Cách trồng nấm làm thực phẩm tại nhà

Trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, nhiều gia đình ngày càng hướng đến cũng như thích thú với việc nuôi trồng thực phẩm sạch tại nhà để tiết kiệm kinh tế. Nếu bạn đã quá chán với các cây gia vị, rau quả bình thường thì hãy xem sự phát triển thần kỳ của một loại “cây” khác không hề xa lạ - cây nấm. Bằng cách nào và có lợi ích gì, chúng ta hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này của Congcutot.

Tác giả bài viết: Trâm Đoàn

1. Trồng nấm cần những gì?

1.1 Phôi nấm

   Phôi nấm chính là môi trường phát triển trong túi bọc kín trước khi hình thành được nấm tươi. Những bịch phôi thường có dạng giống bình nước lọc. Trong phôi sẽ bao gồm thành phần chính là mùn cưa của cây cao su (cây tràm, mít). Ngoài ra phôi nấm còn được trộn theo tỉ lệ vừa đủ với ít vôi bột, cám dinh dưỡng hay rơm và bông. Những nguyên liệu tưởng như thừa thãi này khi kết hợp lại đã góp phần làm nên cả một ngành thực phẩm có giá trị kinh tế.
 
   Khách hàng có thể yên tâm về chất lượng phôi nấm trên thị trường hiện nay bởi nếu làm sai bất kỳ bước nào trong quá trình sản xuất phôi, hiệu quả trồng sẽ không xảy ra. Hiện nay, có rất nhiều loại phôi nấm có thể tìm mua từ những doanh nghiệp vừa và nhỏ. Nếu không tin tưởng về việc mua qua mạng, hãy trực tiếp tìm đến xưởng sản xuất phôi nấm có tên tuổi. Khi đó, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến quy trình nuôi trồng hàng loạt của nông trại và có lẽ còn tích lũy thêm nhiều kinh nghiệm từ chính những người buôn giống. Dịch vụ trải nghiệm và thu trồng nấm mang về đang được áp dụng ở rất nhiều nơi, sẽ rất bổ ích khi rủ bạn bè cùng đi đó.
 
 

1.2 Dao sắc

 Dao thường hay dao rọc giấy trong trường hợp này đều chấp nhận được vì ta chỉ cần một vật đủ sắc để rạch phôi nấm ra. Rạch phôi bằng cách nào để hiệu quả thì sẽ được tìm hiểu ở phần sau.
 

1.3 Bình phun sương

Chắc hẳn với các bạn có sở thích trồng cây cảnh thì bình phun sương tưới nước không còn là xa lạ. Thực tế, nếu mua phôi nấm nhỏ thì cũng không cần đến bình phun to xịt quá mạnh. Bạn có thể mua lọ chiết mỹ phẩm nhỏ dạng xịt sương để tưới lên mũ nấm dễ hơn. Chăm sóc cây cảnh luôn cần sự ân cần và kiên nhẫn phải không nào?
 

1.4 Đĩa nhựa (không bắt buộc)

   Giả sử bạn có việc phải ra ngoài hay đi xa trong nhiều ngày thì đĩa nhựa đựng nước đặt cạnh phôi nấm sẽ làm thay công việc chăm sóc hàng ngày cho bạn. Có một cách khác nữa là làm ẩm nền xung quanh phôi nhưng sẽ không tiện bằng. Để nấm ra nhanh hơn, các gia đình tự trồng đã tích lũy kinh nghiệm trồng và chọn sử dụng đĩa. 

2. Cách trồng loại nấm đơn giản nhất - Nấm sò trắng

Tại sao bọn mình lại chọn nấm sò trắng? Vì loại nấm này dễ tìm mua, dễ ăn và dễ trồng nhất trong số các loại nấm từng thử nghiệm. Sau khi chế biến nấm, nấm thường co lại nên nếu trồng các loại nhỏ hơn như nấm linh chi hay nấm đông cô thì thành quả thu lại sẽ lâu hơn. Hơn nữa, nấm sò chứa rất nhiều chất khoáng và dinh dưỡng tốt cần thiết cho cơ thể. Nếu bạn mới bắt đầu với việc trồng nấm thì nấm sò là lựa chọn cơ bản nhất.

 

2.1 Khi mới mang nấm về nhà

Nếu đặt hàng online hay vận chuyển phôi nấm từ quãng đường xa về, bạn hãy để phôi vào một góc trong nhà để nó được “nghỉ ngơi” sau những va đập khi ở trong môi trường không thuận lợi. Cơ chế hoạt động của nấm phát sinh từ những bào tử trắng li ti đậu vào nơi ẩm ướt, từ đó mọc lên cây. Vì nấm chủ yếu chỉ cần nước để duy trì nên bạn phải để phôi ở nơi kín gió, không có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào. Ánh nắng thường rút cạn lượng nước của nấm và gió sẽ giúp thổi bay các bào tử từ phôi đi khắp nơi. Vậy nên nếu nhà bạn có trẻ nhỏ hay người già, khi hít phải những bào tử này thì cũng không tốt cho sức khỏe.

