Công Cụ Tốt

Nội dung

Cách xây dựng một vườn rau dinh dưỡng gia đình - TS. Nguyễn Văn Hoan

Đăng lúc: Thứ bảy - 14/10/2023 16:11, Cập nhật 19/10/2023 16:44

TS. Nguyễn Văn Hoan sẽ hướng dẫn chúng ta tìm hiểu các công việc cần để xây dựng một vườn rau dinh dưỡng gia đình như: Quy hoạch vườn, chọn cơ cấu các cây rau,... Để giúp chúng ta có thể dễ dàng xây dựng một vườn rau đầy đủ dinh dưỡng trong chính ngôi nhà của mình.

TS. Nguyễn Văn Hoan đã giải thích về vườn rau dinh dưỡng gia đình, tiếp theo đây chúng ta sẽ tìm hiểu cách để xây dựng một vườn rau dinh dưỡng gia đình.

Chúng ta đã hiểu thế nào là vườn rau dinh dưỡng gia đình và thế nào là một vườn rau dinh dưỡng tốt. Các công việc phải làm là:

Quy hoạch vườn

Là bước đi đầu tiên rất quan trọng. Nếu có đủ đất thì cần phải dành ra một khoảnh đất tốt nhất trong vườn theo tiêu chuẩn:
- Thoáng đãng, đủ ánh sáng
- Gần giếng hoặc ao để tiện tưới tiêu
- Tiện đi lại để thu hoạch dễ dàng.

Đây là phần thứ nhất của vườn rau dinh dưỡng gia đình. Khoảnh đất này cần được rào cẩn thận để tránh gia súc, gia cầm phá hoại. Theo kinh nghiệm của nhiều địa phương thì hàng rào bảo vệ nên có hai phần: phần cơ bản và phần phụ trợ. Phần cơ bản là các cọc khỏe bền vững nhiều năm, phần phụ trợ được bổ sung hàng vụ hoặc hàng năm đảm bảo kín và thoáng. Nhiều gia đình dùng cây sắn để làm phần cơ bản của rào. Cọc sắn được chôn cọc nọ cách cọc kia 20 cm, nên chọn các cây sắn dài 1,2 m để làm cọc. Cọc sắn là loại cọc sống có hai tác dụng: làm hàng rào và thu hoạch rau ăn, loại cọc này to dần ra và có thể tồn tại 3 - 4 năm mới phải thay lớp khác.

Hình 1. Sơ đồ hàng rào
Phần phụ trợ là các tấm phên hoặc thân cây điền thanh, thân cây đay có tác dụng chắn không cho gà, lợn chui qua (Hình 1). Hàng rào cần để 1 cửa ra vào, cửa này rộng 60 - 80 cm là tấm phên chắn làm cánh cửa. Phần thứ 2 của vườn rau dinh dưỡng gia đình (VRDDGĐ) là làm giàn để trồng các cây rau thân leo. Người ta thường tận dụng phần sân trước nhà, phần đường đi để làm giàn cho cây leo. Một giàn cho mướp leo chẳng hạn gồm 2 phần: phần cơ bản gọi là xương giàn, được làm từ các vật liệu chắc chắn gồm các cọc chôn xuống đất, các kèo gác bên trên. Trước khi cho cây leo lên, người ta gác thêm phần phụ và có được một giàn hoàn chỉnh (Hình 2).

Hình 2. Giàn cho thân cây leo
Phần thứ 3 của vườn rau dinh dưỡng gia đình là các khoảnh hoặc doi đất tận dụng. Các khoảnh này có thể là một góc tường, dưới tán cây, một góc gần giếng, khoảnh đất giữa nhà bếp và chuồng lợn... Thậm chí có thể tận dụng hàng rào quanh nhà. Tất cả các vị trí trên đều có thể trồng được rau phục vụ bữa ăn hàng ngày của gia đình nếu ta biết chọn đúng các cây rau để trống trong vườn nhà sao cho phù hợp với các vị trí được sử dụng.

Chọn cơ cấu các cây rau

Chọn cơ cấu các cây rau trước hết dựa theo các yêu cầu của một vườn rau gia đình và phải nắm được đặc tính sinh học của chúng để bố trí địa điểm trồng phù hợp. Về yêu cầu của một vườn rau gia đình ta đã biết ở phần 2, ở đây trình bày tiếp phần đặc tính sinh học của các loài rau trồng ở vườn rau dinh dưỡng gia đình.

Theo kiểu thân, rau được chia làm 3 loại:


a) Thân thảo: Chiếm phần lớn số cây rau trong vườn như rau muống, rau dền, rau cải, cải cúc, dọc mùng, khoai lang, bí rau, mùi tầu, thì là, hành, tỏi... Các cây rau này thường trồng và thu hoạch trong vài tháng, bố trí trồng liên tiếp nhiều vụ trên một mảnh đất. Nhóm rau này thường được trồng ở phần thứ nhất của vườn.

b) Thân thảo hóa gỗ: Rau ngót, rau đay, mùng tơi thân gỗ, cà tím lâu niên, cà pháo, húng chanh... Nhóm cây này phần lớn là cây dài ngày có thể trồng một lần thu hoạch nhiều đợt nối tiếp nhau. Nơi trồng là phần thứ 3 của vườn.

Thân thảo hóa gỗ

c) Thân leo: Bầu, bí, mướp, đậu ván, đậu rồng, đậu đũa, bí xanh... Nhóm này cần làm giàn cho chúng leo và là cây tồn tại từ 3 - 6 tháng nên có thể tính toán để trồng 3 - 4 cây ở 1 giàn trong 1 năm. Các loại rau này được trồng ở phần thứ 2 của vườn.

