
- Phần gốc ghép ta chẻ dọc hoặc tạo một vết cắt ngay gần sát lớp vỏ với 1 vết cắt khoảng 2,5-3cm.
- Vết cắt phải nhẵn, phẳng. Dùng dây nylon tự hủy (dây ghép chuyên dụng) quấn phủ kín chặt phần dưới gốc ghép, sau đó trải rộng quấn phủ kín phần trên mắt ghép.

4. Chăm sóc sau khi ghép

- Xử lý kiến: Phải tiến hành phun thuốc trừ kiến ngay sau khi ghép xong bằng các loại thuốc Ofatox, Sherpa 25C với nồng độ 0,15-0,2%, sau 2-3 ngày phun lặp lại một lần cho đến khi mắt ghép bật mầm.
- Vặt mầm dại: Sau khi ghép xong khoảng 7 -10 ngày, các mầm ở dưới gốc ghép bật lên (mầm dại), lúc này ta phải kiểm tra và vặt bỏ mầm dại thường xuyên.
- Cắt bỏ cành thở: Sau khi mầm ghép được 1- 2 đợt lộc thành thục thì tiến hành cắt bỏ hết các cành thở để cây tập trung dinh dưỡng nuôi mầm ghép.

5. Phòng trừ sâu bệnh

- Bọ phấn trắng thường gây hại lá non và lá bánh tẻ. Sử dụng Sherpa, Kinamus, Supation, phun theo khuyến cáo.
- Sâu đục ngọn phát sinh gây hại các đợt lộc non, lá non. Sử dụng Polytrin hoặc Sumicidin nồng độ 0,2%, phun thành 2 lần, đợt 1 khi cây xuất hiện lộc non, đợt hai sau đợt một 2 tuần.
- Châu chấu xanh nhỏ gây hại trên lá non và bánh tẻ. Sử dụng Polytrin, Supracid, Sherpa 25C, phun với nồng độ 0,15-0,2%.
- Bệnh đốm nâu gây hại trên lá non và lá bánh tẻ, dùng Rhidomin 5G, Daconil 500SC, Bavistin 50 FL, phun khi lộc non mới ra.
- Bệnh khô đầu lá xuất hiện làm khô mép lá bánh tẻ và lá già, sử dụng Rhidomil 0,2% để phun phòng trừ.

Dựa vào bài viết, các bạn đã biết cách hướng dẫn kĩ thuật ghép mắt nhãn lên gốc vải. Với kỹ thuật này, các bạn chắc chắn sẽ cần đến những cuộn băng ghép cây. Bạn có thể tham khảo chi tiết hơn về sản phầm cuộn băng ghép cây tại đây.



Cuộn băng keo ghép cây

Nguồn tin: Công Cụ Tốt

Người đăng bài viết: Vũ Hải Sơn

Nội dung