Vị trí thuận lợi bạn có thể đặt là trong gầm, chạn hay trong tủ kín (tránh tủ gỗ vì dễ ẩm mốc). Ở các nông trại nuôi nấm, họ thường xếp phôi nằm trên giá để nấm mọc ra ở đầu bịch. Nếu nhà bạn thiếu không gian, hãy tự chế ra một dây treo bịch nấm giống các dây treo chậu cây cảnh.

Sau khi chọn được vị trí lâu dài, điều bạn cần làm là giữ ẩm cho phôi để nó về đúng nhiệt độ phát triển thuận lợi (23 đến 28 độ C). Dùng một chiếc khăn ướt bọc quanh bịch phôi là cách nhanh nhất để giữ độ ẩm không khí bao quanh. Nếu sợ khăn ẩm mùi thì bạn có thể dùng bình xịt quanh phôi từ 3-4 lần một ngày. Trong khi phôi “nghỉ ngơi”, ta mong đợi các sợi tơ nấm trắng trong phôi tỏa ra kín khắp bịch. Nếu bạn để ý, khi mới mang về những sợi tơ này chưa tỏa hết ra nên rạch bịch luôn thì sẽ rất lâu mới mọc được cây. Thời gian tỏa hết tơ nấm là không xác định vì mỗi bịch phôi là khác nhau, môi trường và cách chăm sóc cũng khác. Tiếp tục quan sát phôi chuyển mình sang màu trắng để kiểm tra bước tiếp theo nhé. Và hãy nhớ, không được mất kiên nhẫn!

 
 

2.2 Khi rạch phôi

Một khi phôi nấm đã tỏa hết, bạn có thể tiến hành rạch các đường trên phôi bằng dao rọc giấy. Nếu bịch phôi nhỏ, rạch các đường chéo và cách ngang nhau khoảng 3cm. Với bịch nấm to dài hơn, bạn rạch so le để miễn sao khi mọc nấm chúng sẽ không bị chạm vào nhau. Độ sâu khi rạch nấm là 2-3 cm. Sau khi rạch, bạn tiếp tục xịt nước giữ ẩm cho bịch phôi, đặc biệt là những chỗ đã rạch. Chú ý không tưới quá nhiều vào phần phôi ở trong. Tưới nước 3-4 lần trong ngày, có thể điều chỉnh nếu thấy thời tiết hanh khô.

2.3 Khi nấm lên

Dự kiến từ 5-7 ngày sau khi rạch, nấm sẽ dần mọc lên. Đến lúc này bạn chỉ cần tưới nhẹ lên mũ nấm và đặt đĩa đựng nước bên cạnh nhằm cho nấm phát triển nhanh hơn. Cảm nhận thân nấm cứng cáp và đường kính mũ khoảng 4-5 cm thì có thể thu hái để chế biến rồi. Nấm sò trắng hợp nhất để xào, làm súp và ruốc nấm. Hãy tự do tạo ra công thức nấu ăn mới từ những cây nấm sạch mà chính tay bạn trồng ra nhé.

3. Những lầm tưởng về việc trồng nấm

Cách tự trồng nấm tại nhà cho gia đình rất dễ dàng, vừa có thể thu được thành quả nhanh, lại vừa có nấm sạch để thưởng thức. Tuy nhiên, vẫn còn có nhiều người nghi ngờ liệu nấm có độc hay ảnh hưởng đến sức khỏe đến thành viên trong nhà nên chưa dám thử nghiệm. Đúng là một số loại nấm có thể khiến nhiều người khiếp sợ vì những lầm tưởng về tính độc bên trong của nó. Các loại nấm sò, nấm bào ngư, nấm linh chi hay nấm đùi gà là những loại nấm cơ bản mọi người có thể tìm mua mà không phải lo lắng.
 


Phôi nấm Linh Chi
 

4. Lợi ích cho các gia đình tự trồng nấm tại nhà

   Không phải tự nhiên mà những người ăn chay hay thường xuyên tập luyện hay bỏ nấm vào khẩu phần ăn hàng ngày của họ. Đây là bảng giá trị dinh dưỡng trong một cây nấm cơ bản:
 
Giá trị dinh dưỡng Khối lượng (gam)
Protein 2.2
Carbs 2.3
Chất xơ 0.7
Chất béo 0.2
Canxi 0.8
Sắt 0.4
Gluten 0
Cholesterol 0
 
Nấm là bài thuốc chữa bệnh hiệu quả trong y học hiện nay và sẽ còn mở rộng tiềm năng phát triển sang nhiều ngành nghề khác sau này. Những ngày tháng giãn cách này sẽ là cơ hội để các thành viên trong gia đình cùng tham gia hoạt động gắn kết như việc trồng nấm. Cha mẹ có thể dạy cho con về cách nấm hoạt động, giải thích cho con về thế giới quan thiên nhiên rộng lớn…
 
Còn rất nhiều thông tin thú vị về cây nấm nhỏ bé mà nhiều người trong chúng ta chưa hề biết. Hãy khoe thành quả trồng nấm cùng Congcutot và tiếp tục theo dõi các bài viết về nấm của chúng mình nhé!

Nguồn tin: Công Cụ Tốt

Người đăng bài viết: Quản trị hệ thống

Nội dung