Theo tính chịu bóng chia ra:


a) Ưa sáng (không chịu được bóng): Rau dền, rau cải cúc, bí, rau, thì là, hành, tỏi, mùng tơi, cà tím lâu niên, tía tô, húng chanh, đậu rồng, đậu ván, mướp, bí xanh... Các loại rau này cần bố trí trồng ở một khu đất riêng, được rào cẩn thận, hoặc ở các lô đất trồng đầy đủ ánh sáng.

b) Cây chịu được bóng: Dọc mùng, cà pháo, húng lủi, xương xông, cây riềng, cây bầu đất, cây rau đay, cây rau ngót... Có thể trồng ở những nơi thiếu ánh sáng như đầu nhà, sau bếp, giữa hai hàng cây ăn quả.

c) Cây ưa bóng: Cây mùi tầu, cây gừng, cây diếp cá, cây lá lốt, cây chuối rau... Bố trí trồng các cây rau này ở những nơi ít ánh sáng như ven tường, sau nhà, dưới tán cây ăn quả...

Cây rau ưa bóng

Theo cách thu hái chia ra:


a) Cây thu hoạch 1 lần: Khi thu hoạch cắt hoặc nhổ cả cây, cây không thể tái sinh được nữa như rau cải các loại, rau dền ngắn ngày...

b) Cây thu hoạch từ từ: Các loại cây thân leo thu hoạch quả dần dần như mướp, bầu, đậu ván, đậu đũa, đậu rồng; cây thân thảo như cà pháo, cà tím lâu niên... hoặc thu lá từ từ như rau diếp, xương xông...

c) Cây thu hoạch nhiều lần: Khi cắt thân hoặc cắt rau cành thì cây tiếp tục mọc chồi khác để thu hoạch tiếp lần sau. Thuộc nhóm này gồm các cây như rau muống, mùng tơi leo, rau dền dài ngày, mùng tơi thân gỗ, rau sắn, ngót, lá lốt, diếp cá, kinh giới, húng chanh, tía tô, rau ngổ...

Cây rau thu hoạch nhiều lần

Dựa vào đặc tính sinh học của các cây rau theo cách phân loại trên, căn cứ vào thực tế đất đai hiện có trong gia đình, theo yêu cầu sử dụng rau từng tháng của gia đình mà chọn các cây rau cho phù hợp để có thể tận dụng tối đa các khoảng đất trống, các khoảng không gian trong vườn quanh nhà đảm bảo sự đa dạng, đủ rau ăn quanh năm, đủ thành phần dinh dưỡng và mùi vị cho bữa ăn của gia đình. Sau đây là một số ví dụ về bố trí VRDDGĐ ở một số địa phương trên miền Bắc.

Vùng Trung du, Miền núi:


- Giàn trước nhà: hoa thiên lý

- Giàn dọc theo cổng vào: trồng gối liên tiếp các cây mướp, đậu đũa, đậu ván (hoặc đậu rồng), bầu.

- Tường rào hoặc bờ rào: đậu đũa, mùng tơi leo Sau nhà: rau ngót, cà pháo, cà tím lâu niên

- Trước nhà: ớt, đinh lăng

- Dưới tán cây ăn quả: mùi tầu, gừng

- Dưới chân hàng rào: lá lốt, gừng, riềng t

- Góc giếng: mùng tơi thân gỗ, rau răm, rau ngổ, diếp cá.

- Vườn rau: bờ rào bằng cây sắn thu rau sắn nhiều lần. Trong vườn có 1/2 diện tích cây rau thu hái nhiều lần như rau dền dài ngày, húng chanh, húng lủi, rau muống cạn, cây bầu đất. 1/2 diện tích còn lại trồng liên tiếp các cây rau ngắn ngày như: lú bú, rau cải, cải cúc, rau bí, rau diếp, mùng tơi ngắn ngày.

Rau vùng Trung du, Miền núi

Vùng Đồng bằng:


- Giàn trước nhà: hoa thiên lý 

- Giàn từ cổng vào: mướp, đậu ván, bầu, su su

- Bờ rào: cây me ăn lá dưới gốc là cây lá lốt

- Sau nhà: xương xông

- Trước nhà: rau ngót, đinh lăng, ớt

- Đầu nhà: diếp cá, mùi tầu

- Bờ ao: rau cải, vài cây chuối rau

- Chân ao: rau muống, dọc mùng, rau ngổ

- Dưới ao: rau muống bè, rau rút.

- Vườn rau nhỏ: rau muống cạn, rau mùng tơi, rau đay, rau cải canh, lú bú, cải củ, su hào, húng lủi, thì là... Bờ rào của vườn rau nhỏ có thể trồng bao quanh bằng cây mùng tơi thân gỗ để thu hái lá dần dần. Còn rất nhiều mô hình khác nữa bà con có thể sáng tạo sao cho phù hợp với thực tế của gia đình, kết hợp với các cây có sẵn trong vườn như chuối, khế, đu đủ... để tạo ra một vườn rau hoàn chỉnh.

Rau vùng Đồng bằng

Hai mô hình nêu ở trên có thể đáp ứng hoàn toàn nhu cầu về rau của gia đình cả về mặt số lượng, chủng loại cũng như rau dinh dưỡng và mùi vị, gia đình chủ động trong mọi tình huống và tạo ra một cảnh quan đẹp trong nhà.


Bài viết liên quan